Hỏi cả nhà, buổi tối trẻ con thường được nghe câu gì nhất?
Có phải là “Con làm bài tập chưa?” “Con còn bài tập không?” 😛

so-hocTrẻ con cần phải đi ngủ sớm! Vâng, nhưng nhiều bài tập lắm, nhỏ thì tập viết, làm toán,TLV; lớn thì lý, sinh, hóa, địa, Anh văn… môn nào cũng có bài tập, thậm chí là rất nhiều bài tập. Làm xong hôm nào cũng tới 11, 12h đêm, cuối cấp còn khuya hơn!

Tại sao chúng ta lại biến con mình thành những cái máy giải bài tập vậy?
Tại sao biến giáo viên thành thợ dạy, con mình thành thợ học, thợ thi?
Tại sao lại biến bộ não quý giá của con mình thành những cái hộp lèn đầy chữ?
Nghĩ xem, IQ của trẻ em Việt Nam đâu có thấp hơn IQ trung bình của thế giới đâu. Thế kỷ 21 rồi, con chúng ta có đầy đủ điều kiện, vật chất và thể chất để trở thành “công dân toàn cầu” mà. Nhưng, những HS xứng tầm công dân toàn cầu ở đâu rồi?

Thực ra thì lỗi không phải tại các em, mà vì chúng ta chẳng được cập nhật những phương pháp tư duy mới mà các nước phương Tây đã áp dụng từ nhiều năm nay.

Các con vẫn quá tải, cặp vẫn nặng trịch và bài tập vẫn đầy nhóc. Học ngày học đêm học thêm chủ nhật, học rất nhiều, nhưng…

Chúng ta chỉ học Toán mà không học tư duy logic!
Chúng ta học văn mẫu mà không học cảm thụ!
Chúng ta học thuộc lòng mà không học phản biện.
Chúng ta chỉ học phát âm tiếng Anh mà không học tư duy và sáng tạo bằng tiếng Anh.
Chúng ta học vì sợ hãi mà không phải học vì đam mê.
Chúng ta học vì bố mẹ, vì thầy cô, vì thành tích thi cử, mà không phải học vì chính mình.
Và, mục đích giáo dục trong nhà trường là đào tạo con người xã hội chủ nghĩa mà ko phải là công dân toàn cầu, tự do, tự lập, và hạnh phúc với chính mình 🙁

Rất nhiều ba mẹ VN vẫn chỉ quan tâm đến lượng bài tập đã hoàn thành, số điểm đã đạt được, thậm chí là tới thứ hạng con mình so với “con người ta”, mà không xem trọng các kỹ năng mềm cần thiết để con tư duy, tự lập.

Những lo lắng, ám ảnh từ quá khứ của riêng mình, nên ba mẹ “úm” con quá chặt, bảo bọc, che chở, dạy dỗ theo khuôn mẫu, theo kinh nghiệm ông bà truyền lại. Đã cuối thập kỷ 20 của thế kỷ 21, mà ba mẹ cứ xài hoài tư duy phong kiến của thế kỷ 1, buộc con phải ngoan trong “cái kén” của mình, không được nói lên quan điểm của mình và cũng không cả gan dám theo đuổi, bảo vệ tới cùng quan điểm của mình. “Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe cha mẹ trăm đường con hư”! Cãi là no đòn :'(

Mỗi lần nhìn vào đôi mắt trong trẻo của Xu Sim, mẹ lại cảm thấy có lỗi khi để tụi nó thừa kế 1 quốc gia nhiều nợ xấu, ô nhiễm môi trường, cuối bảng phát triển, cuối bảng tử tế và đáng sống :'(
Dạy cho con những kỹ năng cần thiết để con thành công bền vững hơn, có phải nhiệm vụ bất khả thi, ngoài tầm với?
Nhiều HS đi du học về cứ hỏi, tại sao tụi Tây hồi nhỏ nó học nhàn tênh mà vào đại học nó học giỏi dữ thần, rồi đi làm thì siêu vậy.

Đừng ngồi đợi Bộ GD! Con mình thì đâu có nút tạm dừng để đợi đâu?
Bộ GD còn loay hoay cải cách cải tiến lùng nhùng, ba mẹ nào tỉnh táo thì tự nhanh chân trang bị cho mình tư duy mới, tư duy của thế kỷ 21 đi. Đừng chỉ quan tâm tới các khóa học kỹ năng sống để xử lý các tình huống thuần túy, mà cần chú trọng kỹ năng tư duy. Phải thúc đẩy các con động não, vắt óc suy nghĩ để các tế bào não, các liên kết trong não phát triển, sinh sôi, nảy nở, phồng lên, đùn thành các nếp nhăn trong hộp sọ!

Đừng chờ đợi. Thà chậm còn hơn không. Henry Ford nói rồi: “Bạn nói rằng bạn có thể hay bạn không thể- Bạn đều đúng mà!” Phải có “công dân toàn cầu made in Vietnam” chứ!

Bài của Thu Hà – Báo Sinh viên Việt nam – Hoa học trò

Lê Hoàng