Ngày 12.12/2017 đài VTV1 phát một chương trình bàn tròn khá hay và hiếm có. Tên chương trình là “lỗi đánh máy”. Nữ biên tập viên khá xinh đẹp, ước trên 30 tuổi, tỏ ra dày dạn với nghề, thỉnh thoảng cặp môi xinh của chị mím lại vẻ cương quyết vẫn rất đẹp. Chị nối lời tung hứng thích hợp mấy vị cán bộ lão thành hào hứng tham gia bàn luận (tiếc là chưa biết tên chị, chỉ nhớ mặt rất quen thuộc).

Điển tích: “Lỗi đánh máy” là  sáng tạo lập ngôn để đời của TS.PGS Đào Duy Quát, cựu phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương kiêm TBT trang điện tử mang tên hoành tráng: ĐCSVN.

Đó là một điển tích điển cố bi hài hiếm có trong lịch sử nghề báo chí nước ta.

Chuyện xảy ra năm 2009. Đào Duy Quát chả biết vì thiếu bài lấp chỗ trống hay sao mà ngứa ngáy đăng bài dịch bản tin của báo Phượng Hoàng TQ “Phó Tư lệnh hải quân TQ  chỉ huy tập trận ở vùng đảo Hoàng Sa”.

Khi giới bloggger rải rác cả nước phát hiện và phê phán bài báo vô tình hay hữu ý đã công nhận TQ có chủ quyền hai quần đảo, Quát bị  báo TUỔI TRẺ phỏng vấn và cãi chày cãi cối “Tôi đã ghi chú bên lề bản dịch, chen “hai chữ” vào câu “Tư lệnh hải quân TQ đã NGANG NGƯỢC nói…” nhưng “cậu đánh máy” vội về nhà nên bỏ sót”. Những người dịch thuật và nhà báo cả nước bật cười cái rầm. Bản dịch thì phải trung thực, sao dám chèn ý riêng của mình vào? Toà soạn có thể đăng bài mặc dù không đồng ý nội dung bản tin/bài báo nhưng phải có lời DẪN nêu rõ quan điểm của mình chứ, sao lại có chuyện “chen” một câu phản đối vào giữa BẢN TIN của người ta?

Quát bị Đảng khiển trách và bị Bộ 4T phạt 30 triệu đồng (tất nhiên Quát lấy tiền ngân quĩ của Báo để nộp).

Thế là con đường tiến vào ĐH đảng XI với hi vọng trúng cử uỷ viên trung ương, ngấp nghé kế thừa người cha từng ở Bộ chính trị, ngồi ghế Trưởng ban tuyên giáo trung ương đã lâm vào ngõ cụt. Tương lai  gia nhập Vua tập thể trong mơ đã vĩnh viễn khép lại trước mặt Quát.

Đảng không cam tâm sa thải Quát, có lẽ vì nể nang người cha lừng lẫy đã quá cố.

Đảng cho Đào Duy Quát làm phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương (chủ tịch hình thức là ông già Nguyễn Hồng Vinh, vốn là TBT báo Nhân Dân). Vậy là, Quát thực chất chỉ huy toàn bộ lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đảng khinh rẻ văn học nghệ thuật đến thế là cùng! Đưa tiến sĩ triết học Mác – Lê bị phế thải từ ngành tuyên huấn sang cầm đầu giám sát văn nghệ và văn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, cũng cần hỏi ngược lại: ngành Lý luận phê bình VHNT nước ta muốn người lãnh đạo phải như thế nào mới xứng? Các vị nghiên cứu phê bình ngày nay liệu xứng đáng được quyền đòi ai lãnh đạo, hay là tự quản thì tốt hơn?

Giá như năm 2009 Quát không bị sự cố thì bây giờ anh Võ Văn Thưởng đã được qui hoạch đi chỗ khác, ghế  TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO là của QUÁT.

Nếu vậy thì đài VTV1 và nữ BTV xinh đẹp cũng sẽ không làm nên chương trình bàn tròn “lỗi đánh máy” khá hấp dẫn ngày 12/12 mới đây.

