Chợ quê tôi có tên gọi chợ Cốc hoặc chợ Bãi. Chợ Cốc vì chợ của vùng tổng Cốc ngày xưa. Còn chợ Bãi là chợ vùng đất bãi. Nhưng dân quê tôi hay gọi chợ Bãi hơn, vì vừa đúng với vùng miền vừa hay hơn từ “Cốc lếu, Cốc láo”. Nếu ai đó về quê tôi lần đầu, không biết đường, chỉ cần hỏi thăm đường về chợ “Cốc Bãi”, người dân cách đó chục cây số sẽ chỉ vanh vách, không cần bản đồ hay định vị toàn cầu, vèo một tí là về đến chợ.
Chợ có từ bao giờ? Không ai trả lời được. Có lần tôi hỏi bác tôi, bác Tất, bác năm nay 96 tuổi, bác lấy hai ngón tay vuốt miệng đang nhai trầu bảo: “Bác về làm dâu thì đã có chợ rồi, chả biết chợ có từ hồi nào?”. Vì thế tôi 
đoán chợ quê tôi hình thành hơn trăm năm nay. Chợ họp theo lịch dưới (âm lịch), vào các ngày 3, 5, 8, 10. Tháng thiếu họp ngày mùng 1 thay ngày 30, phiên đó gọi là phiên phụ, người bán, người mua không đông bằng phiên chính. Chủ yếu mấy hàng cá mới đánh ở sông mang lên bán, dân thuyền chài bên Tràng Lan (Vĩnh Phú), với mớ tép, con nheo, hoặc vài con thờn bơn còn tươi nguyên trong thúng sơn đen, nước vừa đủ cho cá bơi giới thiệu với người mua.

Từ nhà tôi ra chợ chừng 300m. Những phiên chính vào dịp giáp tết ta, tiếng xì xào từ ngoài chợ, ở nhà nghe rõ mồn một. Có phiên người mua bán tràn cả vào ngõ nhà. Người mua đón mấy chú gà nhốt trong bu, thúng ngô, sọt khoai lang, gánh rau, có khi chỉ là bó lá chuối khô. Chợ bán đủ thứ ngô, gạo, thịt, cá, ốc vặn, ốc nhồi, khoai lang, cám lợn, gà nở, chó con, mía, thúng mủng, rổ, rá, rủi, muống hót rác, rau lang, đỗ nành, đỗ con, thuốc bắc, dây thừng, dây chạc, xoong gang, chảo, dao dựa, bát đĩa, bánh đúc, bánh đa, bánh tẻ, bánh rán, kẹo vừng, kẹo lạc, tre nứa, chổi cọ, chổi sể … Bún rối và bún con của làng Hát, đậu phụ của làng Linh Chiểu. Đậu nhỏ bằng 2 ngón tay nhuộm nghệ màu vàng, gọi là “đậu Linh”. Nhưng nhiều nhất có lẽ là rau, mùa nào rau ấy, trên là trời dưới là rau, sau đó là chuối, chuối xanh, chuối chín, chuối ta chuối tây cứ hàng dãy dài…

