Thấy người Việt có thể thành công ở mọi lĩnh vực, kể cả chỗ khó, chỗ khổ. Nhưng nhắc cộng đồng Việt nói chung, thì chẳng thấy nơi nào mạnh.

Montreal (Canada) là một thành phố hải ngoại có người Việt khá đông với hơn 45 ngàn người đang sinh sống.

Cộng đồng Việt ở đây hình thành qua hơn 40 năm, đang chung sống với nhiều dân tộc nhập cư khác như Ả rập, Trung Quốc, Do thái, Ấn, Philippines… Nếu xét về số lượng, cộng đồng Việt ở đây chỉ đứng sau Trung Quốc.

Người Việt chỉ mạnh khi đứng một mình? - Ảnh 1.

 Khu vực buôn bán của cộng đồng người Việt tại khu Little Sài Gòn, bang California, Hoa Kỳ. Ảnh: khanhhoa.gov.vn

Với những người Việt mới đến thành phố này, đi bất kỳ đâu cũng có thể tìm thấy thứ để tự hào về những người đồng hương: Trong chuỗi cửa hàng tiện lợi và dược phẩm lớn nhất Pharmaprix hơn một nửa là của người gốc Việt. Nhà hàng, cửa tiệm tiếng Việt có ở khắp nơi.

Tác giả Hạnh Nhân

Trong một thành phố diện tích nhỏ chỉ bằng một phần mười thủ đô Hà Nội, thống kê được số lượng bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ mang tên Việt đã lên tới hơn 1000.

Thế nhưng, nếu như Do Thái, Trung Quốc… đều có riêng những bệnh viện của cộng đồng mình – nơi mà người bệnh đến thăm khám dễ dàng và thoải mái giao tiếp bằng ngôn ngữ nguồn cội… thì cộng đồng Việt lại không.

Không thể phủ nhận, kinh doanh nhà hàng hay làm y dược sĩ, bác sĩ là những ngành không đòi hỏi nhiều chất xám và sự nỗ lực. Nhưng sự nỗ lực đó của người Việt hầu như chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân.

Nếu so sánh cả những trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm cộng đồng, dạy tiếng mẹ đẻ… của người Việt với người Trung, người Do Thái, người Ấn, Đức, Tây Ban Nha… thì sẽ phải thừa nhận, người Việt ở thành phố Montreal là một cộng đồng đông đúc nhưng không mạnh.

Đó không chỉ là chuyện riêng của thành phố Montreal, mà là thực trạng chung của người Việt, ngay từ trong nước. Có người từng nói, một người Việt thì giỏi bằng một người Nhật, nhưng hai người Việt ngồi lại thì hiệu quả chỉ bằng nửa người Nhật.

Tôi từng có cơ hội trò chuyện với nhiều người Việt từng sinh sống nhiều năm ở hải ngoại – những người có cơ hội làm việc với nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau.

Người Việt chỉ mạnh khi đứng một mình? - Ảnh 4.

Nhà thiết kế Alan Tạ

Alan Tạ, một nhà thiết kế thời trang người Việt kể với tôi câu chuyện về sự kiện thời trang T. Men’s Fashion Week. Lúc đầu khi mới tham gia, Alan đã khá ngạc nhiên vì thấy hầu hết những người chủ chốt trong tổ chức chương trình và trình diễn đều là người Philippines (hoặc Canada gốc Phil).

Mặc dù là sự kiện lừng lẫy của làng thời trang Canada, nhưng do người sáng lập sự kiện này có nguồn gốc Philippines, mà người Philippines họ có “truyền thống” thích dùng người quen để dễ dàng làm việc, trao đổi.

Trong làng thời trang hải ngoại, nhà thiết kế Alan Tạ cho rằng, người Việt vô cùng có lợi thế về sự chăm chỉ, tỷ mỉ, nhưng anh cũng phải thừa nhận rằng, chỉ thấy người Việt thành công lẻ tẻ. Rất dễ gặp người Việt, từ bình dân đến giỏi giang, nhưng đa số không mấy chỗ nào giống như trong câu chuyện của người Philippines kể trên.

Trong khi đó, P. Thanh, một phóng viên truyền hình thường trú nước ngoài, lại kể nhiều kỷ niệm buồn về những lần tác nghiệp không được đồng hương ủng hộ.

Đó là lần tác nghiệp tại lễ hội ẩm thực thế giới (Mỹ), khi nhìn thấy gian hàng Việt, chị đã vô cùng phấn khởi đến ghi hình. Nhưng khi bày tỏ mong muốn được phỏng vấn người phụ trách về chuyện đồ ăn, thì ông ta lại một mực từ chối rằng “nói thôi thì được, chứ quay hình thì không”.