Nói vậy thôi, chúng ta cũng cần công nhận và biểu dương những nhà báo quốc doanh có tâm, có bản lĩnh, có nhận thức được sứ mệnh nghề báo cao cả. Chẳng nên vơ đuã cả nắm. Mặc dù họ phải tác nghiệp bức xúc khó khăn trong “vòng kim cô”, nhưng báo chí hiện nay chấp nhận một cái “vòng kim cô rộng và co giãn linh động” tuỳ theo khí hậu thời tiết chính trị”, mặt khác họ cũng có những thủ thuật “lách vòng” để tác nghiệp.

Tuy nhiên Đinh La Thăng xin lỗi nhầm địa chỉ.

Đinh La Thăng khi bị cách chức bí thư TP.HCM vì lỗi quá khứ: thất thoát nghìn tỷ giai đoạn làm Chủ tịch hội đồng quản trị Dầu khí ở Hà Nội. Anh ta lại đi “xin lỗi đồng bào TP.HCM” và “xin lỗi đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng”.

Đinh La Thăng, tuần lễ qua là nhân vật hot nhất trên báo chí nhà nước và báo chí tự do cũng như mạng xã hội. Thiết tưởng không cần phải tóm tắt câu chuyện. Hãy cùng chờ coi phiên toà xử TRỊNH XUÂN THANH tháng 1 năm 2018, chắc chắn trong đó sẽ xuất hiện Đinh La Thăng.

Bí thư Nguyên Xuân Anh: không biết xin lỗi là gì?

Người Đà Nẵng chê trách Nguyễn Xuân Anh không hề xin lỗi nhân dân Đà Nẵng khi bị cách chức bí thư.

Họ còn chê rằng Xuân Anh ngồi chơi xơi nước hàng tháng trời chờ Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng xem xét và họp biểu quyết bãi nhiệm chức “chủ tịch” của anh ta. Chao ôi, Xuân Anh còn hi vọng cái gì nữa khi đã mất chức bí thư! Làm chính trị như thế thì non nớt quá. Nghỉ là phải rồi. Giá như lúc ấy nhanh miệng xin lỗi và nhanh tay nộp đơn xin từ chức chủ tịch HĐND thì còn vớt vát chút danh dự còm và có ích cho Đảng hơn một chút.

Đào Duy Tùng. Ngày nay thiên hạ có độ lùi để đánh giá các nhân vật quá khứ.

Bàn thêm về thân phụ của Đào Duy Quát, ông Đào Duy Tùng, cố Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban tư tưởng văn hoá, Giám đốc Học viện NAQ (trong đảng ông Tùng  là nhân vật số 2).

Một học viên (xin giấu tên) đã từng tốt nghiệp Học viện chính trị Nguyễn Áu Quốc (nay đổi tên là Học viện Chính trị quốc gia HCM) trải qua thực tiễn công tác lâu năm đã phàn nàn trên blog.

“Dưới sự lãnh đạo của ông Đào Duy Tùng, Học viện Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành “Học viện Cắt Xén Tư Tưởng Hồ Chí Minh”. Vì Học viện này không cho học và nghiên cứu về Hiến pháp 1946, không cho thảo luận rộng rãi về Bản yêu sách 8 điểm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Versailles năm 1919, không cho học thảo luận rộng rãi về các Tư tưởng dân chủ tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong các bài viết của Bác trong năm 1945-1946. Chẳng hạn như “Thư gửi các Ủy ban nhân dân cán bộ tỉnh huyện và làng” tháng 10 năm 1945 trong đó có đoạn viết “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì…”. Ý kiến này của Bác Hồ chưa bao giờ được Học viện Hồ Chí Minh cho nghiên cứu và thảo luận một cách nghiêm túc. Đáng lẽ có thể đặt tên là Học viện Mác – Lê thì phải hơn”.

 

Theo Việt Nam Thời Báo

 

Tham khảo thêm:

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ky-luat-tong-bien-tap-bao-dien-tu-dang-cong-san-2145759.html

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC