Bên cạnh việc được biết đến là một nhà sử học có tiếng, ông Dương Trung Quốc còn được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay…

 Yêu nước có phải là bản năng?

Ông nhìn nhận thế nào về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay?

Ai cũng có tuổi trẻ cả. Nhưng tại sao thời tuổi trẻ lại quan trọng nhất trong đời người, vì nó là giai đoạn hình thành các hệ thống quan niệm. Đầu tiên là quan sát gia đình, quan sát trường học, và dần quan sát xã hội. Lòng yêu nước là tự nhiên, là phẩm chất, là tính người. Đôi khi yêu tương cà mắm muối quê hương, yêu cây đa bến nước trong làng, yêu gốc gác… cùng với thời gian sẽ hình thành nên tình cảm rộng lớn hơn. Đương nhiên, khi lớn lên, người trẻ tiếp xúc với xã hội, sẽ ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, giới trẻ từ sớm đã được tiếp xúc với một không gian xã hội rộng lớn hơn rất nhiều, thông qua những phương tiện truyền thông. Họ khao khát sự hiểu biết ra bên ngoài làng xã của mình, biên giới tổ quốc mình. Tâm lý giới trẻ lúc đó là sự lựa chọn, trong sự lựa chọn đó thì có cả việc lựa chọn tiền đồ của chính họ nữa. Điều đó là hết sức tự nhiên. Do vậy, họ cần được một sự hướng dẫn nào đó, để không đối lập nhau tình cảm yêu nước và nhu cầu tiếp cận, tiếp xúc, và tiếp xúc với thế giới rộng lớn. Khi bàn về lòng yêu nước của người trẻ, ta cần chú ý đến tâm lý của giới trẻ để có những ứng xử thích hợp hơn.

Về lòng yêu nước của người trẻ thế hệ ông và thế hệ hiện nay, theo ông, có gì khác nhau?

Khi chúng tôi ở giai đoạn tuổi trẻ thì đất nước còn chiến tranh, mà chiến tranh thì có những quy luật hết sức khắc nghiệt, nhưng gần như việc yêu nước như là một bản năng. Cũng có sự run sợ, cũng có sự đào ngũ, nhưng về căn bản là họ thấy chống ngoại xâm dường như là con đường duy nhất. Nên coi kinh nghiệm của các thế hệ là kí ức hơn là cái nguyên lý sống.

Việc khích lệ lòng yêu nước cho con, cháu của mình, ông thường truyền đạt như thế nào?

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng là phải dạy cho con mình lòng yêu nước cả. Có lẽ các con tôi nhìn vào cha mẹ của chúng, nhìn vào cộng đồng xung quanh… Và chúng thấy bố mẹ đối xử với đời sống thế nào trong việc ứng xử với con người và thiên nhiên. Những cái đó, các con tôi tự nhiên học hỏi, bắt chiếc… Tự nhiên cái đó thấm vào tâm hồn con người. Và từ đấy, lòng yêu nước tự khắc đến thôi!

Theo ông, yêu nước là bản năng, hay bản chất?

Tôi nghĩ rằng, yêu nước là một bản chất chứ không hẳn là một bản năng.

Nhưng ông nghĩ sao, trong tự nhiên, con gà sinh ra đã biết nghe tiếng cú diều là tìm cách tránh, con thỏ sinh ra biết tự vệ với cáo chồn, và thực tế nhiều người lớn lên đã biết với hạng người nào thì nên tránh. Phải chăng đó là bản năng tự vệ để sinh tồn?

