Vụ Hans-Georg-Maaßen –Giám đốc cơ quan tình báo nội tuyến quốc gia -Người đứng đầu cơ quan bảo vệ Hiến pháp CHLB Đức, đáng lẽ bị cách chức lại được thăng chức.

Maaßen được cho là có thiện cảm với phe nhóm cực hữu, đặc biệt ông thể hiện những hành vi để lại nhiều dấu hỏi khi cung cấp nhiều thông tin nhạy cảm cho lãnh đạo đảng AfD (Lựa chọn khác cho nước Đức) – là đảng dân tuý cánh hữu với chương trình „bài ngoại“, khôi phục giá trị Đức dạng „Germany First“ và đang được lòng dân.

Tuần hành bùng phát do sự xách động của AfD, đã để lại nhiều vết „sẹo“ sau vụ đâm chết 1 người Đức tại thành phố Chemniz – Thành phố Karl-Marx thời DDR, nay vẫn còn tượng đầu của sư tổ CNCS và ngay trước tượng Người bọn côn đồ giơ tay chào kiểu „Heil Hittler“đồng thời gào to „Chúng tao là những chiến binh hâm mộ Adolf Hittler đây“, „1 mạng người Đức đổi lấy 1 mạng người tỵ nạn“, „Người nước ngoài cút đi!“…v.v. Gần 1 tháng kể từ cuối tháng 08.2018 liên tục có biểu tình tại Chemniz. Đám người tuần hành cả 2 bên tả hữu có lúc lên đến trên 11.000 ngàn, có nhiều nhóm Hooligan từ Berlin và các nơi khác tới „góp phần lộn xộn“ và thường kết thúc bằng những cuộc ẩu đả, phá phách. Cảnh sát, cứu hoả, cứu thương…vất vả lắm mới giành lại sự yên tĩnh tạm thời cho Chemniz.

Khi xuất hiện video về 1 người tị nạn bị bọn Hooligan truy đuổi, thì ông Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia này lại cho là giả mạo và còn bảo truyền thông Đức bị lôi vào trò lừa đảo. Tiếc rằng các chuyên gia đã không mất nhiều thời gian để chứng minh video đó là thật.

Hành vi của Maaßen đã làm cho xã hội mất lòng tin trầm trọng về suy nghĩ và hành động của một quan chức cao cấp nhà nước với nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp. Người ta lần lượt moi những sai lầm của Maaßen và có 5 lỗi chính thức được phơi bày:

  • Nạn khủng bố của nhóm phát xít mới NSU không kịp thời xử lý;
  • Trường hợp Anis Amri khủng bố bằng xe tải chợ Noel Berlin;
  • Chuyển những thông tin nhạy cảm cho đảng AfD;
  • Trường hợp Murat Kurnaz người Thổ sinh sống tại Bremen Đức, bị bắt nhầm giam ở Guantanamo. Chính quyền Mỹ xoá án nhưng Maaßen không cho quay lại Đức với lý do: quá 6 tháng;
  • Và nay vụ truy đuổi người tị nạn ở TP Chemniz.
  • Có lẽ nên bổ sung thêm 1 lỗi nữa là: Để cho đặc vụ nước ngoài bắt cóc người tại Berlin mà không biết gì.

Ngoại trừ AfD và Seehofer, các đảng phái khác đều lên tiếng chỉ trích hành vi của Maaßen và ai cũng đòi đuổi việc ông ta. Phê phán gay gắt nhất có lẽ là Chủ tịch đảng SPD Andrea Nahles: „Phải sa thải Maaßen! Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của mọi người. Nếu không, Liên minh cầm quyền GroKo có thể bị tan vỡ.“

Không mấy khó khăn để hiểu tại sao Seehofer bảo vệ Maaßen. Đã từ lâu ông Bộ trưởng nội vụ Liên bang này chống lại chính sách tị nạn của bà Thủ tướng. Có lúc tình hình căng đến mức Merkel phải tính đến việc cách chức Bộ trưởng, nhưng vì nguy cơ vỡ trận GroKo, nên họ thoả hiệp với nhau dạng „bằng mặt không bằng lòng“. Có lẽ Maaßen là cấp dưới trực tiếp lại có chung quan điểm với Seehofer, lại là đảng viên CDU. Dùng Maaßen phân hoá CDU thì thật là „nhất cử lưỡng tiện“? Nên nhớ CSU luôn muốn thoát ra khỏi cái bóng của CDU.

AfD mang ơn Maaßen. Nhờ có những thông tin „mật“ từ Giám đốc tình báo họ có thể uốn nắn chương trình hành động một cách hợp lý, hợp thời chiếm được cảm tình của người dân…Còn gì hơn khi có „tay trong“ cung cấp thông tin để to mồm „đối lập“ với phe cầm quyền? AfD thu được kết quả đáng kể qua mấy vụ lộn xộn.

Theo kết quả thăm dò, nếu bầu cử xảy ra hôm 19.09.2018 tại bang Brandenburg thì AfD và SPD bằng điểm nhau, được 23% trong khi CDU chỉ đạt có 22% số phiếu (xem hình).

Để xử lý khủng hoảng chính trị phải sa thải Maaßen!

