Ngày 20.08.2017 tại chùa Phổ Đà, Berlin đông đảo bà con Phật tử, đạo hữu, bà con kiều bào đã tới tham dự mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2561. BTC đã cung thỉnh Hoà Thượng Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa Khuông Việt, Cộng hoà Pháp sang làm chủ trì Đại lễ Vu Lan năm nay. Đại lễ Vu Lan sẽ diễn ra trong hai ngày 19 và 20.08.2017.

Ngày 19.08 mở đầu là chương trình văn nghệ Ơn Nghĩa Sinh Thành, bao gồm nhiều tiết mục văn nghệ của các Phật tử, các tổ chức hội đoàn biểu diễn. Các bài ca, điệu múa đều ca ngợi công đức của các bậc sinh thành. Sau chương trình văn nghệ là lễ hoa đăng cầu nguyện cha mẹ quá vãng siêu sanh, cầu Quốc Thái Dân An. Ngày 20.08 là ngày lễ chính của Đại lễ Vu Lan.

Từ sáng sớm đông đảo Phật từ, bà con kiều bào đã có mặt tại chùa. Theo sự hướng dẫn của Đại Đức trụ trì Thích Pháp Nhẫn, người nào việc nấy, lo tươm tất, chu đáo cho buổi Đại lễ. Từ tấm sớ cầu siêu, cầu an cho bà con, đồ thờ cúng đặt trên các ban Phật trong chùa, đồ cúng chúng sinh đặt trên bàn lớn ngay giữa sân chùa, đến bữa cơm chay đãi mọi người khi Đại lễ hoàn mãn. Mở đầu buổi Đại lễ, Hoàng Thượng Thích Tịnh Quang, chủ lễ đã giảng cho các Phật tử và bà con nghe về lịch sử lễ Vu Lan.

Về những giáo lý của nhà Phật về chữ hiếu, về đạo làm con trong gia đình. Ông căn dặn Phật tử, đạo hữu, mùa Vu Lan không chỉ là dịp chúng ta nhớ đến các bậc tiền liệt, tổ tiên, những đấng sinh thành đã mất mà còn là dịp chúng ta báo hiếu cha mẹ, ông bà đang còn sống. Đạo Hiếu là đạo lớn nhất của nhà Phật. Cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” truyền thống nhân bản của người Việt Nam.

Sau phần thuyết giảng của Hoà Thượng Thích Tịnh Quang là chương trình bông hồng cài áo. Những bông hồng tươi thắm được gắn lên ngực áo những người đến tham dự. Người nhận bông hồng trắng thì ngậm ngùi nhớ về bố mẹ đã khuất. Người đeo bông hồng đỏ thì hoan hỉ vì còn có mẹ, có cha. Bông hồng cài áo thực sự là lời nhắc nhở mọi người nhớ đến ơn sinh thành nhân mùa lễ Vu Lan.

Để ai mất cha mất mẹ thì thành kính dâng sớ cầu siêu cho linh hồn cha mẹ được an nhiên miền cực lạc. Ai còn cha còn mẹ thì dâng sớ cầu an mong cho cha mẹ được mạnh chân, khoẻ tay sống hạnh phúc, đoàn viên bên con cháu. Hàng trăm danh tính những người đã khuất mà con cháu dâng sớ đã được xướng tụng trong hương khói, kinh niệm và sự thành kính của mọi người. Sau lễ cầu siêu trong chùa là lễ cúng chúng sinh ngoài sân. Bữa cơm chay hoàn mãn Đại lễ Vu Lan năm nay như bữa cơm đoàn kết của một đại gia đình người Việt. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng.

Bữa cơm đạm bạc do chính các Phật tử tự nấu mà ngon lành và ấm áp tình người. Mỗi mùa Vu Lan, sân chùa không chỉ là nơi mỗi người Việt xa xứ lui tới để nhớ về công lao sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nhắc nhở đạo hiếu đối với người còn sống mà còn là nơi giao lưu, gắn kết cộng đồng. Cũng là nét đẹp trong văn hoá Việt mà mỗi người Việt xa xứ cần trân trọng giữ gìn và phát huy.

Khắc Hùng & Mạnh Cường từ Berlin, CHLB Đức thực hiện.

CHIA SẺ
Bài viết trướcKhủng bố ở Barcelona
Bài kếKiện đòi Công an TP.HCM trả lại 1,5 tỉ đồng
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.