Truyện đêm khuya – Chủ nhật.
Trước khi đi Nga bảo:
– Em đến cơ quan, nếu các con có về đột xuất anh cứ nói em đi công tác trong Nam , mọi chuyện để rồi em giải thích với các con sau. Đồ ăn thức uống em đã chuẩn bị đủ một tuần cho anh, tất cả để trong tủ lạnh. Trời nắng nóng nhưng anh dùng ít nước đá thôi, vì cái họng của anh luôn có vấn đề đấy. Đừng nghĩ ngợi gì nhiều về em.
Bằng động tác dứt khoát, Nga xách va li lên , mạnh mẽ bước ra đường. Tôi đã định cứ ngồi yên, nhưng không hiểu sao lại bật dậy, ra đứng tựa cửa, đôi mắt đăm đăm nhìn theo từng sải chân thoăn thoắt của Nga. Có lẽ do bản năng hoặc thể hiện một trạng thái tình cảm cần bộc lộ. Tôi cứ nhìn theo mãi cho đến khi lớp bụi mỏng sau cái xe Camry bóng loáng tan đi, tôi mới thẫn thờ quay vào nhà.
Tôi nằm xuống giường, hai tay đan vào nhau đặt lên trán. Lập tức những ý nghĩ lộn xộn, lụn vụn, chồng chéo nhau ào ạt tới, khiến đầu óc tôi đã mỏi mệt lại càng mỏi mệt hơn.
***
“Xoảng”… Thìn dằn mạnh cái mâm nhôm xuống nền nhà. Đôi mắt Thìn trợn lên. Mỗi lần như vậy thì măt Thìn chỉ còn rặt có lòng trắng. Mồm Thìn méo xệch đi, mỗi lần mồm méo là cặp môi dầy, thâm sì của Thìn rúm ró lại. Tiếng nói từ trong cuống họng Thìn rít ra:
– Đồ lăng loàn… Đồ hàng tôm hàng cá…
Cư – vợ Thìn, đầu tóc rũ rượi, mặt đỏ bừng bừng, cái mồm dẩu lên đốp chát:
– Còn ông là cái dân xích lô ba gác, đầu đường xó chợ… – Rồi Cư tru tréo: – Giời ơi là giời, có ai khổ như tôi không cơ chứ… Lấy chồng không lấy lại đi lấy cái đồ “ba que xỏ lá”.
– Im… Im ngay… – Thìn gầm lên, sấn sổ đến bên vợ, xòe bàn tay sần sùi thô ráp ra chực túm lấy ngực, lấy tóc Cư để dậy cho con vợ lăng loàn vài cái tát cho nó biết thế nào là lễ độ. Thế nhưng cũng giống như mọi khi, đến đúng đỉnh điểm đó thì như có một thế lực vô hình ở đâu xuất hiện ngăn cản không cho Thìn “xuống tay” . Thìn lẩm bẩm :
– Tao mà thèm chấp với đàn bà à!
Thìn nhếch mép cười khẩy, mở tủ lấy chai rượu, ngồi phệt xuống nền nhà, giật cho mấy cái khuy áo bung ra để lộ một mảng ngực đỏ au au. Thìn ngửa đầu, cầm chai rượu dốc ngược vào miệng. Rượu ồng ộc chảy, chảy xuống cổ ướt áo. Những lúc bực tức, bức xúc chỉ có rượu là giải pháp mang lại sự cân bằng tốt nhất cho cái đầu đang hừng hực nóng. Thìn uống cho đến lúc chai rượu không còn một giọt nào mới nhận ra cãi nhau với vợ thật vô lý và vô bổ.
Cư nhìn chồng uống rượu thì “lộn ruột”. Tuy nhiên Cư không dám đến gần, mà chỉ đứng xa làu bàu:
– Hừ uống như uống nước đái người ta ấy.
