(TROL)- Hannover-26.2.2018

Trở về Việt Nam hay ở lại nước ngoài làm việc là cả một vấn đề là một bước ngoặt trong cuộc sống và sự nghiệp của các bạn Sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sau khi đã hoàn thành công việc học tập ở nước ngoài. CTV Tuoitreonline.de đã phỏng vấn anh Nam Thái một cựu Sinh viên Việt Nam trở về nước làm việc sau khi đã tốt nghiệp tại Đức.

Anh Nam Thái- Cựu Sinh viên Việt Nam tại Đức

Hậu Tết, ai trong chúng ta cũng tất bật chạy đi tìm nguồn cảm hứng để có thể tiếp tục sáng tạo trong công việc và học tập. Và còn gì ý nghĩa hơn là được trò chuyện với một người cựu du học sinh đã trở về, lắng nghe những câu chuyện mà anh trải qua và những lời nhắn nhủ chân thành từ một người đi trước.

 CTV: Đầu xuân năm mới thay mặt tuoitreonline.de xin gửi lời chúc anh Thái một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Cám ơn anh đã cùng ngồi lại trò chuyện nhân dịp đầu xuân năm mới với tuoitreonline.de. Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân mình được không ạ?

Xin chào, anh là Nam Thái cựu du học sinh tại đại học Leibniz Hannover và hiện đã trở về và công tác ở Việt Nam được 10 năm. Từ những năm 2003-2004, đại học Bách Khoa Hà Nội có một chương trình hợp tác với đại học Leibniz Hannover. Bọn anh đang học năm thứ 3 tại trường và là khoá thứ 2 của chương trình học chuyển tiếp sang bên Đức và học để lấy bằng Master và anh khi đó học về Maschinenbau – Chế tạo máy.

 CTV: Em được biết ở thời điểm đó chưa có nhiều bạn sinh viên sang du hoc Đức nên thông tin cũng khan hiếm, việc thiếu thông tin như vậy có gây cản trở gì cho anh và các bạn trong quá trình làm thủ tục và mới sang Đức không?

Ngày đó, em hình dung là Internet chưa có như bây giờ, thông tin về nước Đức như thế nào, học tập ra sao còn rất khan hiếm. Trong tưởng tượng của bọn anh lúc bấy giờ du học Đức là một cái gì rất màu hồng, rất lạc quan, như trong bộ phim Chuyện tình Harvard vậy, bọn anh hình dung từ việc học hành cho tới kiếm tiền đi làm thêm là rất dễ dàng, mọi chuyện sẽ thuận lợi và mọi chuyện sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, những thông tin của nhà trường cung cấp nhưng tất nhiên chưa bao giờ là đủ, trong khi một số các anh chị đi trước thì cũng chủ yếu là đi theo học bổng của DAAD học bằng tiếng Anh, chứ những người học tiếng Đức mà tốt nghiệp là chưa có.

Chính vì thiếu thông tin nên sự chuẩn bị không kĩ càng và việc học về tiếng Đức không được chú trọng nhiều. Sau 6 tháng học tiếng Đức tương đương với bằng A2, bọn anh học chuyên ngành luôn và đã gặp vô vàn nhiều khó khăn, có nhiều khi ngồi trên giảng đường mà không hiểu giáo sư đang nói gì. Rất may là các anh có độ chiến đấu cao, đã phải nỗ lực rất nhiều cộng với nền tảng kiến thức kha khá đã được học ở Việt Nam. Ngoài ra thì khóa 1 các anh học rất tốt và giúp đỡ rất nhiều.

CTV: Học bằng một thứ tiếng Đức đã khó, em nghe nói anh còn tự đi làm để trang trải cuộc sống đúng không ạ?

Đúng rồi bọn anh cũng phải tự đi làm thêm nữa, nhiều khi còn đùa nhau là có học bổng “Bu-Ta-Chi” nữa. (cười). Bọn anh đã trải qua nhiều công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Từ rửa bát, đi làm công nhân trong các nhà máy gà, cá, nhà máy thịt lợn cho tới năm thứ tư thì làm Hiwi trong trường.

CTV: Anh có rút ra kinh nghiệm gì sau quãng thời gian vừa đi học vừa đi làm thêm như vậy ạ?

Tuổi 20, khi mà người ta năng động thì người ta luôn tìm được con đường để đi, biết được càng nhiều thông tin thì càng có thể tìm được con đường tốt hơn để đi. Ví dụ nếu như em có chuẩn bị tiếng tốt hơn và với những kiến thức chuyên môn sẵn có, các em hoàn toàn có thể apply làm Hiwi trong trường từ những kì 2 kì 3, trong các phòng thí nghiệm hoặc hỗ trợ các nghiên cứu sinh. Ngoài ra làm các công việc ấy còn giúp cho Lebenslauf của các em, cũng như có có kinh nghiệm cho công việc sau này, nhất là nếu em có dự đinh muốn ở lại Đức.

