ye%cc%82n

Hình minh hoạ.

Đã hơn một phần tư Thế kỷ trôi qua Tuấn vẫn không làm sao quên được đêm hôm đó, đêm ngày 9.9.1989, cái đêm mà hàng triệu người khóc vì vui sướng vỡ oà khi nước Đức không còn bị chia cắt, người dân Đông Berlin ùn ùn đạp đổ bức tường ngăn cách Đông Tây tràn sang Tây Berlin, tay bắt mặt mừng, họ ngã vào vòng tay nhau mà khóc trong sung sướng , hạnh phúc đến nghẹn ngào. Trong căn hộ tại quận Berlin Marzahn, Tuấn ngồi thẫn thờ nhìn vào chiếc Tivi đen trắng theo dõi những diễn biến xảy ra nơi cổng thành Brandenburger, những thời khắc lịch sử của nước Đức, của Thế giới đang diễn ra ngay trước mắt Tuấn mà như đang được quay chậm từ một đoạn phim nào đó. Tuấn nhìn vào Tivi mà không thấy gì, cảm nhận gì một cách rõ rệt. Tay cầm chai Bia thỉnh thoảng tu một ngụm mà cũng không biết là đang uống gì. Một tiếng trước mấy thằng bạn đập cửa gọi Tuấn cùng đi ra phía cổng thành xem tình hình như thế nào, nghe nói được sang Tây Berlin không bị ngăn cản… Tuấn không mở cửa cũng không lên tiếng.

Mở cửa sổ nhìn từ tầng 4 xuống đường thấy hàng đoàn người, xe lũ lượt nhắm hướng Cổng thành kéo đi, Tuấn cảm thấy ghét cay ghét đắng những con người đang háo hức đi chứng kiến ngày đoàn tụ, đi tận hưởng niềm hạnh phúc, những khát khao cháy bỏng mà bao năm họ đã mong chờ. Quay lại nằm vật trên giường Tuấn nhớ lại những tháng ngày qua.

Học xong phổ thông không thi đỗ Đại học, Tuấn đi lính nghĩa vụ quân sự, sau 5 năm về xin được một chỗ làm trong Xí nghiệp quốc doanh tại Hải Phòng. Ngày tháng buồn tẻ qua đi với công việc và đồng lương ít ỏi nên Tuấn không dám nghĩ đến việc yêu ai và lập gia đình. Cô bạn gái thời còn ngồi trên ghế nhà trường tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm cũng đã lên xe hoa về nhà chồng sau khi ra trường. Nhờ gia đình chạy chọt và bố là liệt sĩ nên đầu năm 1988 Tuấn được một suất đi lao động hợp tác tại CHDC Đức. Đi lao đông hợp tác mà ngày đó mẹ và bao nhiêu người mừng vui cho Tuấn cứ như là được trúng sổ số giải độc đắc tuy đã phải vay mượn và tốn khá nhiều tiền bạc để „làm thủ tục“ đi Tây.

Với bản tính chịu khó lại nhanh nhẹn nên Tuấn nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới tại xứ người. Sau hơn một năm chăm chỉ làm việc, tiết kiệm đồng lương và học thêm nghề may quần Jeans cho khách người Đức, Tuấn cũng đã dành dụm được một số tiền kha khá. Dưới tầng hầm của khu chung cư Tuấn đã mua về tích trữ được hai con „Simson 51“ và 4 con xe đạp Mifa. Dưới gầm chiếc giường được kê cao lên làm kho chứa hàng cũng đã có hơn chục tập giấy ảnh BN 111, hơn chục cuộn phim chụp ảnh loại hơn 1 mét, mấy gói vải lụa hoa con bướm và 2 đầu máy khâu cổ hiệu Singer. Cứ đà này sau khi hết hạn 5 năm khi về nước Tuấn sẽ có một số tài sản đủ để tạo dựng một cuộc sống khá hơn trước kia và sẽ nghĩ đến chuyện lấy vợ.

Trong một lần cùng bạn xuống Leipzig chơi, tình cờ Tuấn làm quen được với Yến. Người con gái không đẹp lộng lẫy nhưng rất có duyên và nhẹ nhàng, khéo léo đặc biệt có tài nấu những món ăn rất ngon đã làm cho Tuấn bị chinh phục ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Sau đó là những lần thư từ, hò hẹn và chỉ sau 2 tháng thì Tuấn thường xuyên đi tàu xuống hoặc Yến đi tàu lên Berlin vào những cuối tuần để gặp nhau. Tình yêu của họ thật đẹp, cả hai đã bàn tính đến những dự định tương lai và hết lòng vun đắp cho những dự định đó.