Thìn nghe thấy, nhưng không thèm chấp nữa. Hai tay Thìn vịn đầu gối đứng lên lảo đảo đi vào buồng, đổ ệch người xuống giường. Cảm giác lơ mơ… Đê mê dìu dần Thìn vào giấc ngủ.
Cư thở hổn hển một lúc nữa, đưa tay vấn lại mái tóc, đầu nghĩ… Cái đồ “ba que xỏ lá” uống rượu cũng “du côn”. Phải lúc bình thường thì không xong với bà đâu. Khốn nỗi lúc bình thường thì nó uống rượu đâu đến nỗi nào. Từ từ rót ra chén, từ từ nâng lên ngang miệng, chiêu một hớp, khà một tiếng, chép miệng vài cái.
Trong buồng tiếng ngáy “khò khò” của Thìn đều đều vọng ra. Biết chồng đã ngủ Cư cũng bớt giận phần nào. Chị xắn quần xắn áo dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Vừa làm chị vừa gióng giả gọi con:
-Con Hòa, thằng Hải chúng mày chết dúi chết dụi ở đâu rồi, về ngay tao bảo.
***
Thứ hai.
Dạy xong hai tiết học đầu tôi định đến cơ quan Nga , song nghĩ đi nghĩ lại, tôi thôi. Tuy nhiên về đến nhà tôi gọi cho Nga ngay. Gọi vào máy bàn , cô thư ký của Nga nhẹ nhàng:
– Thưa chú, cô giám đốc đi vắng ạ.
Gọi vào di động, lại một giọng con gái khác :”-Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau. ” Bất giác tôi thở dài, nghĩ :”Có lẽ Nga không muốn nói chuyện với tôi”. Tôi uể oải ngồi vào bàn làm việc. Với tay lên kệ sách lấy một quyển sách giáo khoa, lật lật vài trang theo phản xạ tự nhiên, rồi dừng lại ở một trang bất kỳ. Những con chữ ở trang giấy đó như nhảy múa trêu ngươi tôi. Sau đó chúng nhòe dần, nhòe dần cho đến khi trở nên mờ mịt.
Mới chớm vào hè trời đã nóng nực, làm cho người ta mệt mỏi. Với tôi dường như sự mệt mỏi còn gia tăng hơn. Ở trường nhìn lũ học trò nhoai người ra ôn thi trong nắng nóng mình cũng mệt lây. Về nhà thì… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa, tôi rất sợ những ý nghĩ lụn vụn, lộn xộn ùn ùn kéo đến, nhiều lúc làm đầu óc muốn nổ tung.
***
Đặt mạnh bát cơm đang ăn dở xuống mâm ,Cư hất cằm bảo Thìn:
– Cả tuần nay ông chưa đưa về cho tôi đồng nào đâu đấy.
Thìn thản nhiên trả lời:
– Có chở được khách, chở được hàng chó đâu mà có tiền cơ chứ.
-Thế ngày nào ông cũng đưa xích lô ra đường làm gì?
– Thì ra chầu chực chứ còn làm gì nữa.
-Tại sao chúng nó cũng ra đường như ông, chúng nó lại có khách có hàng để chở. Hay là… à mà thôi đúng rồi… Suốt ngày ông lại chúi mắt chúi mũi vào đánh phỏm chứ gì… Giời ơi là giời… Có ai khổ như tôi không!
-Chưa chi đã tru tréo méo giật lên. Đã lần nào cô bắt được tận tay tôi ngồi đánh bạc chưa hả!
-Tôi không cần bắt quả tang gì hết. Nhưng cái máu cờ bạc trong người ông thì tôi còn lạ gì. Giời ơi là giời… Sao mà cái số tôi nó khổ thế cơ chứ… -Cư bù lu bù loa, rồi văng tục văng tĩu, chửi rủa ầm ầm.
