Cho đến nay, tôi đã sống trên đất Đức 35 năm. Đáng lẽ ra, đó là một khoảng thời gian đủ dài để hiểu kỹ về đất nước này. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy còn rất nhiều điều cần khám phá, dù tôi tự cho mình thuộc nhóm người thích chú ý quan sát và nhận định.

Câu hỏi lớn nhất của tôi là tại sao đất nước này có thể đứng lên và xây dựng lại từ đống tro tàn của hai lần đại chiến vô cùng khốc liệt? Tại sao từ một nước Đức hiếu chiến nửa đầu thế kỷ thứ hai mươi lại trở thành một nước Đức hùng cường không những về kinh tế mà cả sức mạnh mềm làm cho cả thế giới phải thán phục?

Những năm là sinh viên ở CHDC Đức (từ 1973 – 1978) ngoài kiến thức chuyên môn ra, tôi không học được gì nhiều, vì sức ép học tập đã lấy mất hết thời gian, vì vốn tiếng Đức ở các lĩnh vực khác còn hạn chế. Nguyên nhân cốt yếu nhất là CHDC Đức hồi đó cũng theo đuổi chính sách xây dựng CNXH như tất cả các nước khác trong hệ thống này, nên thông tin không có gì nhiều để giúp con người đánh giá khách quan.

Trở lại trên cương vị là người Hợp tác lao động năm 1988, tôi nhận thấy CHDC Đức không còn được như xưa nữa. Các vấn đề trầm trọng cứ lộ dần, từ thiếu hàng hóa đến vai trò của nhà thờ và kêu than của nhân dân. Tôi đã linh nghiệm được một sự yên tĩnh trước cơn bão lớn. Chỉ hơn một năm sau, người ta ào ào chạy qua Hung – ga – ri tìm đường qua Áo để sang Tây Đức, biểu tình thứ hai hàng tuần ở Leipzig rồi lan ra các thành phố khác đã dẫn đến sự tan rã của quốc gia miền Đông nước Đức.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bồi hồi và coi như đã nhận được một phần thưởng rất lớn mà không phải ai cũng có: Chứng kiến từ những phút đầu quá trình thống nhất nước Đức, không đổ một giọt máu, không một tiếng súng. Cái đêm mồng 9 tháng 11 năm 1989 là cái mốc không thể nào quên đối với những ai được chứng kiến: Bức tường ngăn cách đông – tây bằng bê tông sừng sững 28 năm trời bị dân đập bỏ, người dân Đức ở Đông và Tây Berlin òa khóc ôm nhau, rồi cười nói dù họ có quen biết gì nhau đâu!

Ngay ngày hôm sau tôi được đọc tờ báo đầu tiên của phía bên kia. Bạn hỏi tôi cảm giác thế nào à? Đọc xong tôi vào trong phòng rửa mặt, nhìn vào gương và ôm đầu thốt lên thành lời tự sự: „Cậu đừng tưởng cậu đã là thày giáo đại học hơn 10 năm nên kiến thức không đến nỗi nào! Nhưng khi cậu đọc những bài báo như thế này cậu mới hiểu ra rằng, cậu chả biết gì cả, hãy ngượng với chính bản thân mình và nên phải học lại từ đầu!“

Tôi đứng một hồi lâu trong phòng tắm để định vị lại mình. Tôi không kể suy nghĩ này cho ai nghe mà lao vào một cơn nghiện mới. Bán hàng rong ư, cũng có. Chỉ cần một chút chăm chỉ, tôi có thể kiếm tiền như đồng bào khác của tôi, vì người dân CHDC Đức còn rất thiếu hàng. Thế nhưng tôi không tập trung được mà cứ đọc hết „Spiegel“ rồi „Focus“ hoặc „die Zeit“. Đó là những tuần báo chất lượng rất cao, dạy cho tôi một tư duy hoàn toàn khác trước.

Những câu hỏi tôi tự đặt ra năm nào dần dần có câu trả lời, dù chưa đầy đủ. Trong khi tiếp tục hoàn thiện hình ảnh nước Đức, trong đầu tôi lại nảy ra câu hỏi khác có lẽ có tầm cỡ lớn hơn nhiều. Hệ tư tưởng Đức có gì đặc biệt so với các nước láng giềng và các nước Tây Âu khác, ví dụ tính kỷ cương, đúng giờ, sạch sẽ ngăn nắp? Cảm giác tự tìm được câu trả lời thực sự là một hạnh phúc và bây giờ tôi có niềm đam mê ấy, nên không còn chỗ cho thời gian vô nghĩa nữa.

