IMG_8543Tùy bút
Có người bảo rằng, là người Việt thì dù ở bất cứ đâu cũng phải đau đầu suy nghĩ!  Nhận xét trên không phải là không có lý. Bạn giàu hay nghèo, dù ở cương vị xã hội như thế nào, ít khi bạn có được những giây phút thực sự tắm mình vào thiên nhiên, thực sự yên tâm, thực sự được hưởng hơi ấm của kiếp con người.

Trong cuộc sống, người ta đi tìm hạnh phúc, đi tìm cái hay cái đẹp, tìm sự phong phú của vật chất, cái quyến rũ của một bản nhạc, ý nghĩa sâu sắc của một bài thơ, áng văn, một hành động nhân bản, cảnh đẹp của thiên nhiên, tìm thần tượng. Đó là hạnh phúc.

Nói chung mỗi người hiểu khái niệm „hạnh phúc“ khác nhau. Tôi rất thích định nghĩa ngắn gọn về hạnh phúc của một hiền triết Đức: „Hạnh phúc có được khi mình khoẻ mạnh và được làm những gì mình thích“. Tôi may mắn được xem  bức vẽ của một cháu lớp bốn trong một dịp triển lãm tranh ở một trường tiểu học Đức. Trên bìa cát tông, cháu vẽ một lọ hoa vân xanh da trời có hai bông hồng mới nở. Cháu để lọ hoa này trên phần gồ nhất của một tảng đá giữa thiên nhiên và đặt tên cho bức tranh là „Hạnh phúc“.
Tôi giật mình và nghĩ, chả lẽ hạnh phúc lại mong manh thế hay sao? Nó đẹp như hai bông hồng mới nở kia nhưng mưa gió cuộc đời sẽ lật đổ bất cứ lúc nào! Mà có lẽ thế thật, bởi vì ngạn ngữ Đức cũng có câu: „Glück und Glas, wie leicht bricht das! / Hạnh phúc giống như một cái ly thủy tinh, sơ ý một chút là vỡ vụn!“. Có lẽ hạnh phúc chỉ là một cảm xúc vô định mờ mờ.

Mảnh đất này chứng kiến nhiều kỷ niệm của người Việt mấy chục năm qua. Họ đến đây sinh sống bằng nhiều con đường, với những mục đích khác nhau. Họ cũng đi tìm hạnh phúc. Người có nguồn gốc sinh viên, người thuộc đoàn quân hợp tác lao động, người từ Đông Âu hoặc Việt Nam sang sau khi nước Đức tái thống nhất, vì hy vọng có một cuộc sống khá hơn. Người Việt ở xứ này có đầy đủ các thế hệ, từ cháu bé mới sinh đến những cụ già trên 70 tuổi. Đó là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ, hoà trộn cuộc sống phương Tây với những yếu tố xã hội đang diễn ra ở Việt Nam.
Thành phần thì đa dạng, nhưng nghề sinh nhai lại tập trung chủ yếu vào vài ba ngạch, có thể đếm trên đầu ngón tay. Đó là nghề bán quần áo may sẵn, bán rau quả, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc châu Á, nghề làm móng tay, kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng và quán ăn nhanh, nghề bán hoa tươi, hoa giả và một số rất ít có công ăn việc làm trong các hãng Đức.

Họ bận lắm, làm việc đến 12 tiếng đồng hồ trong ngày nên không còn bao nhiêu thời gian cho bản thân và gia đình. Có mấy người được ăn đúng bữa, thôi thì vắng khách hàng lúc nào thì ăn lúc đó. Bữa trưa có khi ăn lúc hai giờ chiều, có khi còn muộn hơn. Dạ dày liên tục phải tự thích nghi với giờ ăn của chủ, nhưng cũng nhiều trường hợp quá sức chịu đựng của nó.
Sau khi ăn tối, cầm chai bia trong tay mà mắt cứ nhíp lại rã rời. Các cúp bóng đá châu Âu, các giải quần vợt thế giới hấp dẫn là thế mà cũng phải từ bỏ hết. Họ phải đi ngủ để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày mai, cũng giống hệt hôm nay, dậy lúc bốn giờ sáng lấy hàng và kết thúc lúc ngày đã tàn, đơn điệu!

