Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng cho rằng việc thu tiền sử dụng tác phẩm là đúng Luật Sở hữu Trí tuệ nhưng cần có lộ trình.

Sáng 25/5, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch họp về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng đang gây bức xúc. Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – giải thích việc thu phí dựa trên nền tảng luật pháp, tham khảo công ước Berne, hệ thống luật pháp quốc tế và áp dụng vào đời sống thực tiễn trong nước.

“Khách sạn mở tivi có âm nhạc phục vụ gián tiếp, dù ít hay nhiều cho doanh thu của khách sạn đó, tức là kinh doanh. Nguyên tắc là tổ chức cá nhân dùng âm nhạc phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì có nghĩa vụ trả tiền”, ông Phương nói.

Ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Bản quyền Tác giả – tán thành với việc thu tiền tác quyền. Theo ông, việc làm này đúng với điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ và điều 35 Nghị định 100 cũng như các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị Trung tâm phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình phù hợp đối với từng hình thức khai thác sử dụng âm nhạc để bảo vệ quyền lợi tác giả, quyền lợi bên khai thác sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng.

“Đây là tài sản dân sự, do vậy chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự xây dựng biểu mức tiền bản quyền và thỏa thuận với bên khai thác sử dụng. Không phải tống đạt công văn tới yêu cầu mà phải truyền thông, mời toàn bộ cơ sở khách sạn đến và đưa ra biểu giá để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu phải có đồng thuận cả hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết”, ông Hùng nói.

anh-bai-cuc-tac-quyen

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa) và ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (phải).

Nhiều người đặt câu hỏi liệu trung tâm có thu sai đối tượng hay thu phí tác quyền hai lần, vừa với đài truyền hình, vừa với cơ sở kinh doanh khách sạn.

Ông Phó Đức Phương giải thích theo Luật Sở hữu Trí tuệ, ngoài quyền nhân thân, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát sử dụng tác phẩm trên các thiết bị phát sóng, quyền được truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền nhập khẩu, phân phối sản phẩm sang nước ngoài. Các quyền này độc lập và không chồng chéo lên nhau.

Ông Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc – nói phí đài truyền hình liên quan quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật khác. Trong khi đó, thu phí cơ sở kinh doanh khách sạn dựa trên quyền biểu diễn và truyền đạt tác phẩm trước công chúng. Người dân mở tivi xem tại nhà không phải trả tiền bản quyền.

Một thắc mắc khác trong buổi họp báo là mức phí 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn một năm từ đâu ra. Ông Phó Đức Phương cho biết đây là kết quả nhiều cuộc bàn bạc, cân nhắc của đơn vị ông và chỉ là “thu cho có”.

Giữ quan điểm đây là mức phí rất thấp, VCPMC khẳng định sẽ không giảm giá, trừ khi có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác phẩm. Nếu thấy mức giá không phù hợp, doanh nghiệp có thể ngừng sử dụng. “Nếu VCPMC và các doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung, các cơ quan quản lý liên ngành sẽ vào cuộc”, ông Nguyễn Hoàng Giang nói.

Năm 2016, VCPMC thu được hơn 70 tỷ tiền tác quyền trên cả nước và gần ba tỷ tại các tỉnh thành phía Nam. Số tiền này phần lớn đến từ các buổi biểu diễn ca nhạc, trình diễn tại quán bar… “Phí bản quyền thu từ các tivi trong khách sạn là rất nhỏ. Hiện tại chúng tôi không có số liệu cụ thể”, ông Giang nói.

Trước thắc mắc các đơn vị kinh doanh có thể mở tivi nhưng không nghe nhạc mà chỉ xem các chương trình khác, làm thế nào để có cơ sở thu phí, VCPMC thừa nhận họ gặp rào cản công nghệ trong việc tính toán vấn đề này. Ông Giang cũng lật lại vấn đề cho rằng chủ kinh doanh cũng không thể kiểm soát nhạc trên tivi bởi âm nhạc còn bao gồm nhạc hiệu, nhạc quảng cáo, nhạc phim… Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định những sản phẩm trên đều gián tiếp được sử dụng vào mục đích kinh doanh.

VCPMC đã tiến hành thu phí bản quyền thành công các khách sạn bốn, năm sao ở Hà Nội và TP HCM từ 10 năm nay. Những năm tới, đơn vị này tiến hành khảo sát và áp dụng quy chế này với các khách sạn hai, ba sao. Trung tâm đã thu một số khách sạn ở Đà Nẵng vài ba năm qua. Cho rằng việc tính toán khó cụ thể, trung tâm không giải thích rõ lý do thu đồng nhất mức phí 25.000 đồng cho mọi mô hình khách sạn, bất kể năm sao hay một sao.

Đầu tháng 5, hàng loạt khách sạn từ một đến ba sao ở Đà Nẵng nhận được công văn từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam. Công văn yêu cầu chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc “khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”.

Văn bản gửi kèm khoản thu đối với “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng mỗi phòng một năm. Theo công văn, sau ngày 10/5, nếu các đơn vị kinh doanh không phản hồi, VCPMC sẽ phối hợp ngành chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý.

Một số cơ sở cho rằng họ không sử dụng âm nhạc trong kinh doanh khách sạn để phải trả tác quyền. Số khác cho rằng việc thu tác quyền khi mở tivi là vô lý. Một đơn vị cho biết họ dùng truyền hình cáp và đã thanh toán thuê bao hàng tháng, không có lý gì phải trả thêm khoản tiền khác.

Đức Trí/VNExpress

CHIA SẺ
Bài viết trướcTrần Đăng Khoa: Cấp phép cho Quốc ca thể hiện sự thấp kém về văn hóa
Bài kếNhững điều đằng sau cuộc khủng hoảng Marawi ở Philippines
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.