Truyện đêm khuya – Phòng bệnh của mẹ nhìn ra một khoảng không lộng gió, một nhánh bồ đề chìa ra lòa xòa trong cái gió hanh hao của buổi chớm đông. Ba bệnh nhân trong phòng mở to đôi mắt mệt mỏi nhìn mẹ con tôi dắt nhau đến nhận giường. Mẹ tôi nằm giường 14, đối diện với cửa sổ có nhánh bồ đề vươn ra che chở. Tôi đỡ mẹ nằm xuống giường, thì thào đủ cho hai mẹ con nghe: “Mẹ ăn hay uống gì để con lấy?” Mẹ tôi lắc đầu, nói để mẹ nằm nghỉ chút đã. Một bà ở giường 13, chăm chăm nhìn từng cử động của mẹ con tôi, khi tôi ngẩng lên bà lập tức day mặt đi hướng khác. Tôi kịp nhận ra trong mắt bà nỗi buồn mênh mang không thể tả được. Có tiếng alo, chỉ nghe bà nói mẹ vẫn ổn, các con cứ yên tâm công tác rồi vội vã cúp máy. Chỉ thế thôi và mắt bà lóng lánh nước.
Đến trưa, tôi biết tường tận tất cả bệnh tình của ba người họ. Sang ngày hôm sau cả mẹ và bà giường 13 đều đã có lịch mổ, mẹ tôi mổ sau bà 13 một ngày. Những ngày chờ mổ, mẹ con tôi và bà 13 đi ăn cơm cùng nhau ở dưới căng tin, sau đó mua cháo về cho hai người còn lại. Có khi mệt quá, cả mẹ và bà 13 đều bảo tôi đi mua cơm mang về phòng bệnh. Tôi trở thành người nhà của cả phòng bệnh số 4 này, thậm chí có khi tôi còn lấy bô và đổ bô cho họ. Những lúc mọi người ngủ, tôi ra đứng ngoài ban công nhìn trời nhìn đất. Sát tòa nhà mẹ tôi đang nằm, một công trình đang được thi công. Những chiếc máy khoan nhồi thô kệch và lừng lững đang khoan đất và nhả đất, tiếng động cơ vang lên inh tai nhức óc. Ban đêm họ vẫn làm việc đến gần sáng. Mẹ tôi, phần vì chưa quen giường, phần ồn ào nên không ngủ được, mấy người kia cũng trong cảnh tương tự. Năm ngày uống kháng sinh chờ mổ, mẹ tiều tụy thấy rõ. Ngày bà 13 lên bàn mổ, mẹ thực sự căng thẳng. Giờ thì tôi đã biết tên của bà – bà Xuân. Bà Xuân lên bàn mổ chỉ có một mình, đến trưa, mới thấy ông chồng hớt hải chạy lên, lúc ấy bà đang được chuyển về từ phòng hậu phẫu. Bà khóc, hờn dỗi với ông. Ông ngồi với bà đến chiều, đến chừng biết tôi có thể giúp được việc mua cơm cháo cho vợ, ông lại tất tả về. Ông bảo còn một con lợn mới đẻ và một đàn gà sắp xuất chuồng, bà ốm, ông phải thay bà làm bảo mẫu cho bọn chúng. Bà lại khóc vì thương ông một thân một mình vừa tự lo cơm nước, vừa chăm lợn gà. Đợi bà Xuân hết khóc, mẹ tôi tỉ tê hỏi cảm giác khi mổ thế nào, xem chừng mẹ hồi hộp lắm. Bà Xuân nói, em cũng hơi run, nhưng khi họ tiêm thuốc mê thì chẳng còn biết gì, tỉnh dậy thì mọi thứ đã xong rồi. Nhưng mà chóng mặt và buồn nôn lắm chị ạ. Bác sĩ còn bảo, hết thuốc mê, thì chỗ mổ sẽ rất đau. Mẹ về giường, có vẻ bớt căng thẳng. Thỉnh thoảng tôi chạy qua hỏi bà Xuân có cần gì không, bà mệt mỏi lắc đầu, khóe mắt rưng rưng. Đêm ấy, tôi nghe tiếng rên khe khẽ của bà Xuân, những tiếng rên cố nén.
