bildschirmfoto-2016-09-28-um-23-15-58

Nước Đức bị chia cắt sau Thế chiến thứ 2 đã được thống nhất vào ngày mùng 3 tháng 10 năm 1990.

Sau khi bị bại trận trong Thế chiến thứ 2, nước Đức bị 4 nước đồng minh thắng trận chia thành 4 phần chiếm đóng. Phía Tây Đức bị quân đội của Mỹ, Pháp và Anh chiếm đóng. Phía Đông Đức bị quân đội của Liên Xô chiếm đóng. Ngoài ra những phần lãnh thổ: Schlesien, Pommern và Ostpreußen bị cắt sang cho Ba Lan và Liên Xô.

Thủ đô Berlin là một trường hợp đặc biệt. Thủ đô cũng bị chia làm 4 phần. Tây Berlin do Mỹ, Anh và Pháp kiểm soát. Đông Berlin do Liên Xô kiểm soát.

Sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, những bất đồng và xung đột giữa các nước đồng minh thắng trận ngày càng trầm trọng dẫn đến cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài và đã tách rời nước Đức thành hai quốc gia khác biệt.

Kết quả là dưới sự ảnh hưởng của các nước đang chiếm đóng tại Đức, vào năm 1949 đã có 2 nước Đức được thành lập. Phía Tây của nước Đức đã thành lập nước Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức với Thủ đô là Bonn. Phía Đông của nước Đức đã thành lập nước Cộng hoà Dân chủ (CHDC) Đức với Thủ đô là Đông Berlin. Cả hai nước Đức đều là đồng minh với những nước đang chiếm đóng trên phần lãnh thổ của mỗi nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hai nước Đức là đối thủ của nhau.

Vì những năm sau đó liên tục có nhiều người dân từ CHDC Đức bỏ sang Tây Đức, CHDC Đức bắt đầu xây biên giới ngăn cách với Tây Đức, qua đó càng ngày càng tạo ra sự ngăn cách, cô lập. Vào năm 1961 tình hình trở nên căng thẳng khi CHDC Đức bắt đầu xây tường thành ngăn cách giữa Đông và Tây Berlin vào ngày 13.08.1961. Kể từ thời điểm này những công dân CHDC Đức bỏ chạy sang Tây Đức sẽ bị pháp luật chế tài. Có nhiều trường hợp những người bỏ chạy từ CHDC Đức sang Tây Đức đã bị bắn và có nhiều người bị thiệt mạng ngay trong đường biên giới của nước Đức.

Trong những năm của thập niên 80 Thế kỷ trước, sự bất bình của người dân CHDC Đức về những vấn đề kinh tế, Xã hội của một Hệ thống Xã hội bị mất dân chủ, đã tăng cao. Nền Kinh tế kế hoạch của Đông Đức đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Chủ tịch nhà nước Erich Honecker gạt bỏ tất cả các đề nghị cải tổ, đổi mới nhà nước. Vì vậy nhiều tổ chức, phong trào dân quyền đã được thành lập và ra đời. Những tổ chức này liên tục yêu cầu, đòi hỏi nhân quyền và tự do. Càng ngày càng có nhiều người bỏ trốn và nhiều đơn xin đi ra nước ngoài (đến các nước phương Tây) được gửi cho chính quyền. Song song vào thời điểm này, Liên Xô với Tổng thống Gorbatschow đã có những cải cách toàn bộ, sâu rộng, điều này đẩy nhanh sự sụp đổ của CHDC Đức. Chính phủ CHDC Đức vẫn cự tuyệt không áp dụng những cải cách như của Liên Xô với đất nước.

Mùa Hè 1989 dòng người dân Đông Đức bỏ chạy khỏi đất nước tăng lên đột ngột khi Hungari mở cửa biên giới với Áo. Rất nhiều người dân Đông Đức đã chạy được sang Tây Đức nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán CHLB Đức tại Budapest, Praha và Wasawa.

Tại Đông Đức sức ép của quần chúng tăng mạnh. Hàng loạt các cuộc biểu tình lớn nổ ra với khẩu hiệu: „Chúng tôi là nhân dân“. Lãnh đạo Chính phủ do không thống nhất được đường lối nên ngày 18.10.1989 Chủ tịch nhà nước Erich Honecker đã từ chức. Trước sức ép ngày càng tăng mạnh của nhân dân, ngày 7.9.1989 Chính phủ CHDC Đức thoái vị. Hai ngày sau đó bức tường ngăn cách Berlin sụp đổ. Hàng nghìn người dân Đông Đức đã vui mừng tràn qua biên giới Berlin sang phía Tây Berlin.

Nền dân chủ được tiến hành tại phần CHDC Đức. Tháng 3 năm 1990 lần đầu tiên có Tổng tuyển cử tự do. Chính phủ mới được bầu tiến hành đàm phán với chính phủ CHLB Đức do Thủ tướng Helmut Kohl lãnh đạo. Đến ngày 18 tháng 5 năm 1990 Hiệp định nhà nước về Kinh tế và sử dụng chung tiền tệ đã được thoả thuận xong.

Sau đó „Hiệp ước hai cộng bốn“ đã được ký kết với 4 nước đồng minh thắng trận trong Thế chiến thứ 2. Với Hiệp ước này 4 nước thắng trận đã đồng ý với việc thống nhất nước Đức. Ngày 31.08.1990 hai nước CHDC Đức và CHLB Đức đã ký Hiệp định Thống nhất, Hiệp định này có nội dung việc sát nhập CHDC Đức vào cùng CHLB Đức.

Ngày 3.10.1990 sự thống nhất nước Đức đã được tiến hành trọn vẹn, chấm dứt sự chia cắt nước Đức trong suốt 41 năm. Ngày 3.10 được chọn là ngày Quốc khánh của nước Đức thống nhất.

Mạnh Thái tóm tắt.

CHIA SẺ
Bài viết trướcMC Pham Anh: Người Việt không được khuyến khích sống với đam mê
Bài kếXe máy ơi, chào mi!
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.