Đêm qua ngồi với mấy anh em, bạn bè thân thiết. Trà dư, tửu hậu nói đủ thứ chuyện. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện Hà Nội thời bao cấp, chuyện đổi gạo mậu dịch lấy gạo quê thời khốn khó đó. Bất chợt, tôi nhớ đến lần đổi gạo với một cô thôn nữ cách đây mấy chục năm.
“Đổi gạo đê…!”, đấy là tiếng rao quen thuộc một thời mà bất cứ người Hà Nội nào cũng đã từng nghe dù ở nơi phố cổ đông đúc người qua lại hay khu tập thể khuất nẻo cả buổi trưa vắng người chỉ rộn tiếng ve râm ran dưới vòm lá xà cừ.
Gạo mậu dịch được mua bằng sổ gạo theo định lượng hàng tháng của CBCN viên hay người dân có hộ khẩu ở Hà Nội. Một phần vì những tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm được bao cấp cho người Thủ đô này mà việc nhập hộ khẩu về nội thành, thời đó, khó hơn hái sao trên trời. Cũng vì sổ gạo quan trọng với đời sống thời bao cấp nên mới có câu thành ngữ “Mặt nghệt như mất sổ gạo”.
Người Hà Nội thời nào cũng ăn uống cảnh vẻ. Đến cái giá cũng cắn làm đôi. Ăn hương, ăn hoa chứ không chém to, kho mặn, bỗ bã như dân quê. Nên mới có “dịch vụ” mang gạo mới từ quê ra đổi lấy gạo hôi  mậu dịch. Thông thường 1 cân gạo mậu dịch đổi 7, 8 lạng gạo quê. Nhưng tôi cũng gặp mấy bà mẹ quê, con đàn nheo nhóc, ăn khoẻ như tằm ăn rỗi, nên hàng tháng đôi lần, mang gạo ngon ra đổi ngang với gạo hẩm chỉ vì gạo hẩm dôi cơm.
Cũng không thật rạch ròi như phân vùng làm ăn của dân xã hội đen, những người đổi gạo cũng tự nhiên nhận cho mình một khu phố với những khách hàng quen thuộc. Phố tôi hồi đó có một chị chừng suýt soát 40 tuần đôi lần qua phố cất tiếng rao đổi gạo. Hồi chưa lấy vợ thì mẹ, lấy vợ rồi thì vợ trực tiếp thương thảo đổi trác. Nhưng tôi có thói quen, cứ mỗi lần hàng gạo đến là sà xuống vọc cả bàn tay vào thúng gạo mát rượi, bốc lên những hạt gạo trong như ngọc mà hít hà. Cả khi buông hết những hạt gạo chảy qua kẽ tay, bàn tay chỉ dính cám vẫn thơm nức mùi gạo mới như mùi đòng đòng tôi từng ăn.
Năm lớp 5 tôi sơ tán về làng Yên Sở, Hà Tây. Đây là làng trồng nhiều dừa nhất miền Bắc. Đến nỗi xưởng phim truyện cứ quay bộ phim nào có cảnh miền Nam với hàng dừa bạt ngàn là lại về đây. Lớp tôi thời đó con gái nhiều hơn con trai. Mà con gái tên cũng như con trai, nghịch cũng như con trai. Tôi về được một dạo là nhập hội với nhóm trẻ trâu trong đó có hai đứa con gái tên Hùng và Tuấn. Trai gái chả phân biệt, cùng chơi một trò, cùng ăn những thứ sống sít mò được, bắt được nướng bằng rơm và củi trong những ống bơ. Mỗi tôi là da trắng, còn cả bọn trai và gái đều đen giống nhau. Tôi chỉ nhận ra hai đứa con gái trong nhóm bởi đuôi tóc dài lúc lắc sau lung. Tôi thân với Hùng hơn bởi nó cùng tên và hay bênh tôi mỗi khi đứa nào định bắt nạt. Lần đó hai đứa đi học cùng nhau trên con đường nhỏ hai bên bạt ngàn lúa vừa qua thì con gái. Lấp ló trong những đám lúa xanh mởn những nhánh lúa non đang trổ. Cả cánh đồng thơm ngát mùi lúa non. Nó đưa tôi cầm cặp rồi vén cao hai cạp quần xếch lên qua đầu gối rồi nhảy ào xuống ruộng. Tôi thấy nó cúi xuống rồi vạch, tách như chẻ đôi cây lúa. Đầu nó chúc xuống, lưng cúi gập để lộ cả khoảng mông trắng hếu. Lần đầu tiên tôi nhận ra mông con gái không đen rám như mông mấy thằng con trai. Nó quay lại chỗ tôi, hai tay giấu sau lung và bảo:
– Nhắm mắt vào, há mồm ra.
