Các bạn thân mến!
Dưới đây là nguyên bản bài viết gửi tới báo Nhân Dân. Vì bài khá dài, nên do khuôn khổ của tờ báo, báo Nhân Dân đã rút gọn để thông tin tới bạn đọc các nội dung chủ yếu nhất. Ngày 27.4.2018 bài đã được đăng tải. Hôm nay tôi tải toàn bộ bài viết lên FB để bạn đọc nào quan tâm có thể tìm hiểu kỹ hơn
Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn những bạn quý mến đã đồng hành cùng tôi trong những tháng ngày vừa qua.
11 giờ 45’ ngày 9.8.2017, Thủ trưởng chi nhánh và một người cấp phó tới phòng làm việc của tôi, yêu cầu tắt máy tính công vụ, nhận quyết định tạm dừng làm việc, nhận giấy triệu tập tới Tổng hành dinh Cơ quan Liên bang phụ trách di cư và tị nạn (BAMF) vào ngày 10.8.2017. Họ yêu cầu tôi ra về, nộp ngay chìa khóa phòng làm việc, chìa khóa ra vào cơ quan. Chứng minh thư công vụ điện tử tôi được phép mang theo. Ngày 10.8.2017, ba người thay mặt lãnh đạo cho tôi biết lý do triệu tập là hai status (trạng thái) tôi công bố trên Facebook cá nhân, một số bài báo và thư của một số người tố cáo tôi. Cụ thể, ngày 9.8.2017 tạp chí Tấm gương bản điện tử đăng bài Ông T. và người Việt Nam bị bắt cóc cho rằng Hồ Ngọc Thắng bình luận phiến diện, theo ý của Chính phủ Việt Nam; trả lời phỏng vấn của Tổng giám đốc Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam (VOV); phê phán Chính phủ Đức và luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh; đăng bài trên Facebook tiết lộ Trịnh Xuân Thanh đang ở Đức, và nói xấu Trịnh Xuân Thanh; Hồ Ngọc Thắng là cộng tác viên của báo Nhân Dân thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, được trao nhiều giải thưởng. Ngày 10.08.2017, tờ taz.de bản điện tử đăng bài “Bắt cóc Trinh Xuan Thanh – người cộng sản trong Cơ quan Liên bang” đại ý viết rằng, một người Việt tại Đức đã cố vấn chính trị cho nhà cầm quyền cộng sản, ông ta đã làm việc 26 năm trong cơ quan thuộc Bộ Nội vụ Liên bang; và bài báo đưa ra các nội dung như Hồ Ngọc Thắng: khuyên Chính phủ Việt Nam kiên trì trong vụ Trịnh Xuân Thanh; so sánh đường lối đối ngoại của Chính phủ Đức với chiến tranh ở Việt Nam, cho rằng đừng sợ, trước đây Pháp, Mỹ dùng bạo lực nhưng không khuất phục được Việt Nam, hôm nay nước Đức và người dân Đức cũng không đe dọa được Việt Nam.
Bài viết tiếp, Hồ Ngọc Thắng không che giấu sự trung thành với Việt Nam, ông ta từng chiến đấu trong chiến tranh, năm 1976 đến CHDC Đức học Đại học Luật; Đảng Cộng sản Việt Nam và báo Nhân Dân nhiều lần trao giải thưởng cho các bài viết của Hồ Ngọc Thắng, giấy chứng nhận ghi rõ là có “thành tích trong tuyên truyền ở nước ngoài“; Hồ Ngọc Thắng đăng bài phê phán dân biểu Đức Patzelt và ông Vũ Quốc Dụng – người đấu tranh cho nhân quyền và là thành viên tổ chức Veto; có thể Hồ Ngọc Thắng đã chuyển tài liệu Trịnh Xuân Thanh nộp khi xin tị nạn về Hà Nội để sử dụng khi xét xử Trịnh Xuân Thanh. Trong các bài báo, Hồ Ngọc Thắng đã sử dụng kiến thức thu thập được từ công việc ở Cơ quan Liên bang, tội của Hồ Ngọc Thắng là không tôn trọng nguyên tắc trung lập về chính trị.
Ngày 23.8.2017 qua đường bưu điện, tôi nhận quyết định sa thải đề ngày 21.8.2017. Lý do sa thải là những cáo buộc mà ban lãnh đạo đã cho tôi biết hôm 10.8.2017. Lúc đầu tôi có bị sốc, nhưng khi bình tĩnh tôi hiểu rằng cơ quan không có cách hành xử nào khác, vì họ không thể chỉ tiếp nhận phản biện bằng lời nói của tôi để rồi cho qua. Như vậy, sự việc phải được một bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm tra nghiêm túc nhằm bảo đảm tính chất một nhà nước pháp quyền. Và bên thứ ba chỉ có thể là Tòa án, quan tòa. Ngày 28.8.2017 tôi đã đệ đơn khiếu nại tại Tòa án Gera (bang Thüringen – CHLB Đức). Sau khi thụ án, Tòa án yêu cầu nơi ra quyết định sa thải tôi trình bày chi tiết lý do dẫn đến quyết định sa thải với chứng cứ cụ thể. Qua Tòa án, đầu tháng 12.2017 tôi nhận được phần trình bày tỉ mỉ về lý do sa thải, xem thư tố cáo của các cá nhân. Về cơ bản, các cáo buộc đưa ra hôm 10.8.2017 vẫn được nhắc lại, được coi là bằng chứng của thủ tục kiện tụng. Dự kiến phiên tòa sẽ tiến hành ngày 22.2.2018.