CTV: Cuộc sống sinh viên nếu chỉ đi học và về đi làm thì sẽ rất cô đơn và nhàm chán. Ngoài việc học em được biết anh cũng là 1 thành viên cốt cán của hội sinh viên Việt Nam tại Hannover vào thời điểm đó

Đúng rồi, hồi đó hoạt động sinh viên rất sôi nổi, dường như hoạt động đoàn đội đã ăn sâu vào máu, bản thân anh là Bí thư liên chi K-45 nữa và nhiều anh chị cũng có tư duy tổ chức rất tốt . Bọn anh tổ chức đá bóng, đi giao lưu giữa các thành phố, kể cả các ngày lễ Tết cũng tổ chức chung với hội gia đình người Việt ở đây nữa. Quy mô của của hội ngày đó là 40-50 người nhưng hoạt động cực kì sôi nổi và gắn bó em ạ.

Anh cảm thấy so với ngày trước thì hoạt động hội đoàn hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Hồi xưa khi mà xa gia đình, hội sinh viên với động lực đưa ngươi ta lại gần nhau hơn dường như là bắt buộc. Ngày nay, liên lạc không còn nhiều khó khăn nữa nên dường như hoạt động hội sinh viên không còn ý nghĩa quan trọng đó nữa.

CTV: Em được biết, anh đã tốt nghiệp và trở về Việt Nam làm việc. Hiện nay rất nhiều bạn sinh viên cũng đang đứng trước câu hỏi về hay ở lại Đức. Từ đâu mà anh quyết định trở về Việt nam và mất bao lâu để anh đưa ra quyết định này?

Bản thân anh, trước khi đi anh đã xác định sẽ trở về rồi bởi ước mơ của anh là trở về để xây dựng đất nước. Tất nhiên mỗi người có một mục tiêu khác nhau.

CTV: Trong quá trình 5 năm học sống và học tại Đức, có bao giờ có điều gì tác động tới mong muốn được trở về đóng góp cho đất nước của anh không ạ?

Có các cô bác còn trêu là cưới con gái cô để ở lại cơ đấy. (anh cười). Anh đùa vậy thôi, anh ngay từ đầu đã xác định mục tiêu là học để trở về rồi nên không điều gì có thể tác động vào mục tiêu đó cả.

CTV: Thế còn các bạn bè của anh, họ có những quyết định ra sao khi đứng trước lựa chọn ở lại Đức và về Việt Nam?

Như anh đã nói, mỗi người lại có một mục tiêu khác nhau.Có những người sang Đức để ở lại Đức, có người sang Đức và tốt nghiệp rồi sang nước khác. Như lứa của các anh thì có 50% các anh ở lại Đức và 50% trở về Việt Nam. Ngay cả những người trở về cũng có nhiều lí do, có thể có mục tiêu muốn trở về, hoặc là không kiếm được công việc nên về, hoặc ở Đức làm vài ba năm rồi về do bố mẹ đã già, rất nhiều lí do em ạ.

CTV: Anh trở về tính tới thời điểm này đã là hơn 10 năm. Câu chuyện trở về của anh như thế nào? Và những ngày mới trở về Việt Nam anh có gặp nhiều khó khăn gì không?

Có chứ em, khó khăn đầu tiên đó là vì anh tốt nghiệp master nhưng lại chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế tại Việt Nam nên rất khó để xin một công việc phù hợp với những gì mà mình được học. Thứ 2 là để xin việc tốt nhất em nên giỏi chuyên sâu vào 1 lĩnh vực nhất định và nếu có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó thì quá tốt. Như anh thì anh học Điện ở Việt Nam, sau đó sang Đức học Maschinenbau, và làm luận văn về Quản lí sản xuất, chính vì thế ban đầu anh rất khó để xin một công việc phù hợp. Anh mất một năm để tìm được một công việc phù hợp, tuy nhiên sau 1 năm thì anh quyết định tự thành lập công ty riêng. Công ty đầu tiên của anh liên quan tới lĩnh vực xúc tiến thương mại, công ty thứ hai liên quan tới một công ty gạch không nung, và còn vài lần khởi nghiệp nữa. Trong giai đoạn đó anh cũng có những lúc mất tập trung và có nhiều trăn trở. Trước khi đi du học anh có mơ ước có thể trở về làm trong bộ máy nhà nước và đóng góp cho xã hội, nhưng khi làm business rồi thì anh cũng có trăn trở liệu mình có không thực hiện được mơ ước là làm những công tác cho cộng đồng và đóng góp cho đất nước hay không.