Trong lĩnh vực này, theo tôi, có thể con thỏ; con gà là bản năng sinh tồn. Nhưng con người thì tôi không cho rằng đó là bản năng. Có thể con người sờ vào vật nóng mà rụt tay lại thì đó là phản xạ bản năng, nhưng việc ứng xử, phân biệt trong đời sống xã hội phức tạp hơn rất nhiều, và tôi cho rằng đó là do sự giáo dục. Tôi không nghĩ rằng, một đứa trẻ mới lớn lên mà ngay từ đầu đã có trong dòng máu hay trong gen một cách ứng xử như anh vừa nói. Mà có thể cái ý thức tự vệ kia  dần dần được tích tụ qua thực tế đời sống xã hội. Tôi nghĩ khác một chút với anh, rằng ngay từ đầu chúng ta dạy con trẻ về những giá trị rộng lớn hơn của dân tộc mình, và khi người trẻ tích lũy được những thông tin, những kinh nghiệm đã được tiếp nhận trong đời sống thì sẽ hình thành nên một phản xạ có điều kiện. Đương nhiên, lịch sử có sự kế thừa, nhưng cũng nhìn lịch sử truyền thống qua lăng kính của sự phát triển. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ truyền cho con cháu mình một giá trị của quá khứ mà nó không phù hợp với đời sống hiện tại.

 …Và bài học về ứng xử

Là người nghiên cứu về sử, vậy theo ông, bài học nào về lịch sử để khiến chúng ta thấm thía tinh thần ứng xử trước sự bành trướng của nước lớn?

Nhìn về lịch sử của ông cha ta thì biết. Sống cạnh một nền văn minh rất lớn của Trung Hoa, chúng ta tồn tại được là vì chúng ta biết cách ứng xử, như một nguyên tắc bất di bất dịch là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. “Bất biến” là tinh thần tự chủ dân tộc, “vạn biến” là khi nào nó động vào lợi ích đất nước của chúng ta. Đương nhiên, có thể một dân tộc đứng cạnh một sự thử thách thường xuyên thì nó bị hằn vào vỏ não, và não trạng sẽ có tính chất di truyền. Nhưng di truyền nhận thức chứ không phải di truyền bản năng.

Chúng ta có thể thấy nhiều bài học lịch sử đã được truyền lại cho đời sau. Chẳng hạn, vua Quang Trung đã đánh nhà Thanh tơi bời, nhưng ngay sau đó đã sang hoà hiếu quan hệ ngay. Nhưng bài học lớn là chúng ta luôn thần phục giả để giữ được sự tự chủ. Đấy là sự khôn ngoan của một nước nhỏ sống cạnh nước lớn. Chúng ta truyền cho người trẻ không phải là sự hận thù hay cực đoan, mà là sự khôn ngoan. Anh nghĩ xem, chiến tranh chỉ là những khoảnh khắc, còn phần lớn là hoà bình. Tóm lại, sự tồn tại được của chúng ta là cách ứng xử khôn ngoan, và trong sự khôn ngoan là năng lực tiếp nhận và giữ được cái riêng của mình. Sau này khi chúng ta tiếp cận với một nền văn minh lớn nữa, đó là văn mình phương Tây, thì chính sự khôn ngoan của chúng ta đã biết tiếp nhận, lấy văn hoá phương Tây cộng với văn hoá truyền thống để tạo nên một bản sắc văn hoá riêng của người Việt Nam. Thế nên Bác Hồ mới định nghĩa về văn hoá Việt Nam là sự chung đúc lại của văn hoá phương Tây và phương Đông nhưng đồng thời lại biết tiếp nhận thành cái bản sắc riêng của mình. Tôi cho rằng, vào thời điểm này nếu chúng ta coi đó là một năng lực truyền thống thì đó là lợi thế của chúng ta. Người Việt Nam không cực đoan trong cách ứng xử.

Trẻ thường đi đôi với việc thích thể hiện. Vậy sự khôn ngoan nào cho giới trẻ khi thể hiện lòng yêu nước của mình?

Chứ thể hiện lòng yêu nước thì có nhiều cách. Trước hết đó là tính trách nhiệm và nghĩa vụ với những người xung quanh. Các cụ ngày xưa có nguyên lý rất đơn giản nhưng rất vững bền: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mỗi dân tộc có cách thể hiện đạo lý đó một cách khác nhau, phù hợp với mỗi dân tộc mình. Nếu ta xác lập được tinh thần đó trong một đứa trẻ, thì khi lớn lên nó có thể đi được khắp thế giới rộng mở này, nhưng nó luôn nhớ đến những ký ức về bố mẹ, ông bà, tổ tiên, làng quê. Nhiều bạn trẻ đi nước ngoài và trong mắt không ít người thì tưởng chừng họ bị mất gốc, nhưng khi có một tác động nào đó thì lòng yêu nước lại tỉnh thức. Do đó, đừng áp đặt các giá trị vào người trẻ, mà hãy để họ lựa chọn.

Đừng ai hiểu khôn ngoan với tính chất là thủ đoạn. Phải xây dựng cho người trẻ một năng lực tự thích nghi, tự ứng xử, và tự lựa chọn. Điều đó mới quan trọng. Chứ không nên áp đặt. Trong thời đại ngày nay, với tốc độ phát triển như thế này, để theo kịp sự thay đổi của nhận thức là rất khó. Do vậy rất dễ tạo nên những xung đột về thế hệ. Ngày xưa xã hội bình lặng, nhận thức có thay đổi nhưng ít đột biến, việc trao truyền các giá trị truyền thống đơn giản hơn nhiều. Do đó, nếu không cẩn thận, thì cái ta tưởng trao truyền những công cụ sắc bén thì đôi khi nó lại là cái sự ràng buộc, níu kéo rất nguy hiểm.

 

Vậy, người trẻ nên có thái độ sống thế nào trước các vấn đề lớn lao của đất nước, theo ông?

Không nên để người trẻ có cảm giác đang đứng bên lề dòng thời cuộc của đất nước. Để điều đó xảy ra chủ yếu là do lỗi của người lớn. Một lỗi nặng nhất của những người có trách nhiệm là tự cho mình có thể thay mặt được tất cả. Chủ nghĩa nhân danh đại diện rất là nguy hiểm, thực chất nó là trá hình, hay biểu hiện biến tướng của việc bao cấp về mặt tư tưởng. Chính vì thế, nhiều người trẻ vẫn cảm giác rằng mình vẫn bị coi là trẻ con. Chẳng hạn khi xảy ra một vấn đề ảnh hưởng đến những điều sâu thẳm trong lòng người trẻ, như tình thần tự hào dân tộc, tinh thần quốc gia… thì người trẻ có quyền biểu hiện tình cảm của mình. Nhưng người lớn tưởng rằng là phải thể hiện như người lớn thì đương nhiên người trẻ cảm thấy khó chấp nhận. Đương nhiên, người lớn cũng có những bước đi, những tính toán dựa trên tinh thần vì lợi ích dân tộc thì cũng phải tạo cho thế hệ trẻ vị trí để đứng vào cơ ngũ của anh, chứ không phải đứng ngoài cơ ngũ ấy.

Chúng ta có những truyền thống được hình thành trong đời sống thực tiễn của những thử thách của lịch sử: Về ngoại giao, ta có ngoại giao nhân dân, nghĩa là có nhiều lớp lang, nhiều đội ngũ, nhiều vai trò. Có những người cần thiết cười thì phải cười, phải bắt tay, phải ôm hôn; nhưng cũng cần có những người thể hiện sự phẫn nộ… Miễn sao nó hài hoà trong một chiến lược chung, sự tổ chức xã hội. Ở đó, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng nó hỗ trợ với nhau, chứ không phải là sự hỗn loạn. Có thể điều tôi nói hơi lý thuyết và lý tưởng hoá, tuy nhiên trong tư duy chiến lược cần phải nghĩ đến để có một cách ứng phó phù hợp, để tránh những lúc lúng túng.

Tư duy nhìn về phía biển

Ông từng nói về việc người trẻ nên thắp lòng yêu nước bằng việc tổ chức những chuyến lần theo dấu chân của những chiến sĩ Hải đội Hoàng Sa, lần lại những dấu chân cha ông thời mở cõi… Tôi rất thích ý tưởng đó…

Không hề phê phán, nhưng vì nhiều lý do khác nhau trong lịch sử, nên người Việt Nam có một thực tế là quay lưng về với biển, đánh mất bản lĩnh của một quốc gia biển. Nhưng những thời điểm đột biến thì nó lại thể hiện một cách mạnh mẽ. Thí dụ như thời kỳ chúa Nguyễn mở mang phương Nam, chúng ta nằm trên một hành lang rất trù mật của con đường tơ lụa trên biển, tầm nhìn của những là lãnh đạo lúc đó rất rộng, họ nhận ra điều đó và huy động những người lính Hoàng Sa ra tuần thám đảo. Tưởng chừng như đó là một việc rất bình thường, nhưng họ ra đi với tư thế người quyết tử, sẵn sàng xả thân: họ làm mộ gió, tế sống, mang theo chiếu để bó thân mình… Tất cả ăn sâu vào tập quán, họ rất dũng cảm nhưng với sự tổ chức rất chặt chẽ, vì người lãnh đạo nhận ra sự sống còn của đất nước. Do vậy, cần thiết phải tạo một tư huy hướng ra biển.

Hướng ra biển bằng cách nào, thưa ông?

Một điều rất ngạc nhiên là trước kia cha ông ta chủ yếu đi lại bằng đường sông nước, cách đây khoảng 50-70 chục năm chúng ta giao thông Bắc – Nam vẫn chủ yếu đi lại bằng đường sông, đường biển. Vậy mà, có hai lần thử nghiệm, năm 1975 chúng ta mua con tàu Thống Nhất của Thuỵ Điển và vừa rồi chúng ta mua tàu Hoa Sen, nhưng người Việt Nam có vẻ lười đi biển. Mặc dù, tôi biết chắc chắn rằng, ở ngoài biển nhìn vào đất liền sẽ có một cảm nhận khác hẳn với việc chúng ta từ đất liền nhìn ra biển: hình vóc của Tổ quốc sẽ rộng và đẹp hơn nhiều. Điều đó sẽ tạo nên một định hướng mới về biển trong nhận thức của các thế hệ tiếp nối.

Phải hướng ra biển bằng cách chúng ta tạo ra những nhu cầu của đời sống, và những hiểu biết về tri thức biển. Thay vì chúng ta đi ra biển để hóng gió hay tắm mát, thì chúng ta đi vào chiều sâu chiều rộng và những thử thách của biển cả. Nó đánh thức bản lĩnh của con người, từ đó ta mới có quyết tâm chinh phục nó. Chưa nói tới biển, trên biên cương cũng vậy thôi, biên cương rất đẹp, vậy tại sao những người trẻ không tổ chức những chuyến đi (mà theo ngôn ngữ của giới trẻ là  phượt). Qua những vùng biên thuỳ để thấy rằng quê hương chúng ta rộng và đẹp thế nào, đang khó khăn như thế nào… để từ đó họ tự thấy trách nhiệm của chính mình.

Nhưng theo một nghĩa nào đó, ngoài biển kia rất nhiều sóng gió…

Đương nhiên, thế nên mới cần những người dám dấn thân, nhất là những người trẻ. Bởi vì thực chất, sóng gió cũng là một thử thách đối với con người… Có sóng gió thì sẽ có những người chinh phục…

Xin cảm ơn ông!

 Trích dẫn: “…cần những người dám dấn thân, nhất là những người trẻ. Có sóng gió thì sẽ có những người chinh phục.”

Lê Ngọc Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trước“Hãy nói những điều mình nghĩ, đừng nhắc lại điều người khác nói”- GS Ngô Bảo Châu
Bài kếPhẩm cách quan trọng của người trí thức
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.