(TROL): Việt Nam đã từng không ít lần mang các tác phẩm điện ảnh đi dự Oscar và đều bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Chuyện của Pao (2007), Áo lụa Hà Đông (2008), Đừng đốt (2010), Khát vọng Thăng Long (2012), Mùi cỏ cháy (2013) và Trúng số (2015).

“Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ một lần nữa “mang chuông đi đấm nước người“. Tại sao lại “Hoa vàng trên cỏ xanh” mà không phải là một bộ phim nào khác?

Trình làng  tháng 10.2015, bộ phim trở thành hiện tượng của điện ảnh trong nước khi cán mốc hơn 80 tỷ đồng doanh thu. Hollywood Reporter, tạp chí chuyên về điện ảnh của Mỹ, nhận xét: “Câu chuyện về tuổi mới lớn đánh động nỗi niềm hoài cổ của tầng lớp trung lưu đang ngày một đông lên và hiện đại ở đất nước này”.

Bộ phim đoạt giải “Phim truyện hay nhất của Ban giám khảo trẻ” tại Liên hoan phim quốc tế thiếu nhi tổ chức tại Toronto.

Nhân dịp này, TROL giới thiệu với bạn đọc bài viết của BTV Thymianka Thảo Nguyên về sự kiện bộ phim “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được trình chiếu lần đầu tiên tại Berlin.
hoa-vangd

Cuối cùng, sau rất nhiều khen chê, tôi đã được thấy “Hoa vàng trên cỏ xanh”, một buổi chiếu phim có rất… nhiều cảm xúc ở Berlin.Phim được chiếu ở Film Haus trong Sony Center, một vị trí đắc địa bậc nhất Berlin, nhưng rất tiếc, từ trong ra ngoài, chẳng thấy một dòng thông báo nào cho biết đây là tuần phim Việt. (Hy vọng là BTC giấu đâu đó tôi tìm chưa ra!). Nếu không có mấy cô bé người Việt cũng đi tìm nơi chiếu phim như tôi, chắc tôi phải loanh quanh lâu lắm. Mình còn thế, nói gì đến người Đức?

Cảm xúc đầu tiên là như mọi khi, nhiều kính thưa kính gửi quá, mà có lẽ, nếu bớt đi phần “kính” này, không chắc còn là bản sắc thuần Việt.

Cảm xúc thứ hai, là có đến ba lần, người xem sau khi đã chịu trận chán chê bởi các màn kính thưa các loại, đã được một phen thưởng thức “nhạc phim đen thui không một bóng hình”. Tiếng xe lóc cóc, tiếng vịt kêu khe khẽ, tiếng thở đầy khả nghi… và màn hình chẳng có gì ngoài một màu u ám như tiền đồ chị Dậu. Sự cố kỹ thuật rất “đậm bản sắc dân tộc” này chỉ có với Việt nam, dù đã sang đến Đức, trong một buổi khai trương rất long lanh đủ các loại kính.

Và sau cùng, là cảm xúc về bộ phim, đã khiến cho những người đã bỏ ra ba tiếng quý báu trong một ngày thứ Bảy cận Giáng sinh, không cảm thấy hối tiếc. Bộ phim gây sốt từ trong ra đến ngoài nước, vì những kỷ lục từ sự lôi khán giả lười biếng đến rạp, về con số doanh thu đến 3,5 triệu US, cùng những giải thưởng, những khen chê… rốt cuộc có làm cho khán giả hải ngoại, những người đã xem chán vạn phim Hollywood, hài lòng hay không?

 Câu trả lời là: Có!

Nếu ta kỳ vọng ở một bộ phim giật gân, đánh đu đòn cân não với những kịch bản đầy kịch tính, hay những bất ngờ trong tâm lý nhân vật, cùng vô vàn tình tiết éo le… thì Hoa vàng trên cỏ xanh không làm được việc ấy. Có câu ví von rất… nhàm, nhan nhản trong các bình loạn về bộ phim: Một tấm vé đi tuổi thơ. Nhưng quả thật, khó tính bảo rằng nhàm, nhưng… đúng. Tấm vé đi tuổi thơ chính là phần thưởng xứng đáng nhất không chỉ gói gọn trong vòng 90 phút cho những ai đến rạp.