Mẹ tôi mổ lâu hơn bình thường, ca mổ diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ. Bác sĩ bảo tại mẹ tôi hơi béo, mỡ bụng nhiều nên bóc tách rất phức tạp. Dầu sao thì cũng đã xong, mẹ được đặt nằm nghiêng đầu trong phòng hậu phẫu, mắt lờ đờ thều thào hỏi mẹ đã mổ chưa? Rồi mẹ bảo sao trần nhà cứ xoay tít mù thế, chóng mặt quá. Đến cuối giờ chiều mẹ mới được đưa về giường. Đêm, mẹ vật vã không ngủ được, hai mẹ con dìu nhau đi dọc hành lang bệnh viện hết vòng này đến vòng khác. Tiếng máy đóng cọc khoan nhồi vẫn bổ vào tai âm thanh ầm ĩ. Gần sáng tôi dỗ mãi mẹ mới chịu đi ngủ. Khuôn mặt mẹ vẫn hằn lên sự đau đớn và mệt mỏi. Tôi đốt nắm nhang ra ban công vái tất cả các hướng, cầu xin thần Phật, Bồ Tát phù hộ cho mẹ mau chóng bình phục. Những chiếc lá lấp lánh như những ánh mắt đêm nhìn tôi vừa khích lệ, vừa chia sẻ. Tôi nhìn vào màn đêm mênh mông, tự dưng nước mắt lại tuôn chan chứa. Thấy mình cần một bờ vai ấm áp để cùng gánh vác những lo toan này biết bao.
Ngày bà Xuân ra viện, chồng bà lên đón về. Mẹ bảo tôi xách giúp bà túi đồ ra cổng. Chia tay, bà ôm lấy vai tôi, nước mắt rơm rớm: Cố chăm mẹ con gái nhé. Tôi gật, nghe mũi mình cay cay.
Thế chỗ giường bà Xuân là một cô gái chừng tuổi tôi, đẹp và sành điệu. Tôi khẳng định điều ấy qua mái tóc nhuộm vàng được uốn xoăn từng lọn rất tinh tế, ôm lấy khuôn mặt thanh tú. Làn da mặt cô ta trắng và mịn đến mức tôi cứ ngỡ đó là làn da em bé. Cô ta vừa trải qua ca mổ cấp cứu, sự nhợt nhạt và bộ quần áo bệnh nhân thùng thình cũng không làm giảm đi nét xinh xắn của cô. Có điều, vừa tỉnh dậy cô ta đã làm náo loạn cả phòng bệnh vốn rất yên tĩnh bằng những tiếng rên la và gắt gỏng. Và bà mẹ, một người đàn bà gầy gò, những đường nét trên khuôn mặt xanh xao cho thấy bà từng có một thời xuân sắc như cô con gái – cuống cuồng đáp ứng những mệnh lệnh của con kèm theo những lời dỗ dành có phần bực bội. Tất cả bệnh nhân trong phòng đều hướng sự chú ý đến mẹ con nhà họ, ai nấy cũng không giấu được sự bất bình với cái kiểu nhõng nhẽo hỗn hào của cô gái. Tôi dìu mẹ đi ra hành lang, bỏ lại sau lưng sự nhốn nháo, hỗn tạp. Hành lang gió lùa lành lạnh, mùi cồn ête, mùi thuốc tẩy luẩn quẩn trong không khí. Vừa đúng lúc đến giờ mở cửa cho người nhà đi thăm bệnh nhân. Hai mẹ con tôi suýt va phải một người đàn ông cao lớn đang tay xách nách mang nháo nhác hỏi số phòng bằng thứ giọng Bắc đặc sệt. Hóa ra đó là người nhà của cô gái mới đến. Khi tôi dìu mẹ quay trở lại giường bệnh, cô gái đã thôi gào thét, một tay đặt ngoan ngoãn trong tay người đàn ông kia và thiêm thiếp ngủ. Người mẹ, lúc này chừng như đã được giải thoát, ngồi thượt xuống một chiếc ghế nhựa và bắt đầu ngáp.
