Lần về phép trước vợ tôi mua sang mấy cuốn”Truyện cổ tích Việt Nam” định để đọc cho thằng con nghe vừa để nó hiểu văn hoá Việt vừa để trau dồi thêm cho nó trình độ tiếng Việt. Một tối trước khi đi ngủ vợ tôi thao thao đọc cho nó nghe hết truyện nọ đến truyện kia mà thấy nó mắt cứ thao láo, nằm hết xoay bên này lại xoay bên khác. Tôi bèn hỏi: “Em bé thấy mẹ đọc truyện hay không?” Nó lắc đầu. Tôi bèn lấy cuốn truyện đọc ngay câu đầu tiên:” Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân vác cuốc ra đồng” rồi hỏi nó: – “ngày xửa ngày xưa” là gì Quân hiểu không? Nó đáp không.” Bác nông dân”? Cũng không? “Cuốc” là gì cũng không biết. Hỏi đến”đồng” là gì càng chịu. Chì một câu đơn giản như vậy nó còn chẳng hiểu huống hồ cả một câu truyện dài.
Một hôm đi Metro mua về hai con cua bể to, tôi gọi nó ra hỏi: Tiếng Việt gọi con này là con gì? Nó hăng hái nói ngay:”Quân biết, là con tôm”- giọng rất khẳng định. Hôm gần đây nó gọi điện ra cửa hàng cho bố: “Mẹ bảo lúc nào bố về thì mang quả ớt đi cùng”. Cần nói chuyện với mẹ nó qua điện thoại bảo nó, bao giờ nhấc điện thoại nó cũng nói: “Bố cần nói chuyện với mẹ một cái gì”. Bây giờ nó đã học lớp 7, chưa tới 13 tuổi đã cao bằng bố nhưng trình độ tiếng Việt không bằng trẻ lên 5 ở nhà. Có những âm không thể đọc chính xác như tên QUÂN của nó chẳng hạn. Thành ra nói tiếng Việt cứ ngô ngô ngọng ngọng như người ngoại quốc. Đấy là gia đình tôi hoàn toàn dùng tiếng Việt và bắt nó nói tiếng Việt chứ những nhà khác có hai ba anh em sàn sàn nhau ở trường đã nói tiếng Đức, về nhà gặp nhau cũng nói tiếng Đúc thì tiếng Việt gần như không biết tý nào.
Có thể một phần do trình độ tiếng Việt ngô nghê như thế nên nó không thích về Việt Nam . Cứ rủ nó về là nó lại lắc đầu bảo:”Việt Nam nóng lắm”. Quả thật lần nó về gần nhất cách đây 2 năm vào đúng dịp nóng nhất của mùa hè. Cậu nó vì nó đã phải lắp riêng cho phòng ông cháu một máy điều hoà. Suốt cả đợt về quê nó chỉ nhốt mình trong phòng. Nhìn cũng tội. Đến vô tuyến cũng không thể xem vì nghe không thể hiểu dù là chương trình những bông hoa nhỏ. Đành mang con ra tận đảo Cát Bà để con hưởng không khí biển thì lại không ăn được đồ biển. Cứ cho miếng tôm vào mồm là oẹ. Nhìn xót cả ruột. Đến mức xuống tàu ra vịnh phải mang theo cả gà và trứng gà là hai thứ duy nhất nó có thể ăn được ở Việt Nam.
Hôm vừa rồi online thấy đèn nick của nó sáng tôi bèn nhắn tin hỏi:”Em bé ăn gì chưa?”. Thấy im không trả lời, tôi giục:”Nói!”. Một lúc mới thấy trả lời:”Em be chua an”. Rồi tín hiệu đèn tắt ngấm. Chắc nó sợ bố lại tiếp tục bắt nó viết thứ tiếng mà nó chưa một lần được học và sử dụng.
Nhiều người bảo sao nó lớn thế còn gọi nó là”Em bé” và xui nó phản đối. Nhưng nó chưa bao giờ phản đối. Cũng có thể vì nó quen nghe cách gọi này từ thuở lọt lòng. Cũng có thể vì nó không hiểu hết nghĩa của từ này nên vẫn chấp nhận là em bé trong cách nhìn của bố mẹ và của anh.
Đêm hôm trước nằm trong phòng khách sạn trên bãi biển Diễm Thành nghe tiếng sóng ầm ào mà sao lòng nhói lên như nuối tiếc những ngày còn lại ít ỏi ở Việt Nam. Bỗng nhớ đến con bèn nhắn tin:”Em bé, bố yêu em bé”. Bên kia, cách xa tới gần nửa vòng trái đất thằng con trai bé bỏng của tôi trả lời:”Em be yeu bo” thế là thấy như bao yêu thương tràn về quên cả mọi tiếc nuối.

HÙNG LÝ (Berlin).

CHIA SẺ
Bài viết trướcNổ rung chuyển đảo Phú Qúy: Tìm thấy chứng cứ quan trọng
Bài kếĐIỀU CÓ THẬT Ở TRƯỜNG SA.
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.