Ngày 28.12.2017 tôi gửi tới Tòa án lời phản biện và chứng cứ. Với status “Quan hệ ngoại giao Đức – Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?”, tôi khẳng định là một ý kiến khách quan, đảm bảo tính trung lập, nguồn thông tin sử dụng là từ Báo miền Nam Đức và hãng DPA. Qua status này, tôi bày tỏ hy vọng quan hệ ngoại giao Đức – Việt sẽ không xấu đi vì sự kiện liên quan Trịnh Xuân Thanh. Bản dịch tiếng Đức của status “Quan hệ ngoại giao Đức – Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?” mà bị đơn đưa ra rất không chính xác, các câu chữ sử dụng để “kết tội” tôi đều được dịch không đúng nội dung. Về status ngày 21.10.2016, tôi phân tích ngắn gọn, chuẩn xác trên phương diện pháp lý và sử dụng thông tin công khai từ báo Việt Nam, thông cáo báo chí của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam, án lệ của tòa án Đức về đơn xin nạn của người Việt. Nếu Trịnh Xuân Thanh tham khảo, sẽ thấy status giúp ông có cái nhìn tổng quát về pháp luật và hoàn cảnh của mình để tự đưa ra quyết định đi Canada, ở lại Đức hay về Việt Nam? Tiếp đó tôi khẳng định chưa bao giờ trả lời phỏng vấn của ông Tổng Giám đốc VOV. Trong văn bản giải thưởng báo chí đối ngoại của Việt Nam có ghi Hồ Ngọc Thắng là cộng tác viên, nhưng khái niệm cộng tác viên ở Việt Nam hoàn toàn không tương ứng với khái niệm này ở Đức. Vì ở Đức, người được gọi là cộng tác viên phải ký hợp đồng, ký cam kết, thỏa thuận thù lao… Trên thực tế, tôi là tác giả tự do, hoạt động độc lập, tôi không ký hợp đồng, không ký cam kết, thỏa thuận thù lao…với bất kỳ tờ báo nào ở Việt Nam.
Về bài Bắt cóc Trinh Xuan Thanh – Người cộng sản trong Cơ quan Liên bang, tôi khẳng định taz.de và Vũ Quốc Dụng đã viết và nói không đúng sự thật. Xem xét kỹ hai bài báo tôi được trao giải thưởng sẽ thấy tôi đã tuyên truyền cho Nhà nước CHLB Đức. Bài được trao giải A của báo Nhân Dân là bài tổng thuật giới thiệu công trình nghiên cứu của Viện Institut der deutschen Wirtschaft Köln – một viện nghiên cứu danh tiếng ở CHLB Đức, với bạn đọc Việt Nam. Bài được trao giải Khuyến khích là ca ngợi chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng CHLB Đức, ca ngợi quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, vạch rõ thủ đoạn của Vũ Quốc Dụng lợi dụng cái gọi là phiên điều trần của Quốc hội CHLB Đức để xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tôi đã có lý khi phê phán dân biểu Đức ông Patzelt. Tôi công khai tuyên bố trung thành với Tổ quốc Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là không trung thành với nước Đức. Như đã nói, đối với tôi thì Việt Nam là mẹ đẻ, CHLB Đức là cha nuôi. Là con phải yêu cả mẹ đẻ và cha nuôi, và chỉ trong tình yêu lứa đôi mới có lựa chọn thế này hoặc thế kia. Về việc một số người tố cáo rằng khi đăng lại status về quan hệ ngoại giao Đức – Việt của tôi, các quan chức của Việt Nam đều giới thiệu tác giả là chuyên gia luật làm việc tại cơ quan của chính phủ Đức, và lẽ ra tôi không được đăng công khai các bài viết như thế, phản biện của tôi là: quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí được Hiến pháp CHLB Đức bảo vệ, tôi công bố các bài báo và status đó với với tư cách một công dân bình thường, chỉ có người khác coi tôi là chuyên gia luật, còn bản thân tôi không hề khẳng định như vậy. Tuy nhiên họ viết như vậy cũng không sai, vì tôi học luật, trước đây làm khoa học nghiên cứu về luật, nhiều năm nay vẫn xuất hiện trước tòa án với tư cách như là luật sư đại diện quyền lợi của một cơ quan thuộc Chính phủ CHLB Đức.