Vì ngôn ngữ bất đồng mà giữa bố mẹ và con có những mâu thuẫn không đáng có khi bàn một vấn đề quan trọng hoặc tranh luận điều gì. Lúc đó cả hai bên đều thấy  thiếu vốn từ để bên kia hiểu. Một số gia đình cũng vì thế nên không hiểu rõ nguyện vọng và quan niệm sống của con khi chúng đã lớn, đã hội nhập rất sâu vào xã hội Đức.
Người Việt thường dùng câu: „Hy sinh đời bố, củng cố đời con.“. Họ sẵn sàng làm vất vả, chịu đựng nhiều hơn nhưng mong cho con trưởng thành và có cuộc sống sau này khác bố mẹ chúng, nhưng họ không biết chúng cần cái gì ở họ và họ có đáp ứng được không.

Ở những thành phố nhỏ, người Việt còn trẻ trong độ tuổi hai mươi, ba mươi, ngoài những ngày lao động vất vả trong tuần  người ta cũng khao khát được đến một chỗ nào đó để giải trí lúc cuối tuần. Đến Disko ư? Ở đó phức tạp, nhiều vấn đề  xảy ra giữa các nhóm người. Tôi giật mình khi thấy một tốp thanh niên gần 10 giờ đêm mà còn ra ga rủ nhau đi Leipzig cách đó gần 100 km, vì ở đó có một lễ hội văn hoá cho giới trẻ Việt và ba giờ sáng lại trở về. Tôi biết họ khát khao, họ không muốn tuổi trẻ của họ chỉ đi làm kiếm tiền, để cái tuổi đẹp nhất cuộc đời cứ dần dần phôi pha.

Họ thực sự vui khi sau một thời gian lao động cật lực được về quê hương Việt Nam. Đồng Euro có giá đã tôn những ngày nghỉ phép của họ lên hàng thượng đế. Nhiều người thích câu vè đùa :“ Ở tây ta sống như ta. Về với nước nhà ta sống như tây!“ là vì thế.
Người Việt chỉ tập trung làm một số nghề giống nhau nên việc cạnh tranh với nhau khó tránh khỏi. Nhiều người nói rằng, tây mở thêm cửa hàng bên cạnh thì không ngán nhưng mà „cộng“ mở thì … . Chính tôi chứng kiến, cửa hàng của anh A bán không phải khá lắm, nhưng miễn cưỡng phải thuê lại một cửa hàng vừa phá sản cách đó ba nhà. Anh ta sợ một ông „cộng“ nào đó đến thuê và bán hàng giống mình. Rõ khổ! Mấy tháng sau cả hai cửa hàng đều phải đóng cửa, và chủ nhân của nó lại lặn lội đi kiếm ăn ở một vùng xa xôi nào đó, nghe đâu mãi tận biên giới Bỉ hay Hà Lan.

Có những rủi ro không đáng có, chỉ vì họ chủ quan, tự mình đánh giá chuyện chẳng có gì. Chiều hôm đó vắng vẻ, anh B lùi xe và sơ ý làm nghiêng hàng rào gỗ vây quanh mảnh vườn của một gia đình Đức. Hồi hộp xuống xe, anh nhìn quanh đâu thấy bóng người nào, đuôi xe cũng không có vết xước đáng kể. Thế là ổn rồi, anh lên xe chạy tiếp. Không ngờ một công dân Đức đã quan sát hết sự việc, ghi lại số xe và báo công an. Anh bị truy tố vì tội „Bỏ trốn sau khi gây tai nạn.“ và phải trả giá cho gần chục năm „hộ chiếu thủng“.
Chắc anh không nhớ, anh đang sống ở một đất nước kỷ cương vào loại bậc nhất thế giới – nước Đức.
Tôi xin lấy thêm hai ví dụ nhỏ để minh chứng.
Ví dụ thứ nhất: Sáng ra rất nhiều người dẫn chó đi dạo chơi và vệ sinh, chủ của nó người nào cũng cầm trong tay giấy và túi ni lông để thu hậu quả con chó của họ để lại, mang đến đúng chỗ quy định (Hundetoilette) trong khi tay kia đang xách túi bánh mì nóng mới mua để mang về ăn sáng.

