(TROL)-Berlin 22.2.2018- tuoitreonline.de xin chia sẻ các bài viết của các bạn Sinh viên, nhằm giúp đỡ các bạn Sinh viên mới có kinh nghiệm, cùng trao đổi với nhau kinh nghệm học tập, xin việc làm, giải quyết các khó khăn trong đời sống Sinh viên. Dưới đây là bài chia sẻ kinh nghệm của nhóm ” Der Bote- Người sứ giả” về kinh nghiệm viết Motivation để xin học bổng, xin Visa, nộp đơn xin vào các trường Đại học v.v.. Mong các bạn khác tham gia và lan tỏa rộng rãi để cho tuoitreonline.de là một diễn đàn về nhiều mặt của lớp trẻ .

“Der Bote – Người sứ giả, được xây dựng và phát triển bởi 2 bạn sinh viên người Việt từ cuối năm 2016. Với mục đích ban đầu là viết thật nhiều để luyện vốn Tiếng Đức và tiếng Việt cũng như cũng giúp đỡ các sinh viên người Việt đang học tập tại Đức, Der Bote – Người sứ giả nhanh chóng thu hút cũng như chiếm được rất nhiều cảm tình từ đọc giả với những chia sẻ đầy hài hước và gần gũi của mình.”

Der erste Eindruck zählt – auch auf Papier! Những ấn tượng đầu tiên nằm gọn trong một trang giấy Motivationsschreiben

Cách đây không lâu sau post giới thiệu về mục đích “Dịch và Viết” của trong Group Der Bote – Người sứ giả, đã có rất nhiều bạn tìm đến nhờ Der Bote – Người sứ giả sửa giúp Motivationsschreiben. Motivationsschreiben (dịch nguyên văn: Thư giãi bày/bày tỏ động lực), theo mình thì gọi là “Thư thuyết phục” sẽ đúng với nội dung của nó hơn. Vậy nên hôm nay Der Bote – Người sứ giả sẽ chia sẻ với các bạn về Motivationsschreiben – “Thư thuyết phục” nhé!

Khi nào cần đến Motivationsschreiben

Thư thuyết phục thường được yêu cầu cùng với lý lịch (Anschreiben, Lebenslauf) trong bộ hồ sơ của bạn. Dưới đây là một số ví dụ:

– Xin học đại học (thường là học thạc sĩ, tiến sĩ – Master, Doctor, hay một số môn Bachelor)

– Xin học bổng

– Xin Visa

– Xin việc / Xin thực tập (Trong hồ sơ xin việc Motivationsschreiben còn được gọi là “die 3. Seite” – trang thứ ba, vì trang thứ nhất là Anschreiben, trang thứ hai là Lebenslauf. Nhưng không phải công việc nào cũng yêu cầu Motivationsschreiben.)

– usw…

Nói tóm lại, Motivationsschreiben được dùng để thuyết phục người đọc rằng, bạn chính là sự lựa chọn đúng và tốt nhất.

Nội dung của Motivationsschreiben là gì? Motivationsschreiben khác với Anschreiben (tạm dịch: Thư ngỏ lời) như thế nào?

Trong nhiều trường hợp, sự khác nhau giữa Motivationsschreiben và Anschreiben là không quá lớn. Ví dụ khi bạn đi xin việc thì trong Anschreiben, bạn cũng có thể nêu động lực của mình để chứng tỏ mình là người phù hợp cho vị trí đó. Và Motivationsschreiben cũng có mục đích giống Anschreiben là giới thiệu bản thân bạn với người tuyển dụng, nhưng cụ thể và chi tiết hơn.

Về phần Nội Dung, trong Motivationsschreiben bạn nên viết về động lực cho mục tiêu sắp tới của mình (vị trí công việc, đi du học, xin học bổng,…). Nội dung chính nên đề cập tới những điểm mạnh thuyết phục và có liên quan đến mục tiêu của bạn. Lý giải tại sao mục tiêu đó chính là thứ tất yếu, phù hợp nhất, có lý nhất cho những điểm mạnh đã nêu.

Đừng chỉ liệt kê bạn đã làm những gì, mà hãy kể bạn đã làm việc đó như thế nào và tại sao bạn thích làm những việc đó. Mình xin lấy ví dụ cụ thể: Có một bạn mong muốn sang Đức làm tình nguyện viên (FSJ) cho Hội chữ thập đỏ nên bạn ấy viết thư cho Đại sứ quán ở Hà nội để xin Visa. Trong thư bạn ấy viết đã và đang đi làm thiện nguyện ở đâu, như thế nào, tại sao giúp đỡ người khác là mong muốn lớn nhất của bạn ấy. Bạn ấy kể về những số phận bạn ấy nhìn thấy, những điều bạn ấy cảm thấy và mục đích tại sao bạn ấy muốn sang Đức làm tình nguyện: Để học hỏi cách người Đức làm tình nguyện (vì Đức nổi tiếng là tổ chức tốt và hiệu quả), rồi sau này về áp dụng cho những tổ chức tình nguyện bạn ấy đang làm ở Việt nam. Để giúp được càng nhiều người càng tốt, vì đấy là tâm nguyện của bạn ấy – Như vậy đủ thuyết phục chưa nhỉ?