Thìn bắt đầu nóng mặt, chói tai, ngứa mắt. Đưa đôi mắt rặt lòng trắng gườm gườm nhìn vợ, hai hàm răng sin sít :
– Quá quắt… Quá quắt…
Cái Hòa buông bát kéo thằng Hải đứng dậy, bảo:
-Tao với mày không ăn nữa, ra ngoài chơi cho bố mẹ cãi nhau.
Hơn ba mươi phút sau vợ chồng Thìn mới thôi lời qua tiếng lại. Lần này Thìn cũng đã kìm chế được cơn giận, bởi đã mấy lần Thìn đã vung tay lên định cho vợ vài cái “bợp tai”. Vừa ăn cơm xong nên Thìn không giải quyết sự bức xúc bằng rượu chỉ lặng lẽ vào buồng lên giường nhắm mắt ngủ ngay. Cư nhìn vào bĩu môi:
-Chỉ được cái chết dấp là nhanh.
Cái Hòa chạy vào xòe tay trước mặt Cư:
– Tí quên, cho con mười ngàn mua quà sinh nhật con Tố Anh!
Cư hất hàm vào buồng:
-Xin bố mày ấy.
Cái Hòa vào buồng lay bằng được bố dậy, nì nèo xin tiền. Cực chẳng đã Thìn đành móc túi lôi ra một nắm tiền lẻ, toàn những tờ bạc lấm lem nhầu nhĩ. Cư ngoái cổ nhìn vào, thấy nắm tiền lẻ như vậy “xì” một tiếng bảo:
-Không phải tiền đánh phỏm con này chỉ là con chó.
Cái Hòa xin được tiền, mặt mày hớn hở líu lô:” Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng… ”
***
Thứ ba.
Buổi chiều họp hội đồng nhà trường xong, tôi qua hồ Máy Xay, bất chợt nghe tiếng gọi:
-Thày giáo… Thày giáo ơi…
Thì ra là Thìn. Anh ta nhe hàm răng khấp khểnh cái vàng khè, cái đen xỉn, cười nhăn nhở:
– Bữa nay em trúng quả chở được mấy thằng Tây ba lô vào Tam Cốc-Bích Động, chúng cho em mấy trăm ngàn , em mời thày giáo uống bia.
Chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không, Thìn sấn sổ giằng lấy xe của tôi đưa thốc vào nơi gửi. Thìn kéo tôi tới một cái bàn còn trống kê sát bờ hồ. Gió dưới hồ quyện cùng hơi nước mơn man đưa lên khiến cái nóng dịu lại phần nào. Thìn gọi bia hơi, gọi nem Yên Mạc bày đầy bàn, hỉ hả bảo tôi:
– Thày giáo cứ uống tẹt ga đi, hôm nay em bao.
Tôi mỉm cười, bảo:
– Chỗ hàng xóm láng giềng chú bao hay tôi bao cũng chả đi đâu mà thiệt. Chỉ có điều kinh tế còn nhiều khó khăn, vì vậy chú cứ uống thoải mái còn tiền nong để tôi thanh toán cho.
Thìn xua xua tay:
– Ai lại vậy… Em mời thày cơ mà.
Thìn dốc ngược cả ly bia vào mồm. Bọt bia sùi ra bám đầy hai bên mép trắng xóa. Thìn lè lưỡi, đảo một vòng quanh mép, xem ra có vẻ thỏa mãn. Uống thêm hai ly nữa, bất chợt Thìn nói nhỏ:
– Vợ thày giáo vừa đẹp vừa làm giám đốc ngân hàng, hai đứa con của thày đều đang học đại học. Nhà thày ai cũng lịch sự, có văn hóa… chả bù cho nhà em tí nào.
Tôi nghe rõ từng lời Thìn nói mà tưởng như ở đâu xa xôi lắm vọng về. Tôi bắt chước Thìn, cũng dốc cả ly bia vào mồm, nhưng sao đắng thế ! Uống thêm một ly nữa, tôi xem đồng hồ rồi viện lý do về trước. Thìn lại sốt sắng nhanh nhẹn chạy đi lấy xe cho tôi.