Khoảng tháng 5.1989 khi tình hình Đông Đức bắt đầu bất ổn, Yến đã nói với Tuấn về việc ông bác họ của Yến sống ở Áo do không có con lại rất thương Yến nên đã nhắn tin muốn Yến tìm cách sang Áo hay Tây Berlin, sau đó ông bác sẽ đón Yến về nhận làm con nuôi và sẽ giao cơ sở làm ăn của ông cho Yến tiếp tục làm. Tuấn không đồng ý khi Yến ngỏ ý muốn Tuấn cùng Yến tìm cách trốn đi để sang với ông bác. Tuấn nêu ra nhiều lý do để thuyết phục Yến từ bỏ ý định đó và rất mong Yến cùng Tuấn về lại Hải Phòng chung sống và chăm sóc mẹ già. Sau 2 tuần thuyết phục, đôi lần Tuấn đã rất gay gắt và tuyên bố nếu Yến còn nhắc lại chuyện này thì sẽ làm đổ bể tình cảm của hai đứa, không thấy Yến nhắc lại chuyện muốn tìm cách trốn sang với ông bác, Tuấn yên tâm là Yến đã từ bỏ ý định nên cũng không hỏi thêm cụ thể về ông bác của Yến ở đâu bên Áo.

Những tháng sau đó Yến vẫn thường xuyên lên Berlin vào cuối tuần với Tuấn và mọi chuyện vẫn như xưa, tình cảm của 2 người không có gì thay đổi. Tuấn mừng lắm. Giữa tháng 7.1989 có người quen của Yến mua lại hộ cho Yến được một suất đóng thùng hàng về Việt Nam của một người không có tiền mua hàng đóng thùng, Tuấn đã dồn hết những số xe máy, xe đạp, đầu máy khâu, vải lụa, giấy ảnh v.v. từ lâu tích góp được cùng với số hàng hoá của Yến để đóng cho đầy một cái thùng 1,4 mét khối. Trước sau gì về Việt Nam hai đứa cũng lấy nhau nên Tuấn không một chút mảy may lo lắng khi thùng hàng đề tên người nhận là mẹ của Yến tại Bắc Giang.

Sau khi đã gọn nhẹ gửi được hết số hàng về, nghe mọi người nói nếu có tiền nên mua vàng của những người Việt đi buôn lại từ nguồn Đại sứ quán các nước châu Phi để chuyển về Việt Nam bán sẽ có lãi cao nên Tuấn cùng Yến dồn hết số tiền còn lại mua được một số nhẫn và dây chuyền vàng. Sợ để ở chỗ mình không an toàn vì thằng bạn cùng phòng hay kéo đám bạn đến nhậu nhẹt và đánh bài 3 cây ăn tiền thâu đêm, nên Tuấn bảo Yến đem về cất nơi chỗ Yến ở toàn con gái cho chắc chắn.

Cuối tháng 8.1989 sau buổi tối dự sinh nhật thằng bạn sang cùng đợt tại Berlin, thấy Yến có vẻ buồn, Tuấn lo lắng hỏi xem có chuyện gì thì Yến chỉ lắc đầu nói rằng bị mệt. Nghĩ rằng do bị ép uống cốc Sekt và không quen uống rượu nên Yến bị mệt, Tuấn yên tâm không hỏi thêm. Chiều hôm sau là Chủ nhật 27.8.1989, trước khi lên tàu về lại đơn vị lao động, Yến bỗng dưng ôm Tuấn rất chặt và rất lâu ở nhà ga xe lửa. Trước khi buông ra, Yến hôn Tuấn thật lâu và bật khóc. Hoảng hốt Tuấn gặng hỏi có chuyện gì không? Yến chỉ lắc đầu nói là không có gì, Yến nói rất yêu và rất thương Tuấn. Tuy vẫn còn một chút thắc mắc nhưng giờ tàu chạy đã đến, Tuấn giơ tay vẫy tiễn Yến mà lòng không khỏi băn khoăn. Định bụng để cuối tuần sau Yến lên sẽ hỏi cho rõ ràng, Tuấn quay về mà lòng vẫn không yên.

Thứ 7 ngày 2.9.1989, như đã hẹn Tuấn ra Ga xe lửa đón Yến, nhưng đã chờ 2 chuyến tàu đến mà không thấy Yến đâu, rất sốt ruột nhưng không có cách gì liên lạc. Tuấn đành quay trở về nhà mà ruột nóng như lửa đốt. Chạy xuống nơi chủ nhà trực, gọi nhờ điện thoại về khu chung cư nơi Yến ở, sau một hồi hỏi thăm Tuấn được biết tin Yến đã ra khỏi chung cư với một túi sách to từ sáng và đi Taxi nhưng không ai biết là đi đâu, bạn bè nghĩ là Yến lên Tuấn như mọi khi.