Khi tôi ngậm miệng thấy có cái gì đó mềm như cỏ mà ram ráp trong mồm. Nhai nghe có tiếng nổ lép bép và sữa thơm ngọt trào ra từ những hạt mềm. Mở mắt, tôi thấy Hùng đang nhứ nhứ trước mặt mình mấy chùm lúa non. (Từ đó tôi mới biết là đòng đòng). Nó đưa tôi và dặn, khi nào nấu cơm, cơm sôi thì cho vào. Chiều đó nấu cơm, khi nồi cơm bập bập tiếng cơm sôi, tôi vứt vào mấy nhành đòng đòng. Tới bữa, mở nồi cơm, mùi thơm của cốm bay sực cả góc nhà. Mấy đứa em tôi vừa ăn cơm vừa khen rối rít. Tôi nở mũi và chợt cười khi nhớ khoáng mông của Hùng lúc cúi trên đồng. Chỉ lạ là nó không đen và tẹt dí như mông mấy thằng bạn cùng lớp.
Lần ấy, vợ đang nằm cữ sinh đứa đầu lòng. Nghe tiếng rao đổi gạo, vợ bảo: Anh ra đổi đi, một cân lấy 8 lạng mà phải gạo ngon mới đổi. Mình le te cầm rá gạo mậu ra gọi:
– Bà đổi gạo ơi cho đổi nào.
Đôi quang gánh với cái nón chẳng còn được trắng nữa đã vượt qua, nghe tôi gọi, lại quày lại. Khi giáp mặt, buông nón, tôi ngỡ ngàng. Một gương mặt trái xoan, trắng hồng mồ hôi rịn nơi thái dương. Bờ môi mỏng đỏ hồng múm mím cười. Chỉ có đôi mắt lá răm đen nháy, lúng liếng khi nhìn là của người đàn bà đổi gạo cũ.
– Mẹ em hôm qua vào chuồng lợn lấy phân bị con lợn nái vừa đẻ cắn cho miếng vào bắp chân nên phải nghỉ chợ.
Cô bé đổi gạo phân trần. Tôi nhìn kỹ lần nữa, cô bé chỉ 17, 18 là cùng, cái áo sơ mi cổ lá sen màu trắng với những bông hoa nhỏ như hoa rau muống màu tím nhạt ôm khít vòng cổ trắng mịn, mảnh mai.
Tôi ngồi xuống bên thúng đinh vọc tay như mọi lần thì chỉ thấy trong thúng toàn gạo mậu dịch.
– Hết gạo rồi hả em?
– Còn em mới rao đổi chứ, cô bé cười. Hàm răng trắng đều như răng con gái Hà Nội.
– Gạo đâu? Tôi hỏi và nhìn vào cô bé chăm chăm.
– Anh ngoảnh mặt tý được không? Cô bé bẽn lẽn.
Tôi quay đi hướng khác, tưởng đã lâu, quay lại. Kịp nhìn thấy ruột tượng đựng gạo vừa rời khỏi vùng bụng thanh tân trắng ngần, cái cạp quần lụa đen hơi trễ xuống, nhô lên mẩu quần trong màu hồng điều. Cô bé đỏ mặt. Tôi cũng bàng hoàng. Sờ ruột tượng gạo thấy nóng. Những hạt gạo trong với ánh xanh như ngọc được đổ ra thúng. Tôi vọc tay vào, những hạt gạo còn ấm hơi người.
Tối, tôi lấy gạo mới đổi ra nấu. Rim thêm cho vợ lạng thịt lợn thăn. Cả bữa ăn vợ cứ khen cơm dẻo, cơm thơm.
Tôi ngồi thẫn thờ: Cơm thơm từ gạo hay cơm thơm từ người? Mẩu vải màu hồng điều chợt hiện trong suốt bữa ăn.

Hùng Lý( Berlin)

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcNgười Việt chỉ mạnh khi đứng một mình?
Bài kếVụ cột điện 220kV bê tông trộn đất: Kỷ luật hàng loạt cán bộ, cảm ơn báo Lao Động và người tố cáo
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.