Ví dụ thứ hai: Hôm đó khoảng 18 giờ một ngày cuối tháng mười, trời tối sớm. Đang chạy xe trên đường vắng thì tôi nhìn thấy ánh đèn chói mắt phía trước. Giảm tốc độ tôi nhìn thấy một người đi xe đạp tay phải lái, tay trái cắp chiếc đèn pin rọi về phía sau, chỉ vì đèn hậu của anh bị hỏng chưa kịp chữa.

Chị C sang đây hợp tác lao động từ năm 1988, đành phải để con gái mới 6 tuổi ở nhà với bà ngoại. Sau khi tường đổ, chị thấy nhiều người đón con sang nên cũng quyết định dùng số tiền tiết kiệm được những năm trước đó nhờ người đưa con sang cho chị. Vì nghe người ta nói, nếu bị phát hiện cả hai có thể bị trục xuất, nên chị đã nhốt cháu ở nhà hơn một năm trời, từ sáng đến tối, khi chị phải đi bán hàng.

Một hôm thấy bọn trẻ dưới nhà chơi vui quá, cháu bé đã mở cửa xuống chơi cùng. Tối về cháu bị mẹ đánh một trận rất đau, tinh thần cháu trở nên hoảng loạn và bằng mọi giá đòi về với bà ngoại, sống đạm bạc như những ngày chưa sang với mẹ, nhưng ít nhất được tự do. Nỗi buồn ấy chị không kể được với ai vì quá ân hận. Bây giờ cháu đã lớn, nhưng hình ảnh nước Đức đối với cháu là một đầy đoạ, tuổi thơ đã mất hết hồn nhiên.

Tố Hữu có câu thơ: „Mỗi lần ngã là một lần bớt dại.“. Tôi cho rằng chưa hẳn đã đúng. Bởi vì nếu sự việc lần tới xảy ra tương tự thì anh có thể giật mình vì mới bị vấp ngã. Nhưng bẫy cuộc đời có bao giờ giống nhau đâu! Tôi lại thích câu của các cụ lưu truyền:“ Không cái dại nào giống cái dại nào!“. Anh K sang hợp tác lao động, có giấy tờ đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định. Mặc dù biết người nước ngoài không được rời nước Đức quá sáu tháng, nhưng có lẽ vui nên anh quyết định ở Việt Nam thêm ít ngày vượt quá mức quy định. Thế là sau khi trở lại Đức, con đại bàng trong hộ chiếu vốn được nâng niu bỗng bay mất. Không còn giấy tờ, anh đi nhập trại. Chính quyền phát hiện ra anh không mấy khó khăn, nên từ đó cuộc sống của anh vất vưởng chờ ngày lên máy bay. Tất cả đã quá muộn rồi!

Những năm trước đây hình ảnh Việt Kiều, mà lại là Việt Kiều từ CHLB Đức về nước vẫn còn được kính nể hơn bây giờ. Nhiều người trong nước nghĩ, họ có chỗ làm việc sang trọng, lương cao, cuộc sống đầy đủ, ăn mặc đẹp. Anh Đ về ăn tết cùng gia đình sau nhiều năm xa nhà. Nhiều người hay về Việt Nam dịp tết, một mặt muốn ăn tết cùng gia đình, mặt khác ở Đức lạnh quá không bán hàng được. Trong bữa tiệc có người hỏi anh làm nghề gì bên Đức, anh đã nhanh trí trả lời: „Tôi làm nghề lắp đặt thiết bị di động.“. Người kia thán phục và không hỏi tiếp nữa. Sang đây anh mới tâm sự: „Tại sao lúc đó tôi lại nhanh trí thế nhỉ, bởi vì anh biết đấy, nay tôi bán ở chợ này, mai lại đi chợ khác, ngày nào chả bê lắp chân ô rồi chiều lại tháo ra để mai đi chợ khác!“. Hôm đó chúng tôi được một trận cười thật đã.
Vài tháng gần đây tôi còn phục anh M. H. hơn nhiều vì anh „lừa tây“ rất ngon. Cửa hàng của anh tạo được một số chỗ làm việc cho đồng bào mình. Trong số những người làm việc có phải ai cũng có giấy phép lao động đâu. Giữa phố chợ đông người anh chép miệng chấp nhận mạo hiểm, vì nếu bị phát hiện, anh phải trả một khoản tiền phạt lớn. Thế mà anh cứ thản nhiên như không. Một hôm đội kiểm tra của Sở lao động ập vào, anh báo động kịp thời  cho nhân viên. Hai nhân viên có giấy phép lao động và giấy phép cư trú hợp pháp thì bỏ chạy, còn người không giấy phép thản nhiên sắp xếp lại hàng. Các nhân viên kiểm tra dượt theo người chạy, lúc bấy giờ những người bất hợp pháp mới bình tĩnh rút lui trong an toàn. Và đương nhiên lúc đó hai người hợp pháp kia mới để bị bắt và khai chạy chỉ vì sợ theo bản năng.

