Có là người nguyên thủy mới cảm thấy bình thường trước việc một doanh nghiệp vận tải thủy (VIVASO) đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chỉ bởi vì “chúng tôi yêu điện ảnh nên chúng tôi mua lại VFS giống như doanh nghiệp khác họ yêu bóng đá thì mua lại một đội bóng vì đam mê”.

Và thực tế cho thấy việc định giá VFS chỉ đáng giá 32,5 tỷ đồng đã là một con số thực sự “biết nói” để khẳng định “tình yêu điện ảnh” của VIVASO. Chỉ riêng một diện tích hơn 5.450m2 ven bờ hồ Tây, mặt sau là đường Thụy Khuê đến một tay buôn bất động sản hạng xoàng nó cũng có thể nhẩm ra bao nhiêu tiền thị giá hiện tại.

Mảnh đất đó được Nhà nước giao cho VFS quản lý sử dụng đã gần 60 năm nay và để đảm bảo quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPHDNNN) đúng quy định, công tác thẩm định giá trị tài sản trước khi cổ phần đã được làm hết sức bài bản, nghiêm túc, đúng quy trình với đáp án cuối cùng là 32,5 tỷ đồng.

Và cũng khá ngạc nhiên trong khi có bao nhiêu nhà đầu tư (cả tổ chức và cá nhân) đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật quan tâm đến việc CPH VFS thì “đùng một cái”, VIVASO được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược với quyền mua 65% VFS tương đương với 21,125 tỷ đồng. Trong lúc CBNV, nhất là giới nghệ sĩ của VFS hoang mang thì lãnh đạo VIVASO đã cam kết với Bộ VHTTDL rằng sẽ dành 20% vốn điều lệ để hoạt động về điện ảnh (không có con số cụ thể), sẽ đảm bảo chế độ chính sách lương tối thiểu cho CBNV sau CPH (bình quân 4,8 triệu đồng/người), thậm chí còn giới thiệu những “ước mơ” là sẽ mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh khác để tăng thu nhập bên cạnh việc làm phim.

Mục tiêu VIVASO đưa ra là doanh thu năm 2016 là 45 tỷ đồng. Nói thêm, ông chủ của VIVASO là Nguyễn Thủy Nguyên còn Chủ tịch HDQT hiện tại của VFS là Nguyễn Danh Thắng (nguyên Phó TGD VIVASO). Điều hành VFS trực tiếp là Phó TGD thường trực Vương Đức.

Nhưng, đời thực không như là mơ.
Dù các đạo diện gạo cội như Thanh Vân, Nhuệ Giang, Hữu Việt, Xuân Hưng, Quốc Tuấn đã đạo diễn hàng chục hàng trăm tập phim, dù các nhà biên kịch như Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã … đã chắt lọc viết ra nhiều kịch bản thì khi được chứng kiến “bộ phim” đang phát ra từ nhà sản xuất VIVASO với kịch bản Nguyễn Thủy Nguyên, đạo diễn Nguyễn Danh Thắng mới thấy sao mình còn nông nổi thế. Suốt nhiều tháng qua, họ được bay lên bằng những lời có cánh để rồi sau đó rơi bịch xuống đất bằng những hành động nối tiếp nhau.

Trước tiên là tái cơ cấu, sáp nhập 4 phòng thành 1 phòng, chuyển đồ đạc lưu trừ từ chỗ này sang chỗ khác, ban hành nội quy lao động, … rồi cuối cùng là một thông báo ngắn gọn: Công ty đang khó khăn, tạm dừng không trả lương tháng 8/2017. Một số người có đi làm sẽ được tạm ứng một phần. Kèm sau đó là một chiến dịch truyền thông bài bản để chứng minh việc quản lý giới nghệ sĩ “khổ” thế nào, đánh giá từ việc chấm công đi làm cho đến kết quả lao động, ai làm ai không làm, mức độ đóng góp ra sao. VIVASO cũng vin vào việc khó khăn để giải thích việc chậm thanh toán lương là do dành 21 tỷ trả nợ cũ (thực ra chính là khoản họ phải góp theo yêu cầu khi sở hữu 65% cổ phần của VFS). Túm lại một thực tế phũ phàng đang diễn ra dưới những góc máy còn quanh co gai góc thú vị hơn nhiều so với tay nghề của Lý Thái Dũng hay Việt Thanh.

Có thể nói, việc CPH VFS cho đến thời điểm này đã không đạt được bất cứ một mục tiêu nào đã được Bộ VHTTVL đặt ra trước khi tiến hành theo luật định. Không phim, không lương, không động lực gắn kết, không định hướng tương lai rõ ràng. Đó là một thất bại hoàn toàn. Có lẽ, đây là bài học lớn đối với việc CPH ở các DNNN đặc thù như VFS, đúng ra họ nên có một cơ chế riêng, họ xứng đáng với điều đó ở lịch sử 60 năm của mình với tác phẩm điện ảnh đầu tiên “Chung một dòng song”, với sự quan tâm và yêu thương của Đảng và Nhà nước, của Bác Hồ trong suốt chiều dài lịch sử điện ảnh cách mạng XHCN.

Để đến nông nỗi này, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Sau nhiều đấu tranh và vận động dư luận, các báo chí và truyền hình đã vào cuộc đưa tin, giới nghệ sĩ hy vọng sẽ sớm thấu được đến lãnh đạo Bộ và cao hơn nữa, là Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, ít người để ý rằng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm đầu 2017 đã yêu cầu rà soát lại việc CPH sau khi có kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam và nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Rất cụ thể và rõ ràng, thế nhưng, thời gian trôi mọi việc vẫn đâu vào đấy. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn kêu nhiều không được, nản chí phát ốm. Giả sử có điều kiện hỏi ông lần này VTV1 đưa tin, liệu có thành công? Tôi đoán ông lại nhìn tôi, thở dài rồi im lặng. Có người nói, ván đã đóng thuyền đến 2 lần.

Đoạn kết hay nhất vẫn còn chưa diễn ra, thế nhưng trước sự lình xình không đáng có này, hỡi ông đạo diễn Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường, Chủ tịch VIVASO, ông nghĩ gì về những lời nói của mình trong bức thư gửi VFS và Bộ VHTTDL hồi tháng 5/2016, ông nghĩ gì về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cả chuyến vi hành của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông nghĩ gì về những nghệ sĩ tài năng vào loại nhất Việt Nam phải xin ông trả lương đúng thời hạn, một khoản tiền dù chỉ vài triệu đồng (nói thực tôi đau lòng khi nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành nói trên VTV1 là lương ông trả cho anh ấy chỉ có 1 triệu đồng/tháng).

Xin ông đừng coi chúng tôi là những kẻ sống trong rừng để sử dụng luật dành cho người nguyên thủy. Xin ông hãy đối xử với nghệ sỹ theo một cách khác vì họ chính là người sáng tạo và tôn vinh vẻ đẹp của thế giới này, họ có giá trị vô hình mà ở tầm “xây lắp” như ông chắc khó nhận ra. Hy vọng sau những khó khăn này, sự hợp tác gắn bó cùng những người nghệ sĩ sẽ giúp cho ông nhận ra được điều đó, sống một cuộc đời thêm vẻ đẹp và bớt sự xấu xa.

HN 19.9.2017/ Theo FB Nguyen Hung Son

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcPhó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ thị sát Hãng phim truyện Việt Nam
Bài kếHà Nội – Chất của tháng 10
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.