***
Nhọ mặt người Thìn mới về. Cư chạy đến bên hít hít, hà hà… vài ba cái, ngay lập tức Cư lanh lảnh:
– Giời ạ… Nồng nặc mùi bia… Lại đi uống bia ôm chứ gì!
Thìn đẩy cái xích lô sát vào cửa nhà, đưa đôi mắt rặt lòng trắng lườm Cư. Cư càng thêm bực:
– Lườm nguýt cái gì ! Đi uống bia ôm hú hí phè phỡn với mấy con ca ve rồi về chán vợ.
Thìn cố nhịn, túm lấy tay vợ vừa lôi vào nhà vừa nói nhỏ:
– Tôi với thày giáo vừa đi uống bia hơi ở hồ Máy Xay chứ có uống bia ôm bia ấp gì đâu, chỉ có cái nanh nọc là chẳng ai bằng.
– Có thật đi uống bia với thày giáo không?
– Nói phét làm gì!
– Nếu thế thì được… – Rồi bỗng Cư ao ước : – Giá mà ông được như thày giáo thì đời tôi sướng lắm nhỉ.
Nghe vậy Thìn cũng đốp lại luôn:
– Giá mà cô dịu dàng hiền lành, đoan trang như chị giám đốc thì thằng này đã lên tiên rồi nhá.
***
Thứ tư.
Buổi tối, lúc vừa hết chương trình thời sự trên ti vi thì Cư rít lên:
– Giời ơi là giời… Có ai khổ như tôi không… . Chồng không lấy lại đi lấy thằng đốn mạt.
Thìn hùng hổ:
– Cô bảo ai là thằng đốn mạt ?
– Tôi nói cho ông biết ông mà léng phéng với con Phượng bớp mắc phải si đa là tôi mặc xác ông đấy.
Thìn sẵng giọng:
– Cô đừng nghe chúng nó bơm vá đểu. À! Mà đứa nào bảo với cô là tôi đi với con Phượng bớp hả !
-Ông ra chợ Rồng mà nghe. Đẫy người bảo ông đưa con Phượng bớp ra công viên núi Thúy hú hí với nhau. Giời ơi là giời, sao lại có giống người ngu thế kia cơ chứ. Bảo nó xinh đẹp, mầu mỡ gì cho cam, đằng này nó vừa xấu vừa già khọm ra vậy mà cũng đâm đầu vào.
Thìn lại hùng hổ:
– Đừng ăn nói bậy bạ ông lại cho rụng hết cả răng ra bây giờ.
Cư vênh mặt:
– Răng bà đây này có giỏi thì vả đi.
Cái Hòa tức quá quát lên:
– Bố mẹ có để yên cho chúng con học bài không nào.
Hai người đành thôi không nói lời nào nữa. Tuy nhiên họ vẫn “cãi nhau” theo kiểu kịch câm, nhăn mày nhăn mặt, bĩu mỏ, lườm nguýt…
Thấy im lặng , thằng Hải bảo bố:
-Cho con tiền đi đăng ký học đàn Organ.
Mắt Cư xếch ngược lên:
– Ai bảo mày đi học đàn?
Thằng Hải bảo :
– Bố !
Cư “xì” :
– Sĩ… Con nhà tôm nhà tép mà cũng đòi.
Thìn vênh mặt :
-Kệ tôi… – Rồi bảo thằng Hải : -Học phí bao nhiêu hả con ?
***
Xem xong chương trình thời sự cuối ngày trên ti vi, tôi lên giường định bụng vừa nằm vừa đọc sách. Trước đây Nga không bao giờ cho tôi đọc sách như vậy. Nga bảo sẽ hại mắt, đau lưng và trông nó thế nào ấy. Nhưng rồi khi không còn quan tâm đến tôi nữa thì Nga mặc kệ. Bên nhà hàng xóm cái Hòa thằng Hải hình như đã đi ngủ. Không còn nghe tiếng cãi cọ của Thìn và Cư, thay vào đó là tiếng rúc ra rúc rích, tiếng rên rỉ mãn nguyện và cả những tiếng chửi yêu rất tục tĩu của họ.
