Thủ tướng dự diễn đàn doanh nghiệp Đức – Việt tại Berlin
Ngày 06.07.2017 trước diễn đàn doanh nghiệp Đức – Việt ở khách sạn Marriott Berlin bà Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Brigitte Zypries (SPD) đã bày tỏ ý định hợp tác chặt chẽ về mặt kinh tế với Viêt Nam trong tương lại. Bà Zypries cho biết: „Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và với diễn đàn kinh tế này cho thấy chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước.“ Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dầu lửa, hàng dệt may và giầy dép và nhập khẩu máy móc thiết bị, nhiên liệu và thép. Năm 2016 Việt Nam đạt tổng sản phẩm nội địa 177 tỷ Euro.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, với kim ngạch hai chiều trong một vài năm trở lại đây ổn định ở mức xấp xỉ 9 tỷ USD. Đức hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU với tổng số vốn đăng ký đạt 1,4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2009. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghiệp phụ trợ, đường sắt, hạ tầng du lịch, vận tải – cảng biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, sản xuất và lắp ráp xe buýt Hybrid… Đáp lại Việt Nam sẽ tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động trong quý III năm 2017, đồng thời sẵn sàng đối thoại với phía Đức giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng của các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hài lòng về kết quả tích cực của Diễn đàn Doanh nghiệp Đức –Việt Nam đã được tổ chức, 28 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá trên 1,5 tỷ Euro (25 thỏa thuận ký tại Berlin).
Qua đây cho thấy, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Mỹ “ấm lên” thời Obama và nay „nguội đi“ thời Trump, thì Việt Nam đang tích cực tìm thị trường mới và có lẽ hy vọng sẽ đặt nhiều vào EU. Đức đã phát ra tín hiệu: Tiếp tục ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ với EU, cũng như thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Đó là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam, ngày càng tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Dù sao sự có mặt của Việt Nam trong Hội nghị G20 lần này cũng là thắng lợi về mặt chính trị ngoại giao bên cạnh những nỗ lực liên kết làm ăn kinh tế, mà bước đầu tạo được nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời đó cũng là một thông điệp trả lời việc Mỹ dừng xúc tiến Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nơi Việt Nam hy vọng hưởng nhiều lợi ích.
Lê Hoàng