img_0937

TROL: Người ta biết đến Lê Minh Hà có lẽ phần nhiều bởi những trang viết về Hà Nội. Một Hà Nội xô bồ có thật như chị đang hàng ngày sống trong nó, lội lậm, nhọc nhằn cùng nó. Và một Hà Nội trầm tĩnh, dịu dàng, giản dị như cách nhìn của một người Hà Nội đã phải rời xa Hà Nội và nhìn nó bằng quá khứ hiện lên trong nỗi nhớ. Ở phần thứ hai này có Quà Hà Nội. Đọc những món quà của chị không chỉ thấy hương, thấy vị rất tinh tế của ẩm thực đất kinh kỳ xưa mà đằng sau nó là cả nỗi nhớ vời vợi về mảnh đất chị đã từng sống, yêu thương và gắn bó.

Lên đời thành một thức quà, bánh trôi Hà Nội quả có khác thứ bánh trôi người quê hay làm vào dịp mồng ba tháng ba. Vài ba mảy vừng trắng rang vừa chín, xát sạch vỏ, rắc lên những chiếc bánh trôi tròn tròn bày trên đĩa men trắng bé xiu xiu. Những sắc độ trắng, của bánh, của vừng rang, của men sứ gợi bao nhiêu an bình trong hồn người? Tôi không biết. Nhưng tôi đặc biệt thích ăn thức quà này vào những sáng xuân. Chị bán hàng đầu ngõ nhà tôi, có cái nhẹ nhõm, nhanh nhảu, kỹ càng, sạch sẽ của một cô giáo dạy bậc tiểu học làm bánh bán thêm. Nhà chị phố bên, và chị không để bánh vào tủ kính mà sắp đĩa thành lớp trong thúng nhỏ, trên phủ một lớp vải màn may chập đôi lúc nào cũng trắng tinh. Mở lớp vải màn, sẽ thấy loáng thoáng trên thành đĩa những cánh hoa bưởi trắng ngà, thơm như là không thật. Trong khoảng khắc đó, khi thành phố vừa tắt đèn đường, sương tan, và trong nỗi xuân lành lạnh nhiều khi đã chơm chớm cái thoáng đãng mát mẻ của ngày chớm hạ, ra ngõ, kéo cái ghế con ngồi bên thúng bánh, đợi người bán hàng dọn chỗ, nói dăm ba câu với những người bán hàng quen mặt khách đang lục tục xếp gánh, nổi lửa cho nồi nước dùng sôi lại, hay chuẩn bị tráng những cái bánh cuốn đầu tiên cho những người thích ăn miếng nóng đầu ngày, và cầm đũa, khêu viên bánh trôi thứ nhất từ cái đĩa mà chị bán hàng đã cẩn trọng lấy từ thúng ra với vẻ mừng rỡ của người bán hàng gặp được khách mở hàng nhẹ vía, thú vị vô cùng. Mùi sương, mùi đất ngoại thành thoang thoảng từ những cánh hoa bưởi thanh khiết, mùi hoa dâu da xoan mong mỏng, mùi than tổ ong bắt đầu đượm trong lò, vừa ấm, vừa mát, và trên hết, là mùi bột gạo pha lẫn mùi đường phên len lỏi từ vòm miệng lên xoang mũi, ăn như thế, nhìn phố phường đông dần lên, và những tia nắng vàng ướt rượt đầu tiên đã nhún nhảy trên ngọn cây sao mọc bên hè… Nhớ một thời khó nhọc nào đã xa xôi gì lắm, nhà nước cấm bán tất cả những thức quà làm từ lương thực. Cái thú ăn quà sáng đầu ngày của người Hà Nội đã phải vờ vĩnh mồ yên mả đẹp. Đã ngỡ bao nhiêu là thư thả… Và đã tiếc… Này những ai ai người đất ấy, có khi nào về, hãy thử dậy thật sớm ra phố ghé xuống một hàng quà để cảm giác này lan trong thân thể, và lại mang theo khi ra khỏi đất quê, biết đâu, sẽ được yên tâm dù nỗi nhớ quê sẽ, có thể, càng day dứt.

*

Chị bán hàng bán bánh trôi và bánh chay, và bán kèm cả xôi chè. Xôi chè nhiều người nhắc nhớ rồi. Tôi chỉ xin lan man tiếp tới những thứ bánh đã hô hoán ngay từ đầu bài.

Bánh chay Hà Nội, quê tôi lại gọi là bánh trôi. (Còn bánh trôi thì có tên là bánh thủy.) Bánh chay làm cầu kỳ hơn bánh trôi, có nhân đỗ trộn đường trắng. Và đặc biệt, ở Hà Nội, người ta ăn kèm với chè đường, quấy bằng bột sắn dây, trong vắt, thoang thoảng mùi hoa bưởi ướp từ mùa trước. Thường một bát bánh chỉ có hai chiếc, chìm trong chè đường quấy lỏng, rắc thêm vài ba sợi dừa nạo, nổi vân vân. Ăn bánh này thì phải có thìa nhỏ. Xắn một miếng, đừng to, đưa lên miệng, sẽ thấy tất cả cái lành hiền của ngũ cốc quê nhà, cái dịu dàng khó tả của bột sắn, và, có thể, còn thấy cả những ngón tay nhợt nhạt, nhăn nheo vì ngâm nước lạnh nhặt từng mảy vỏ đỗ của những người chị, người em, phố nhỏ. Sau này, không bao giờ tôi ăn lại thức quà này mà thấy ngon như thế, chẳng biết có phải vì thế không?

*

Bánh trôi bánh chay có thể ăn buổi sáng, buổi trưa, mà cũng có thể, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chỉ cần đi ngang, nghe cô bán hàng mời, hay một đứa bạn ngồi sẵn đó rủ rê. Ăn, vào một bình minh đầu hè mới rạng, một xế chiều nắng nhỏ, hay một ban trưa mưa phùn rảnh việc, đủ làm dịu một nỗi cồn cào không đâu khi những nắng mưa kia gợi tới, mà không đến nỗi chê cơm nhà. Đấy là những thức quà ăn hương ăn hoa.

NV Lê Minh Hà (Berlin).

CHIA SẺ
Bài viết trướcGiám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP HCM lương 2,6 tỷ đồng
Bài kếTrương Thị Hoa Lài: Mùi hương xứ Huế.
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.