Lời mở đầu:

Kính gởi quí báo cộng đồng người Việt tại nước Đức,

Trong thời gian qua lũ lụt đã mang đến tai ương khủng khiếp cho dân chúng tại các tỉnh miền Trung. Tai ương này một phần là do “Thiên tai”, một phần là tại “Nhân tai”, từ việc xã lũ vô trách nhiệm đối với con người, tại đập Hố Hô.

Hiện nay từ trong nước đến hải ngoại đã có nhiều tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị nạn.

Tại Đức cũng đang rầm rộ phong trào. BTC tại Berlin cũng kêu gọi: quyên góp ủng hộ bà con lũ lụt miền Trung. Số tiền thu được sẽ nhanh chóng được chính người của BTC mang trực tiếp về tận vùng lũ lụt trao tận tay các gia đình gặp nạn.

Cách giúp như thế này tôi thấy có một số bất cập.

Vì theo tôi, tai họa lũ lụt là rất lớn, số người cần giúp đỡ cũng rất nhiều, mà khả năng tài chính và nhân lực của chúng ta là tương đối khiêm tốn. Giúp đỡ như thế nào có hiệu quả cao nhất và bền vững lâu dài, thích hợp với hoàn cảnh tài lực của chúng ta, và ai được giúp trao tiền, ai không được trao tiền? Để trả lời những câu hỏi này, tôi trình bày trong một bài viết gởi đến quí báo để độc giả cùng đọc và suy nghĩ.
—–
Sa Huỳnh

la
Trận lụt dữ dội, vì cơn mưa như thác đổ từ trời, cộng thêm đại họa “nhân tai” từ việc xã lũ, để cứu nhà máy thủy điện Hố Hô, mà không nghĩ đến dân, đã làm cả một vùng hạ lưu rộng lớn của các tỉnh miền Trung, như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… chìm trong biển nước mênh mông. Như một viên chức cao cấp của sở nông nghiệp Nghệ An đã phát biểu: “Khi xã lũ, chúng tôi chỉ nghĩ đến an toàn của đập, còn hậu quả thì chưa nghĩ đến”.

Cơn lũ từ trời, cộng với sức chảy của hơn 7 tỉ lít nước trong một giờ từ đập xã, mang theo một động năng khủng khiếp. Chỉ chốc lát đã phá hoại tan hoang gần 800 ha hoa màu, làm ngập gần 80 ngàn nhà cửa, phá hủy hơn 1000 ha nuôi trồng thủy sản. Giết chết gần trăm ngàn gia súc, thú vật. Cuốn trôi đi hơn chục sinh mạng. Hàng triệu con người sống trong hoàn cảnh bi đát, thê lương, từ lúc khoảng 18 giờ, ngày 14.10.2016.

Nhìn những hình ảnh thông tin trên báo mạng, hay qua các kênh truyền hình, chắc ít ai có thể không đau lòng. Một bà mẹ già ngồi buồn hiu, hay những đứa trẻ với quần áo ướt lạnh, trốn lũ trên mái nhà. Một chú ngựa được cứu nhờ sợi dây thừng nâng cao cái đầu lên, qua tầm mực nước, khuôn mặt cũng ngơ ngác buồn hiu, có lẽ vì thân mình đang bị ngập lạnh lâu và mệt mỏi. Một nhóm người ra sức khiêng cái quan tài, khệ nệ lội bì bõm trong dòng nước, để cứu cả người đã chết. Một đứa bé con trong vòng tay mẹ đang sững sờ. Một chú chó con đứng trên mái ngói, lặng lẽ nhìn quanh. Người và vật cùng môi trường đang bị “thiên tai” và cả “nhân tai” bách hại, nhấn chìm trong biển nước, dìm sâu trong tai ương. Tiếng kêu gào thảm thiết cùng khóc thương oán giận, trong những ngày đêm đầy tang tóc bất ngờ đó, đã thấu đến tận trời.

Cộng đồng người Việt tại Đức, một lần nữa bày tỏ lòng tương trợ, vận động quyên góp khắp nơi. Nhằm xoa dịu bớt đi phần nào khổ đau và tang tóc. Ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị họa vì lũ lụt. Sự thành công của phong trào quyên góp bước đầu đã làm mọi người cảm động, xích lại gần nhau hơn. Quên đi tất cả những bất đồng, bỏ qua những vấn đề đang và đã làm hội đoàn chia rẽ.

Theo dõi các cuộc quyên góp này của cộng cộng đồng người Việt ở Đức, chúng ta có thể ghi nhận nhiều kết quả rất đáng trân trọng, như sau:

– Hội Phụ nữ Nghệ An, trong thời gian ngắn một đêm, đã góp được 10.000 €.

– Hội Phụ nữ Rostock đã nhanh chóng thu được 2.600 € trong ngày kỷ niệm Phụ Nữ Việt Nam, gởi ngay về hỗ trợ đồng bào Hà Tỉnh, Quảng Bình.