Bán hàng rong có nhiều chuyện vui lắm. Hồi mới thống nhất, miền đông Đức còn rất thiếu hàng, nên hầu như hàng gì cũng tiêu thụ được hết. Anh bạn P. cùng đội tôi bán bật lửa ga. Anh nói 1,5 DM một cái, nếu mua 3 cái thì giá chỉ có 3 DM thôi. Có một người trạc tuổi trung niên đến quầy của anh, sau đó ông nói: „Mua 3 cái bật lửa đối với tôi hơi nhiều, nên tôi lấy 2 cái thôi!“. Anh bạn tôi nói: „Cho xin 3 DM!“ . Người đàn ông kia bình thản trả 3 DM rồi đi. Chúng tôi lại được một trận cười.

Người Việt ta dễ thích nghi lắm, kiểu gì cũng sống được. Tôi không rõ đó là năm 1991 hay 1992, trong khi uống bia trêu chọc nhau hay đùa giỡn gì không biết, một người Việt tên là Trụ bị một anh bạn châu Phi quẳng từ lầu ba ký túc xá công nhân xuống đất. Sau mấy tháng nằm viện anh vẫn sống trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người. Đó là một trong những sự kiện nóng bỏng đầu tiên của người Việt vùng Chemnitz sau ngày nước Đức tái thống nhất.

Nhiều người ở nhà lúc đầu không tin vào những lời kể về cuộc sống vất vả ở đây, ai cũng cho là làm ăn thuận lợi, kiếm một ngày bằng cả tháng. Sau khi bán nhà tìm cách sang đây họ mới hiểu. Việc đầu tiên là phải làm sao để có giấy tờ hợp lệ, rồi mới có điều kiện vùi mình vào thương trường. Nếu chỉ sống „chui“, việc làm ăn sẽ hết sức khó khăn. Nếu không có giấy tờ mà bị bắt thì lôi thôi lắm.

Người nhập trại thường không khai tên thật, với hy vọng chính quyền không xác nhận được gốc gác và khả năng câu giờ tốt hơn. Lý do xin tị nạn cũng thật đa dạng. Người thì khai thích xem phim Sex mà ở Việt Nam việc đó bị coi là phạm tội. Anh nhân viên phỏng vấn bật cười, cho là có lý.
Tôi đi dịch cho một  vị cao thủ „khai thật“. Chị nói rằng, chị bị „ăn quả lừa“ khi anh H. hứa một cuộc tình „một túp lều tranh, hai trái tim vàng“. Sau khi biết chị đã có bầu, H. vù về miền nam xa xôi và chị đã hoài công tìm kiếm, như đi tìm bóng chim tăm cá vậy. Với cái bụng to dần, chị không dám trở về quê vì đó là nỗi nhục không gì so sánh nổi ở nông thôn Việt Nam. Chị đã quyết định mượn tiền sang Đức. Cô nhân viên phỏng vấn là cô giáo văn, vừa ghi biên bản vừa rơm rớm nước mắt đồng cảm.

Một nông dân ở Quảng Bình thì bình tĩnh trình bày lý do tị nạn: „Hợp tác xã chia ruộng mà chia cho tôi thửa trên cao, không thể tát nước lên được. Vậy tôi hỏi quý vị, gia đình tôi sẽ sống bằng cách nào?“. Quả thực nhân viên phỏng vấn không thể trả lời được câu này!