Đến giờ đi mua cơm, tôi xách cặp lồng đi ra cổng. Người đàn ông lúc này mới khẽ khàng rút tay cô gái khỏi tay mình, đến gần tôi thì thào: Cô giúp tôi mua thêm 2 hộp cơm nhé. Tôi cảm ơn cô nhiều. Anh lúi húi mở ví lấy tiền, tôi nhìn lướt qua anh, dường như tôi chỉ đứng ngang nách anh là cùng. Một vẻ kiều diễm được che chở bởi một vóc dáng cao lớn! Sự kết hợp thật hoàn hảo và đáng được mơ ước biết mấy! Khi tôi quay trở lại, cô gái đã dậy, sợi chuyền dịch vẫn được cắm vào cánh tay. Tôi thấy người đàn ông ghé tai nghe cô gái thì thầm và sau đó, cánh tay rắn chắc của anh bế bổng cô lên, mẹ cô hấp tấp xách theo cây móc bình truyền dịch đi vào nhà vệ sinh. Hình ảnh ấy bỗng dưng thúc mạnh vào tim tôi đau nhói. Cơn đau không rõ nguyên nhân, hình như nó xuất phát từ khát vọng thuở thiếu nữ. Khi trở ra, dường như cô ta biến thành một người hoàn toàn khác hẳn. Hiền lành như thỏ non và lễ phép với mẹ một cách khó tin. Người đàn ông mở hộp cơm đưa mời bà mẹ, có bao nhiêu miếng ngon anh đều sớt qua cho bà. Cô gái chưa được bác sĩ cho ăn, âu yếm nhìn hai người nọ ăn cơm, thỉnh thoảng cất lên những tiếng rên nho nhỏ. Không hiểu sao tôi không thể dứt sự chú ý ra khỏi ba người họ.
Tối. Người đàn ông đưa bà mẹ về nhà rồi một mình anh quay lại. Hai người họ dìu nhau xuống ghế đá dưới sân bệnh viện hóng mát. Đúng hơn là anh bế cô gái trên tay đi xuống cầu thang giữa mấy chục cặp mắt hiếu kỳ. Hiếu đến với hai bàn tay không. Mẹ tôi nằm viện đã gần nửa tháng mà hôm nay Hiếu mới đến và có vẻ không phải để thăm mẹ tôi. Hiếu chào mẹ tôi rồi mời tôi ra cổng uống nước. Tôi lắc đầu từ chối, nói Hiếu khát thì đi một mình đi. Sau rồi Hiếu rủ tôi ra hành lang nói chuyện. Tôi định lắc đầu thì mẹ nói: Con ra đấy ngồi đi, mẹ muốn chợp mắt một lát. Tôi và Hiếu ngồi đối diện nhau cạnh nhánh cây bồ đề. Hiếu nói, chờ tôi mãi không thấy tôi về, Hiếu nhớ nên mới phải vào đây. Người Hiếu toả ra mùi men bia nồng nồng, chua chua. Tôi hỏi, Hiếu uống bia à? Hiếu nói, ừ! Nhậu! Mấy bữa nay nhậu lu bu mệt quá, hết nhẵn cả tiền. Tôi cười vu vơ. Thấy Hiếu sao mãi không chịu thành người lớn. Một lúc Hiếu nói để Hiếu ra cổng mua nước mía vào uống. Tôi gật, tuỳ Hiếu. Hiếu đi một lúc rồi trở lại với hai bịch nước mía. Tôi bật cười, Hiếu luôn quên mất tôi vẫn còn có mẹ, người như thế mà đòi tán tỉnh con gái mẹ ư? Hiếu hỏi: Dung cười gì? Tôi lắc đầu, giục Hiếu uống xong rồi thì về đi, Dung thức liền mấy đêm giờ rất buồn ngủ. Hiếu nói lâu mới gặp mà thái độ của Dung như thế làm Hiếu buồn. Tôi vẫn cười, an ủi Hiếu, nói Dung mệt thật rồi trả lại Hiếu bịch nước mía. Tự dưng trong phòng bệnh có tiếng kêu thất thanh, mấy