“Không nghi ngờ gì nữa, tích hợp các phương tiện truyền thông đã trở nên là một xu hướng tất yếu và mạnh mẽ nhất hiện nay. Làm báo, phải nói là chưa bao giờ khó khăn mà thú vị như lúc này!” – Nhà báo hiếm hoi trong làng báo từng có cơ duyên trải qua đủ mọi loại hình báo chí và lúc này là người đứng đầu một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, tích hợp đủ 4 loại hình, chia sẻ với “Trò chuyện cuối tuần”, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6.

Những đam mê phải tạm gác

– Hơn ba tháng làm quen với một loại hình báo chí mới, với ông là dài hay ngắn?


Ủy viên TƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ

– Gọi là mới thì cũng không hẳn, vì ngay chặng đầu nghề báo, tôi đã từng có tới 19 năm làm báo hình, báo nói ở Đài PTTH Nghệ Tĩnh, Đài PTTH Nghệ An. Ba tháng vừa qua với tôi, không hẳn là khoảng thời gian bỡ ngỡ trước một tổ hợp báo chí lớn; tôi đã dành một thời gian thỏa đáng để đi các cơ sở xa nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), nhất là các cơ quan thường trú, các đài, các trạm phát sóng PT, TH của Đài TNVN ở Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Bình, Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Còn hai đơn vị ở xa, tôi sẽ đi cuối tháng 6 này là Cần Thơ và Sơn La. Mỗi chuyến đi, vừa là để thăm hỏi anh em, nhưng quan trọng nhất, là xem anh em có khó khăn, vướng mắc gì để cùng tháo gỡ sớm. Một nội dung rất quan trọng nữa là kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống bão lụt, gió lốc cho các cơ sở phát sóng PT, TH ở núi cao, địa hình hiểm trở…

– Từng quản lý báo chí trên diện rộng, tầm vĩ mô trong tư cách Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo TƯ, và nay là quản lý một cơ quan báo chí có quy mô lớn, một tổ hợp báo chí, truyền thông hàng đầu của đất nước, với đầy đủ bốn loại hình báo chí cùng hàng nghìn nhân lực, công việc nào “làm khó” ông hơn?

– Đài TNVN, thường gọi tắt là VOV, quả là một “tờ báo” đặc biệt, là cơ quan báo chí duy nhất trong cả nước có đủ 4 loại hình: báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử. Với báo nói, đó là 7 kênh phát thanh, phát liên tục 24/24h trong ngày, là thế mạnh riêng có của Đài suốt 71 năm qua. Với báo hình, hiện Đài TNVN có tới 17 kênh truyền hình, báo gồm Kênh truyền hình Quốc hội, Kênh truyền hình Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) và 15 kênh truyền hình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC hợp nhất về Đài từ hơn một năm qua. Đài có báo in “Tiếng nói Việt Nam”, có 2 báo điện tử: VOV.VN và VTC News. Đài TNVN còn là cơ quan báo chí duy nhất sở hữu một đoàn ca nhạc, trong đó có cả một dàn nhạc bán cổ điển, hàng chục nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi, có người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, danh hiệu NSND, NSƯT… Đấy là một di sản văn hóa đáng tự hào, một vốn quý trong thời đại phát triển truyền thông đa loại hình, đa phương tiện như hiện nay, nếu như ta biết cách phát huy.

Bên cạnh truyền thống vẻ vang, thành tích to lớn, những lợi thế vốn có, Đài TNVN đã và đang phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Vận hành cả một bộ máy lớn có 4 loại hình báo chí, hơn 3.400 con người, hơn 50 đầu mối (trong đó có 6 cơ quan thường trú ở 6 khu vực quan trọng trong nước, 10 cơ quan thường trú ở nước ngoài, sắp tới là 12); nhiều máy móc, tài sản, cơ sở làm việc; sự đổi mới nhanh chóng, mạnh mẽ về nghiệp vụ, kỹ năng làm báo, kỹ thuật, công nghệ truyền thông… đặt ra cho Ban lãnh đạo Đài, cho Tổng Giám đốc Đài nhiều bài toán “hóc búa”. Cần phải tái cấu trúc bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại lao động, mặt khác, lựa chọn, thậm chí lôi kéo được người tài ở nơi khác về Đài. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Tập trung chuyển đổi, nâng cấp công nghệ truyền dẫn, phát sóng PT, TH từ analog (tương tự) sang kỹ thuật số mặt đất. Tận dụng dịch vụ di động quốc tế giúp kết nối internet băng thông rộng tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển phát thanh, truyền hình và các dịch vụ đa phương tiện qua internet đến phần lớn dân số trong nước và công chúng ở ngoài nước. Ưu tiên cho phát sóng FM. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Đổi mới mạnh mẽ các hoạt động tài chính của Đài theo hướng tăng nguồn thu, chi đúng, chi hợp lý các nhu cầu phát triển sự nghiệp; cải thiện đời sống cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên và người lao động.