Bất giác tôi thở dài. Không hiểu giờ này Nga có nghĩ đến tôi không.
***
Thứ năm.
Nga điện về cho tôi : ” Em đã nghĩ kỹ rồi, chúng ta không thể… ” chỉ có như vậy rồi bỏ lửng. Tôi cũng chẳng cần thiết căn vặn “không thể” là “không thể” cái gì ! Tôi đoán mấy ngày qua Nga cũng đã phải dằn vặt day dứt. Dẫu sao tôi và Nga đã cũng có một thời yêu nhau thực lòng. Không biết vì sao trong tôi lại hình thành một sự nghi kị dẫn đến ghen tuông. Nhất là khi Nga được đề bạt làm giám đốc một ngân hàng, mỗi lần nhìn Nga xinh đẹp, đài các, dáng điệu quý phái bước lên bước xuống xe hơi sang trọng, lòng tôi lại se sắt, cảm giác hẫng hụt, tôi cho rằng mình bị thua thiệt. Tôi già nua dần và héo hắt trông thấy.
Dẫu sao tôi vẫn còn gặp may bởi vì được làm hàng xóm gần kề của nhà vợ chồng Thìn ,Cư. cứ mỗi lần đầu óc tôi sắp trượt vào đường cùng tăm tối nhất thì tiếng cãi cọ chửi bới nhau ầm ĩ của họ kéo tôi ra khỏi u mê.
***
Cư hỏi một cách gay gắt:
– Ông lập quỹ đen để làm gì?
Thìn đáp tỉnh bơ:
– Để phòng thân.
Cư dài giọng:
– Có mà để cho gái ấy. – Cư nghiến răng đe nạt : – Tôi mà biết ông mang tiền đi dấm dúi cho con “trời đánh thánh vật” nào thì nhất bằng “lành làm gáo vỡ làm môi ” nhá.
Thìn lúc lắc cái đầu bảo:
-Hôm nay tôi mệt lắm , chẳng muốn đôi co với cô. – Nói rồi Thìn há mồm ngáp một cái rõ to, và lặng lẽ vào buồng.
Cư nguýt theo bảo:
-Liệu đấy, đừng tưởng cứ “ngậm miệng ăn tiền” mà được đâu.
***
Thứ sáu.
Thìn đạp xích lô đi từ sáng sớm. Thìn bảo vợ hôm nay chở hàng hợp đồng, đâu như bữa trưa chủ hàng đãi rượu thịt chó ở quán Sinh. Cư là dân buôn bán tôm cá theo kiểu mua mé sông bán đầu chợ, sáng nay cũng quắp rổ ra bến mua cá từ lúc mặt người còn mờ sương. Buổi trưa đi học về cái Hòa và thằng Hải tự nấu cơm. Chúng để phần cho mẹ rồi hai đứa ăn uống với nhau. Hai đứa trẻ này thuộc dạng ngoan ngoãn, chịu khó. Mặc dù bố mẹ chúng ngày nào cũng có những cuộc cãi vã, nhưng chúng không bận tâm. Có thể chúng đã quá quen, có thể chúng phải cam chịu chấp nhận hoàn cảnh. Hàng ngày trong ngôi nhà này, xen vào những lời đôi co gay gắt, tiếng chửi rủa tục tĩu, tiếng đổ vỡ của nồi niêu xoong chảo, bát đĩa bị quăng quẩy, đập vỡ… là những tiếng cười, tiếng hát trong trẻo của cái Hòa thằng Hải.