con ong lạ từ đâu ào vào bay vù vù khắp phòng. Hiếu một tay cầm bịch nước mía, một tay xua xua lấy lệ. Và Hiếu nói Dung bật quạt lên cho chúng sợ sẽ bay ra ngoài, Hiếu chào mẹ và đi như chạy. Như thể Hiếu sợ chậm thêm chút nữa bầy ong kia sẽ bâu chặt lấy Hiếu. Hiếu vừa về khỏi thì người đàn ông và cô gái kia về phòng. Tôi và anh dùng vỏ chăn mỏng vừa đuổi vừa dồn bầy ong ra phía cửa chính. Lúc tôi chui vào màn với mẹ thì mẹ cười lịch khịch bảo tôi, thằng Hiếu tệ thật con nhỉ, đến con ong cũng không biết đuổi. Tôi cũng cười, thế cho nên đến giờ có tán nổi ai đâu mẹ. Tôi nằm mãi không ngủ được, không phải vì Hiếu, Hiếu chưa bao giờ đi vào một tí ti suy nghĩ của tôi. Tôi nghĩ nhiều đến người đàn ông kia. Anh đang phải gò cả thân hình cao lớn trên chiếc giường bệnh viện bé tẹo vừa không làm đau người yêu vừa không để mình rớt xuống đất. Sự tĩnh lặng khiến tôi nghe rõ cả âm thanh rất nhẹ của những nụ hôn, những vuốt ve âu yếm của họ. Khát vọng con gái trong tôi lại bừng thức. Con gái, ai chẳng mơ cho mình một chàng hoàng tử mạnh mẽ, đầy đam mê và chăm sóc. Sao đêm nay tiếng máy khoan nhồi không hoạt động? Một sự tình cờ khiến tôi đau đớn. Năm nay tôi bước sang tuổi 23, chưa có một trải nghiệm thực sự về tình yêu. Vài lời tán tỉnh không đến đầu đến đũa, sao bỗng dưng lại đau đáu bởi một người đàn ông không dành cho mình?
Sáng ra, người đàn ông giúp cô gái làm vệ sinh buổi sáng xong lại đi. Tôi xuống mua cháo sáng cho mẹ và gặp anh ở cổng. Anh cười với tôi, nụ cười của anh thật ấm và thành thực. Trong ánh nắng ban mai, tôi nhận ra anh già hơn tôi tưởng. Sự già dặn của một người đàn ông đang ở độ tuổi sung mãn và thành đạt. Anh chui vào một chiếc xe ô tô và lái đi. Tôi lén nhìn theo anh, thấy trong lòng tràn ngập một nỗi buồn da diết.
Mẹ cô gái lại lên, điệp khúc gắt gỏng ngày hôm qua tái diễn. Nhưng khi có điện thoại của người đàn ông gọi tới, cô ta thoắt đổi giọng ngay. Cơn đau ở chỗ vết mổ có vẻ giảm đi nên cô ta chỉ hành mẹ một lúc là ngủ. Tôi kê chiếc giường xếp ra ban công cho mẹ nằm để gội đầu cho mẹ. Bà mẹ cô gái cũng kéo ghế ngồi cạnh, nói mẹ tôi thật có phước vì có cô con gái như tôi. Mẹ nhìn tôi hãnh diện nhưng vẫn nói: Chị lại có cô con gái rất xinh đẹp. Bà mẹ cô gái thở dài: Hồng nhan bạc phận chị ơi! Trông thế chứ một đời chồng, một đứa con 6 tuổi rồi đấy. Nhà chồng trước cay nghiệt quá nó không sống nổi nên đành phải bỏ của chạy lấy người. Quen cái anh tối qua thì chẳng biết có gì chắc chắn không. Người từ nơi khác đến, lai lịch không rõ ràng. Nó biết tôi thương nó nên cứ tha hồ hành mẹ đấy. Con với cái, nhiều lúc tôi thấy mình như người ở của nó.
