LTS: Trong tuyện cổ tích hay ngụ ngôn người ta nói đến TRÍ KHÔN, ngay nay nói đến KIẾN THỨC. Vậy những thứ đó nằm ở đâu? Trong người chúng ta hay ở ngoài xã hội. Các bậc trí giả đều thống nhất câu trả lời là: TRÍ KHÔN hay KIẾN THỨC đều nằm ngoài xã hội, chứ không có sẵn trong đầu con người. ĐỌC là một trong những cách hay nhất để ta KHÔN hơn có nhiều KIẾN THỨC hơn!

doc-tham-trong-hoc-tap-hieu-quaTrong lịch sử hơn 300 năm trở lại đây, ba cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi cơ bản sự phát triển của loài người: Phát minh ra đầu máy chạy bằng hơi nước thế kỷ thứ 18, sản xuất ô tô và máy bay vào những năm 20 của thế kỷ trước, ứng dụng Internet trên phạm vi toàn cầu những năm 90 thế kỷ thứ 20. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, người ta đang nói đến cuộc cách mạng thứ tư: Sự hòa mạng toàn cầu đầu thế kỷ 21.
Cuộc cách mạng Internet thực sự làm thế giới thay đổi đến chóng mặt. Nó xóa sổ rất nhiều lĩnh vực mà trước đây người ta cứ tưởng sẽ trường tồn, ví dụ sản xuất phim và giấy ảnh. Cách mạng thông tin tạo điều kiện để con người liên lạc được với nhau ở bất kỳ điểm nào trên trái đất và nó cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành in ấn sách báo trên toàn thế giới. Nhưng chính sự phát triển ấy cũng đòi hỏi ở con người những tố chất rất cao, trong đó có việc tiếp thu kiến thức thường xuyên và có hệ thống.
Nhiều người nói rằng, có nhiều cái chưa kịp học đã lạc hậu rồi. Vậy người ta phải học cái gì và học như thế nào? Câu hỏi thật rõ ràng, nhưng chắc bạn không thể nhận được một câu trả lời hoàn toàn thỏa đáng, không còn tranh luận. Trong thời đại kiến thức ngày nay, việc “học” và “học suốt đời” là điều không cần bàn cãi nữa. Ngoài việc học qua quan sát và lắng nghe, đọc là yếu tố vô cùng quan trọng phục vụ cho việc học. Người Đức lý giải sự cần thiết của việc đọc như thế này:
…Khi đọc một quyển sách, người đọc như được hòa mình vào một thế giới khác trong đầu óc họ để trí tưởng tượng có thêm miền đất sống. Người đọc sách phải hình dung nhân vật, ngoại cảnh và kịch tính trong câu chuyện, qua đó bắt họ tìm vốn từ để đánh giá nội dung vừa đọc, làm tăng khả năng tập trung, một điều rất quan trọng trong lớp nghe giảng và trong nghề nghiệp.
Đọc nhiều thì chân trời kiến thức rộng hơn, bởi vì người đọc hiểu thêm những nền văn hóa cũng như con người của đất nước khác, hiểu thêm kiến thức lịch sử để phân biệt rõ hơn thiện ác.
Đã đi ra khỏi nhà là nhìn thấy các biển quảng cáo, biển chỉ đường, hướng dẫn. Ai không biết đọc sẽ rất thiệt thòi, đặc biệt là đến những nơi xa lạ. Đọc là yếu tố quan trọng để hội nhập với xã hội. Những người không biết đọc thường có cảm giác bị đẩy ra khỏi xã hội, cho dù ở một số lĩnh vực hình ảnh video đã thay thế một phần chữ viết.
Ngày nay, có lẽ không có công việc gì mà không phải đọc. Ngay cả những người làm vệ sinh cũng phải tự đọc những hướng dẫn sử dụng sản phẩm hóa chất của rất nhiều hãng khác nhau và những người không biết đọc hay bị coi thường.
Ai đọc nhiều, biết nhiều người đó được tôn trọng hơn trong cộng đồng sống và họ sẽ có khả năng giao lưu phù hợp với từng đối tượng họ gặp. Họ hiểu được điều gì đang xảy ra trên thế giới, có nguy hiểm với họ không.
Trước khi con đi ngủ, người mẹ đọc cho con một câu chuyện thì mối liên hệ tình mẫu tử đậm đà hơn. Đứa con lớn lên sẽ là người thích đọc sách, cầu tiến và sẽ ít làm việc rồ dại hơn những đứa ít hoặc không đọc sách. Những câu chuyện trong sách giúp trẻ dễ dàng tìm ra cách giải quyết xung đột với những người xung quanh, vì nghe câu chuyện, các em thường nhập hồn vào nhân vật. Đó là sự tập luyện để ứng xử với đời…
Từ ngày có Internet, sách báo bán được rất ít. Người ta cho rằng, tất cả có ở trên mạng, việc gì phải mua. Điều đó không sai hoàn toàn, nhưng đó chỉ là những bài phân tích không có giá trị cao. Nếu bạn đọc những bài trong sách báo mua sẽ thấy khác hẳn. Đối với đại đa số, thông tin trên Internet tạm đủ, miễn sao họ biết cách chọn lọc và tự đánh giá, nhưng với những người muốn tìm hiểu sâu thì chưa đủ.
Tôi băn khoăn khi thấy có những cuốn sách rất hay, phân tích thật khoa học và thuyết phục nhưng chỉ bán được một hai nghìn cuốn trên phạm vi toàn Việt Nam, trong khi trong hiệu sách bày bán nhiều loại sách đại loại như: Bí quyết làm giàu nhanh chóng, hay tướng số.
Sau một thời gian không đọc sách sẽ xuất hiện tâm lý rất ngại đọc bài dài, dù chỉ ba hay bốn trang A4. Muốn biết một vấn đề quan trọng thì không thể gói nội dung của nó vào một trang giấy được. Đó là cái khó của người viết, vừa muốn chuyển tải suy nghĩ của mình đến bạn đọc một cách đầy đủ, vừa sợ bị chê dài.
Đặc biệt đối với các đề tài chính trị hoặc ý kiến xây dựng xã hội thì người Việt hay lảng tránh. Có thể họ cho rằng, không quan tâm đến chính trị họ vẫn làm ăn tốt, vẫn vui với những lĩnh vực khác. Ở Đức hoàn toàn ngược lại. Chính quyền muốn toàn dân tham gia để tạo xã hội tốt nhất như có thể, bởi vì mọi chính sách đều liên quan đến cuộc sống của người dân.
Được cộng tác với một cô giáo người Đức giảng về kiến thức xã hội phổ thông, tôi nghe cô nói một câu với học viên Việt Nam rằng: TẠI SAO CÁC BẠN ÍT QUAN TÂM ĐẾN ĐỀ TÀI CHÍNH TRỊ THẾ? NẾU VẬY CÁC BẠN ĐỪNG BAO GIỜ KÊU CA KHI MỘT CHÍNH SÁCH RA ĐỜI MÀ KHÔNG CÓ LỢI CHO CÁC BẠN! Sau khi dịch câu này, tôi bắt tay cô giáo và cám ơn về câu nói hay, rất hay.
Nguyễn Thế Tuyền