Bài viết của ông Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng bộ tài chính CHLB Đức trên báo Frankfurter Allgemeine thể hiện tầm nhìn và đánh giá khách quan của một chính trị gia trong thời đại mới. Tôi xin lược dịch những ý chính trong một bài viết rất đầy đủ của ông để độc giả có thể tham khảo thông qua Việt ngữ. Qua đó hy vọng họ có thể nhận ra rằng, thời đại đã làm biến đổi những giá trị mà trước đó chỉ ít năm, người ta nghĩ là chúng trường tồn. Thay đổi để theo kịp nền văn minh chỉ có thể đơm hoa kết trái, nếu người lái con tàu có tầm và biết thích nghi. Bản lĩnh và khả năng của một nhà chính trị được thể hiện rõ nét nhất khi giải quyết khủng hoảng. (Nguyễn Thế Tuyền 12.10.2016)

wschaeuble
Wolfgang Schäuble Bộ trưởng Tài chính Cộng Hòa Liên Bang Đức

…Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy mâu thuẫn. Ở nước Đức phần lớn mọi người đều hiểu rằng, đất nước này vẫn đang rất vững vàng, kinh tế phát triển, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 25 năm gần đây, giá cả ổn định, lương thực tế tăng đều đặn từ 2013 đến nay, lương hưu cao hơn trước, đặc biệt ở miền Đông. Kể từ năm 2010 kinh tế tăng trưởng đều đặn, trong năm nay và năm tới nền kinh tế của chúng ta chưa có dấu hiệu suy giảm.

Thế nhưng người dân lo cho tương lai của họ. Họ tự hỏi, liệu cái ổn định và sung túc còn tiếp tục ở đất nước này trong những năm tới hay không? Đó là một câu hỏi chính đáng. Danh sách liệt kê những lý do giải thích rất dài, và càng ngày càng dài hơn. Trong số đó nguyên nhân rất quan trọng là tốc độ thay đổi đến chóng mặt đã xảy ra trong mọi lĩnh vực xã hội và kinh tế của chúng ta.

Chúng ta đang sống trong vòng xoáy của quá trình Toàn cầu hóa, mà nguyên nhân chính là cách mạng kỹ thuật số và nối kết các mạng xã hội. Người ta biết những gì đang xảy ra trên mọi điểm của quả địa cầu trong thời gian nháy mắt, từ chiến tranh, tai nạn, những vụ bê bối đến môi trường bị hủy hoại. Trong số những thay đổi đó, rất nhiều điều ta không hiểu được và chỉ còn câu hỏi “Tại sao?”.

Nhưng có một thực tế rất cụ thể. Đó là cái cảm giác bất ổn đến với đất nước chúng ta phần lớn từ bên ngoài ập đến: Khủng bố như ở Nice, München, Würzburg, Ansbach, các cuộc chiến tranh và khủng hoảng ở ngay đất châu Âu, ví dụ như ở Ukraine, thảm họa ở Syria, chết đuối hàng loạt ở Địa Trung Hải vì vượt biên. Ngoài ra ngọn lửa bất ổn còn được đổ thêm dầu vì tình hình chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, một đất nước có mấy triệu người đang sống ở nước Đức này và chính sách tuyên truyền chiến tranh với phương Tây của nước Nga.

Chính vì thế chúng ta đã nghe thấy tiếng dân, họ mong tìm được một người hùng để ổn định tình hình, để tìm được câu trả lời: Chúng ta phải sống như thế nào để có thể bảo vệ được giá trị tự do của xã hội, điều mà chúng ta đã chiến đấu mấy thế kỷ mới có được và chúng ta phải hành động ra sao để sự phồn vinh hiện hữu lâu dài trên mảnh đất này? Chúng ta phải chứng minh cho người dân biết, chính sách hội nhập cho những người tị nạn sẽ thành công, kể cả cho những người ở đây tạm thời. Và chúng ta cũng phải chứng minh là sẽ kiểm soát được dòng người tị nạn đến đây.

Nhiệm vụ của chúng ta rất lớn và khó khăn. Chúng ta vẫn biết là đất nước chúng ta đã khác trước, nhưng cái tốc độ của sự thay đổi này quá nhanh làm cho chúng ta phải bàng hoàng. Lịch sử đã cho thấy, trong những thập kỷ qua, chúng ta đã trải qua những thử thách rất lớn, nhưng chúng ta đã thành công vượt qua. Chúng ta cũng sẽ vượt qua thách thức này, nhưng luôn phải học cách thích ứng với những yếu tố mới nhất của cuộc sống. Xã hội của chúng ta là xã hội mở, nhưng chúng ta bảo vệ bằng được giá trị Tự do, Bình đẳng và Bác ái trên nền tảng pháp quyền. Chúng ta vẫn đón nhận những thay đổi đến với xã hội, chỉ trừ những thay đổi làm cho chúng ta tụt lùi. Chúng ta không được phép giới hạn những giá trị cởi mở, tự do và nhân bản, nhưng không thể dùng những biện pháp giống như trước được nữa.

