Tôi hẹn với em ấy từ trước cho một chuyến đi rất khó gặp trong cuộc đời. Một mình đã khó, để đi cả hai cùng lúc càng khó hơn. Như hái sao trên trời. Chuyến đi Trường Sa mùa biển lặng, “tháng 3 bà già đi biển“. Tôi vốn dân viết, em ấy vốn dân quay phim. Trước khi có tên trong danh sách đoàn đi, hai anh em đã bàn bao việc. Anh viết gì, em quay gì. Như nhìn thấy biển cả xanh ngắt nơi mũi tàu, hải âu cánh trắng bay theo ngang trời và ánh mắt nhìn yêu thương của những người lính đảo, da sạm nắng, bàn tay nắm chắc súng.
Sau những trục trặc về thủ tục tưởng em đi đường em, anh đi đường anh, cuối cùng, chúng tôi cũng thỏa ước mong. Cùng có mặt ở cảng Cát Lái nhổ neo cho một hải trình 8 ngày của đoàn công tác số 6 – đoàn kiều bào từ 19 quốc gia về thăm quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1 trong những ngày cuối tháng 04.2015.
Những ngày lênh đênh trên tàu, hay những lúc bận rộn, vất vả khi thăm đảo tôi đều thảnh thơi với một túi da nhỏ bên sườn, nhẹ nhàng với Iphon 6 plus chụp hình, tạo dáng. Ngược lại em hùng hục như thằng xe thồ. Bên máy quay, bên máy ảnh cồng kềnh đèn đóm, dây dợ. Đằng sau còn khoác cả một ba lô phụ kiện. Rồi chạy trước, chạy sau. Lúc trèo cao chụp xuống, lúc tụt tận dưới thấp chụp lên. Người ta ăn uống, hát hò phô diễn, em lặng lẽ quay quay chụp chụp. Người ta ngủ ngon lành, em cần mẫn nạp thu, chỉnh sửa từng bức ảnh, từng khuôn hình.
Các phóng viên, báo chí truyền hình chuyên nghiệp trong nước đi theo đoàn tác nghiệp, đều có nhóm dăm, ba người. Người quay phim, kẻ chụp ảnh, người cấm máy, kẻ bê chân. Mỗi em đơn phương độc mã, chạy ngược, chạy xuôi dưới nắng, dưới gió, vừa quay phim, vừa chụp ảnh, mũ chẳng dám đội, mồ hôi chảy thành dòng. Đôi khi ái ngại, tôi thử xách hộ cái ba lô. Không ngờ nó nặng đến thế. Ít nhất tới 25 kg. Bê được vài chục mét là thở dốc. Em nhìn tôi còn ái ngại hơn:“Em đeo quen rồi, thôi để em“. Mà tôi không mang được thật. Nhất là lúc sóng to lên xuống xuồng để vào đảo. Hai chiến sỹ hải quân kéo tay mà ống đồng còn va vào thành xuồng thâm tím, bước vào lòng xuồng rồi sóng còn đánh cho ngã dúi dụi, nói gì mang vác nặng.
Cứ như thế qua 8 ngày của một hải trình. Lúc nào em cũng hùng hục, xông xáo, xốc vác. Lúc nào tôi cũng nhẹ nhàng, thảnh thơi. Còn hát hò, giao lưu lời hay ý đẹp trên sân khấu. Hôm tổng kết đợt công tác, tôi được tuyên dương xuất sắc toàn đoàn. Lại được lãnh đạo đoàn gắn huy hiệu Chiến Sỹ Trường Sa trước sự chứng kiến của cả tàu. Trong lấp lánh của vinh quang, của ánh đèn, tôi nhìn xuống. Em vẫn lặng thầm thu vào ống kính những khoảnh khắc cho đời, cho người mà không hề suy bì cho mình.
Trước, trong và sau chuyến đi, tôi không tin mình sẽ viết được gì ra tấm, ra món dù lòng tôi đầy cảm xúc, nhưng tôi tin em sẽ có những khuôn hình, những thước phim truyền lại cho người xem, nhất là những người chưa từng đặt chân tới, thấy những gì đang có ở Trường Sa, thấy sự gian nan và ý chí quyết tâm giữ gìn biển đảo của quân, dân nơi đầu sóng ngọn gió như chúng tôi đã chứng kiến trong những ngày ở đảo.
Hôm nay nhìn 568 bức hình của em trong một Album dù chỉ qua mạng cũng làm tôi nôn nao nhớ biển, bâng khuâng nhớ người. Album như một phóng sự tương đối đầy đủ và sinh động về Trường Sa, về đoàn công tác số 6 thăm Trường Sa. Từ gương mặt trẻ trung hồn nhiên của người lính đảo khi đứng gác đến giọt nước mắt trên má của một nữ Việt kiều bên nghĩa trang, từ sóng biển hai màu ôm đảo chìm, bông hoa bàng vuông thẩm được cả hương sắc đến đôi chim câu ấm áp đậu trên mạn thuyền như khát vọng hòa bình của người dân biên đảo… Đó là tất cả tình cảm, mồ hôi, cảm xúc của em ấy đối với biển đảo quê hương.
Một người làm rất nhiều, luôn đòi hỏi sự hoàn thiện một cách khắt khe, băm băm, bổ bổ với những sai trái, bất công nhưng lại kiệm lời khi nói về mình. Em rất ngại nếu ai đó gọi mình là nhiếp ảnh gia hay nhà quay phim, dù em đã học hành bài bản cả ở Việt nam, cả ở Đức, đã làm nghề Điện ảnh tới ba chục năm và là con nhà nòi, con nhà quay phim nổi tiếng  – NSƯT Phạm Ngọc Lan.
Người em đó là Phạm Mạnh Cường. Một Việt kiều ở Đức. Một người ra đảo và hành xử giống như một người lính. Người xứng đáng được đeo huy hiệu Chiến Sỹ Trường Sa mà không cần ai gắn hộ.

Hùng Lý. Từ CHLB Đức.

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcCON TRAI TÔI NÓI TIẾNG VIỆT
Bài kếHOA HẬU ÁO DÀI VÀ NHỮNG GIẤC MƠ TRẺ NHỎ
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.