– Ban tổ chức quyên góp tại TTTM Đồng Xuân, chỉ trong vài ngày “ra quân” đã thu được gần 30.000 €. Số tiền này sẽ còn tăng lên nữa trong những ngày tới.

Và còn nhiều nữa, vân vân…

Trong thời gian này, một thành công quyên góp tuyệt vời từ trong nước, do MC Phan Anh phát động, cũng đã làm nức lòng mọi người trong và ngoài nước. Trong một thời gian 48 tiếng đồng hồ, Phan Anh đã quyên góp được 10 tỷ đồng VN, tương đương với số tiền 400.000 Euro. Sự nhiệt tình đóng góp của cộng đồng mạng, làm anh chàng MC điển trai này phải làm việc ngược đời, kêu gọi mọi người đừng góp vào chỗ anh nữa, mà nên phân chia cho nhiều tổ chức uy tín khác. Lý do là nhóm anh lo sẽ… bị quá tải về tổ chức, với số tiền cứ tăng lên đến mức chóng mặt như thế. Những đợt trao quà cứu trợ đầu tiên, đã được nhóm và đích thân Phan Anh, tổ chức trong những ngày qua, ngay tại các vùng lũ lụt miền Trung.

Nhìn lại, số lượng tiền ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Đức, theo tôi dự đoán, chung lại toàn nước sẽ đạt chừng khoảng 2 trăm ngàn Euro. Riêng tại Berlin, con số ấy sẽ ngót ngét khoảng 100 ngàn. Tài sản người Việt chúng ta từ những lao động cần mẫn, chắt chiu, nên mức đóng góp trên thực tế cũng có độ giới hạn, trong tinh thần “của ít – lòng nhiều”, kẻ góp 10 đồng, người tặng vài chục.

Với số tiền tương đối ít, so với một đại họa như thế, buộc chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ, tìm ra phương án sử dụng một cách thật hiệu quả.

Lý do cũng thật dễ hiểu, phân tách như sau:

– Thứ nhất, chúng ta tránh được cách sử dụng như vừa qua, chẳng hạn như về dự án “Con tàu chủ quyền”. Dự án này mới nghe thật hoành tráng, nhưng khi nhìn ra thực tế, đó là chiếc ca-nô bé tí, chỉ chở được chục người, nếu chẳng may đậu cạnh tàu “hàm hố” của bọn Tàu, sẽ bị sóng của nó nhanh chóng đánh lật. Cộng đồng người Việt tại Đức đã một phen không vừa ý, về việc sử dụng số tiền họ đã quyên góp vì Trường Sa.

– Thứ hai, nếu chúng ta có cách làm hiệu quả, chịu khó động não, mọi người sẽ hoan hỉ, những lần đóng góp sau sẽ thêm dễ dàng.

– Thứ ba, nạn nhân lũ lụt sẽ có được một món quà thích hợp, tối ưu và hợp lý với số tiền đã quyên góp được.

– Thứ tư, qua đó Ban tổ chức có thêm kinh nghiệm về cách làm, không dễ dãi hay sợ khó khăn trong việc hoàn tất dự án quyên góp, tránh tâm lý muốn kết thúc cho nhanh, để “làm việc khác”, mà không để ý đến hậu quả sau này. Vì theo tôi, khâu vận động thu tiền quyên góp của bà con, tuy khó mà dễ, còn khâu sử dụng tiền quyên, lúc đầu tưởng dễ mà thực ra lại rất khó. Nếu chúng ta phải đi tìm một giải pháp tối ưu và hợp lý, thích hợp với khả năng tài chính của chúng ta, và làm hài lòng tất cả những người đã tham gia đóng góp.

Tất cả chúng ta cùng chung sức với BTC, cố gắng đề ra được giải pháp tốt nhất, và

có tính khả thi. Riêng cá nhân tôi lần này, xin được phép trình bày suy nghĩ như sau:

– Chúng ta không làm theo cách thông thường, có tính “phản xạ”, hễ như thấy đói thì tặng thực phẩm, thấy lạnh thì góp chăn mền, và vân vân. Lý do: cách làm này đã có hầu hết các tổ chức dân sự, cũng như tổ chức của chính quyền, cùng vào cuộc. Tôi lại vừa đọc được thông tin, có nơi người dân bị “bội thực” vì mì ăn liền. Chưa kể là việc nấu nướng, củi lửa hay chất đốt hiện nay rất gay go.

– Chúng ta nên xác định nhóm người và vấn đề ưu tiên cần giúp đỡ hay giải quyết, không làm đại trà và ôm đồm. Lý do: sức chúng ta là có hạn, về tài chính lẫn nhân lực và tổ chức.

– Sự giúp đỡ có tác dụng lâu dài và bền vững. Lý do: chúng ta nên đi vào gốc rễ của sự việc, không đi vào hiện tượng.

Theo đó, tôi đề xuất:

– Ưu tiên giúp đỡ trẻ em: Số lượng trẻ nít trong các gia đình gặp nạn không tìm thấy trên các phương tiện truyền thông, vì vậy chúng ta chỉ có thể ước tính về xác xuất, theo cách tính như sau: Theo cục Thống kê về sinh sản ở Việt Nam, tính theo dân tộc, thì Kinh 2,02 – Tày 2,26 – Thái 2,36 – Khmer 2,14 – và Mường là 2,36 con.

