Nguyễn Thế Tuyền – Berlin

Tôi là một giáo viên dạy môn Toán ở Đức. Sau khi tham khảo đề thi TNPT môn Toán năm nay ở Việt Nam do chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn gửi, tôi xin có những nhận xét như sau:

  • Nội dung bài thi không quá khó nhưng quá nhiều, học sinh cần tối thiểu 300 phút (ví dụ ở Đức) chứ không phải 90 phút như ở VN mùa thi năm nay.
  • Đã là trắc nghiệm thì thời gian giải các bài không được lệch nhau quá, chẳng hạn câu số 7 đề 101 và những câu từ số 35 trở đi. Trả lời câu số 7 chỉ cần 10 giây nhưng các câu cuối bài cần 5 phút. Đó là sai nguyên tắc, vì đáp án đúng có giá trị ngang nhau.
  • Nếu theo đuổi mục đích phân loại thì Bộ giáo dục phải căn cứ vào điểm học bạ từ lớp 9 chẳng hạn, chứ không thể đánh giá qua một bài thi.
  • Mục đích giáo dục ngày nay không phải là giải được bài khó, giải nhanh, mà phải có ý tưởng giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống. Nếu ai cũng chỉ là cái máy giải toán thì dân tộc này cũng chỉ đi làm thuê. Quan trọng hơn cả là sau này các em biết mô hình hóa những vấn đề cần giải quyết của cuộc sống thành những mô hình toán, giải nó, rồi tìm cách ứng dụng.
  • Đề bài trộn lẫn một cách ngẫu nhiên các phần Giải tích, Hình không gian và Xác suất thống kê, cứ như người ra đề nghĩ ra cái gì thì bắt học sinh giải cái đó. Đáng lẽ, các mảng cần được phân theo từng nhóm giúp học sinh tư duy dễ hơn (ví dụ từ câu 1 – 20 là giải tích…)
  • Tôi có cảm giác, người ta ra đề như thế để nhiều người „tự hào“ rằng, đề toán của VN khó hơn cả của Mỹ, Đức. Đừng nghĩ là họ phục mình và học theo. Tư duy và sự tiếp thu của con người có hạn nên cái quan trọng nhất là học sinh cần học để phát hiện ra các mối liên quan chằng chịt trong các vấn đề của cuộc sống, giải thích được nó để chinh phục nó. Bạn có thể thuê một chuyên gia lập trình giỏi một cách dễ dàng, nhưng rất khó kiếm được người quản trị nhìn trước được khó khăn, thuận lợi để tìm ra hướng đi đúng.
  • Cách ra đề thi như thế này biểu hiện rõ: Cho đề khó hay dễ là tùy cấp trên, thần dân chỉ có tuân thủ thôi, không thắc mắc. Những người ra đề có lẽ không nghĩ đến hậu quả xã hội: Tạo nên sự hoài nghi không tự tin cho học sinh, có lẽ họ sẽ đầu tư cho toán nhiều hơn nữa trong những năm sau. Điều đó có nghĩa là không còn thời gian cho các môn khác như Tiếng Việt, Lịch sử, Luân lý, Môi trường…
  • Tôi hay nói chuyện với các sinh viên VN mới ra trường (cả những người được giữ lại làm cán bộ giảng dạy). Mục đích duy nhất và tối thượng của họ là học điểm cao để có việc làm tốt, lương cao do một hãng có uy tín nào đó nhận. Ý chí khám phá và tìm ra cái mới cho nhân loại rất mờ nhạt.
  • Thi TNPT môn toán ở Đức thường lấy các đường viền công trình cầu cống, đường cong của một bộ phận máy, đường thẳng của chuyến bay… làm đề thi với mục đích để các em hiểu tại sao tôi phải học toán. Ở VN các hàm số tự nghĩ ra rất phức tạp, nhưng không biết giải bài này để làm gì mà chỉ mang tính đánh đố. Điều đó sẽ làm giảm hưng phấn học của học sinh VN vốn dĩ tư duy không đến nỗi nào.

Tôi xin dịch một bài thi TNPT ở Đức cho học sinh không chọn môn toán là môn chính để độc giả tham khảo (xem hình chụp). Xin phép chỉ dịch ba câu a,b,c để minh họa.

Bài tập số 1: MÁY BAY HẠ CÁNH
Một máy bay dân dụng sắp hạ cánh xuống sân bay Tegel (Berlin). Sân bay này nằm trên mặt phẳng x-y. Thiết bị kiểm soát hạ cánh ILS giúp các phi công hạ cánh an toàn. Họ phải tuân thủ các quy định. Tọa độ được tính bằng đơn vị km. (Sơ đồ phác họa không chứa các thông số như góc, độ dài)

  1. Máy bay đang ở điểm A (0/ 0/ 0,4) và mục tiêu sẽ đến điểm B (0/ 7,5/ 0). Máy bay đang có tốc độ 300 km/ h. Em hãy viết phương trình đường thẳng mô tả đường đi của máy bay từ A đến B. Em hãy tính sau bao nhiêu phút máy bay từ A sẽ tiếp xúc điểm B, nếu vận tốc máy bay không đổi.
  2. Em hãy kiểm tra xem góc trượt (góc giữa đường bay và mặt phẳng ngang) có nằm trong phạm vi cho phép từ 2,5 độ – 3,5 độ hay không!
  3. Lớp mây mà máy bay xuyên qua có độ cao thấp. Vì phân bố nhiệt không đều nên lớp mây này không song song với mặt đất nhưng có thể diễn tả thông qua phương trình mặt phẳng E x-y+10z = 27. Em hãy tính độ cao khi máy bay thoát khỏi đám mây để hạ cánh.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcThông báo gặp gỡ mùa hè 2018
Bài kếThư thăm hỏi của Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng nhân ngày 27.7.2019
Ông Lê Hoàng Kỹ sư kết cấu xây dựng. Tốt nghiệp trường Đại học Bauhaus-Universität Weimar, Đức. Thời hợp tác lao động ông là Quản lý lao động vùng Halle. Hiện ông là Trưởng ban Biên dịch báo tuoitreonline.de, BTV trang Việt - Đức song ngữ. Sống tại Berlin, Đức.