Tuần đầu tháng 1.2018, BAMF cho tôi biết: kết quả kiểm tra, ý kiến phản biện, chứng cứ tôi đưa ra cho thấy những lý do dẫn đến quyết định sa thải tôi là không có cơ sở, và BAMF muốn hủy quyết định sa thải. Như vậy, nếu hủy quyết định sa thải, tôi sẽ tiếp tục làm việc hơn một năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, BAMF cho rằng việc tôi đi làm trở lại là bất cập với cả hai bên, nên BAMF kêu gọi tôi chấp nhận đề nghị và kết thúc công việc tại BAMF vào ngày 31.3.2018, Chính phủ sẽ trả cho tôi một khoản tiền đền bù bảo đảm đầy đủ thu nhập như vẫn làm việc, tuy nhiên tôi phải cam kết tuyệt đối giữ bí mật về con số cụ thể; đồng thời tôi sẽ nhận được một đánh giá tốt về cống hiến trong 27 năm làm việc, lời cảm ơn của BAMF, bộ phận nơi tôi làm việc sẽ tổ chức chia tay vui vẻ với tôi trong tháng 3.2018. Nếu đồng ý với đề nghị, tôi chỉ cần thông báo cho Tòa án Gera về thỏa thuận, Tòa án sẽ không ra phán quyết. Và tôi chấp nhận đề nghị này, vì qua đó tôi được phục hồi 100% về phương diện pháp lý, chính trị và tài chính. Và ngày 1.2.2018, Tòa án Gera đã ra nghị quyết xác nhận thỏa thuận giữa hai bên, và kết thúc thủ tục kiện tụng.
Theo kế hoạch, ngày 31.3.2018 tôi kết thúc 27 năm làm việc, và cơ quan đã tổ chức gặp mặt chia tay tôi vào ngày 15.3.2018. Trong không khí vui vẻ, ấm cúng, mọi cán bộ và nhân viên đều có mặt tại phòng họp lớn. Thay mặt cơ quan, thủ trưởng chi nhánh đã phát biểu cảm ơn tôi về những cống hiến trong 27 năm làm việc. Trong phát biểu của mình, tôi đề cập những công việc đã trải qua ở cơ quan. Các đồng nghiệp đều chia sẻ chia thắng lợi của tôi về phương diện pháp lý, chính trị và tài chính. Trước khi kết thúc, họ tặng tôi một thiếp ghi dòng chữ “Tạm biệt! Chúc tương lai tốt đẹp và trước tiên là sức khỏe!” cùng chữ ký của mọi người: đồng thời tôi được trao một phiếu quà tặng để mua sách trị giá 60 Euro do đồng nghiệp quyên góp.
|
Ảnhbchụp bản Nhận xét tôi đã tải lên FB cá nhân hôm 8-4-2018 trong statut Đúng là “ÔNG TRỜI CÓ MẮT” !
Hồ Ngọc Thắng (CHLB Đức)
…………………………………..
(*1) Ảnh chụp bản Nhận xét tôi đã tải lên FB cá nhân hôm 8-4-2018 trong statut Đúng là “ÔNG TRỜI CÓ MẮT” !
(*2) Tại CHLB Đức, người được tuyển chọn làm việc cho nhà nước được xếp theo hai loại: Beamter và Angestellter. Tuy đều nằm trong biên chế nhà nước, không có khác biệt trong thẩm quyền công việc, nhưng Beamter và Angestellter có chế độ, hạn chế khác nhau. Sau 5 năm làm việc, giữa năm 1996 việc thẩm tra lý lịch của tôi cơ bản hoàn tất, tôi được mời tham gia thi vấn đáp để chuyển sang chế độ Beamter. Sau khi có kết quả thi xuất sắc, tôi nhận được thông báo hưởng chế độ Beamter, và nếu tôi đồng ý thì chỉ ký tên. Sau một đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định không nhận chế độ Beamter, vì lẽ: Là Beamter khi nghỉ hưu sẽ không được phép về sống vĩnh viễn ở Việt Nam, chỉ được lưu lại Việt Nam tối đa là 3 tháng; không được phép tham gia biểu tình; không được phát biểu công khai trái ngược với quan điểm của cơ quan; nếu bị buộc thôi việc sẽ không có chế độ hưu trí và sống bằng tiền trợ cấp xã hội (Sozialhilfe). Thuận lợi duy nhất khi nhận chế độ Beamter là không lo thất nghiệp, nếu không làm việc được vẫn có tiền để sống, có bảo hiểm y tế. Còn là một Angestellter, ngay từ ngày làm việc đầu tiên tôi đã tự lo chế độ hưu trí và lo cho khả năng nếu thất nghiệp. Và thực tế cho thấy sau khi nghỉ hưu, tôi đã được hưởng đãi ngộ xứng đáng với lao động của mình. Một người tin vào khả năng, không muốn trói buộc 100% với nhà nước thì chọn Hợp đồng lao động vô thời hạn là phù hợp. Và sự kiện vừa qua cho thấy quyết định của tôi đưa ra hơn 20 năm trước là hoàn toàn đúng đắn.
Được sự đồng ý của NguoiViet.de