Thị trường nghệ thuật cả nước xuất hiện vô số các gallery, cùng làn sóng ‘chép tranh’, tranh ‘du lịch’, tranh ‘Bờ Hồ’ phổ biến tới mức truyền thông trong nước có lúc ví đó với một sự ‘bội thực’ nghệ thuật.
Trong khi đó, giá tranh của Việt Nam tại nhiều cuộc đấu giá nghệ thuật ở khu vực và quốc tế tiếp tục sụt giảm, các nghệ sỹ sáng giá nhất chỉ bán tranh được với giá từ vài nghìn tới vài chục nghìn đô-la, nhưng cũng chỉ với số lượng đếm trên đầu ngón tay.
Có khoảng cách gì không giữa hội họa Việt Nam và thị hiếu, thị trường nghệ phẩm quốc tế, nhất là qua giá cả nghệ phẩm, có cách nào để các tác phẩm hội họa Việt Nam ‘tiến’ tốt hơn vào thị trường quốc tế?
BBC Việt ngữ đặt câu hỏi này với họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Như Huy, nhân chuyến thăm của ông tại Hội chợ nghệ thuật quốc tế truyền thống lần thứ 14, Arts Scene 2009, tại Đức theo lời mời của Viện Goethe và Tổ chức Art Forum Berlin. Sau đây mời quý vị theo dõi ý kiến của họa sỹ.
“Ra thị trường quốc tế không chỉ là việc đưa một bức tranh tới đó mà phải có được một hệ thống đảm bảo cho người mua, người tiêu dùng quốc tế về nhiều mặt”
Họa sỹ Như Huy
Như Huy: Giả định rằng nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sỹ, họa sỹ Việt Nam đã hết cỡ rồi, thì có một vấn đề là những người thẩm định, hay ‘đọc’ các tác phẩm của họ là ai. Nếu chúng ta dùng khung nghệ thuật nào để đọc, thì chúng ta sẽ có kết quả như thế đấy.
Ví dụ, nếu ta dùng khung chung của nghệ thuật thế giới là ‘conceptual’ để đọc tác phẩm không chỉ của nghệ sỹ Việt Nam, mà cả của Thái Lan, Indonesia, thì ta sẽ thấy chất lượng rất kém. Thế nhưng nếu ta dùng khung ‘narrative,’ thì thấy các tác phẩm này có thể có nhiều điểm được quan tâm.
Nghĩa là anh nghệ sỹ làm gì là một phần, nhưng người đọc, người thẩm định tác phẩm ấy theo cách nào, cũng vô cùng quan trọng.
BBC: Phải chăng khó khăn trong việc bán tranh Việt Nam ra quốc tế cũng là khó khăn chung của nhiều nước, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa mới đây?
Như Huy: Cũng đúng một phần là tình hình không được như trước đó. Song mặt khác, nhiều tên tuổi nghệ sỹ quốc tế lớn không hề bị ảnh hưởng và ngoài ra thị trường nghệ thuật này vẫn là một lĩnh vực đầu tư đặc biệt mà ta gọi là ‘đại tài chính’ nên tôi nghĩ không bị tác động gì lớn lắm.
CƠ HỘI NÀO
BBC: Có cơ hội gì không cho mỹ thuật, hội họa Việt Nam tiến tốt hơn vào thị trường quốc tế, cần phải làm gì để đảm bảo thành công?
Như Huy: Tôi nghĩ vào thị trường nghệ thuật quốc tế không đơn thuần chỉ là việc đem một gallery đi vào một khu có vài trăm gallery mà phải tính tới các góc độ quan hệ định chế. Vì nghệ thuật thế giới là một Arts World, có quan hệ liên đới rất chặt chẽ với nhau.
Và quan hệ này không giới hạn về mặt vật lý mà còn phải có các cuộc trao đổi, làm việc vòng quanh thế giới v.v… Không riêng gì Việt Nam, một nước mạnh hơn trong khu vực như Thái Lan, vào được thị trường chẳng hạn như ở Đức là rất khó.
BBC: Còn các thị trường khác theo quan sát cập nhật của ông, như ở Hoa Kỳ hay Anh thì sao, thưa ông?
Như Huy: Hoa Kỳ dễ hơn, Anh thì khó hơn. Bởi vì châu Âu, nhất là châu Âu lục địa, có những đòi hỏi khó hơn so với Mỹ để tranh và hội họa Việt Nam nhập vào. Theo tôi biết, tại Art-Fair Việt Nam tại San Francisco, hoặc tại Thụy Sỹ v.v…, cũng có một vài gallery của Việt Nam xuất hiện.
