TTO –  Theo thông cáo báo chí về sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung vừa được đưa đến, có thể khẳng định “thủ phạm” gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung là từ nhà máy của Formosa.

Formosa làm cá chết ở miền Trung, bồi thường 500 triệu USD
Phóng viên nhiều báo, đài trong và ngoài nước đã đến, chuẩn bị đưa tin – Ảnh: Cầm Văn Kình

Cuộc họp báo công bố  nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung đang diễn ra tại Hà Nội.

Đây là cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng, tuy nhiên, tháng này, theo giấy mời của Văn phòng Chính phủ, cuộc họp sẽ tập trung vào hai nội dung chính: Kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền Trung và công bố việc ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1-7-2016).

Rất đông phóng viên các báo, đài trong và ngoài nước đã đến Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong để chuẩn bị đưa tin.

Dự kiến, một phó Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ chủ trì cuộc họp báo.

Tham dự còn có lãnh đạo nhiều Bộ ngành như Tài nguyên – Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học Công nghệ, NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh…

Và theo thông tin Tuổi Trẻ có được từ thông cáo báo chí về sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung vừa được đưa đến, có thể khẳng định “thủ phạm” gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung là từ nhà máy của Formosa.

Đúng 17g05, cuộc họp báo bắt đầu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chủ trì cuộc họp. Bên cạnh đó, còn có sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông…

Mở đầu buổi họp, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết một trong hai nội dung quan trong trong họp báo là thực hiện cam kết của Thủ tướng trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.

Về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chét bất thường, ông Dũng thông tin trong tháng 4-2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế xảy ra sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về môi trường, kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Ngay sau khi có sự cố, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã trực tiếp, thường xuyên, Thủ tướng và phó Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo. Bước đầu đánh giá thiệt hại kinh tế xã hội, môi trường, tinh thần chỉ đạo cơ quan khoa học trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan đúng pháp luật làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tổ chức trên 100 nhà khoa học, có sự phản biện của chuyên gia quốc tế, xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như Fenol, Xianua, kết hợp với Hidro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến Thừa thiên Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt. Bộ Tài nguyên môi trường đã rà soát nguồn thải, thành lập đoàn kiểm tra.

Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên môi trường đã phối hợp các bộ ngành đã nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28-6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh.

Formosa cam kết 5 điểm: công khai xin lỗi. Thứ hai là bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền tương đương 11500 tỷ, tương đương 500 triệu USD.

Formosa thừa nhận làm cá chết

Trước buổi họp báo này, khoảng 16g chiều cùng ngày, ông Trần Nguyên Thành – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gửi thư tới toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty thừa nhận do sai sót đã gây ra vụ cá biển chết ở miền Trung.

Formosa làm cá chết ở miền Trung, bồi thường 500 triệu USD
Một phần hệ thống xả thải của Formasa – Ảnh: Văn Định

Nội dung bức thư thừa nhận đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên – môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết.

Bức thư chỉ rõ “mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ”.

Thư cũng cho biết hiện nay, công ty đang phối hợp chặt chẽ cùng cùng cơ quan chức năng để giải quyết sự việc nêu trên.

Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung

Từ đầu tháng 4-2016, bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh, đặc biệt là khu vực Vũng Áng, gần nhà máy của Formosa, sau đó lan ra các tỉnh thành khác như Quảng Trị, Quảng Bình.

Ngày 20-4, khu vực bãi biển Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) nhiều người dân đổ xô ra biển lượm cá chết dạt, trôi lềnh bềnh trên bờ biển. Hiện tượng cá chết lan ra Huế.

Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với cá biển chết dạt vào bờ - Ảnh: Nhật Linh - Đồ họa: Vĩ Cường

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đến ngày 26-4, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh…

Ngày 1-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp vào Hà Tĩnh chỉ đạo phải tìm cho ra nguyên nhân cá chết.

“Dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải làm rõ trên căn cứ khoa học, không ai bao che cả. Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học” – Thủ tướng chỉ đạo.

Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng do cá chết bất thường.

Ngày 29-5, báo chí ghi nhận không chỉ khu vực miền Trung mà ngay tại TP.HCM, tiểu thương bán hải sản cũng bị vạ lây vì người dân thận trọng khi mua hải sản.

Ngày 2-6, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì chờ phản biện.

Ngày 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc ngày 20-7 và diễn ra trong khoảng chín ngày.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

CẦM VĂN KÌNH

Theo tuoitre.vn

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcPhóng sự thảm họa cá chết Việt Nam rúng động Đài Loan
Bài kếLãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi người dân Việt nam
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.