Ở cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất, “Cho xin tấm vé đi tuổi thơ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết lời bạt: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”. Và những kẻ “đã từng là trẻ em” ấy, đến rạp để cùng khóc cười với những cảnh phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông.

Hoa vàng trên cỏ xanh có những chi tiết khác với phim, nhưng theo tôi, Victor Vũ đã làm mới mà không hề phá vỡ linh hồn của cốt truyện. Anh đã chuyển thể có thể nói không khiên cưỡng từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ hình ảnh, bằng sự khai thác rất mạnh tay xảo thuật điện ảnh. 20 tỷ cho một bộ phim là cái giá xứng đáng cho những thước phim đẹp nhất tôi đã từng xem của nền điện ảnh u ám nước nhà trong vòng… quá nhiều năm trở lại đây.

Theo tôi, thành công của bộ phim trước hết chính nhờ ở cảnh quay tuyệt đẹp. Tôi vốn rất thích Trần Anh Hùng, cùng với Victor Vũ, hai đạo diễn Việt kiều rất biết khai thác những góc nhìn tinh tế, rất Việt từ một tầm kích khác. Nhưng Trần Anh Hùng tỉ mỉ và ẩn nhẫn bao nhiêu, thì Victor Vũ táo bạo bây nhiêu. Quê hương Việt nam, cũng bờ tre đồng lúa, bãi ngô dòng suối, hiện ra đẹp đến kỳ vĩ. Thậm chí cả những con trâu chết nằm trương phềnh trong trận lụt, hay những nếp nhà đìu hiu oằn mình trong gió, những cơn mưa sầm sập cô quạnh… cũng mang những vẻ đẹp đầy chủ ý của đạo diễn.

Và trên hết, thành công của bộ phim là từ chính kịch bản, không có gì ồn ào, chỉ là những quan hệ đời thường nếu không muốn nói bình thường của những đứa trẻ trong một làng quê nghèo. Một bộ phim về trẻ con, nhưng lại dành cho khán giả người lớn, những người “đã từng là trẻ con”.

Không phải chỉ là những rung động đầu đời của tuổi chưa biết lớn, không phải chỉ là những xung đột rất đời, còn là những giá trị nhân văn choán ngập trong cả tác phẩm: Tình anh em, tình làng nghĩa xóm, tình cha con, và trên hết, tình yêu.

Người xem cười òa lên với những pha ngộ nghĩnh trẻ thơ thì cũng không kìm được nước mắt trước những tình tiết rất người. Phim cứ đi vào lòng người như thế, như con thuyền mang tên hoài niệm ngược dòng quá khứ trong veo của những khán giả đã đi qua tuổi thơ…

Điều Victor Vũ đã tránh được mà những bộ phim Việt khác đều hầu hết mắc phải, đó chính là Vũ đã không hào nhoáng hóa nông thôn. Nông thôn trong Hoa vàng cỏ xanh rất bẩn, nghèo đến bệ rạc và lam lũ. Cái bẩn ám ảnh người xem từ ngôi trường lở loét, đầy rác và gạch ngói vỡ mà ở đó, những đứa trẻ đi dép lê đầy bụi, quần áo đầy đất cát, lem luốc sống, lem luốc viết thơ tình và lem luốc “tương tư”. Nó tương phản tuyệt đối với cảnh quan kỳ vĩ của thiên nhiên, làm thành một cảm xúc rất trái ngược, vừa xuýt xoa vì tự hào lại vừa xa xót vì xót thương…

Cũng không sa vào bần cùng hóa nông thôn, Victor Vũ đã, như mọi đạo diễn Việt kiều khác, khai thác tận tình “bản sắc văn hóa” của nông thôn Việt. Đó là đêm Trung thu đèn lồng, đó là bài hát tuyệt vời của nhạc sỹ Lê Thương, đó là những món đồ chơi dân dã như cào cào lá dứa, thuyền nan bằng tre, những con diều dán bằng cơm nguội trên cánh đồng lổn nhổn gốc rạ…

Nhưng cũng ở đây, sự thiếu cầu toàn của Vũ bị bộc lộ rõ. Vũ đã rất đại khái, qua quýt những chi tiết tưởng như rất đắt này. Lại nhớ Trần Anh Hùng (lại Trần Anh Hùng!), ở “Mùi đu đủ xanh”, Trần Anh Hùng chỉ bằng một chi tiết giết kiến đã đặc tả tính cách nhân vật hết sức rõ ràng. Điều đó giải thích tại sao, Mùi đu đu xanh, một cốt truyện đơn điệu hơn nhiều, lời thoại cũng không nhiều hơn, nhưng ám ảnh của nó với người xem thì rất nặng ký.