CTV: Nếu đứng từ góc độ các nhà tuyển dụng thì theo anh, họ đòi hỏi những phẩm chất gì ở những người sinh viên du học trở về? Có gì khác biệt trong kì vọng của nhà tuyển dụng giữa sinh viên đào tạo trong và ngoài nước hay không?

Thực ra mình cần phải hình dung là, nếu chúng ta không quá xuất sắc thì rất khó để cạnh tranh với các bạn sinh viên Bách Khoa, Công Nghiệp, Ngoại Thương,v.v… Vì khi học ở Đức, thường chúng ta đi sâu vào nghiên cứu, chuyên môn, còn ở Việt Nam thiên về Services, Sales chứ không phải thiên về nghiên cứu và tạo ra giá trị mới, vì vậy học ở Đức chưa chức đã phải là lợi thế. Một số nhà tuyển dụng còn nhìn nhận sinh viên kiến thức không thực tế và phải trả lương cao hoặc có thể dẫn tới sự nhảy việc, nghĩa là thiếu sự chắc chắn về mặt Nhân sự. Vì vậy du học sinh chưa chắc đã phải ưu thế. Ngoài ra thị trường còn đón một lượng du học sinh từ Sing, từ Anh, Mỹ trở vể, rất nhanh nhẹn năng động và với vốn giao tiếp bằng tiếng Anh mạnh hơn du học sinh tại Đức.

CTV: Em tin là có nhiều bạn sinh viên đang có chung mơ ước muốn trở về đóng góp vào các công tác cộng đồng và xây dựng đất nước, vậy anh có lời khuyên cho các bạn ấy không ạ?

Anh có một lời khuyên là trước tiên mình cần có một nghề để sống, có một công việc thật tốt để làm. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm và tích lũy tư bản, khi em có một số vốn tốt thì mới có thể thực hiện các ước mơ khác của mình và xa hơn là đóng góp tốt cho đất nước được.

CTV: Theo anh ngoài những khó khăn mà các du học sinh khi trở về gặp phải thì chúng ta có những lợi thế gì so với các bạn sinh viên được đào tạo trong nước?

Có chứ em. Thứ nhất là em được đào tạo môi trường học tập và làm việc tại Đức, nếu em sống theo người Đức và học tập các phẩm chất tốt trong văn hóa của họ, như sự chính trực, tử tế, cẩn thận,.. nếu em về Việt nam thì điều đó chính là lợi thế. Ở xã hội nào thì sự tử tế, trong sáng của em cũng chính là tài sản, là vũ khí lớn nhất của việc du học tại Đức. Thứ hai, là việc học hành bài bản của sẽ giúp cho mình có sự tư duy logic và khả năng tự học, nó giúp em trong bất kì công việc nào cũng có thể thích nghi về chuyên môn. Thứ 3 là sự kết nối giữa các cựu du học sinh có thể giúp mình rất nhiều trong sự nghiệp mà mình chưa thể ngờ tới được. Chúng ta cần chấp nhận thực tế, cả những khó khăn và lợi thế, tận dụng các cơ hội và luôn thể hiện thái độ làm việc tốt, mình sẽ gặp những cơ hội tốt và những người tốt họ nâng đỡ cho mình.

CTV: Như anh chia sẻ thì khi mới trở về bản thân anh trải qua những khó khăn nhất định để thích nghi với cuộc sống và môi trường làm việc trong nước. Vậy theo anh hiện nay đã có nhiều hơn chương trình gì để hỗ trợ các sinh viên du học từ Đức trở về chưa?

Thực ra thì chính phủ Đức họ đã đi trước việc đó. Hồi trước khi anh chuẩn bị về, họ đã có những hỗ trợ nhất định để tái hòa nhập, cũng như khởi động các cổng thông tin, ví dụ như DAAD đã xây dựng ra các cộng đồng cựu sinh viên du học Đức. Đại sứ quán Đức cũng đã tạo ra các chương trình Giao Lưu Cựu Du Học Sinh Đức, kết nối lại thành một mạng lưới cộng đồng cựu du học sinh. Ngoài ra còn có các hôi đoàn và các chương trình như hội nghị Việt Đức, rồi hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam GBA..v.v. Vậy nên cơ hội cũng rất nhiều cho các bạn du học sinh trở về.

Theo góc nhìn của anh, một số hướng đi mà bạn sinh viên lựa chọn là như làm việc trong bộ máy nhà nước, xin vào các trường đại học giảng dạy, hoặc là làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, hoặc là làm việc cho các công ty nước ngoài, hoặc là các tập đoàn lớn như Viettel, FPT,..

CTV: Vậy các bạn sinh viên với nguyện vọng trở về, anh có lời khuyên gì cho các bạn không, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một cuộc cách mạng thực sự và chiếm lĩnh mọi mặt trận của nền kinh tế và xã hội ạ?

