Việc công bố hàm lượng thạch tính (arsen) “vượt ngưỡng” – mà thực chất là arsen hữu cơ vô hại – trong nhiều mẫu nước mắm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã làm ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

ason

Đáng chú ý là gần như ngay sau đó, Masan – đơn vị sở hữu hai thương hiệu nước mắm Chin-su, Nam Ngư – tung quảng cáo “chuẩn an toàn thạch tín” trong nước mắm. Điều này không khỏi khiến nhiều ý kiến hoài nghi về một kế hoạch marketing nào đó…

Xung quanh sự việc này, BizLIVE ghi nhận ý kiến của ông Lê Ngọc Sơn, chuyên gia về truyền thông và quản trị khủng hoảng, thành viên nhóm nghiên cứu quốc tế về truyền thông khủng hoảng tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức).

Ông Sơn nói:

– Tôi cho rằng, các dấu vết để lại trên truyền thông đều đang chống lại Masan.

Dường như, các chiến lược được bài binh bố trận rất bài bản. Một hội như Vinastas mang danh bảo vệ người tiêu dùng đứng ra “công bố kết quả nghiên cứu khoa học”, rồi lại công phu đến mức phát đi “thông cáo báo chí”, tiếp đến là một số tờ báo và Facebooker có nhiều người theo dõi công bố danh sách được cho là các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng asen, mà thực chất là không gây hại.

Gần như ngay sau khi thông tin gây hoang mang từ Vinastas được công bố, Masan liền chạy chiến dịch quảng cáo sản phẩm của họ “an toàn thạch tín”, tiếp đó đến siêu thị Fivimart tạm ngừng bán một số sản phẩm nước mắm truyền thống trên kệ hàng…

Trong thư văn nghiên cứu về quản trị khủng hoảng, đã có chuyện người ta xem khủng hoảng là một cuộc mua bán, tạo ra khủng hoảng để trục lợi, dựa trên sự chủ động chuẩn bị kĩ các các mặt hàng của mình.

Lúc đó, đám đông như những “quân cờ” được điều khiển bởi những “tay chơi” vô lương muốn kiếm tiền.

Cách mà họ thường dùng nhất là tạo ra sự hoang mang, và đám đông được kêu gọi có thể chấm dứt sự hoang mang đó bằng cách mua giải pháp hay sản phẩm của họ.

Tôi không đủ dữ liệu để biết được thực chất mục tiêu của doanh nghiệp đó là gì, nhưng giả sử nếu đúng là họ có ý đồ như vậy, thì với những sản phẩm và cách làm hiện nay, đó là nhiệm vụ bất khả thi.

Bởi rất tiếc lần này, tiếng nói phản biện trên mạng xã hội đã khiến cơ hội thay đổi thói quen người tiêu dùng trở nên gần như không thể, cho dù ai đó có muốn.

Nhìn từ một góc độ khác. Tôi đang sống và làm nghiên cứu ở châu Âu, đi rất nhiều nước ở châu Âu, nhưng không thấy có một sản phẩm nước mắm nào mang thương hiệu Việt.

Ngay cả ở Đức, số lượng người Việt đông đảo nhất châu Âu, nhưng kiều bào cũng chỉ biết đến nhiều nhất là các thương hiệu nước mắm Thái Lan.

Chúng tôi ra chợ người Việt, cũng chỉ mua được những chai nước mắm Thái.

Câu hỏi đặt ra là, nếu thực sự sản phẩm nước mắm nào đó tốt đến vậy, thì hãy chinh phục những thị trường rộng lớn, với những tiêu chuẩn cao và khắt khe hơn về chất lượng, ở ngoài Việt Nam.

Thay vì tìm cách “gây chiến” trong nước, sao không nghĩ cách để “chinh phạt” thị phần toàn cầu, nếu như sản phẩm thực sự có chất lượng?

Dù sao, sau tất cả những sự việc trên, tôi nghĩ nước mắm Việt nhìn chung sẽ gặp khó khăn, vì trên mạng hiện nay đã có những thông tin tiếng Anh về câu chuyện “thạch tín” này, đa số từ các báo trong nước.

Nguyễn Thảo (Báo mới)