14642126_1154943847922180_1799003489760915984_nDự án cổng chào tỉnh Quảng Ninh bị lên án là một sự đầu tư lãng phí, trong khi chính quyền tỉnh này đã lên tiếng khẳng định nguồn tiền từ ngân sách chỉ chiếm 10 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng. Như thế nào là lãng phí?

Sẽ không có một câu trả lời chính xác đối với một khái niệm tương đối như sự lãng phí. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, cái cổng chào, cho dù xây dựng bằng nguồn nào, với bao nhiêu tiền, cũng không thể tạo nên nhan sắc của một địa phương.

Cổng tỉnh, theo giải thích của chính quyền tỉnh Quang Ninh là công trình văn hóa mang ý nghĩa xã hội cao, sẽ là điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng đối với du khách khi đặt chân tới Quảng Ninh. Điều đó đúng, và cần thiết. Song, ấn tượng về một địa phương như Quảng Ninh chẳng lẽ chỉ giản đơn là có cái cổng tỉnh to nhất nước?

Có thể, khi du khách đến với Quảng Ninh, họ sẽ choáng ngợp, trầm trồ với cái cổng tỉnh hoành tráng đó, cũng như trước kia, họ đã trầm trồ với cây cầu Bãi Cháy. Nhưng sau đó là gì? Hạ Long, di sản thiên nhiên tuyệt đẹp của Quảng Ninh vẫn đang đối mặt với ô nhiễm môi trường. Những con đường ở Hạ Long, Cẩm Phả người dân vẫn lội bùn mỗi khi mưa lũ, ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ vẫn chưa hết khó khăn… Cái cổng đắt tiền không đủ để che đi những hình ảnh đó.

Có thể, cái cổng chào hoành tráng là một nhu cầu thực tế, như một người muốn điểm trang nhan sắc để tiếp cận những cơ hội làm ăn tốt hơn. Đó là một lý do thuyết phục. Nhưng nó chỉ có thể thuyết phục được người dân khi kèm theo những cam kết cụ thể. Lợi ích từ việc điểm trang nhan sắc đó sẽ góp phần thu hút thêm bao nhiêu khách du lịch mỗi năm, lợi ích đó sẽ được tái đầu tư cho người dân Quảng Ninh như thế nào? Ai là người hưởng lợi, và hưởng lợi ra sao khi tỉnh có cổng chào hoành tráng? Nếu như có một câu trả lời hợp lý, hẳn không một người dân Quảng Ninh nào không muốn quê mình đẹp hơn nhờ cái cổng.

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng sau những ồn ào về cổng tỉnh. Song, không phải để trả lời những câu hỏi trên. Chỉ có 10 tỷ đồng ngân sách được chi ra cho dự án này. Đó là một câu trả lời sai. Bởi chỉ một đồng được chi ra từ ngân sách mà không phục vụ lợi ích của người dân cũng sẽ lãng phí. Đó là chưa kể, con số 10 tỷ đồng ngân sách cho công trình 198 tỷ chỉ là một sự đánh tráo khái niệm mà thôi.

Dự án 198 tỷ đồng, ngoài 10 tỷ ngân sách, còn lại là nguồn tiền xã hội hóa từ doanh nghiệp. Nhưng, doanh nghiệp không bỏ tiền để điểm tô nhan sắc cho địa phương như một hành động từ thiện thẩm mỹ. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được khai thác sử dụng hàng trăm ha đất ở vị trí tuyệt đẹp này, và cái cổng tỉnh hoành tráng được xây dựng, trước hết mang đến lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng trăm ha đất đó là tài nguyên thuộc về người dân, và nó không phải con số 10 tỷ đó.

10 tỷ trong nguồn kinh phí 198 tỷ xây dựng cổng tỉnh ở Quảng Ninh thực chất là một sự đánh tráo khái niệm nhằm khỏa lấp những tiếng nói phản biện của người dân về sự lãng phí. Cái đẹp, đó là ước muốn của không chỉ những người lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, nó là điều mà mọi con người đều khát khao hướng tới. Nhưng cái đẹp không thể xuất hiện trong bóng tối, cái đẹp cần minh bạch.

Một câu trả lời để khỏa lấp tiếng nói của người dân, về bản chất, cũng giống như vết son quệt vội, không thể mang đến một dung nhan đẹp đẽ được đâu.

Theo Fb Phạm Trung Tuyến

CHIA SẺ
Bài viết trướcNgười dân mang xác cá chết đổ ra quốc lộ, đường đi Vũng Tàu tắc nghẽn
Bài kếTalk show-tuoitreonline.de với các bạn Sinh viên trong hội Sinh viên Berlin Potsdam
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.