Nếu như trước đây, trên cương vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ (hay trước đó là Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản của Ban), trách nhiệm chủ yếu của tôi là tham mưu cho cấp trên và chỉ đạo, định hướng nội dung, tư tưởng chính trị, phương pháp công tác cho các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ và những nội dung khác liên quan đến các mảng vừa nêu, thì khi về Đài, lại phải quán xuyến, lo lắng, giải quyết toàn diện từ chuyên môn đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý máy móc thiết bị, tài sản, đổi mới công nghệ, tìm kiếm nguồn thu, làm sao mở rộng hơn nữa diện phủ sóng của Đài… Nói chung là phải xắn tay vào mọi việc.

– Mấy năm trước, ông từng nặng nợ với đam mê “tay trái” của mình là viết kịch bản sân khấu, làm thơ… giờ ông còn dành được thời gian ít ỏi cho nó?

– Công việc mới quả bận rộn tới mức nếu như trước đây, tôi có thể từ 1 đến 1 năm rưỡi cho ra một kịch bản sân khấu thì bây giờ, nghe chừng là phải từ 2 – 3 năm. “Con người sáng tạo” dành cho đam mê mãnh liệt riêng kia hẳn là phải tạm thời “nhân nhượng” để nhường chỗ cho những bổn phận mới, liên quan đến sự nghiệp lớn của Đài, đến lao động và đời sống của hàng nghìn con người. Nhưng tôi tin, dù thế nào, mảng văn hóa, văn nghệ, những đam mê vẫn không rời bỏ mình.

Muốn “thoát chết” đôi khi phải biết… “chung sống”

– Ở thời điểm truyền hình và internet bùng nổ, phát thanh từng có lúc bị hờ hững và hầu như chỉ “co mình” lại ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Người ta thậm chí đã nghĩ đến một “cái chết”, hay một sự “thoái vị” được báo trước. Nhưng rồi phát thanh bất ngờ hiện diện khá rõ nét trong đời sống thành thị, trong giới trí thức, giới trẻ, công chức, viên chức bằng vào việc… ngày càng có nhiều người sở hữu ô tô riêng hơn. Ông có cho rằng đấy là cơ may?

– Đó là một lý do, đương nhiên, nhưng chắc chắn không phải là lý do duy nhất. Không phải ngẫu nhiên mà tại các nước phát triển, phát thanh luôn có được vị trí xứng đáng, trong nhiều hoàn cảnh, còn là độc tôn, so với nhiều loại hình báo chí khác. Ở Việt Nam, hẳn là do quan niệm của một số người, kể cả ở cấp quản lý, mà phát thanh từng bị coi nhẹ, như thể đã “xế chiều”, dù nó luôn sở hữu những thế mạnh đặc thù không dễ và không thể bỏ qua so với các “binh chủng” báo chí, truyền thông khác.

