Cách đây 1 năm, một ngày đẹp trời, vị giáo sư nguyên là thứ trưởng của một bộ gọi điện với giọng đầy nhiệt huyết: – Sơn, chú nghĩ cháu nên giúp đỡ bạn này. Bạn muốn đi khắp thế giới để thể hiện tầm vóc người trẻ Việt.v.v… Chú cháu mình phải giúp nó, vì nó trẻ mà nghĩ lớn…. Thế rồi, nể lời giáo sư, mình gặp bạn ấy. Về phần cá nhân thì quý, nhưng về phần công việc thì khá thật vọng. Thứ nhất, bạn ấy đi vì… thích đi, mục tiêu không biết đi để làm gì; Thứ hai, bạn ấy không biết ngôn ngữ nào khác, ngoài tiếng Việt lẫn lộn lờ nờ. Dù có mối quan hệ than tình với ông giáo sư, nhưng mình phải từ chối cố vấn hay làm những điều xa hơn cho bạn ấy. Vì sao ư? Sẽ giải thích ở phía dưới đây!

Tôi là ai?

Mình thường đặt mục tiêu ít nhất 3 – 5  năm tới mình muốn mình như thế nào, là ai và làm thế nào để mình là cái mà mình muốn. Vài người trẻ ngạc nhiên là tiếng Anh của anh lại dùng hiệu quả vậy, trong khi nhiều người bỏ cuộc cả tỷ lần; Cũng vài người hỏi, làm thế nào từ một nhà báo có thể nhảy phắt qua lãnh đại học thuật? Câu trả lời nằm ở chuyện: chúng ta thiết kế giấc mơ của mình như thế nào, và làm thế nào để đặt chúng.

Thực sự, với một người tuổi không còn quá trẻ, học ngoại ngữ là một cực hình. Từ 2008, tiếng Anh phè phè, chỗ nào cũng bật hơi “s”/”x”. Nhưng, ngày nào cũng thế, cứ cuối giờ làm là thằng bé cắp cặp đến lớp tiếng Anh ngồi, trong khi các đồng nghiệp khác về ôm vợ ngắm con, hoặc đi ra quán nhậu. Kể cả khi tiếng Anh lên được một chút rồi, thì vẫn duy trì thói quen đến lớp để nghe thầy Tây dạy, tấn công não trạng bằng cách cho nó quen dần với môi trường tiếng Anh, dần dần mọi phản ứng ngôn ngữ sẽ hết sức tự nhiên. Thói quen này được duy trì ngay cả thời điểm trước khi đi làm nghiên cứu sinh.

Có những lần mình chán nản với những thứ áp lực của những hạng tiểu nhân sẽ tìm đến nhà ông anh giai. Ngồi nhâm nhi miếng bánh chị làm, tách trà anh pha, và bàn vài chuyện đời, và không quên vuốt ve mùi hoa hương thảo. Thấy lòng an nhiên và có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi những dự định của mình.

Thiết kế hệ thống động lực

Sẽ không tránh khỏi việc đôi lúc ta chán nản trên con đường thiên lý. Chọn cách thiết kế một lối đi riêng, đồng nghĩa với việc chọn cách sống cô đơn. Cô đơn không hẳn ở trạng thái thể lý mà là ở tâm lý, cô đơn đến ngay cả khi bạn ở giữa cả một chợ người.

Đến hàn huyên với “một ông anh” cũng là cách để củng cố thêm động lực chống chọi với những thử thách cuộc đời; nói chuyện với những bạn Tây cũng là cách để duy trì hệ thống động lực học tiếng Anh; Chẳng ai cấm ta vẽ vời đôi thứ đẹp đẽ trong trí tưởng tượng để neo giấc mơ của mình lên đó, và cố gắng mỗi ngày.

Thứ mà của một người trẻ ít nhất phải có đó là giấc mơ, ngay cả giấc mơ cũng không có, thì người đó đang sống một cuộc sống bên lề và vô vị. Chẳng ai đánh thuế giấc mơ, vậy hãy cứ mơ đi!

Ngửi mùi hương thảo có thể khuếch dụ xúc cảm và các giác quan của ta, xua đi những tà ám của những kẻ tiểu nhân chèn bước.

Khi có động lực, đừng quên một điều là dùng động lực đó để săn đuổi mục tiêu. Con cá măng có một đặc tính: khi nó đã săn đuổi mục tiêu, nó sẽ bắt đúng mục tiêu của nó, dù trên đường săn đuổi đó, có vài con mồi quyến rũ.  Mình có vài bạn sinh viên cũ, 2 năm trước nói là: em muốn học tiếng Anh, 1 năm trước gặp lại, em nói em muốn học tiếng Nhật, và 6 tháng trước em lại nghĩ là tiếng Đức sẽ hợp với em hơn. Và cho đến giờ, em vẫn mải mê săn bắt những “con mồi quyến rũ dọc đường” như thế!

Nhưng mơ thế nào?

Thực tế 10 năm làm báo cho giới trẻ, mình nhận ra rằng, dường như chiều kích giấc mơ của không ít bạn ở trạng thái khá cực đoan: hoặc là mơ những giấc mơ qua tầm vóc của mình; hoặc là mơ những giấc mơ quá bé mọn.

Quay lại câu chuyện của bạn trẻ muốn đi “vòng quanh thế giới”. Tiếng Anh là thứ cơ bản, nhưng bạn còn không có, thì đi bằng cách nào? Đó là cách quảng bá “tầm vóc” đất nước, hay là sự xỉ vả một thế hệ? Mình đã khuyên bạn trẻ, em hãy về học tiếng Anh đi, ít nhất cũng đủ giao tiếp.

Một giấc mơ quá tầm với chỉ nên chiêm lãm nó, và nếu muốn đạt nó, cần phải có câu hỏi tự vấn: Để làm được điều đó, ta cần phải làm gì? Cần có phương tiện nào để đạt được mục đích?!

Tôi đã khuyên bạn trẻ kia, em hãy bắt đầu bằng cách học tiếng Anh chỉn chu, ít nhất cũng đủ giao tiếp.

Khi nản, bạn hãy vuốt ve một nhành hương thảo, nói chuyện với một người tâm đắc, và nghĩ về triết lý con cá măng.

Có thế thôi!

Lê Ngọc Sơn

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcHàng chục khách Tây dọn rác trên biển Mũi Né
Bài kếNÍU BÓNG, GIẪM HÌNH
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.