Không khí về bản chất không mùi, không vị. Nhưng sự thật chúng ta đang sống trong những không khí khác nhau với những mùi vị khác nhau: Vị mặn mòi của không khí biển, vị đắng đót bên triền hoa cải vàng rượi bên sông, vị cay nồng của không khí nơi quê vợ tôi Thái Bình vào mùa thu hoạch ớt…
Mùi tanh thoảng trong không khí khi anh dắt tay em dạo bên bờ biển năm nảo, năm nào như còn đọng trong khứu giác. Mùi phân trâu hăng hắc nồng nàn năm theo cô giáo người dân tộc lên thăm trường học ở vùng cao Pắc Nậm vẫn phảng phất trong kỷ niệm. Hôm vừa rồi tôi lên Sapa, 5 giờ sáng tỉnh dậy. Loay hoay mở cửa ra ban công. Cửa vừa mở một làn mây mỏng như sương khói ùa vào tận phòng. Lần đầu tiên tôi ngửi thấy mùi không khí thanh sạch nơi đây. Nó mát vào tận phổi và thoang thoảng mùi cỏ cây, mùi núi rừng.
Nói nghe mênh mang trừu tượng nhưng thực ra không khí là cái ta cảm nhận được rất cụ thể.
Lần gần nhất khi nhà văn Nguyễn Văn Thọ từ Việt Nam sang, Berlin mới chớm hè. Trời mát mẻ như tiết thu, nhiệt độ chừng 16. 17. Hà Nội khi đó giữa tháng 6 trời đã nóng lắm rồi. Nắng chang chang trên mọi nẻo. Đường Phan Đình Phùng ve inh ả ngân và sấu đã ra những chùm quả nhỏ liu xiu như trái xoan. Rau, quả muốn mang sang Đức phải hong khô, bọc giấy báo, cho thùng xốp, bỏ nhà lạnh để tránh nóng từ đêm trước. Vậy mà hôm sau vừa sang đến nơi bác Thọ đã nhắc mở ngay thùng quà, vì sợ hỏng. Tôi hăm hở lấy dao ra rạch. Nắp thùng vừa mở, phả ngay vào mũi là mùi mùa hè Hà Nội: Có cái nóng oi ả, thoảng cả mùi hăng sấu non. Tôi sững sờ tận hưởng không khí quê hương, phải mấy phút mới tan.
Tôi có vài người bạn từng sống ở Berlin, mấy năm nay về định cư hẳn tại Hà Nội. Hồi còn bên đó, mỗi người một nghề, mỗi người một thân phận. Rồi mỗi người có những lý do khác nhau để bỏ lại Berlin, bỏ lại nước Đức. Mỗi lần tôi về nước chúng nó háo hức nhau đến. Khõng phải vì quà, tuổi này rồi, mấy ai còn háo hức với mấy thứ vặt vãnh mà giờ không phải chỉ nước ngoài mới có. Cái chính là không khí. Khi tôi mở valy, cả mấy đứa đều hít hà rồi cùng ngồi lặng đi. Tôi biết mọi người đang tận hưởng không khí Berlin mà lâu lắm họ không được nhìn tận mắt, chạm tận tay.
Chiều tối nay lúc chờ con đi học về, tôi ngồi nơi bồn hoa giữa ngã tư lớn nhất thành phố này. Thảnh thơi nhìn tháp truyền hình Berlin ngạo nghễ trên nền trời vần vũ trước cơn giông. Bất chợt ngửi thấy đâu đây mùi thơm nồng của hoa oải hương. Tôi đưa mắt tìm chỉ thấy những bông hoa liu xiu màu vàng như hoa cải và mấy cụm hồng gai đang độ úa tàn. Tự nhủ, nếu phải xa mảnh đất này, tôi sẽ nhớ mãi mùi không khí nơi đây: Thanh sạch mà vẫn nồng nàn hương cây cỏ.
Khi Chế Lan Viên viết câu thơ thần:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.
“Đất” của Chế Lan Viên thật ra là KHÔNG KHÍ.

Hùng Lý, từ Berlin, CHLB Đức.

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcPhát hiện một nhà sư sử dụng ma túy
Bài kếVÌ MỘT THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT TRẺ TẠI ĐỨC.
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.