Trước khi được phỏng vấn, người xin nhập trại thường nhận được một tờ khai theo mẫu bằng hai thứ tiếng Đức và Việt. Một anh khai đã học xong năm thứ hai Đại học xây dựng, ghi trong mục „Nơi sinh“ bằng hai từ rất ngắn gọn „Bệnh viện“. Ai dám bảo đó là sai?

Một trong những lối thoát rất có hiệu quả là lấy tây. Đi đăng ký kết hôn cũng cần phải có phiên dịch. Bỏ người „vợ“ mới cưới đi làm ăn hàng tháng trời cũng có khi bị Sở ngoại kiều kiểm tra, hoặc hỏi thăm người hàng xóm của cô „vợ“ về anh. Những người khác nghe thấy thế giật mình nên ngày hôm sau liền để một đôi dép đàn ông trước cửa phòng, hành lang treo bức tranh Đông Hồ hoặc bức mành mành có in hình Chùa một cột. Ít nhất một ngày trong tuần đương sự cũng đến ngủ trên sa lông của „nhà vợ“ một đêm. Tình thật của „vợ anh“ với bạn trai trong phòng, còn tình „hờ“ nằm trên sa lông ngoài phòng khách, hai nơi cách nhau chỉ một bức tường mỏng, đêm thì dài và tĩnh lặng.

Một trong những nghề làm thêm cần ít vốn và thấy hiệu quả ngay là nghề bán hoa bên đường. Những ngày lễ hay chủ nhật khi đi thăm một ai đó, người Đức chỉ cần tấp xe vào vệ đường, nhặt một bó hoa trong xô nhựa, trả 6 hay 7 Euro là có món quà lịch sự. Tiện quá, đặc biệt là những ngày mồng 8 tháng 3, ngày Valentin, ngày Muttertag. Nhưng có phải lúc nào cũng bán được đâu. Những bông hồng quý phái phải hứng mưa, hứng tuyết hứng nắng, nên nhiều bông gục ngã trước khi được trang trí ở chỗ xứng đáng. Người bán hoa cũng thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ mười bảy đến bảy mươi. Họ hy sinh sức khỏe, ngâm mình trong giá rét mùa đông để bảo vệ những bông hoa nuôi sống họ.

Sau ngày tái thống nhất, gần như 100% người Việt ở xứ này trở thành doanh nhân. Từ chiếc bàn phơi bầy bán dăm ba cái quần bò, áo phông những năm trong thập kỷ 90, đến nay phần lớn họ đã có những cửa hàng khá đàng hoàng. Họ chẳng cần phải đi học khoá nào, người đi trước bảo người đi sau, một kiểu trường lớp đặc biệt.
Cửa hàng trái cây hay quần áo may sẵn của họ thường gắn tấm biển với „Oase“ hay „Paradies“ (Ốc đảo/ Thiên đường). Nghe tên hay quá, nhưng ốc đảo là một chỗ có nước, có cây xanh giữa sa mạc đầy cát và nắng lửa. Đó là nơi tập trung của tất cả các loài thú để uống nước, từ thú dữ ăn thịt đến con bị ăn thịt. Tóm lại, nơi đây là nơi rất hấp dẫn và hiếm hoi. Nhưng giữa phố phường các „ốc đảo“ chỉ cách nhau từ năm chục đến một trăm mét thì nó trở thành „quần đảo“ mất rồi.
„Thiên đường“ cũng vậy, làm việc trong „Thiên đường“ phải cật lực, mỡ rán bám vào tóc, vào quần áo. Ngày nào cũng làm vệ sinh hàng tiếng mà chỗ nào cũng thấy nhờn nhờn. Các „Thiên thần“ đầu đội mũ trắng tay múa chảo điệu nghệ như người làm xiếc tung hứng.
Trừ một số ít chủ đặt tên cho nhà hàng  là „Kinh Đô“, „Thăng Long“, còn lại phần lớn phải mang tên như „China Restaurant“, „Shanghai“, „Hongkong“… Họ chưa tự tin khi lấy tên thuần Việt. Có phải nếu đặt tên thuần Việt, lượng khách sẽ ít hơn so với những cái tên kể trên hay không?