Đẹp và lung linh nhất chợ là dãy hàng xén, dãy hàng xén có cô bạn Hòa con bà Tài Môn. Hàng của bà có nhiều nhãn vở, bút lá lúa ngòi viết không bị tòe. Hòa ra chợ bán hàng giúp mẹ. Hòa ngồi bên đống kim chỉ đủ màu, tóc tết đôi sam vấn ra phía ngực. Hòa hơn lũ chúng tôi 1 tuổi, ngực nhu nhú như đâm chồi ra chiếc áo hoa cà cổ lá sen. Hòa hay mặc quần phíp đen. Chúng tôi bấy giờ đã biết ngắm mình trong gương, biết nặn trứng cá. Mấy thằng hay lượn qua hàng xén, chẳng mua gì, chẳng ai chào ai, hôm nào cũng thế. Đi học về, lần nào chúng tôi cũng vòng qua hàng bà Tài Môn, vòng qua khu lò rèn đang kéo mễ phì phò, bên bếp lò là nồi cơm đang vần, bên trên treo nồi thịt sốt cà chua thơm lừng như trêu tức đám trẻ gần trưa, học về. Cũng có lần tôi từng mơ mình là anh thợ rèn. 
Chợ họp từ sáng sớm đến 12 giờ trưa thì tan, đông nhất là lúc 9-10 giờ. Ngày chợ, mấy anh em tôi đứng đầu chái hóng mẹ đi chợ về. Thấy mẹ thấp thoáng ngoài rặng tre, mấy đứa chạy ra đón mẹ. Em thứ tư không chạy kịp ngồi bệt xuống rặng cau, chân đạp đất khóc ăn vạ. Bầm tôi hạ chiếc thúng trên đầu, có lần tấm mía, có lần có chiếc bánh đa nướng cong lên vênh váo, mẹ bẻ từng mảnh chia cho các con. Chợ về mẹ ao lại ca gạo vừa đong ngoài chợ, miệng nhẩm nhẩm: “Bán cả nồi ngô mà chỉ đong được chưa nửa nồi gạo, hôm nay gạo kém quá“. Chẳng hiểu thế nào là gạo hơn, gạo kém? Nhưng nhìn mẹ ống thấp ống cao, tất tưởi bên rau cải tỉa, bên buồng chuối ra chợ. Đời mẹ như vậy. 
Tiếng là gần chợ nhưng chưa bao giờ tôi ăn đồng quà nào ở chợ, có thể do không có tiền, nhưng lớn hơn là do xấu hổ. Lần duy nhất ra chợ bán hàng, ngày đó vào cuối năm 81.  Sau khi bố mất đột ngột, nhà không còn gì ăn, thằng Sót (Sót Tý) rủ tôi đi buôn chè cám tận Chí Cao huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, đạp xe đạp cả đi về gần 200 cây số. Đi 2 ngày trời đạp xe vào các bản mua chè. Hôm ấy tôi mua được hơn yến và vài cân sắn tươi cho nhà ăn. Chè mua về không biết bán ở đâu? Tôi đành nghiến răng nhắm mắt dắt xe có bao tải chè cám ra chợ. Chao ôi xấu hổ và ngượng biết bao! Vừa xuống khỏi dốc đê vào cổng chợ, chưa biết ngồi đâu để bán thì bác Mão (bác Mão gái) gọi to:
– Ối giời Sáng ơi! Cháu bán gì thế? Sao khổ thế hả cháu?
Chưa kịp nói gì , bác Mão nói tiếp:
– Cứ bảo “Sẩy cha ăn cơm với cá”.  Bố cháu vừa mất mà đã phải đi buôn thế này ư? Chè cám phải không? Thôi đưa đây bác bán cho. 
Vừa nói bác Mão cởi dây nịt buộc bao tải chè. Tin lời tôi nói, không cân lại, bác đưa tiền vào tay, tôi chào bác, lên xe đạp ngược dốc đê về nhà, đưa tiền cho em Thế Anh ra chợ đong mấy cân gạo. Cả nhà độn với sắn ăn được mấy ngày.
Bây giờ chợ quê khác xưa nhiều lắm, cây gạo người ta đã đẵn bỏ, mậu dịch đã san phẳng. Ngày ấy chợ còn là nơi xem văn công diễn mỗi khi về xã nhà. Đoàn chiếu bóng 241 của huyện chiếu phim mà từ chiều đã: Alô lô! Alô lô…khắp làng. 

Nghe chú ruột tôi kể lại, khu chợ ngày xưa một phần không nhỏ là đất nhà tôi. Khi giặc Pháp đến, ông nội sơ tán vào làng, thế là nhà hàng, cửa hiệu của gia đình bị giặc đốt sạch, sau này thu hồi thành của Hợp tác xã. Vì vậy mỗi lần đi qua chợ tôi vẫn có cảm giác như nhà mình.
Chợ quê bây giờ có cửa hàng bán điện thoại di động, cửa hàng vàng, có ngân hàng, có quầy bán vé máy bay…
Chợ quê bây giờ đan xen giữa chiếc khăn mỏ quạ là mái tóc nhộm kiểu dáng châu Âu, những chiếc quần chân què xen lẫn cặp chân dài của các cô gái ra ngoài thoát ly, học hành đâu đó về quê ra chợ lượn lờ…
Về quê lần nào tôi cũng ra chợ, gặp lại người thân quen, các bác các cô già rồi nhưng giọng vẫn đầm ấm như xưa: “Sáng, về bao giờ cu cháu? Lúc nào ra nhà cô uống nước“. Tôi vâng vâng, dạ dạ, gật đầu…lần nào cũng thế. 
Tôi thấy mình
còn nợ với CHỢ QUÊ!

Thế Sáng, Berlin, CHLB Đức. 

IMG_9780IMG_9779
Ảnh: Thế Sáng.

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcVở ‘Hừng Đông’: Cách làm mới cải lương thu hút khán giả phương Nam
Bài kếNghệ sĩ Hán Văn Tình qua đời ở tuổi 59
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.