Tôi bắt đầu thấy nhớ và mong người đàn ông ấy. Thật ngốc nghếch và điên rồ! Gần trưa anh mới đến và xách theo một bịch trái cây chia cho cả phòng, phần của tôi nhiều hơn vì anh nói tôi phục vụ cả phòng vất vả quá. Tôi cảm ơn anh và trái tim con gái đập rộn rã. Họ lại ăn cơm và thức ăn ngon anh vẫn dồn cho bà mẹ. Cô gái được phép ăn cháo loãng. Tuổi trẻ giúp cô ta chóng bình phục, thêm vào đó là sức mạnh của tình yêu làm cho cô ta có thêm sinh khí. Bất ngờ cô gái nhìn về phía tôi, lúc ấy tôi đang ngây ra nhìn họ. Đúng hơn là tôi đang ngắm người đàn ông của cô ta. Tức khắc, ánh mắt cô ta trở nên kiên quyết, như muốn nói: Anh ấy đã là của tôi rồi đấy cô bạn. Tôi cũng thẳng thắn nhìn lại cô ta: Tôi biết và anh ta vẫn luôn là của cô đấy thôi. Sau đó, tôi mỉm cười thân thiện với cô ta. Cô ta cũng mỉm cười. Gần cuối chiều, tôi và cô ta bắt chuyện với nhau. Tên cô ta là Diễm, tên như nhan sắc của cô vậy. Sang cả ngày mai, tôi và cô ta thân mật với nhau hơn. Bác sĩ bảo hai ngày nữa mẹ tôi mới được ra viện, phép của tôi đã hết từ hôm qua, tôi buộc phải xin nghỉ thêm ba ngày nữa. Diễm cho tôi xem ảnh của đứa con trai sáu tuổi. Một khuôn mặt kháu khỉnh và thông minh, nhưng đôi mắt lại đượm buồn. Tôi đưa ra nhận xét ấy và Diễm gật đầu, mắt cô ta đo đỏ: Diễm muốn nuôi nó, nó cũng muốn ở với Diễm, nhưng nhà họ đã tìm đủ mọi cách bắt về. Mỗi tháng Diễm chỉ được gặp nó hai lần. Tôi hỏi sao Diễm lấy chồng sớm thế? Cô ta nói, học đến lớp 9, nhà lúc nào cũng chật khách, cha mẹ cũng không quản nên hư lúc nào không biết. Suốt ngày chỉ biết thư từ yêu đương, tán tỉnh. Cha thằng bé là một cậu ấm ăn chơi liều lĩnh, Diễm bị vẻ hào nhoáng của anh ta làm cho mê mụ. Đến khi lỡ có bầu, nhà chồng muốn giữ thể diện nên cho cưới. Và Diễm bắt đầu cuộc sống hà khắc ở nhà chồng từ lúc ấy. Tuổi trẻ dại khờ, sự khôn khéo và sức chịu đựng không có, Diễm bỏ con ở lại, trốn khỏi gia đình chồng. Khi hối hận, nhớ con không chịu nổi thì không còn đường quay về nữa. Nhà cha mẹ Diễm nghèo, Diễm không có công ăn việc làm nên đi làm tiếp thị cho hãng bia, rồi quen Mạnh và yêu. Gặp Mạnh, Diễm mới biết được yêu là như thế nào. Anh làm cho một chi nhánh ngân hàng, có tổng công ty đóng ở Hà Nội. Mỗi tháng, anh có 10 ngày vào đây làm việc và sống với Diễm, hai ngày nữa anh đi rồi. Mắt Diễm lại đo đỏ. Những ngày còn lại không có anh ấy thật khủng khiếp, Diễm định có con với anh ấy lại xảy ra chuyện thế này. Diễm bị chửa ngoài dạ con và phải cấp cứu khi thai vỡ. Tôi an ủi Diễm vài câu và dìu cô ta vào giường. Cơ thể cô ta thật bé nhỏ và mềm mại, bàn tay có những ngón be bé, xinh xắn nổi lên những sợi gân mỏng mảnh. Người cô ta tỏa ra một mùi thơm dìu dịu, mùi của tình yêu, tôi đoán chắc thế.
Cuộc nói chuyện của tôi và Diễm đẩy tôi vào một trạng thái khó hiểu. Tôi vừa mong sự xuất hiện của Mạnh vừa cảm thấy có lỗi với Diễm. Tất cả mới chỉ là những cơn sóng âm thầm đang diễn ra trong lòng tôi, còn Mạnh, tôi biết thế gian này đối với anh chỉ có Diễm là đang tồn tại. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn mang mặc cảm có lỗi. Ban đêm, tôi dỗ mẹ ngủ rồi ra đứng thẫn thờ ngoài ban công. Vẫn là nỗi buồn da diết không thể gọi tên án ngự tâm hồn tôi. Mấy hôm nay công trường nghỉ làm ban đêm, mấy chiếc máy khoan đứng im lìm giữa những đợt gió bắt đầu mang theo giá buốt. Trong kia, Mạnh vẫn ém tấm thân to lớn trên chiếc giường bé tẹo cạnh người yêu. Còn Diễm bé nhỏ và mong manh nép vào anh, tận hưởng những phút giây có anh bên mình. Tôi lắc đầu, thở hắt đầy khổ sở với hình dung ấy. Nhánh cây bồ đề rung rinh như vỗ về, như chia sẻ, như muốn nói: Đừng buồn, rồi cô sẽ gặp được người đàn ông trong mơ của mình, cô gái ạ. Ý nghĩ ấy làm lòng tôi dịu đi, tôi vén màn vào nép sau lưng mẹ. Sau những ngày chống chọi với bệnh tật, người mẹ gầy đi, nhưng hơi ấm của mẹ vẫn thế. Tôi quàng tay qua lưng mẹ, chìm vào giấc ngủ bình yên.
