TTO – Những ngày này, chuyện phổ biến sau các buổi họp phụ huynh ở trường tiểu học là “con được ghi gì trên giấy khen?”.

Những lời khen “lạ”
Giấy khen một học sinh tiểu học đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt, được đăng trên diễn đàn giáo viên – Ảnh: T.L.

Lớp có 60 học sinh thì có 60 giấy khen và vô số các kiểu khen lạ tai, những nội dung khen mà phụ huynh đọc xong không hiểu gì cả.

“Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”

Thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đã xóa bỏ cách xếp loại học sinh theo danh hiệu khá, giỏi như quy định cứng trước đây.

Học sinh sẽ được giáo viên nhận xét, đánh giá suốt quá trình theo hướng khuyến khích, khen những mặt cụ thể học sinh làm tốt, không nhất thiết phải “tốt toàn diện” mới khen. Điều này được Bộ GD-ĐT khẳng định là yếu tố nhân văn của thông tư 30.

Thế nhưng, đã qua mấy mùa thực hiện, mà mỗi lần khen không chỉ giáo viên tiểu học phải đánh vật với xấp giấy khen để tìm ra lời khen khác biệt và xác đáng, mà cả phụ huynh, học sinh cũng đầy những tâm tư, băn khoăn không ít khi nhận những giấy khen ấy.

Một tấm giấy khen của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội được đưa lên diễn đàn giáo viên tiểu học thu hút khá nhiều bình luận của giáo viên, phụ huynh. Nội dung giấy khen ghi “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Dương Thị Nụ, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phương, cho biết cách khen như thế này là theo tinh thần của thông tư 30.

“Thông tư 30 để mở cho các trường linh hoạt trong việc ghi nội dung khen thưởng học sinh. Vì thế, cách khen như thế nào do mỗi trường quy định. Lãnh đạo trường tôi thống nhất hai nội dung khen: “khen toàn diện” (đối với học sinh đạt thành tích học tập, rèn luyện tốt mọi mặt) và “khen từng mặt” (đối với học sinh đạt thành tích tốt một mặt nào đó). Cách thay đổi như thế này, theo chúng tôi hiểu là giảm áp lực thành tích từ phía phụ huynh, cũng giảm căng thẳng cho học sinh. Việc khen chỉ mang tính động viên, khích lệ các con thôi” – bà Nụ chia sẻ.

“Tại sao với những học sinh đạt thành tích tốt từng mặt không ghi cụ thể hơn? Ví dụ “đạt thành tích tốt môn toán, môn tiếng Việt, có tính kỷ luật tốt, biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè…?”, chúng tôi thắc mắc.

Trả lời câu hỏi này, bà Nụ cho biết: “Mảng “khen” là một trong những mảng việc khiến giáo viên tiểu học thời điểm này mất nhiều thời gian. Chưa kể phải ghi nhận xét học bạ theo thông tư 30. Ban giám hiệu nhà trường sợ giáo viên sơ suất, để xảy ra những nhầm lẫn, sai sót nếu phải “cụ thể hóa” từng trường hợp. Bởi vậy chỉ thống nhất hai nội dung: khen toàn diện và khen từng mặt!”.

Theo dõi và khen những tiến bộ – dù chỉ là một mặt nào đó của học sinh, khích lệ, động viên học sinh nỗ lực là định hướng đúng. Tuy nhiên, những danh hiệu được linh hoạt kiểu này thì phụ huynh cũng bó tay vì sự rối rắm, mù mờ về nghĩa.

Chia sẻ với nhiều phụ huynh có con học tiểu học thời điểm này, chúng tôi cũng nhận được những băn khoăn, phiền muộn với cách khen “lạ”. Một phụ huynh ở Nam Định cho biết lời khen vừa dài vừa trúc trắc, khó hiểu, ví dụ như “Đạt thành tích tốt nội dung học tập các môn học và phát triển năng lực, phẩm chất”…

Phát biểu về tình trạng giấy khen “trăm hoa đua nở”, nhiều phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình. “Khen tràn lan như vậy thì không còn sự trang trọng, thiêng liêng khi mỗi học sinh được nhận tấm giấy khen vào lúc kết thúc năm học” – một phụ huynh có con học Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Nội nói.

“Khích lệ, động viên là việc cần. Nhưng từ chỉ đạo “tăng cường khích lệ, động viên” mà sáng tạo ra nhiều kiểu “danh hiệu” lạ như thế thì mệt lắm” – một phụ huynh khác ở Hà Nội bức xúc.

Nỗi khổ của giáo viên

Trong một phiên họp phụ huynh cuối năm, cô giáo chủ nhiệm một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phân trần: “Tôi đã nghe một số phụ huynh bàn tán sau buổi họp phụ huynh của lớp khác rằng: danh hiệu “hoàn thành tốt nhiệm vụ” và “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tương đương với mức nào trước đây. Nhiều phụ huynh phản ứng thái quá và thiếu sự cảm thông với những lời khen lạ tai”.

Theo cô giáo, để nhận xét đủ cho 55 học sinh lớp 5, kịp trả học bạ cho các em trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo đã dành thời gian cả tuần, phải tranh thủ cả giờ nghỉ giải lao, thức đêm để làm…

“Mất công sức đã đành, nhưng tôi khổ nhất là việc viết nhận xét, viết lời khen. Bởi nếu rập khuôn giống nhau thì không phải tinh thần đổi mới, mà nhận xét từng học sinh để có sự khác biệt cũng rất khó, khi không phải học sinh nào cũng có điểm nổi trội, có thành tích đặc biệt. Vì thế, có những học sinh nhận được lời khen trung tính cũng là việc bất khả kháng” – cô giáo này cho biết.

Một số giáo viên tiểu học thừa nhận để tránh cho phụ huynh bức xúc, thầy cô đã phải dành thời gian để “quy đổi” lời khen. Ví dụ “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tương đương với danh hiệu học sinh giỏi, “hoàn thành nhiệm vụ” tương đương với học sinh tiên tiến…

Xoay quanh những rắc rối về lời khen, nhiều hiệu trưởng, giáo viên tiểu học cho rằng họ đang chịu áp lực rất nhiều từ phụ huynh, khi thói quen “có danh hiệu” với những lời khen quen thuộc đã quá ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.

Đây là năm học thứ 2 thông tư 30 áp dụng đại trà. Nhưng những băn khoăn, lúng túng khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên xung quanh việc khen học sinh vẫn tồn tại. Khen thế nào cho đúng, khen có tác dụng tích cực, khen mà không gây áp lực căng thẳng vì khen quả không phải điều dễ làm.

Theo: tuổi trẻ.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcCÔ LÀ NGƯỜI Ư? CÔ LẤY GIẤY CHỨNG NHẬN RA ĐÂY XEM NÀO?
Bài kếDân Đà Nẵng ùa vào đập phá trạm xử lý nước thải trong đêm
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.