Để thực hiện thành công một dự án nào đó đều phải có tiền, nên ngân khố của chúng ta nhất định phải giữ ổn định. Hãy nhớ lại hồi năm 2009, chúng ta đứng bên bờ vực vì hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Năm 2010 chúng ta nợ thêm 86 tỷ Euro, nhưng từ ngày đó khoản nợ liên tục giảm từng năm và đến 2014 chúng ta không phải nợ thêm nữa, mà không cần phải tăng thuế. Trong các cuộc tranh luận quốc tế về kinh tế, người ta thường chỉ bàn cãi về con số, nhưng quên mất một điều là nền kinh tế liên quan rất nhiều đến tâm lý đầu tư và lòng tin.

Chúng ta đã dành một số tiền lớn đầu tư vào nghiên cứu, giáo dục và cơ sở hạ tầng cho giao thông và chúng ta sẽ tiếp tục làm điều ấy, bởi vì công việc này đỡ tải rất nhiều cho các bang để họ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết ở địa phương họ. Chúng ta phải tinh để biết vùng nào trên trái đất thời gian tới ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nhất, chẳng hạn châu Phi trong những năm tới sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều thách thức.

Thế giới này dù ở một số nước cuộc sống đã khá hơn nhưng vẫn còn bất bình đẳng và bất công một thời gian dài. Đó là mảnh đất màu mỡ cho xung đột và khủng hoảng phát triển, nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Châu Âu không còn là hòn đảo riêng cho những người có mức sống thuộc tốp đứng đầu. Những người bần cùng ở nơi khác sẽ kéo về đây. Đương đầu với sự thật phũ phàng này chúng ta không thể khóa biên giới, khoanh tay đứng nhìn họ chết đuối mà chúng ta phải đầu tư cho đất nước họ cả kinh tế lẫn thể chế, để người dân ở đó có thể yên tâm ở lại quê hương mình.

wolfgang-schaubleCòn đề tài cải cách ở Đức người ta có thể đặt câu hỏi: Chương trình cải cách của Đức cụ thể ra sao? Cải cách con người, xã hội và thể chế dân chủ? Một quy luật chung là chừng nào người dân còn thịnh vượng thì chẳng ai muốn cải cách cả. Có nghĩa là cải cách chỉ xảy ra khi người ta “phải làm”. Chính vì thế vấn đề cải tổ đối với nước Đức hiện nay không hề đơn giản. Nhưng chúng ta phải tập trung vào Khả năng hành động của các cấp từ đơn vị cơ sở đến tiểu bang và liên bang. Họ phải hoàn thành trách nhiệm của họ. Liên bang chi một nửa tổng thu nhập quốc dân cho quỹ an toàn xã hội (nuôi người thất nghiệp, tiền trẻ em, phụ phí nhà ở…). Năm 2020 nhà nước Đức sẽ bơm 100 tỷ Euro cho quỹ hưu, vì hiện nay một phần ba số tiền thu từ thuế phải dùng để nuôi những người về hưu.

Thách thức rất lớn đối với chúng ta là làn sóng tị nạn hiện nay. Chúng ta đã ký một hiệp ước rất quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngõ để người vượt biển đến châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quản lý những người tị nạn trên đất họ và nhận của EU khoảng 3 tỷ Euro. Sau hiệp định này, chúng ta còn phải chi cho một loạt nước ở châu Phi để họ cùng ta chống nạn đưa người trái phép vào châu Âu và nhận lại những công dân của họ bị khước từ. EU sẽ phải chi cho việc này năm 2017 khoảng 19 tỷ Euro và đến năm 2020 tổng cộng khoảng 77 tỷ…

Ngày xưa thành quả kinh tế của một đất nước phần lớn dân của nước đó được hưởng, còn ngày nay không phải thế nữa. Anh muốn yên lành thì cũng phải cho tôi chút cháo. Tôi thực sự ngạc nhiên khi tư duy người Đức bắt nhịp được cùng thời đại một cách nhanh chóng và họ sẵn sàng lấy ví ra, không cáu giận, không chửi thề, không kể công!

Nguyễn Thế Tuyền