Một điều rất đáng tiếc nữa là các tác giả để cho Thiều xông vào phang em một gậy trời giáng khiến cho chú bé phải nằm liệt rất lâu, dù được dẫn dắt, lý giải là vì ghen tuông, đói khổ dồn nén bấy lâu… Chi tiết bất nhẫn ấy khiến giá trị nhân văn của bộ phim bị giảm đi rất nhiều. Sau đó, dù Thiều có ân hận thế nào, người xem cũng không tiếc cho việc làm nông nổi ấy, mà tiếc cho một hạt sạn trong một tác phẩm đẹp.

Không nhất thiết phải dùng dao mổ trâu để chém một con gà, nhất là gần như suốt phim, vai Thiều đóng chưa đạt sự ân hận dày vò cao độ mà người anh đáng ra phải có, khi gia đình đã phải bán đi con bò duy nhất và hơn nữa, chú bé Tường vô cùng yêu quý cũng như tràn đầy vị tha với anh trai mình. Dù có những hạt sạn ấy, thì Hoa vàng cỏ xanh vẫn là một bản tình ca về những cái Đẹp, về những rung động trong veo tuổi mới lớn, và nhất là, về tình anh em.

Chú bé Tường là nhân vật tròn trịa nhất, và cũng được diễn viên nhí đóng thành công nhất, theo tôi. Hồn nhiên trong trẻo, thấm đẫm vị tha, yêu từ con cóc tía yêu đi, chú bé có trái tim vàng ấy khiến người xem phải bật khóc, khi ngay cả trong cơn đau đớn vì bị anh vô cớ đánh đến liệt giường, vẫn biết bàn mưu “nói dối” để anh không bị trách phạt và nhất là, để bố mẹ không đau lòng. Chú bé đã dậy chúng ta về cách cư xử và tình yêu thương.

Tôi đã thắc mắc rất nhiều về cái tên phim “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tự hỏi sao có cái tít rất sến và chẳng nói lên được điều gì ấy. Nhưng phải xem đến đoạn kết, tôi mới hiểu ẩn ý nằm trong hình tượng này. Hình ảnh bông dã quỳ vàng như một tia nắng ấm áp của niềm tin, hy vọng vào một thế giới đẹp đẽ. Con người không nhất thiết phải đi rất xa mới vượt lên được hoàn cảnh nếu như tâm hồn không được chắp cánh để tự mình bay lên.

Đôi cánh ấy là con cóc tía xấu xí vẫn thường bầu bạn với Tường, là nàng công chúa thoát khỏi cú sốc bằng việc tự xóa ký ức, là những bông dã quỳ vàng rắc lối trên cỏ xanh- một huyền ảo thực trong bối cảnh một làng quê rất Việt.

Kết thúc buổi khai mạc của Tuần phim Việt, những gương mặt đẹp đã phai đi rất nhiều son phấn dù Vũ không nhằm lấy nước mắt của khán giả một cách rẻ tiền, 20 tỷ cho 90 phút là một sự đầu tư không hề liều lĩnh.

Hoa vàng cỏ xanh như một điểm sáng ấm áp trong miền khí hậu phim ảm đạm nước nhà. Nó cho chúng ta thấy, không cần bắn giết hãm hiếp, không cần kích động giật gân, không cần những pha làm tình câu khách, người ta vẫn sẽ đến rạp nếu có những bộ phim biết lay động một điều gì đó tưởng như đã ngủ quên.


12.12.2015
Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin

 

gmP/s: Phim được chiếu khai trương cho Tuần phim Việt nam tại Đức, không bán vé, chỉ có giấy mời. Khán giả có ít nhất 95% là người Việt, và còn nhiều chỗ trống. 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trước‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ dự sơ tuyển Oscar 2017
Bài kếTên của Trịnh Xuân Thanh chưa được cập nhật trên trang web của Interpol
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.