Nước Đức không kể nhiều về thành công của mình, không tự hào, không khoe bí quyết dẫn đến thành công ấy. Muốn biết về nước Đức, bạn phải tự tìm hiểu và điều đó sẽ mang lại cho bạn sự đam mê, không khác gì đam mê khi vào thế giới facebook của bạn. Để giúp các bạn Việt Nam chưa tự tin khám phá quê hương mình đang sống, tôi muốn giúp để họ mạnh dạn hơn, hỏi và bàn luận về đất nước này. Xuất phát từ những câu tâm sự, đại loại „Em muốn hỏi nhiều nhưng chẳng biết gì để hỏi!“ hoặc „Anh cứ kể chuyện nước Đức đi, kể cái gì cũng được!“ tôi muốn các bạn có hình ảnh phác họa về nước Đức để lấy đó làm nền tảng tìm hiểu tiếp. Chính vì thế cuốn sách ra đời, được sự giúp đỡ của Hội trống cơm và quận Marzahn – Hellersdorf trong khuôn khổ một dự án.

Nước Đức thực sự hùng mạnh kể từ ngày lập quốc 1871, vì trước đó đất nước này gồm 39 quốc gia nhỏ lẻ với hệ thống tiền tệ và đo lường riêng, chính sách hải quan riêng. Sự vươn lên quá nhanh của dân tộc Đức sau khi thống nhất đã tạo ra sự giành giật thuộc địa, coi thường các cường quốc khác và trở nên hiếu chiến. Sau bi thương của hai lần đại chiến, dân tộc Đức đã định vị lại mình, biết dùng trí tuệ để vươn lên bằng con đường khác, chứ không dùng „sắt và máu“ nữa. Bây giờ vai trò của nước Đức trên thế giới, hàng hóa Đức, phong cách làm việc Đức, môi trường Đức, kỷ cương Đức đã nổi tiếng. Hệ thống an sinh xã hội của họ tiên tiến thuộc vào nhóm đứng đầu.

Đó là nội dung của cuốn sách chúng tôi soạn, cụ thể, dễ hiểu, không hàn lâm và bằng hai thứ tiếng Đức Việt để giúp những ai muốn học tiếng Đức, giúp thế hệ sinh ra ở đây củng cố tiếng Việt. Có nhiều người tự hỏi rằng: Tại sao tôi cần phải biết những điều này. Tôi sang đây để làm ăn và giúp gia đình, đó là mục đích chính của tôi? Xin có câu trả lời thật đơn giản: Thế giới ngày nay đã khác xưa quá nhiều. Xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cần sự đóng góp của tất cả các thành viên trong xã hội đó. Trong quá trình chung sống, con người luôn phải học để có thể tránh những thiệt thòi không đáng có. Ví dụ bạn đi xe trong đêm đụng một con nai nhỏ đang băng qua đường. Nếu chỉ vì không thấy ai chứng kiến, bạn bỏ con nai vào cốp xe rồi đi tiếp, bạn có thể trả giá đắt nếu bị phát hiện.

Cũng là một điều đáng suy nghĩ khi rất nhiều người cho rằng, tất cả mọi thông tin cần thiết đã có trong mạng xã hội, không cần phải mua sách báo làm gì nữa. Điều đó không hoàn toàn sai, nhưng sách báo cung cấp cho các bạn thông tin và phân tích chất lượng cao hơn, hướng các bạn vào những chủ đề nhất định. Không phải ai vào mạng xã hội cũng có khả năng lọc thông tin để tìm được những gì thực sự có ích mà mình đang cần. Kết quả là biển thông tin đã làm cho họ mất hướng, chỉ để giải trí chứ không còn yếu tố học hành.

Từ khi cuốn sách được xuất bản, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi rất tích cực của độc giả. Họ nói rằng, đọc xong cuốn sách này, hình ảnh nước Đức mà họ đang sống rõ nét hơn để họ hiểu mình có quyền gì và trách nhiệm gì với nước Đức.

Bạn có thể liên lạc trực tiếp với tôi qua Email để biết thêm chi tiết về cuốn sách và hình thức các bạn mua ủng hộ dự án của Hội Trống cơm :
Nguyễn Thế Tuyền nthetuyen@googlemail.com
Tel. 01732126666
Những người ở Berlin hoặc vùng lân cận có thể đến dự liên hoan kỷ niệm 30 năm người Việt chung sống tại Marzahn – Hellersdorf và thăm quầy sách của chúng tôi. (Thứ bảy ngày 23.09. 2017, từ 15 giờ tại Jugendzentrum Betonia, Wittenberger Str. 78, 12689 Berlin)

Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

 

CHIA SẺ
Bài viết trướcTriều Tiên có mấy kịch bản chiến tranh
Bài kếTriều Tiên có mấy kịch bản chiến tranh? (Tiếp theo)
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.