Thực ra việc để mở một vài gallery cũng khó nhưng không hẳn rất khó, nhưng để gia nhập vào hệ thống toàn cầu của họ thì không dễ. Bởi vì gallery hiện đại là hệ thống kinh tế, hệ thống định chế, hệ thống giám tuyển v.v… Gallery Việt Nam phải có được những hành lang như thế của các hệ thống này thì mới được gọi là có thể vào được hệ thống thế giới.
BBC: Về giá cả các nghệ phẩm, theo đánh giá của ông thì tranh Việt Nam hiện nay giá cả ra sao?
GIÁ CẢ NGHỆ THUẬT
Như Huy: Các tranh bán được theo tôi vẫn là tranh của các nghệ sỹ bậc thầy Việt Nam ngày xưa. Còn các tranh của các nghệ sỹ đương đại Việt Nam bán được vào các thị trường nghệ thuật cao cấp của thế giới, theo những gì tôi biết, thì không có. Còn các tranh của các họa sỹ như Lê Phổ hay Phái…, tôi nghĩ bây giờ không được như ngày trước, như hồi đầu.
Ngoài ra, còn có một số vấn đề kỹ thuật như là tranh giả, tranh thật. Tôi từng dự một hội thảo nghệ thuật tại Singapore và có ý kiến hỏi lấy gì đảm bảo với người mua rằng một bức tranh nọ của Việt Nam không phải là tranh giả, tranh chép, lúc đó cũng không có ai trả lời được. Ý muốn nói là đi ra thị trường quốc tế không chỉ là việc đưa một bức tranh tới đó mà phải có được một hệ thống đảm bảo cho người mua, người tiêu dùng quốc tế về nhiều mặt nữa.
BBC: Qua chuyến đi này và qua những tiếp xúc, theo ông thế giới biết gì về mỹ thuật, hội họa Việt Nam hiện nay?
Như Huy: Tôi có hỏi ý kiến nhiều người. Đoàn của tôi có rất nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, từ Chile, Mỹ, Baranh, Panama, Ấn Độ, Đài Loan, Nam Phi v.v… Thực ra những gì họ biết về nghệ thuật Việt Nam, tôi nghĩ là rất ít.
“Nay không còn phải là thời điểm của các cuộc tranh luận hay các trào lưu lớn, mà bản thân nghệ thuật thế giới cũng ít có các cuộc tranh luận lớn.”
Họa sỹ Như Huy
Cái họ biết vẫn chỉ thông qua một số nghệ sỹ tên tuổi, đã thành danh của Việt Nam trên thế giới. Còn về những diễn ngôn, những vấn đề, những nỗ lực… của nghệ thuật Việt Nam, thì chắc là ta chưa đến được nhiều với họ.
BBC: Có vẻ như các tranh luận nghệ thuật quốc tế hiện nay có vẻ ít và ít ồn ào hơn trước đây? Phải chăng giới phê bình và lý luận nghệ thuật đang gặp một khó khăn, bế tắc nào?
Như Huy: Nay không còn phải là thời điểm của các cuộc tranh luận hay các trào lưu lớn, mà bản thân nghệ thuật thế giới cũng ít có các cuộc tranh luận lớn lắm. Tuy nhiên, khi sang Đức đợt này, tới thăm các triển lãm nghệ thuật lớn tại Leipzig, tôi vẫn thấy nhiều nghệ sỹ lớn của Đức theo trường phái Leipzig mới và họ vẫn đi theo dòng ‘Figurative’, tức là dòng tranh có hình. Và tranh của họ vẫn bán rất chạy với giá mỗi nghệ phẩm có thể lên tới cả triệu đô-la.
Còn về phê bình nghệ thuật, thì như một số nhà phê bình hàng đầu thế giới nói, lĩnh vực này đang gặp khủng hoảng vì viết mà chẳng có ai đọc. Mà những gì được đọc nhiều nhất lại là được viết trong các catalogue.
Phê bình, lý luận vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật thế giới vì nó là một bộ phận cấu thành về mặt tiếp nhận. Song ngày nay, vai trò gần hơn đối với đời sống và quần chúng lại đến ngày một nhiều hơn từ vai trò của các ‘curator,’ tức các giám tuyển nghệ thuật.
Theo BBC.com/vietnamese/Culture