Cả buổi chiều và tối hôm đó Tuấn như ngồi trên đống lửa, hết đi ra nhà Ga ngóng lại chạy về nhà sợ Yến đến mà không gặp Tuấn ở nhà. Đến khoảng 21.00 giờ thì Tuấn mệt nhoài cộng thêm nỗi lo lắng choán hết tâm trí, chẳng thiết ăn uống gì, bụng đói uống hết vài chai Bia, Tuấn ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Khi choàng tỉnh giấc, nhìn đồng hồ đã hơn 6 giờ sáng ngày Chủ nhật, mọi người trong khu chung cư hầu như còn chìm trong giấc ngủ. Tuấn cảm thấy đầu đau như búa bổ và sờ trán thấy nóng như đang bị sốt. Lục tủ lạnh ăn tạm lát bánh mỳ với ít thịt nguội, đầu muốn nổ tung vì không biết tin tức gì của Yến. Ăn xong Tuấn lên giường nằm đắp chăn suy nghĩ mông lung và lại chìm vào trong giấc ngủ mệt mỏi.

Giật mình tỉnh giấc vì thằng bạn cùng phòng gọi dậy hỏi, mày ốm hả, đã ăn gì chưa, Tuấn ngơ ngác một lúc rồi kể toàn bộ sự việc từ hôm qua cho thằng bạn nghe vì nó biến đâu mất từ hôm qua đến chiều nay mới về. Vốn tính phổi bò, thằng bạn an ủi, đừng lo, chắc Yến đến nhà bạn bè chơi nhưng không kịp báo trước cho Tuấn, thôi dậy kiếm gì nhét vào bụng rồi tính sau.

Không còn cách nào khác Tuấn đành hy vọng là thằng bạn nói đúng. Hôm sau thứ 2 khi gọi điện xuống gặp được cán bộ phụ trách đội lao động nơi Yến ở, Tuấn giật mình nghe thông báo là Yến không đi làm như thường lệ. Nghĩ rằng có thể Yến bị mệt khi đến nhà bạn chơi, sau đó đi khám nghỉ ốm nơi bạn của Yến nên Tuấn đành phải chờ đợi. Ba ngày trôi qua, khi đã gần như không đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa thì Tuấn nhận được một lá thư của Yến gửi. Hồi hộp, vội vàng mở lá thư ra xem Tuấn chỉ thấy có mấy dòng Yến viết: „Em xin lỗi anh, ngàn lần xin lỗi anh, anh hãy tha thứ cho em và hãy quên em đi. Em đã đi sang với bác của em. Vĩnh biệt anh.“

Không tin vào mắt mình, trời đất như quay cuồng, sụp đổ xuống đầu Tuấn. Thế này là thế nào? Tại sao? Tại sao? Những câu hỏi cứ vang lên trong đầu, gào lên một tiếng tuyệt vọng TẠI SAO? Tuấn lao xuống cầu thang, chạy ra ngoài đường như một kẻ mất trí và không biết mình đang đi về đâu.

Vài ngày sau đó bức tường Berlin sụp đổ, trong khi hàng triệu người dân Đức reo hò, hân hoan xuống đường tràn sang Tây Berlin tận hưởng những giây phút sung sướng nhất của họ, trong số đó có không ít người Việt, thì Tuấn thẫn thờ đứng trên khung cửa sổ nhìn xuống đường đau đớn, tuyệt vọng và cảm thấy căm ghét những người đang vui sướng dưới kia.

Vết thương lòng của Tuấn sau hơn một phần tư Thế kỷ vẫn thỉnh thoảng âm ỉ rỉ máu mỗi lần nước Đức tưng bừng kỷ niệm ngày thống nhất. Ngày mà hàng triệu người vui mừng cũng là ngày nỗi đau lại dày vò Tuấn. Cũng may những năm gần đây, Tuấn đã nguôi ngoai và thường thầm cầu chúc cho Yến được may mắn, hạnh phúc mặc dù sau chừng đó thời gian Tuấn không có cách gì liên lạc được lại với Yến. Tuấn cũng đã chuyển chỗ ở bốn lần, hiện nay đã lập gia đình và đang ở một thị trấn nhỏ gần Hamburg.

Trong trang sử của nước Đức, ngày thống nhất không chỉ có niềm vui mà cũng có cả những nỗi buồn.

Mạnh Thái.

CHIA SẺ
Bài viết trướcKẻ hiếp dâm được giảm án vì cha có công lớn…
Bài kếThu Hà Cottbus: Em đánh rơi mình vào trái tim anh!
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.