Nhịp sống mẹ con tôi vẫn trôi đi lặng lẽ như xưa nay vẫn thế. Tôi đi làm, mẹ ở nhà với cái quán nho nhỏ. Hai mẹ con dựa vào nhau, êm đềm và ấm cúng. Thỉnh thoảng, trong dòng người vội vã. Tôi vẫn thấy chiếc xe ô tô của Mạnh lao vút qua và những cảm xúc cũ trong tôi về anh lại trào lên ấm áp. Sau này, khi thực sự trở thành mẹ của những đứa con, mãi mãi tôi cũng không bao giờ tìm lại được những cảm xúc bồi hồi, đẹp nhưng da diết như từng đối với Mạnh.
Hiếu lấy một cô bé nhà quê sau mấy lần tôi thẳng thừng từ chối lời tỏ tình. Tôi đi dự đám cưới. Vợ của Hiếu mang một khuôn mặt non tơ, ngây dại. Tôi bắt tay Hiếu, chúc hai người hạnh phúc. Thầm mong Hiếu sẽ đối xử tử tế với khuôn mặt non tơ, ngây dại ấy.
Một lần, cơ quan tôi có buổi tiệc chiêu đãi tại nhà hàng. Diễm nhận ra tôi và bắt chuyện tíu tít. Cô vẫn xinh đẹp như thế, mái tóc quăn ngày trước đã được đánh bù lên vàng ươm nom như một ổ rơm. Nhưng ổ rơm ấy lại rất hợp với khuôn mặt của Diễm. Nó làm cho Diễm vừa xinh vừa có vẻ rất nghịch ngợm. Không đừng được, tôi hỏi thăm cô về Mạnh, rằng, hai người đã cưới nhau chưa? Diễm ngồi thừ ra: Mạnh chu cấp cho Diễm không thiếu một thứ gì. Vẫn nồng nàn, say đắm và chu đáo như thế. Nhưng cưới thì không. Hình như ở Hà Nội, anh đang có một gia đình hạnh phúc. Kể đến đó, Diễm nói: Biết thế nhưng mình không dám làm rõ ra tất cả mọi điều. Diễm cũng không dám mong gì hơn, người đàn bà nhiều khi cũng nên biết tự thỏa hiệp Dung ạ. Mình được yêu thương, được chăm sóc thế cũng thỏa nguyện lắm rồi. Mình cũng không muốn làm khó anh ấy, mà có khi căng quá, chúng mình lại mất nhau… Đàn ông khôn ngoan thường muốn thêm chứ chẳng muốn bỏ. Hiểu được điều đó nên mình chấp nhận được dễ dàng hơn.
Tôi nghe chuyện về Mạnh – người đàn ông từng làm tim mình thổn thức – ngỡ như nghe về một người hoàn toàn chưa biết mặt. Diễm có thể chấp nhận được như thế, còn tôi thì không!
