Có lẽ, một trong các câu chuyện gây ồn ào trên môi trường truyền thông năm 2015 là chuyện “du học sinh về hay ở”. Quan điểm đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa “về mới là yêu nước” tưởng chừng nghe dễ lọt tai, có vẻ hợp lý, nhưng thực ra lại phải ánh sự mâu thuẫn của chính người Việt chúng ta. Tôi gọi tên sự mâu thuẫn này là trạng thái “níu bóng, dẫm hình”.

 Trong bối cảnh mới của thời đại toàn cầu hoá, khi mà biên giới của các quốc gia được “xoá nhoà”, khi mà sự lệ thuộc giữa các quốc gia ngày càng lớn, thì chuyện “đi – ở” lại là một cặp phạm trù lỗi thời. Ở phạm vi chính sách vĩ mô, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia năng động trong việc hội nhập quốc tế, hầu như chúng ta ký kết bất cứ hiệp định thương mại nào có lợi cho quốc gia, và tham gia ký kết rất nhiều thoả thuận để đưa đất nước hội nhập sâu với khu vực và quốc tế. Trong năm 2015, hai sự kiện điển hình cho quan điểm này là việc Việt Nam [1] tham gia TPP và [2] chính thức trở thành thành viên Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN – nơi mà lực lượng lao động chất lượng cao, nguồn vốn,… được lưu chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên. Từ thời điểm đó, người Việt được đến các quốc gia thành viên để lao động, và ngược lại lực lượng lao động của các quốc gia thành viên khác có thể đến Việt Nam tìm làm việc. Do đó, rõ ràng có một sự mâu thuẫn lớn khi trói buộc chính mình bởi tư duy “đi – ở” thông thường, ngược lại với tiến trình (mà ở tầm vĩ mô) chúng ta ráo riết và quyết tâm hội nhập sâu rộng. Điều đó, chẳng khác nào tự níu chặt cái bóng của mình, và quanh quẩn dẫm lên cái hình dạng của chính mình, không có hướng phát triển. Chính vì vậy, trong thời điểm hội nhập không thể cưỡng lại như hiện nay, các cặp phạm trù như: “đi – ở”, “ở nước ngoài thì sướng – về nước thì sợ khổ”, “về nước mới là yêu nước – ở lại là không yêu nước”.v.v… cần phải được đổi mới. Bởi thực tế, những người Việt ở lại mưu sinh nơi xứ người không dễ dàng gì, họ phải cố gắng gấp năm gấp mười những người bản địa để mong được đối xử công bằng, họ luôn bị ám ảnh bởi sự kỳ thị là “công dân hạng hai” trong môi trường mới. Vì vậy, thay vào đó chúng ta cần trang bị các cặp phạm trù tư duy mới, mà ở đó, sự đóng góp của cá nhân không tách rời với bối cảnh toàn cầu hoá. Sự dịch chuyển của mỗi cá nhân, không bị cô lập và đánh đồng bởi những tư duy địa lí thông thường.

Nếu ta cứ gắn chặt chuyện “đi – ở”, thì sẽ ứng xử thế nào khi có không ít “những người đi mà như ở, và có những người đang ở mà ngỡ như đi”?: Có những người ở xa Tổ quốc nhưng vẫn luôn đau đáu về quê hương, và tìm mọi cách làm lợi cho đất nước; nhưng có những người đang ở trên đất nước nhưng có những hành động làm tổn hại đến quê hương, là những cá thể sống ký sinh vào thân hình Tổ quốc. Cần thống nhất rằng, ở bất cứ nơi đâu, người Việt cũng có thể đóng góp cho Tổ Quốc mình. Cộng hưởng thế đứng của mỗi cá nhân, là thế hình và tầm của đất nước.

 Trong lịch sử, từ thuở dựng nước đến cuối thế kỷ thứ 19, lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với những cuộc thiên di. Và thực tế chứng minh rằng, người Việt được hưởng lợi từ quá trình đó, mà điển hình là nhờ những cuộc thiên di này, không gian vật chất và không gian tinh thần của người Việt được mở rộng, hình và thế đất nước được củng cố trường tồn. Ở thời điểm hiện tại, xét về mặt kinh tế, theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam đón lượng kiều hối 12,25 tỷ USD trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới. Lượng kiều hối này chiếm một phần không nhỏ trong tỷ trọng GDP của Việt Nam. Nếu không có những người Việt ở nước ngoài, liệu có những những đóng góp đáng kể về mặt kinh tế như vậy?! Về mặt học thuật, thế giới sẽ biết gì về đóng góp của Việt Nam về mặt tri thức cho nhân loại nếu không có những cuộc thiên di của những học giả hàng đầu như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, và rất nhiều nghiên cứu uy tín khác? Chính họ đã đánh dấu Việt Nam “trên bản đồ học thuật” của thế giới.

Tuy nhiên, câu hỏi vì sao khá nhiều các du học sinh không về nước là một câu hỏi cần phải có lời đáp. Khi mà ngay đến cả Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng hai con của ông du học xong không về nước, thì rõ ràng chính sách đối đãi và môi trường làm việc đối với người đi học về đang có vấn đề. Hơn lúc nào hết, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần được xem xét lại một cách thực chất, môi trường làm việc cần được cải cách sâu rộng với tinh thần thực sự trọng thị người có năng lực. Được vậy, biết đâu lúc đó truyền thông Việt có thể lại khơi lên câu hỏi: Sao du học sinh không đi “chinh phạt” các vùng đất mới, vì sao cứ phải ở Việt Nam, kèm theo những lời “dạy bảo” và “trách móc” họ. Khi đó, ắt hẳn tư duy và tình trạng “níu bóng, giẫm hình” sẽ được cải thiện phần nào.­­

 Lê Ngọc Sơn

(Thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng (Crisis Communication), Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức). Đồng thời là nghiên cứu sinh ngành Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Khoa Khoa học Kinh tế và Truyền thông của Đại học này).

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcHoa hương thảo và cách thiết kế một giấc mơ
Bài kếNgười trẻ đô thị và NHỮNG GIẤC MƠ GÁNH GIÙM
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.