sa-huynh7– Câu chuyện mở đầu:

Hôm thứ Ba, 25.10.2016, tại nhà hàng Đồng Xuân Quán, thuộc TTTM Đồng Xuân, đã diễn ra một đêm nhạc, với chủ đề ” Quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt”, bắt đầu từ 19 giờ.

Tôi và cô bạn đồng hành M.T.N. – một nghiên cứu sinh ngành Khoa học Xã hội – hẹn nhau đến cho đúng giờ.

Hội trường trang trí ấm cúng, gồm 3 dãy bàn dài với hai hàng ghế hai bên, mỗi bàn có thể ngồi 50 người. Chưa kể một số ghế xếp ở phía bên hông.

Đêm nhạc đã thành công. Các nghệ sỹ, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, đã cho khán giả thưởng thức một chương trình văn nghệ phong phú. Tiền quyên góp được, cộng với thu được từ ủng hộ của các công ty và từ đấu giá, đạt trên 10.000 €. Nếu cộng luôn số tiền hiện nay đã góp được từ TTTM Thái Bình Dương của chị Trịnh thị Mùi, thì số tiền ở Berlin đã lên đến trên 100 ngàn Euro. Số tiền này chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa, vì thời hạn quyên góp còn kéo dài một tuần lễ, đến cuối tháng này.

Trong dịp này, anh Nguyễn văn Hiền đã mời tôi trả lời phỏng vấn của Đồng Xuân TV, do anh Hoàng Linh đạo diễn, và sau đó cũng mời tôi lên sân khấu phát biểu thêm. Tôi nói đại ý, rất ấn tượng về sự đóng góp của kiều bào chúng ta, cảm ơn anh Giám đốc TTTM Đồng Xuân đã có ý tưởng, tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa. Ngoài ra, trước mặt đông đảo khán giả, cùng sự có mặt của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, tôi thay mặt tác giả “Thơ Việt ở Đức”, thay mặt các bạn thơ, người yêu thơ của CHLB Đức, gởi tới những nạn nhân bị thiệt hại vì lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, tình cảm trân trọng, chia sẻ đau thương và sự cảm thông, của tất cả anh chị em từ “Mái nhà Thơ” ở xứ người.

– Câu chuyện đàm đạo:

Trong lúc giải lao, gặp Hùng Lý ngồi bàn bên trong, là Chủ tịch Hội người Hà Nội, bảo đã xem bài viết của tôi về góp ý sử dụng tiền cứu lụt, giải quyết tận gốc vấn đề, thế nhưng anh cho rằng, đại ý „chắc họ không nghe đâu“. Tôi hỏi thế thì phương thức làm lần này như thế nào, anh nói, BTC sẽ mang về trao tận tay các nạn nhân lũ lụt… Khi biết tôi ái ngại, sợ trao cho ai đó, rồi „rơi rớt“ dọc đường, anh bảo đại ý, chúng ta sẽ cố gắng trao trực tiếp, bảo đảm không xảy ra chuyện đó.

Anh Hoàng Trọng Minh ngồi bên cạnh, cũng nói đã đọc hết bài góp ý, và rất đồng tình, vì anh cho rằng cách của tôi nhằm giải quyết vấn đề có tính chất lâu dài. Anh sẽ viết cảm nhận gởi báo, nhằm ủng hộ ý tưởng của tôi.

Anh Nguyễn Tiến Khởi đến muộn vì phải đi làm, gặp tôi anh cũng bảo đã xem bài tôi viết, rất đồng ý về ý tưởng, tuy nhiên đoạn sau cần sửa lại, tôi hỏi „đoạn sau“ là đoạn nào, anh nói sẽ viết thư riêng cho tôi.

Nhạc sỹ đàn dân tộc Đào Xuân Phương vừa gặp tôi đã ôm chầm: „Lâu ngày gặp anh, em muốn ôm… hôn anh một cái“. Vừa nói vừa siết chặt tôi. Vừa vui, vừa hoảng hồn, tôi đùa bảo: „Coi chừng mọi người ta nhìn thấy, tưởng lầm gì đấy…“. Đào Xuân Phương buông tôi ra và khoe: „Em báo với anh là hôm nay em đã góp vào một số tiền là 100 €“. Tôi vỗ vai hoan hô chàng nghệ sỹ.

Anh nhiếp ảnh Vũ Quang Chí bảo đã đọc bài, khen hay và ý nghĩa, nhưng hơi… dài. Anh bảo ngày nay thời đại phong phú thông tin, nên cần viết ngắn gọn. Tôi gật đầu.

Anh Trần Văn Dũng, Phó ban quyên góp, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An, mời tôi ly bia, rồi cúi xuống thủ thỉ vào tai: „Anh Sa Huỳnh à, em là con quê miền Trung, khi nghe tin bà con bị nạn em rất đau lòng, vì vậy em cố gắng cùng các anh trong BTC, làm được càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình, nhằm xoa dịu nỗi đau của đồng hương.“

Ông Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, khi cùng đứng chung với tôi và anh Nguyễn văn Hiền trên sân khấu, bảo lần đầu tiên được quen biết tôi, mong tôi có nhiều sáng tác viết về sự đoàn kết cộng đồng. Anh Hiền cũng ngỏ ý muốn tôi viết bài thơ về đề tài ấy. Tôi bảo rằng mình khó sáng tác thơ theo „đơn đặt hàng“, vì thơ xuất phát từ sự rung động của tâm hồn, thế nhưng lần này chắc là được, vì những tang thương, đau khổ, mất mát của bà con ở quê nhà, đã chạm đến trái tim của tất cả chúng ta.
– Câu chuyện.. sắp chỗ ngồi:
Lúc đến nơi, vừa đẩy cửa bước vô, hội trường còn trống trải, chúng tôi được 2 cô tiếp viên đón chào niềm nở: “Cô chú là khách mời của chú Mác phải không, thế thì mời cô chú vào ngồi dãy bàn chính giữa, đàng kia”. Đi len qua các hàng ghế, chúng tôi đến ngồi vào bàn có tấm giấy đề tên anh Mác, người của nhà hàng Đồng Xuân Quán, mà tuần trước đã gọi điện mời tôi, với tư cách là người của hội thơ.

Ngồi uống nước mãi một lúc sau, cô bạn sốt ruột nhìn đồng hồ, đã hơn 19 giờ mà hội trường vẫn vắng hoe. Chỉ có hai chúng tôi ngồi uống nước và chờ đợi. Một lát sau, khoảng 19:45 giờ, ngài Đại sứ và Phu nhân xuất hiện. Hai vị được BTC mời ngồi vào bàn phía trên, gần sân khấu.

Bất ngờ lúc ấy hai cô tiếp viên – cũng là 2 cô lúc nãy – lại phía tôi và hỏi, „nhà mình“ đi mấy người vậy cô chú. Tôi lặp lại là chỉ 2, và chúng tôi là khách của anh Mác.

Hai cô bảo ít thế thì mời chúng tôi… rời bàn và đi ngồi vào cái bàn trống, 4 chỗ, ở tận phía cuối hội trường. Chúng tôi „ngoan ngoãn“ làm theo. Ngồi chưa ấm chỗ thì anh Mác bất ngờ ở đâu chạy đến, ngạc nhiên bảo sao anh chị ngồi đây? Hãy lên bàn ngồi chung với ngài Đại sứ.
Thế là chúng tôi lại „ngoan ngoãn“ đứng dậy, tiến về phía bàn trên. Đến nơi, anh Mác kéo ghế cho chúng tôi ngồi.

Khi chuẩn bị ngồi xuống, ngang xéo qua trước ngài mặt  Đại sứ và Phu nhân, thì anh Bình, chủ nhà hàng Đồng Xuân Quán, nhìn nhân viên… nhăn mặt, nói đại ý, đây là bàn chỉ dành riêng cho tập thể nhân viên và người nhà của Đại sứ quán. Chúng tôi lại đứng dậy. Thế nhưng anh MC Hùng Lý đứng cạnh đấy, nhìn chúng tôi cũng sốt ruột, lại bảo anh Sa Huỳnh cứ… ngồi xuống đấy!

Tôi và cô bạn vô cùng ngạc nhiên, tiến thối lưỡng nan.

Đối với chúng tôi thì ngồi đâu chả được, nhưng vì là khách mời nên phải tuân thủ theo cách xếp đặt của chủ nhà, không thể tùy tiện được. Trong khi cô bạn đi cùng rất sợ ngồi cái bàn trên, gần cái loa đang phát nhạc rất to, nên cô nàng kéo tôi về phía dưới, ngồi hàng ghế gần cửa ra vô, tuy lạnh một tí nhưng đỡ nhức đầu vì âm thanh, và vì tình thế sắp xếp cho chúng tôi đang rất… lộn xộn đến nực cười.

Câu chuyện kết:

Ra về lúc hơn 23 giờ. Lòng tôi tràn đầy thanh thản và vui. Đã đóng góp một số tiền nhỏ vào thùng quyên góp, nhận tờ giấy chứng nhận từ tay chị Chu Thị Châu, có ghi tên mình và tên con gái rượu Lysiane.

Tôi cũng đã làm được việc mà mọi người mong muốn, đó là đại diện cho „Mái nhà Thơ“, các tác giả „Thơ Việt ở Đức“, các bạn thơ và người yêu thơ trên nước Đức, bày tỏ sự cảm thông đến bà con bị nạn lũ lụt ở quê nhà.

Tôi cũng đồng suy nghĩ và quan điểm như anh Nguyễn Văn Hiền và ngài Đại sứ Đoàn Xuân Hưng rằng, qua sự quyên góp này, cộng đồng chúng ta hãy bỏ qua mọi bất đồng, những nguyên nhân gây chia rẽ, để xích lại gần và đoàn kết nhau hơn.

Sau cùng tôi cảm ơn anh Nguyễn Mác, nhà hàng Đồng Xuân Quán, đã ân cần mời chúng tôi đến tham dự một đêm nhạc, đầy ý nghĩa trong đùm bọc thương yêu.

Bài và ảnh: Sa Huỳnh, từ Berlin.
                                                                               
                                      

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trước“Thông cáo báo chí của Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Marie-Luise Dött về việc 73 dân biểu quốc hội thuộc 14 quốc gia yêu cầu trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà”.
Bài kếThông báo mời họp
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.