Diễm nhìn miếng mica màu đen tôi đeo bên ngực trái, tò mò: Dung để tang cho ai sao? Tôi ừ, ứa nước mắt: Là mẹ tôi Diễm ạ. Diễm đặt những ngón tay be bé lên vai tôi, nghèn nghẹn: Tội Dung quá! Tôi im lặng không nói gì. Diễm lại nói, hồi đó, hễ Dung ra khỏi phòng là ai cũng tấm tắc khen Dung hiếu thảo, họ lại nhìn Diễm cứ như thể muốn so sánh. Diễm đã rất xấu hổ với cách cư xử của mình với mẹ. Nhà Diễm không ai được dạy bảo đến nơi đến chốn nên nhiều khi không biết phải cư xử với nhau thế nào cho đúng. Diễm thương mẹ, nhưng chỉ biết bày tỏ tình cảm của mình bằng cách thể hiện uy quyền như thế. Thật ngớ ngẩn đúng không Dung? Tôi nói, những gì tôi làm với mẹ chỉ đơn giản vì tôi nghĩ làm con thì phải như thế thôi Diễm ạ. Hồi đó, nhìn cách anh Mạnh chăm lo cho Diễm, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ anh ấy. Diễm cười, mình biết chứ! Nhưng mình tin vào tình yêu của mình với anh ấy. Tôi bắt tay chào Diễm, thấy lòng thanh thản khi đã nói ra với Diễm điều đó.
Tôi mất mẹ. Và đã mất cha khi mới 15 tuổi. Trong ký ức tôi, cha là một mẫu hình hoàn thiện. Những gì Mạnh làm cho Diễm là những hình ảnh quen thuộc cha thường dành cho mẹ khi ông còn sống. Tôi không muốn nói nhiều về nỗi đau của mình. Bởi vì những ai đã từng trải qua mất mát đều có thể hiểu được sự mất mát đã lấy đi toàn bộ sức lực và tinh thần của mình như thế nào. Còn những ai đang còn mẹ còn cha, hẳn họ cũng sẽ rất hoảng sợ khi hình dung đến sự mất mát ấy. Những ngày dài lê thê, tôi thường kéo ghế ngồi hàng giờ trước bàn thờ cha mẹ, hỏi họ sao nỡ bỏ tôi một mình mà ra đi sớm thế? Và tôi lại khóc, khóc đến suy kiệt. Có những buổi tối, tôi kéo ghế ra hiên, ngồi bất động hàng giờ chờ mẹ. Cứ như thể mẹ đang đi đâu đó rồi về, sẽ mắng yêu tôi khi nghe tôi cằn nhằn rằng sao mẹ về muộn thế! Giờ thì tôi có chờ đến bao lâu thì mẹ vẫn mãi nhìn tôi bằng ánh mắt, nụ cười hiền lành không đổi. Có thể hai người họ, mẹ và cha tôi, đã rất hối lỗi khi rủ nhau đi, bỏ lại tôi trên cõi đời.
Bà Xuân trở thành vị khách thường xuyên trong ngôi nhà quạnh quẽ của tôi. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao ngày ấy bà lại nhìn tôi bằng đôi mắt buồn mênh mang như thế. Rằng là bà có hai cậu con trai, nhưng bọn chúng ích kỷ và vô cảm đến mức chẳng màng đến sự sống chết của bà. Hiện tại, sau một vài nỗ lực, những đứa con của bà đang có chiều hướng thay đổi, nhất là khi chúng đã lập gia đình. Bà Xuân kéo tôi đi chùa vào những ngày rằm và mồng một. Mùi hương trầm khiến lòng tôi thanh thoát. Trên kia, Đức Phật từ bi nhìn tôi với nụ cười hồn hậu đầy an nhiên, tự tại. Có một thiếu niên cứ đúng ngày mồng một hàng tháng, cậu lại dìu một bà mẹ gầy gò, đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc đến chùa. Bà mẹ bị ung thư đang điều trị bằng hóa chất. Vị hòa thượng mặc áo cà sa thỉnh ba tiếng chuông, quỳ trước điện thờ Đức Phật, một tay gõ mõ bắt đầu bài Kinh Dược Sư. Hai mẹ con cậu bé quỳ phía sau một chút. Họ ngồi im phăng phắc, mắt ngước lên Đức Phật đầy thành kính. Tôi đã không thể nào cầm lòng trước cảnh ấy.
Bây giờ đã sang tháng bảy âm lịch, nhà chùa phát Kinh Vu Lan cho các phật tử. Tôi thành tâm đọc Kinh Vu Lan, những mong ở đâu đó trên kia linh hồn của mẹ được siêu thoát.
Tác giả: Nguyễn Hương Duyên – Thực hiện: Kim Cúc
Sản Xuất & Biên Tập : VOV