Maaßen là „người hùng“ đối với phe cực hữu, nhưng với số còn lại là một cán bộ „không trung thành“ với Hiến pháp. Ông ta là nhân tố tạo ra sự phân cực xã hội dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Đức.

Maaßen phải ra đi! Nhà nước pháp quyền với cơ chế đa đảng không ai có thể dung túng che đậy „tội“ của cán bộ được, mà nhất là tội „không trung thành với Hiến pháp làm mất lòng tin vào chính quyền“.

Maaßen còn ngồi ở vị trí đó ngày nào thì ngày đó chính trường Đức như chảo dầu sôi, không thể yên được. Nahles thậm chí còn nói với khí thế bừng bừng: „Xoá cái tên ấy đi được rồi“.

Đêm ngày 18.09.2018 chủ tịch 3 đảng của Liên minh cầm quyền CDU, CSU và SPD cùng với nhau quyết định về trường hợp Maaßen. Ngồi hóng ở ngoài ai cũng chắc mẩm: Maaßen phải về hưu sớm ở tuổi 55.

Nào ngờ ngay trong đêm hôm đó, Maaßen nhận tin mình được thăng chức Quốc vụ khanh, lương tăng 2 bậc (từ B9 = 11.577,13 Euro/tháng tăng lên B11 = 14.157.33 Euro/tháng cộng với các loại phụ cấp khác) và vẫn phục vụ cho Bộ nội vụ, phụ trách an ninh an toàn xã hội (bộ phận cảnh sát?), xây dựng, quê hương và an toàn mạng (thứ 4 tới sẽ được công bố chính thức). Với chức vụ này Maaßen có nhiều quyền hơn, không phải „ngồi im nói khẽ“ như trước mà sẽ có cơ hội xuất hiện thường xuyên trên sân khấu chính trị.

Cho đến nay chỉ biết Seehofer đứng ra bảo vệ bảo lãnh cho Maaßen, cho rằng tội của Maaßen chỉ là „ngứa mồm xía chuyện chính trị thường ngày, tội nhỏ. Tôi vẫn tin anh ta và giữ anh ta tiếp tục làm việc cho Bộ“. Còn trong cuộc đàm phán tay 3 đã diễn ra như thế nào thì chỉ có thánh biết.

Có điều gì xảy ra với bà Chủ tịch đảng SPD vậy? Tại sao sự việc bị xoay 180° một cách dễ dàng đến thế?

Nahles không có cách nào giải thích thoả đáng những thắc mắc của đảng viên SPD, đặc biệt là của khối đảng viên trẻ JuSo, ngay từ đầu họ đã không nhất trí thành lập Liên minh GroKo mà đứng về phe đối lập.

Không lẽ Nahles đã mặc cả được điều gì? Thoả thuận cho Maaßen lên chức Quốc vụ khanh có nghĩa 1 Quốc vụ khanh khác bị thuyên chuyển, mà người buộc phải nhường chỗ cho Maaßen lại chính là 1 đảng viên của SPD, đó là Gunther Adler (SPD), Quốc vụ khanh phụ trách mảng xây dựng và quê hương. Chẳng lẽ Nahles binh cho ông ta và chức Giấm đốc tình báo nội tuyến thay cho Maaßen?

Từ nay cho đến khi bức màn bí mật được vén lên, các tín đồ của „thuyết âm mưu“ tha hồ mà chém bão. Có điều càng để lâu chính trường Đức càng điên đảo, chính phủ càng tỏ ra bất lực và cuối cùng mất hết tín nhiệm của cử tri. Duy chỉ có AfD „ngư ông đắc lợi“ và các nhóm cực hữu càng có gió càng manh động, cảnh truy bức người nước ngoài sẽ trở thành chuyện thường ngày.

Không phải bỗng nhiên mà người Việt tại Berlin kêu gọi nhau tham gia tuần hành chống phân biệt chủng tộc, bài xích nước ngoài, tích cực quan tâm đến chính trị nước sở tại.…Họ lo cho an toàn của mình! – Một cảm xúc nhất thời rất dễ hiểu! Có cái gì khen khét màu „Nâu trong đôi mắt xanh“ ấy và dường như ai cũng dự cảm thấy bất an vây quanh.

  • Hiện nay, tìm một giải pháp khác tốt hơn cho nước Đức lại chính là nguyện vọng của người dân.
  • Chủ tịch đảng SPD đang bị áp lực lớn. Thứ 2 tới Nahles phải điều trần vụ Maaßen trước BCH đảng.
  • Thứ 4 tới Bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer công bố chức năng quyền hạn của Quốc vụ khanh Hans-Georg-Maaßen, nếu không có gì thay đổi đột ngột.
  • Nahles biên thư cho Merkel và Seehofer đề nghị bàn lại vụ Maaßen, lý do: Chúng ta đã nhầm, tưởng rằng như thế sẽ lấy lại được lòng tin vào Liên minh, nhưng không ngờ làn sóng phản đối càng mạnh hơn cả trong và ngoài đảng. Merkel và Seehofer đồng ý đàm phán lại, ngay cuối tuần này.

Lê Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC