TTO – Danh họa cuối cùng trong bộ tứ “Phái – Sáng – Liên – Nghiêm” qua đời lúc 10g27 ngày 15-6 tại bệnh viện Hữu nghị (Việt Xô).

nguyen-tu-nghiem-1465984746Anh Lê Trung Thành (Gallery Ngàn Phố, một gallery thân thiết với gia đình họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm) cho biết lễ viếng diễn ra từ 11g15 tới 12g45 ngày 17-6 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Họa sĩ được an táng cùng ngày tại nghĩa trang Văn Điển.

Theo anh Lê Trung Thành, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời vì tuổi cao sức yếu. Trước đó khoảng một tháng, danh họa gần như bị đột quỵ. Ông được vợ là họa sĩ Thu Giang đưa vào viện Hữu Nghị (Việt Xô) cấp cứu. Khoảng năm ngày trở lại đây, danh họa phải thở bằng máy và không qua khỏi.

Đầu năm 2016, họa sĩ phải vào viện điều trị. Tới tháng 3, danh họa lại phải nhập viện, rồi được trở về nhà. Ông vẫn tiếp tục vẽ cho tới tháng 5.

Trước khi xảy ra trận đột quỵ, có đến 20 ngày liên tục danh họa đứng trước bàn vẽ mà không thể sáng tạo nổi.

“Có lẽ trong 20 ngày đó, cụ nhận ra dấu hiệu của lần ra đi vĩnh viễn. Nguyễn Tư Nghiêm dành cả đời cống hiến cho nghệ thuật. Với hội họa, cụ chỉ đầu hàng số mệnh chứ không khuất phục khó khăn nào”, anh Nguyễn Trung Thành nói.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời
Ông Gióng – sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm, vẽ năm 1990

Nguyễn Tư Nghiêm (sinh năm 1922, trong một số tư liệu có nói ông sinh năm 1918) là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu nổi tiếng. Ông là một trong bộ tứ danh họa thứ hai của mỹ thuật Việt Nam “Phái – Sáng – Liên – Nghiêm”.

Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở Nam Đàn, Nghệ An. Nguyễn Tư Nghiêm học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941-1946). Lúc đang học năm thứ 3, ông gây chú ý của giới hội hoạ với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu giành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc. Ông cũng có thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ Nghệ Hà Nội (1959 – 1960).

Nguyễn Tư Nghiêm được tặng nhiều huân chương kháng chiến, huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật cũng như nhiều giải thưởng hội họa. Tài năng và danh tiếng của ông là một trong số ít họa sĩ Việt có thể vươn tầm thế giới.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời
Một tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Trong suốt 70 năm sáng tạo, ông để lại khối tác phẩm đồ sộ. Tranh của ông thường bắt nguồn từ đề tài dân gian Việt Nam, nhưng đầy sức sáng tạo, phong cách hiện đại, dấu ấn riêng.

Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm được giới mỹ thuật, các nhà sưu tập tranh trong nước và quốc tế ưa thích. Vợ ông – họa sĩ Thu Giang (con gái nhà văn Nguyễn Tuân) cũng lưu giữ nhiều tác phẩm của ông từ năm 1946 tới nay với nhiều phong cách, chất liệu, thể loại. Bà mong muốn lập nhà lưu niệm tư nhân, trưng bày các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm tại căn nhà trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

NHO QUÂN

Theo tuoitre.vn

CHIA SẺ
Bài viết trướcGiật mình với độ thoáng của giới trẻ
Bài kếÔng Vũ Quang Hải : Tôi được “xin” về Sabeco ” đúng quy trình”
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.