Thứ nhất, đầu tư cho phát thanh không quá tốn kém, với các công cụ hành nghề khá cơ động, gọn nhẹ, thuận tiện. Quy trình tiếp cận và xử lý thông tin cũng thuận tiện và nhanh hơn khi phát thanh trực tiếp một sự kiện nóng nào đó đang diễn ra, thậm chí còn có thể nhanh hơn truyền hình trực tiếp nhiều lần. Tiếp nhận thông tin từ phát thanh cũng là việc “nhất cử lưỡng tiện” đối với công chúng, khi có thể cùng lúc một công đôi việc: Vừa nấu ăn vừa nghe đài, hay vừa lái xe vừa theo dõi các kênh phát thanh, nhất là kênh VOV giao thông (không chỉ đơn thuần là các tin tức giao thông…). VOV cũng có thể làm bạn với những người nông dân ngoài đồng, trên nương rẫy cho đến những bệnh nhân đang nằm viện, chỉ với một cái đài bán dẫn nhỏ gọn bên mình, hay thậm chí là chỉ cần bằng một cái điện thoại di động… Vào những đêm khuya, nó cũng là một người bạn dễ thương, gần gũi cho những ai mất ngủ, khó ngủ với chất giọng thủ thỉ, tâm tình vốn dĩ là “món tủ” của các chương trình phát thanh đêm khuya. Đó là “Tiếng thơ”, “Đọc chuyện đêm khuya”, “Thì thầm bên gối”, “365 ngày hạnh phúc”, “Kết nối”… Lúc này đây, người ta cũng có thể nghe đài qua internet, đồng thời xem, đọc các loại hình báo chí và xem, nghe vô số kênh truyền hình, phát thanh… được tích hợp cùng lúc trên trang tờ báo điện tử VOV.VN của Đài. Thậm chí, nếu muốn, còn có thể nghe tới 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số trong nước và 12 thứ tiếng nước ngoài…

Trong tiềm thức của bạn nghe đài các thế hệ trước, phát thanh từng nằm lòng và “đóng đinh” trong họ bởi những chương trình “đặc sản” như: “Dân ca và Nhạc cổ truyền”, “Câu chuyện truyền thanh”, “Đọc truyện đêm khuya”, “Kể chuyện cảnh giác”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Chuyện kể từ đại đội”…, thông qua các giọng đọc, giọng ngâm thơ… điêu luyện, ngọt ngào, hào sảng đã thành “kinh điển”. Phát thanh từng là “chiến binh báo chí” duy nhất có thể vượt qua mọi giới tuyến thời Bắc – Nam chia cắt để đến với người nghe vùng địch tạm chiếm, thậm chí là nơi phát ra các hiệu lệnh tấn công trong các chiến dịch lớn, cũng là nơi đầu tiên phát đi tin chiến thắng, ở những thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc… Ngày nay, dù hoàn cảnh đã thay đổi, thì đó thực sự vẫn là một di sản tinh thần hết sức quý giá để làm hành trang và động lực cho cả dân tộc đi tới…

Thế mạnh lớn nhất của phát thanh là tính tương tác, phải nói là vô cùng tiện lợi, sắc bén, nhanh nhạy so với các loại hình báo chí khác. Chưa kể, một số chương trình văn hóa, văn nghệ khi lên sóng phát thanh và tận hưởng từ nó những thế mạnh đặc thù về âm thanh, giọng nói, giai điệu… có một sức lay động mạnh mẽ, vì nó kích thích trí tưởng tượng của người nghe, giúp họ hình dung ra các cảnh, tình huống, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau… Thông qua đó, người nghe đài có thể đồng sáng tạo với tác giả và người thể hiện…

– Nhiều loại hình báo chí hiện nay đang đứng trước thách thức cạnh tranh với mạng xã hội. Theo ông, cần phải có thái độ thích nghi thế nào?

– Mỗi loại hình báo chí theo tôi đều có thế mạnh riêng, nhưng trước sự cạnh tranh ngày càng dữ dội của mạng xã hội, đòi hỏi báo chí phải thích nghi nhanh chóng, đúng cách với hoàn cảnh mới. Muốn “thoát chết” đôi khi phải biết… “chung sống”, biết tích hợp những thế mạnh đặc thù của từng loại hình và sử dụng chính mạng xã hội làm cổng ra cho thông tin của báo chí chính thống.

Không nghi ngờ gì nữa, tích hợp các phương tiện truyền thông đã trở thành xu hướng tất yếu và mạnh mẽ nhất hiện nay. Khi cùng với internet, là sự phát triển như vũ bão của hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới như công nghệ di động, các thiết bị đầu cuối theo xu hướng di động hóa, cá nhân hóa cao độ… Làm báo, chưa bao giờ nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng lắm thú vị như lúc này!

– Xin cảm ơn ông !

Nguyên Lê thực hiện

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcCha tôi – Ngọn đèn dầu vẫn thức
Bài kếChuyện kỳ lạ ở Bệnh viện 115 Nghệ An: Bác sỹ mổ tay trái để rút đinh ở…tay phải
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.