Nhiều người đến xứ này với mục đích thật rõ ràng, kiếm tiền bằng mọi cách và nhanh nhất như có thể, để „nên người“ và sau đó trở về quê hương xứ sở. Có những khi họ suy nghĩ thật giản đơn, nếu không chẳng có chuyện một người Việt Nam nhỏ bé đánh một cái xe tải to đến Baumarkt để mua hai Pa-lét đất đóng gói sẵn, chất lượng tốt nhất. Mấy tháng sau, „người làm vườn“ chăm chỉ này bị bắt vì trồng „cỏ“ trong một ngôi nhà cũ anh thuê. Cơ quan điều tra phát hiện ra vì ngôi nhà cũ kỹ này tiêu thụ năng lượng gấp mấy chục lần một hộ bình thường (Loại cây này cần ánh sáng và độ ấm mới sinh trưởng được).
Sau vụ này, các nhóm khác rút kinh nghiệm, nếu dùng điện quá nhiều sẽ bị phát hiện, nên họ chuyển sang mua những bình Gas Propan. Cũng có người thành công vài ba vụ thu hoạch, nhưng cũng có vụ nổ bình ga làm cháy nhà, công an cứu hoả đến và bị phát hiện.

Làm người Việt phải lo nhiều, bởi vì đâu có phải họ chỉ lo cho gia đình họ ở Đức, mà còn là niềm hy vọng của nhiều người thân đang sống ở Việt Nam. Ông em định sửa cái nhà cho khỏi thấm nước, ông anh chuẩn bị cưới vợ cho con trai, chị cả đang nằm viện. Những tin ấy làm rối trí, không biết nên nghĩ đến cái gì trước, phải làm thế nào cho phải đạo. Những ngày mùa đông giá rét không thể bán rau ngoài trời được, nhiều người đếm trong ví mong mua được cái vé máy bay về thăm quê hương. Tết đối với người Việt thiêng liêng là thế, nhưng nhiều người cố lán lại sau tết mới về, vì về trong dịp tết khoản chi sẽ lớn hơn rất nhiều.
Quê hương đối với họ luôn thiêng liêng, luôn là con đò chở đầy kỷ niệm thời thơ ấu, là sức mạnh giúp họ vượt qua khó khăn cuộc đời. Ai mà không đau khi được tin bão cuốn trôi những ngôi nhà vốn đã xác xơ nghèo khó, những em bé còn rất nhỏ đã phải bơi trong nước cuốn để tìm những gì còn dùng được. Sao thiên nhiên phũ phàng quá, sao thiên nhiên bất công quá, vì ở xứ này khí hậu ôn hoà, trồng gì được nấy, còn ở quê hương tôi…
Những đêm ít ngủ ở xứ người tôi vẫn thường tự hỏi. Không riêng mình tôi mà bao lứa đàn anh, bao bạn bè cùng lứa, hoặc lứa đàn em và cả thế hệ tuổi hai mươi cũng đã đặt ra câu hỏi này: Tại sao mình không đoàn kết được như người Hoa Kiều, như những người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài? Tại sao chúng ta thiếu vắng những hội đoàn thực sự mang lại niềm vui cho hội viên? Tại sao ta không quy tụ được những người có khả năng ở các lĩnh vực để thường xuyên hội thảo như người Nga, người Ukraine đã làm được ở đất này?
Tất nhiên những câu hỏi như vậy chưa ai có câu trả lời thoả đáng. Nhưng có lẽ nên bắt đầu bằng những cá nhân riêng lẻ. Nếu mỗi người Việt bình tĩnh khách quan hơn một chút, độ lượng hơn một chút, bớt tự tôn một chút, có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình hơn một chút, chắc chắn chúng ta sẽ quý nhau hơn, hơi ấm Việt sẽ sưởi ấm nhiều hơn, chúng ta sẽ thành công hơn.

Nguyễn Thế Tuyền Berlin (CHLB Đức)
(Ảnh minh họa của Thế Sáng)

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcTôi mang áo dài và nón Việt Nam đi chụp ảnh hoa Oải hương ở Pháp
Bài kếChùm thơ Hà Băng: Phơi trăng lõa trắng đàn bà!
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.