Như vậy chúng ta có thể ước chừng cứ một gia đình Việt Nam hiện nay có 2,2 con. Với số một triệu người lâm nạn, ở khắp các vùng lũ lụt, có thể coi như là người của 200 ngàn hộ dân. Trong 200 ngàn hộ này, nếu 40% hộ có con nhỏ thì số cần giúp đỡ là khoảng 160 ngàn trẻ em. Tính toán chi li như thế để chúng ta biết rằng, khả năng giúp hết là không tưởng, mà chỉ giúp chừng vài trăm em trong số đó mà thôi.

Nếu mỗi trẻ được giúp tương đương với 200 Euro, thì với số tiền chi 30.000 €, chúng ta có thể giúp được 150 em. Như vậy chúng ta lại khoanh vùng hẹp lại, trong một xã, hay quận nào đó. BTC sẽ xem vùng nào, xã nào là ưu tiên được nhận.

Số tiền 30.000 € tôi viết ở trên, bằng khoảng 1 phần 3 số tiền dự đoán sẽ quyên được là 100 ngàn Euro, ở Berlin.

– Giúp đỡ những gia đình có người chết hay mất tích: Theo tin tức hiện nay có 17 người, cũng có thể đã lên đến 20. Mỗi gia đình 500 €, tổng số sẽ là 10.000 €.

Ngoài ra chúng ta nên làm một việc có tính chất tâm linh, nhằm yên lòng người đã mất, cũng như xoa dịu phần nào nỗi đau của người thân quyến, bằng một buổi lễ cầu siêu tập thể, theo nghi thức lễ Phật và Thiên Chúa Giáo. Số tiền có thể là khoảng 2000 €.

– Thuê một nhóm Luật sư đi tìm công lý cho những người bị thiệt hại, đau thương vì “nhân tai” vô trách nhiệm lần này. Việc này chẳng những giúp xoa dịu phẫn uất của người dân, mà còn giúp cho nền pháp luật Việt Nam tiến bộ, nhắm vào trọng tâm phục vụ là con người. Cộng đồng chúng ta trực tiếp góp sức vào việc bớt đi những sự đau lòng và vô trách nhiệm như vậy, trong xã hội Việt Nam ở tương lai.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc giữa Luật sư và những người có trách nhiệm tại đập thủy điện Hố Hô, chúng ta sẽ biết được nguyên nhân sự cố, những khiếm khuyết về kỹ thuật hay lỗi của con người gây ra trong vấn đề này, để có khả năng tránh hay đề phòng đại họa lũ lụt, giúp người dân ở vùng hạ lưu sống an toàn tuyệt đối.

Số tiền tôi đoán chừng 20.000 €. Đó là chưa kể trường hợp có những Luật sư sẵn sàng làm không công, nhưng đó là việc chúng ta không nên tính tới.

Tới đây thì số tiền chi đã lên đến 62.000 €.

– Số tiền còn lại, trên dưới 30.000 €, tôi đề nghị đầu tư vào một đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài này chúng ta tuyển người Việt, đang sinh sống, làm việc tại nước Đức. Cụ thể kêu gọi các trí thức khoa học Việt Kiều, hay các nghiên cứu sinh tại các trường Đại học Đức, tham gia. Thực hiện nghiên cứu trong vòng 3 tháng. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi, là đề nghị đối với những người có trách nhiệm.

Trọng tâm nhằm trả lời câu hỏi một cách khách quan, minh bạch, độc lập không phụ thuộc vào các quyết định hành chính, hay nhà nước, đó là: Sự cần thiết hay không cần thiết của thủy điện Hố Hô. Trình độ kỹ thuật để chống lũ tràn đập so với trình độ thế giới. Những nguyên tắc cần tuân thủ trước khi xã lũ. Những biện pháp cải tiến cho Hố Hô cần phải thi hành ngay, về kỹ thuật, về nhân sự hay về tổ chức.

Đề tài khoa học này cần có sự hợp tác của nhà nước, mục đích tạo nên sự an toàn cho người dân ở hạ lưu, một cách lâu dài và bền vững. Chấm dứt nỗi lo sợ từng đêm của hàng ngàn hộ gia đình, khi thấy trời mưa hay gíó bão lại bất ngờ ập đến.

Những tiếng kêu la thảm thiết, vang lên tận trời cao, ở vùng quanh đập Hố Hô, trong đêm 14.10.2016 vừa qua, rồi sẽ không còn lặp lại trong tương lai, nhờ vào sự giúp đỡ hiệu quả của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức, dù khả năng về tài chính, nhân lực và tổ chức của chúng ta đang có nhiều hạn chế.

—–

Sa Huỳnh, từ Berlin, ngày 20.10.2016

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcCấm bay 12 tháng người đánh nhân viên hàng không
Bài kếLời kêu gọi của Đại sứ
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.