tieng-han-chao-hoi1Có thể nói rằng, lời chào là một nghi thức xã giao đầu tiên, là phép lịch sự tối thiểu của mỗi cá nhân khi bắt đầu một cuộc giao tiếp. Ở Việt Nam, nét đẹp văn hoá của lời chào được ông cha ta đúc kết thành những bài học quí báu trong kho tàng ca dao tục ngữ: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Gặp nhau che nón không chào. Lặng thinh như rứa khi nào quen nhau”. Rõ ràng, với người Việt, lời chào không chỉ là nghi thức giao tiếp đơn thuần mà còn là thước đo trình độ ứng xử của mỗi cá nhân. Về cơ bản, người Việt sử dụng mọi kiểu chào để bày tỏ thiện chí, sự tôn trọng, lịch sự đối với người mình gặp gỡ… khẳng định và củng cố thêm mối quan hệ vốn có đồng thời mong muốn tạo cơ hội để thiết lập các mối quan hệ mới.

Để chào một ai đó người Việt có thể chào, có thể hỏi, có thể chúc, có thể khen với những biểu cảm rất đa dạng, rất linh hoạt và rất … Việt Nam.
Các kiểu chào của người Việt Nam:
1) Chào trực diện: có tính khuôn mẫu, dùng để mở đầu hay kết thúc cuộc gặp gỡ…nhằm thể hiện thái độ lịch sự, khiêm tốn, nhã nhặn của các vai giao tiếp.
– Bẩm cụ
– Chào ông; Chào bà; Chào bác… ạ
– Chào thầy ạ
– Chào đồng chí
– Xin chào anh
– …
2) Chào bằng câu hỏi: Có lẽ đây là cách chào thông dụng nhất của người Việt ta.
a) Chào mà không quan tâm đến nội dung câu đáp lại, thực ra chỉ là đánh tiếng, câu đáp có khi bâng quơ chẳng ăn nhập gì với câu hỏi, có khi là câu hỏi lại.
– Bác đi đâu đấy?
– Bà đi đồng ạ?
– Cụ câu gì thế?
– Em ăn cơm chưa?
– …
+ Ừ, cháu đi làm đấy à?
+ Gớm, đi đâu mà sớm thế?
+ …
b) Chào quan tâm cụ thể, chi tiết đến gia đình, sức khỏe công việc…
– Thế nào? khoẻ chứ?
– Hôm qua làm mấy nhát?
– Vợ con sao rồi, ổn cả chứ?
– Dạo này vẫn đi câu à?
– Cửa hàng bán được không?
– Có gì mới không?
– …
c) Ngạc nhiên chào: đặc trưng của kiều chào này là thái độ vui mừng ngạc nhiên trước sự bất ngờ xuất hiện, thường kèm thêm các cử chỉ điệu bộ như ánh mắt, vẫy tay, vỗ tay, nhảy cẫng lên …làm tăng thêm hiệu quả giao tiếp.

– Ôi! Anh Mai Lâm! Anh cho ra tập mới chưa?
– Kìa! Anh Hùng! Làm em giật bắn mình.
– A! Mẹ về!
– Kìa! Anh Manh Thai! Lại để râu xồm à?
– Ơ! Anh Nghia! Vợ đâu mà đi một mình thế?
– Trời ơi! Điệp! Lan đây!
– …
d) Chào mời: bày tỏ lòng hiếu khách.
– Mời bác vào xơi nước.
– Mời anh vào chơi.
– Mời các bác lên nhà trên ạ!
– Mời anh xơi…
– …
e) Chào bằng lời khen, chúc, nhận xét: tỏ lòng ngưỡng mộ, tranh thủ tình cảm, biểu thị quan tâm…Tạo thân thiện, hài lòng, để xích lại gần nhau, có tác dụng tích cực cho câu chuyện tiếp theo.
– Trông Phạm Mạnh Cường bảnh trai thế!
– Eo! Diện nhỉ!
– Em sành điệu quá!
– Anh chị đẹp đôi!
– Khiếp! Xinh thế, trắng nõn nà!

– Hến thôm quá hà! (Nghêu Sò Ốc Hến)

-……
PS:
* Chào cũng phải có Ý TỨ, ngó trước nhìn sau. Những chỗ đón khách tới dự sự kiện, đặc biệt là lối đi, gặp người quen nên chào nhanh rồi tránh cho những người khác vào, chứ lúc đó lại còn ôm ấp hôn hít ríu rít con cà con kê là thiếu VĂN HOÁ.
* Chào THỪA vài người không quen, còn hơn chào THIẾU một người quen. Điều nầy VÔ CÙNG QUAN TRỌNG đối với những ai làm công tác cộng đồng phải tiếp xúc nhiều. Chỉ cần một ánh mắt, nụ cười, cái vẫy tay…từ xa, khi không có điều kiện đến gần, cũng đã để lại thiện cảm có lợi cho những lần gặp sau đó.

* Bắt tay là cách chào của người Âu Mỹ. Hiện nay nơi công sở ở Đức, người ta đang hạn chế chào theo kiểu này. Họ treo bảng ghi rõ là „Chào không cần bắt tay“, có lẽ do „Vệ sinh phòng bệnh“.

Le Hoang