Thậm chí, trong những lần tác nghiệp ở nước ngoài, có vị đồng hương từng lại gần, yêu cầu cô phóng viên đài Việt Nam phải xóa hình ảnh có xuất hiện mình, với lý do “tôi biết cô quay rồi dùng hình với mục đích gì”.

Trong khi đó, P. Thanh kể rằng, những người nước ngoài thường tỏ ra rất nhiệt tình giúp đỡ công việc của chị. Do vậy, qua hai năm làm công việc phóng viên thường trú, P. Thanh đành phải thừa nhận rằng, “công việc sẽ suôn sẻ hơn nhiều, chỉ cần không gặp đồng hương”.

Lại có một câu chuyện trên mạng lưới cộng đồng du học sinh từng gây chú ý với chủ đề “thuê trọ, hãy tránh xa những chủ nhà gốc Việt”. Hồng Anh là một du học sinh Pháp, đã kể về những lần rắc rối khi đến thuê nhà của người gốc Việt.

Cô gái trẻ mới xa nhà bị xét nét từng cử chỉ trong cách sống, cách dùng đồ bếp, sinh hoạt… Hơn thế, có vị chủ nhà đồng hương còn lừa luôn cả tiền đặt cọc, rồi đòi nhà sớm để cho người thuê khác trả giá cao hơn.

Trường hợp mà Hồng Anh gặp phải tất nhiên là hi hữu. Nhưng không phải không đáng suy nghĩ, đặc biệt khi ngày nay rất nhiều du học sinh có xu hướng chọn cách sống mở lòng “kết bạn bốn phương”, nhưng lại…không có khả năng giao du với người Việt!.

Người Việt chỉ mạnh khi đứng một mình? - Ảnh 5.

TS Bùi K.Huy

Tiến sĩ Bùi K. Huy, một vị giáo sư trẻ người Việt đang hướng dẫn sinh viên đến từ nhiều quốc gia, tại ĐH McGill (Canada) thì chia sẻ cách so sánh của anh về sinh viên Việt với sinh viên các nước.

Tố chất nói chung thì chẳng có dân tộc nào thua kém dân tộc nào. Tức là chẳng hề có nghiên cứu nào chỉ ra người Do Thái hơn người Việt, hay người Việt kém người Nhật, người Trung.

Trong nghiên cứu khoa học, có những cá nhân người Việt rất xuất sắc như giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn hay Đàm Thanh Sơn, nhưng số nhóm nghiên cứu của giáo sư người Việt không nhiều, không nói là rất ít so với số lượng sinh viên Việt Nam theo đuổi con đường nghiên cứu.

Điều này, theo Tiến sĩ Huy, đó không phải do tố chất. Bởi muốn thành công trong lĩnh vực nghiên cứu nói riêng, và cả trong mọi ngành nghề nói chung, thông minh chỉ là một yếu tố nhỏ mà còn phải cần rất nhiều kỹ năng khác như khả năng tư duy độc lập, làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm, kỹ năng mềm và khả năng làm việc theo nhóm..

Đó là do sinh viên Việt Nam thường yếu về các kỹ năng cơ bản, giao tiếp và thái độ làm việc chuyên nghiệp được rèn giũa từ trong nước.

Nói đến giáo dục, trước tiên đó phải là chuyện của một đứa trẻ khi chúng nhìn cách cha mẹ đối đãi, rồi đến chuyện của người trong xã hội cư xử với nhau, và sau cùng mới là trách nhiệm của giáo dục nhà trường.

Chúng ta vốn ngại khác biệt, kể cả khác biệt tích cực.

Nếu sống trong một môi trường mà ai cũng làm qua loa, mình làm cẩn thận cứ thấy không thoải mái.

Nếu ai cũng làm sai, mình tất nhiên không cần cầu kỳ để mà làm đúng.

Khi gặp tai nạn cần giúp mà ai cũng bỏ đi, mình đương nhiên cũng sẽ không muốn dừng lại.

Hoặc nếu thấy cướp giật trên đường, mình cũng không nên “thể hiện” trong khi mọi người đều mặc kệ…

Tức là, nếu như hằng ngày đứa trẻ được chứng kiến người ta xấu với nhau, nhìn thấy những việc không đẹp, lớn lên không ai có thể chắc chắn đứa trẻ đó có thể trở thành một người tốt được.

Bản tính con người cuối cùng là kết quả của những chuẩn mực chung của cộng đồng. Nếu một cộng đồng đoàn kết, tương lai sẽ có những thế hệ biết mình biết người, sẵn sàng nâng đỡ người khác. Và điều ngược lại, tất nhiên là cũng sẽ xảy ra.

*Bài viết trên thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.

Theo Trí Thức Trẻ

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trước60 phút mở của VTV, “đừng kịch hóa chương trình hướng tới sự thật”
Bài kếHƯƠNG GẠO
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.