Anh nghĩ đầu tiên kiến thức chuyên môn phải thật tốt. Các bạn nên tạm quên đi ý nghĩ mình được đào tạo ở Đức và tập trung để hiểu về thị trường Việt Nam. Nước Đức nơi chúng ta được đào tạo là rất yên bình, còn ở Việt Nam em tưởng tượng như một dòng sông cuộn chảy, tốc độ thay đổi hối hả gấp hàng trăm lần ở nước Đức. Chinh vì vậy trong tư duy chúng ta cần lập trình lại hết để tránh bị hụt hẫng và rèn luyện kĩ năng để thích nghi với cuộc sống. Nếu các em muốn trở về thì nên tìm kiếm cơ hội để va chạm và học hỏi những người có kinh nghiệm để dần hòa nhập và thích nghi, cũng như học hỏi từ những người đi trước.

Anh Nam Thái-“Kiên định với mục tiêu và Linh động trong hành động!”

CTV: Theo anh thì các bạn sinh viên khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì nên chuẩn bị những gì cho con đường sự nghiệp nếu muốn trở về ạ?

Nó sẽ còn phụ thuộc vào việc là em muốn trở thành ai và muốn làm công việc gì trong tương lai. Em muốn làm doanh nhân, em muốn làm giảng viên, hay em muốn làm một người CEO, hay em muốn làm giảng viên, hay một nhân viên cho nhà nước, hay em muốn làm nhân viên cho công ty Đa Quốc Gia. Em hình dung nhé, ví dụ như bác Võ Quang Huệ du học sinh Đức, là cựu tổng giám đốc Bosch Việt Nam và hiện làm phó tổng giám đốc Vinfast, bác mong muốn là làm cho các tập đoàn Đa Quốc Gia trước khi trở về Việt Nam để cống hiến và bác trở thành một người CEO chuyên nghiệp. Thì em hình dung mỗi mục tiêu khác nhau sẽ dẫn tới những đường đi khác nhau. Em nên xác định sự nghiệp của mình là gì, điều gì làm cho mình hạnh phúc, khi đó em sẽ xác định được từng bước đi cho lộ trình để đạt được điều đó

CTV: Một câu hỏi cuối cùng để kết thúc cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Chắc anh cũng có thể nhận ra so với cách đây mấy năm thôi thì giờ có rất đông các bạn sinh viên sang Đức với nhiều hình thức như du học, ausbildung usw.. Và chúng em luôn tìm kiếm những người thầy người anh chị cho mình những lời khuyên ạ. Anh có một lời khuyên gì cho các bạn đang chọn con đường sang Đức hay không?

Điều quan trọng nhất đó là các em phải xác định được mục tiêu cho bản thân mình và từng bước xác định con đường đi của mình. Kể cả em có thể định vị lại tham vọng nó đủ lớn để chúng ta vượt được những việc mà người khác không có khả năng thực hiện. Tuy trong quá trình đó em phải hy sinh và chấp nhận một số đau thương, nhưng em cũng nên có một đội ngũ cố vấn, những người có thể phân tích cho em những con đường. Khi có đủ sự phân tích mặt lợi hại của từng con đường thì em có được sự lựa chọn thích hợp nhất, điều đó đúng cả trong kinh doanh và cuộc sống. Đây là anh chia sẻ cho em hai góc nhìn, góc nhìn của người đã từng phải lựa chọn theo một sự mù mờ thiếu thông tin, và của một người đã từng làm kinh doanh có có những luận cứ khoa học nhất định. Các em luôn có dăm bảy ngã rẽ, và cái quan trọng khi em xác định được con đường minh sẽ đi thì cần kiên trì với con lựa chọn đó và không ngừng nỗ lực hết sức mình. Dù con đường đó có thể thất bại nhưng đằng sau nó luôn tiềm ẩn những thành công. Cái hay trong cuộc sống là mối quan hệ giữa con người với con người, và yếu tố quyết định là yếu tố con người chứ không phải những nguyên tắc. Và con người luôn có thể phá vỡ các nguyên tắc và tạo ra những ngoại lệ.

Hai điều mà anh nhắn sau cùng đó là: Kiên định với mục tiêu và Linh động trong hành động!

tuoitreonline.de rất cám ơn anh Thái vì những câu trả lời chân thành và mang tới nhiều thông tin bổ ích dành cho bạn đọc. Chúc anh và gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, vạn sự như ý và đạt được các mục tiêu trong năm mới!

CTV Tuoitreonline.de

Minh Tâm

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ
Bài viết trướcKhám phá nét đẹp của thành phố Hannover qua vẻ cổ kính của Nhà thờ Aegidienkirche
Bài kếThúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam- Bremen CHLB Đức
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.