TTO – “Tôi là phó thủ tướng và có bác sĩ quản lý sức khỏe. Nhưng vì sao người dân lại không có bác sĩ để quản lý sức khỏe, tư vấn chăm sóc sức khỏe cá nhân và chuyển tuyến khi cần điều trị? Đây là điều tôi day dứt”.

'Tôi là phó thủ tướng có bác sĩ, sao dân lại không?'
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với bệnh nhân tại Phú Thọ – Ảnh: Thúy Anh

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN ngày 10-12 khi làm việc về y tế cơ sở tại tỉnh Phú Thọ.

Phó thủ tướng đề nghị: “Phú Thọ nên là tỉnh tiên phong triển khai hình thức này”.

Theo báo cáo của tỉnh Phú Thọ, hiện tỉ lệ chuyển tuyến của tỉnh này về trung ương chỉ còn 1%, tiêm chủng mở rộng đạt 99% trẻ dưới 1 tuổi, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, bệnh viện tỉnh làm được 100% kỹ thuật của bệnh viện đa khoa hạng 1. Theo nhận xét của Sở Y tế Phú Thọ, kết quả như vậy là thuộc nhóm “nhất nước”.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Phú Thọ chủ yếu tập trung vào điều trị chứ chưa phát triển được y tế dự phòng. Nếu làm tốt dự phòng bệnh sớm, quản lý sức khỏe cho từng cá nhân thì chỉ vài năm mô hình bệnh tật sẽ thay đổi, bệnh viện không quá tải như hiện nay.

Khi lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ nói khó thực hiện được nhiệm vụ này, ông Đam cho biết khó vì Sở Y tế chưa trăn trở tìm nguồn đầu tư như trăn trở tìm vốn xây dựng bệnh viện do thu hồi vốn nhanh hơn so với dự phòng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Phạm Lương Sơn cho biết khi Phú Thọ hoàn tất đề án, Bảo hiểm xã hội VN có thể cấp vốn ngay trong năm 2017 để Phú Thọ lập “sổ theo dõi sức khỏe” cho toàn bộ 1,3 triệu người dân của tỉnh. Phần vốn này cũng đảm bảo để trả thêm lương cho cán bộ y tế cơ sở. Đây sẽ là các “bác sĩ gia đình” quản lý sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, chuyển tuyến khi cần thiết…

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, nhiều khoa phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã quá tải. Dù có chiến lược thu hút bác sĩ về cơ sở nhưng chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến huyện và xã của Phú Thọ còn rất hạn chế. Đây cũng là tình trạng chung ở tuyến y tế cơ sở.

Theo khảo sát vừa được Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế công bố, qua phỏng vấn gần 750 bác sĩ ở 78 bệnh viện tuyến huyện và trên 250 bác sĩ, y sĩ ở gần 250 trạm y tế xã về kiến thức năm bệnh cơ bản cho thấy chẩn đoán sai bệnh tăng huyết áp độ 1 là 19%, đái tháo đường type 2 tỉ lệ chẩn đoán sai là 14%, tiêu chảy trẻ em 12%, lao 9% và viêm phổi trẻ em 3%. Tỉ lệ chẩn đoán đúng có cao hơn chẩn đoán sai nhưng còn nhiều bác sĩ chỉ chẩn đoán được một phần bệnh lý, như bệnh tiêu chảy trẻ em chỉ có 6% chẩn đoán đúng hoàn toàn, 81% chẩn đoán đúng một phần.

Tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay hiện còn 22% người VN chưa có thẻ BHYT, một phần là do bảo hiểm chưa có dịch vụ phục vụ khi họ còn khỏe.

“Nếu bảo hiểm chi trả phí tư vấn chăm sóc sức khỏe, quản lý sức khỏe cho họ thì họ sẽ thấy lợi ích và tham gia bảo hiểm, không đợi ốm mới mua thẻ”, ông Đam nói.

LAN ANH

Theo tuoitre.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcTrần Đăng Khoa: Bộ y tế nên có thuốc đặc trị… cai thơ
Bài kếCán bộ Bộ Công Thương liên tiếp bỏ trốn: Lỗ hổng lớn
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.