TAND TP.HCM vừa thụ lý đơn khởi kiện về vụ án ‘tranh chấp đòi tài sản’ giữa nguyên đơn là bà Jahn Kim Liên (quốc tịch Đức) và bị đơn là Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.
Theo bà Liên trình bày, ngày 22.10.2010, khi bà vừa từ Đức về VN thì bị Cơ quan CSĐT về trật tự xã hội (nay là Phòng Cảnh sát hình sự – PC45) Công an TP.HCM bắt giữ. Cùng ngày, PC45 ban hành quyết định phục hồi điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bà Liên. Ngày 28.10.2010, PC45 tiếp tục ra quyết định cấm bà Liên đi khỏi nơi cư trú.
Tháng 5.2012, Trưởng phòng PC45 có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đại úy Trần Thanh Dũng (nguyên điều tra viên trung cấp Đội 8, PC45) vì vi phạm về nguyên tắc thu giữ, bảo quản tang vật tài sản trong vụ án, do ông Dũng đã yêu cầu bà Liên nộp 200 triệu đồng vào tài khoản của mình.
Tháng 6.2012, Giám đốc Công an TP.HCM ra quyết định miễn nhiệm chức danh điều tra viên trung cấp đối với đại úy Trần Thanh Dũng.

Nguyên do của việc bắt giữ trên, theo bà Liên, năm 1990, cửa hàng của vợ chồng bà (người chồng đã mất) ký hợp đồng trao đổi 300 tấn hạt điều với Công ty XNK hạt điều và nông sản TP.HCM (Vinalimex) để lấy 100 tấn bột ngọt. Năm 1992, bà Liên qua Đức định cư cùng các con. Năm 1993, vụ án lạm dụng tín nhiệm liên quan đến hợp đồng bị khởi tố vì công ty của vợ chồng bà còn nợ Vinalimex 137.000 USD, tương đương 1,5 tỉ đồng. “Tôi được biết năm 1994, PC45 đã ra quyết định đình chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì chồng cũ của tôi đã trả hết nợ”, bà Liên cho hay.

Đơn khởi kiện cũng nêu, sau khi bắt bà Liên thì cơ quan điều tra yêu cầu bà nộp 1,5 tỉ đồng vì cho rằng bà đang nợ Vinalimex theo hợp đồng vào năm 1990. Theo đó, bà Liên nộp 200 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của điều tra viên Trần Thanh Dũng theo yêu cầu của ông Dũng, số tiền còn lại bà nộp vào tài khoản của Đội 8, PC45. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Liên bắt đầu khiếu nại về việc nộp tiền cũng như các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra liên quan đến bà.
Tháng 5.2011, đại tá Phan Anh Minh (Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM) ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Liên vì “hậu quả đã được khắc phục và đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”; và quyết định hủy bỏ lệnh cấm bà Liên đi khỏi nơi cư trú vì quyết định phục hồi điều tra bà Liên không đúng quy định. Tuy nhiên, với yêu cầu trả lại 1,5 tỉ đồng của bà Liên, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM không đồng ý vì cho rằng họ đã xử lý vật chứng đúng.
Bà Liên tiếp tục khiếu nại. Đến ngày 4.2.2016, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM kết luận “do sơ suất trong thao tác tố tụng, trước đây, cơ quan điều tra đã không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và thông báo việc truy nã đối với bà Liên, dẫn đến hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để phục hồi điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, cần xem xét lại quyết định thu giữ vật chứng và xử lý vật chứng của cơ quan điều tra”. Cùng ngày, Viện KSND TP.HCM cũng có quyết định hủy bỏ quyết định xử lý vật chứng của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và yêu cầu cơ quan điều tra thu hồi lại 1,5 tỉ đồng đã giao cho đại diện Công ty Vinalimex để chờ xử lý theo quy định pháp luật.
Do tự nguyện nộp tiền, không thể quy kết lỗi ?
Trong bản tự khai ghi ngày 14.8.2017 gửi TAND TP.HCM, theo cơ quan điều tra, do vụ án đã đình chỉ điều tra nên cơ quan CSĐT không thể tiến hành thủ tục tố tụng hình sự ra quyết định thu giữ theo yêu cầu của Viện KSND TP.HCM. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã có thông báo yêu cầu đại diện Vinalimex nộp lại 1,5 tỉ đồng theo yêu cầu của Viện KSND TP.HCM nhưng phía Vinalimex chưa thực hiện.
Cũng theo cơ quan điều tra, quyết định của Viện KSND TP.HCM chỉ yêu cầu cơ quan điều tra thu hồi tiền để chờ xử lý mà không yêu cầu trả lại số tiền cho bà Liên, nên cơ quan điều tra không thể trả lại 1,5 tỉ đồng như bà Liên yêu cầu theo đơn khởi kiện.
Văn bản của cơ quan điều tra cũng nêu bà Liên tự nguyện nộp tiền khi đang được tự do thân thể, không hề có quyết định thu giữ trái pháp luật của cơ quan CSĐT nên không có cơ sở quy kết lỗi và buộc cơ quan điều tra trả lại. Thông tin từ TAND TP.HCM cho biết, ngày 25.8 tòa sẽ mời các bên lên làm việc.

Phan Thương/ theo thanhnien.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcChùa Phổ Đà, Berlin tổ chức Ðại Lễ Vu Lan.
Bài kếHải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.