Bạn hãy viết về sở thích, đam mê có liên quan. Hãy viết về sự kiện, hoàn cảnh, quyết định thay đổi bạn. Và hơn hết là hãy viết về đích đến, mục tiêu của mình.

Vậy, nên bắt đầu như thế nào nhỉ?

– Trước hết nên biết ai là người sẽ đọc thư của bạn. Hãy chọn lọc những thứ nổi bật nhất, có liên quan nhất để viết nhé. Độc giả của bạn đều là những người bận rộn và họ cũng có những bức thư, những sự lựa chọn tương tự giống như bạn. Hãy nhớ KISS – Keep it Short&Simple (or: Keep it simple STUDPID)! In der Kürze liegt die Würze.

– Đừng quên ngày tháng, địa chỉ người gửi và người nhận, cũng như chữ ký của bạn, … – Điều cơ bản mà quên là hay bị mất điểm lắm đấy!

– Tiêu đề (Betreff) ngắn gọn, đầy đủ – Chỉ cần đọc dòng này người đọc sẽ biết được nội dung chính của bức thư.

– Format: Kiểu chữ, phông chữ, cỡ chữ, cách dòng, căn mép, … – Đừng chọn Wingdings nhé 🙂

– Nếu bạn biết tên họ của người đọc, hãy ghi tên người đó thay vì “Sehr geehrte Damen und Herren,”

– Tiếp theo là chú ý đến câu chữ của bạn. Đừng quên đặt dấu, chấm, phẩy, … Đừng dùng những câu kiểu dập khuôn. Hãy tưởng tượng bạn là người đọc, và mỗi ngày bạn phải đọc cả chục bức thư và trong bức thư nào cũng có những câu giống hệt nhau. Không dùng những câu dập khuôn cũng là một cách nói bạn là sự khác biệt, là lựa chọn chính xác.

– Đừng có liệt kê những gì bạn đã viết trong lý lịch (Lebenslauf) của mình. Vì nếu muốn, họ có thể đọc lại những thứ ấy ở lý lịch của bạn (ngắn gọn, dễ đọc hơn nhiều). Hãy chọn một số sự kiện nổi bật, có liên quan và viết về nó.

– Hãy viết về bạn, về mục đích của bạn. Hãy giải thích tại sao lại là bạn chứ không phải người khác?

– Cuối cùng đừng quên nhắc lại mục đích chính của bạn.

– Đừng quá chủ quan mà vội vã gửi đi. Hãy để ai đó – bạn bè, thầy cô, hoặc mình – đọc và kiểm tra trước khi gửi đi nhé!

Một điều rất quan trọng là tránh sai lỗi chính tả và lỗi cơ bản. Hãy nghĩ xem, hồ sơ của bạn nói chung và bức thư này nói riêng chính là thứ duy nhất bạn có thể lấy thiện cảm từ người đọc. Mơ ước và mong muốn cháy bỏng của bạn có thể bị phá hủy vì sai lầm bé tí bé tẹo. Đừng để mình bị loại trước cửa vào vì viết sai tên của mình trong danh sách đăng ký nhé. Đã qua được vòng gửi xe rồi mà!

Đó là những chia sẻ của Der Bote – Người sứ giả . Hy vọng giúp được các bạn!

Doug der Bote

Der Bote – Người sứ giả, được xây dựng và phát triển bởi 2 bạn sinh viên người Việt từ cuối năm 2016. Với mục đích ban đầu là viết thật nhiều để luyện vốn Tiếng Đức và tiếng Việt cũng như cũng giúp đỡ các sinh viên người Việt đang học tập tại Đức, Der Bote – Người sứ giả nhanh chóng thu hút cũng như chiếm được rất nhiều cảm tình từ đọc giả với những chia sẻ đầy hài hước và gần gũi của mình.

BBT tuoitreonline.de (CC by nc)

 

CHIA SẺ
Bài viết trướcThe way we met 2018- Sinh viên Việt Nam tại Hannover
Bài kếKhám phá nét đẹp của thành phố Hannover qua vẻ cổ kính của Nhà thờ Aegidienkirche
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.