Đến tối mịt vợ chồng Thìn ,Cư mới về. Xem ra hôm nay tình hình thế giới có vẻ yên bình. Dắt xe lên rồi xếp gọn vào vỉa hè, Thìn nhìn Cư cười : “Khành khạch… khành khạch… ” Cư thấy chồng vui vẻ thì không ngấm nguýt như mọi ngày. Hai vợ chồng còn xúm tay làm bữa tối, chuyện trò rôm rả. Thì ra chiến tranh dẫu có khốc liệt mấy cũng có lúc phải ngưng tiếng súng.
Cơm nước xong Thìn bảo Cư:
-Mời hai bên nội ngoại, mời một số bạn bè xích lô, xe ôm của tôi, bạn bè buôn bán của cô, mời vợ chồng thày giáo và vài người nữa… Tôi dự tính khoảng năm mâm.
Cư lo lắng:
– Năm mâm liệu có ít không ?
– Không ít đâu .
Thằng Hải hỏi;
– Thế bạn bè của con với chị Hòa không được mời hả bố mẹ ?
– Chúng mày còn trẻ con.
Cái Hòa vênh cái mặt giả bộ đanh đá :
– Mẹ đừng có mà khinh trẻ con nhá!
***
Thứ bẩy.
Khoảng chín giờ, cô thư ký của Nga mang đến cho tôi một lá thư.
” Anh ! Em có lỗi với anh, có lỗi với các con nhiều lắm. Thực ra em chỉ là một người đàn bà ích kỷ, chỉ biết lo và chỉ biết yêu bản thân mình. Em chỉ vun vén cho cái sự nghiệp, cái vị trí của mình thôi. Chính vì để đạt được mục đích đó em đã nhiều lần phản bội anh. Em vẫn chưa hình dung nổi cuộc sống của em sau khi chia tay với anh sẽ ra sao. Em chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe và làm lại hạnh phúc với người phụ nữ hoàn thiện và không có nhiều tham vọng như em. Nga ! ”
Tôi xoay ngang xoay dọc, đọc đi đọc lại những dòng chữ đó. Tôi đã đọc trong sự váng vất của đầu óc, trong sự rã rời và mệt mỏi của cơ thể. Tôi băn khoăn tự hỏi … Có hẳn là Nga có lỗi ! Có hẳn là Nga ích kỷ ! Lẽ nào dấu chấm hết cho một gia đình ” có học” chỉ bằng vài lời bao biện như vậy sao !Rồi tôi hoài nghi… Trên đời này có một người đàn bà nào được gọi là hoàn thiện không !
Trong cái lúc khủng hoảng nhất của thần kinh tôi bỗng thèm nghe tiếng cãi nhau của vợ chồng người hàng xóm. Tôi thèm được nghe tiếng xoong nồi bát đĩa bị quăng ném. Bỗng dưng tôi lại vơ vẩn ao ước, giá như vợ chồng tôi cũng sống theo kiểu vợ chồng Thìn Cư thì có lẽ một tuần nay Nga đã không đến ở cơ quan.
Chập tối hai vợ chồng Thìn,Cư sang nhà tôi. Họ ăn mặc tươm tất. Vừa bước vào Cư đã nhanh mồm nhanh miệng :
– Chúng em chào thày giáo ạ. – Đoạn cô ta hồn nhiên vỗ tay đôm đốp lên vai Thìn: – Anh có lời mời thày giáo đi.
Thìn hất tay Cư ra lễ độ nói:
-Thưa thày giáo, chẳng là thứ ba tuần tới vợ chồng em kỷ niệm mười lăm năm ngày cưới, chúng em chuẩn bị mâm cơm rau dưa , vậy chúng em có lời mời thày giáo và chị giám đốc sang chơi ạ.
—————————— —–
Ninh Đức Hậu
Hội Văn Học Nghệ Thuật Ninh Bình
Phường Đông Thành – TP Ninh Bình
Tác giả: Ninh Đức Hậu – Thực hiện: Hoàng Yến
Sản Xuất & Biên Tập: VOV