Khải Silk sau 30 năm gây dựng nên tên tuổi một doanh nhân thành đạt với khối tài sản nhiều triệu Dollar, nay đang đứng giữa „tâm bão“ dư luận đả kích về việc đánh tráo thương hiệu „Made in China“ thành „Made in Vietnam“. Kể ra hiện tượng này cho, thấy thương hiệu Việt được yêu chuộng hơn thương hiệu Tầu là điều đáng mừng chứ nhỉ. Thế nhưng ở đây lại chứa đựng sự giả dối trong kinh doanh, sự lừa đảo, không tôn trọng người tiêu dùng. Tuy Khải Silk đã xin lỗi và cái khăn lụa không thể làm chết người như những lô thuốc giả bán cho người bệnh ung thư, hay như Formosa thải độc làm chết một vùng biển lớn,… nhưng cũng làm cho chúng ta lăn tăn nghĩ đến một điều, đó là „đạo đức trong kinh doanh“.
Đạo đức kinh doanh là gì?
Đạo đức kinh doanh là một bộ phận của đạo đức xã hội loài người. Tuy nhiên, thuật ngữ đạo đức kinh doanh mới xuất hiện được 43 năm nay, khi nhà nghiên cứu đạo đức kinh doanh nổi tiếng GS. Norman E. Bowie trường tổng hợp Minnesota USA, lần đầu tiên đưa ra khái niệm này trong một Hội nghị khoa học vào năm 1974. Kể từ đó đạo đức kinh doanh trở thành chủ đề phổ biến trong các cuộc tranh luận của giới lãnh đạo kinh doanh, người lao động, người tiêu dùng, các tổ chức cũng như các giáo sư đại học ở Mỹ và lan nhanh ra toàn thế giới.
Giữa kinh doanh và đạo đức luôn có mâu thuẫn. Xã hội luôn mong doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm với thù lao cao. Doanh nghiệp luôn hạch toán theo hướng giảm thiểu mọi chi phí và nâng cao năng suất lao động. Người tiêu dùng muốn mua hàng chất lượng cao với giá rẻ, còn các cơ sở thương mại lại muốn có lãi suất cao với công thức „một vốn bốn lời“. Chính quyền ban hành luật nhằm bảo vệ môi trường, trong khi các cơ sở sản xuất tìm cách giảm các chi phí phát sinh trong việc xử lý chất thải…và còn nhiều khác biệt nảy sinh trong xã hội.
Để điều chỉnh những điều đối lập nói trên, nhà quản lý phải chấp hành những nguyên tắc của „đạo đức kinh doanh“, nhằm phân định đúng sai và điều chỉnh hành vi của các đối tượng tham gia. Tất cả nói lên một điều là: Ý thức của nhà kinh doanh đối với xã hội.
Tóm tắt các chuẩn mực của đạo đức kinh doanh:
- Tính trung thực
- Tôn trọng con người
- Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội
Vài trò to lớn của đạo đức kinh doanh
Đạo đức kinh doanh chính là yếu tố nền tảng cho sự tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp, tăng cường sự trung thành của nhân viên, điều chỉnh hành vi của doanh nhân, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp và từ đó nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, muốn đạt được thành công bền vững, các doanh nghiệp phải xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
Hai Giáo sư John Kotter và James Heskeu thuộc Trường Đào tạo quản lý kinh doanh Harvard, tác giả cuốn sách “ Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”, đã phân tích kết quả khác nhau của các công ty với những truyền thống đạo đức khác nhau. Công trình nghiên cứu của họ cho thấy trong vòng 11 năm, những công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh đã nâng được thu nhập của mình lên tới 682% (trong khi những công ty đối thủ không xem trọng các chuẩn mực đạo đức chỉ đạt được 36%). Giá trị cổ phiếu của những công ty trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ kém hơn thì chỉ số này chỉ là 74%). Lãi ròng của các công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh ở Mỹ trong 11 năm đã tăng tới 756%. Như vậy, chú trọng đạo đức trong kinh doanh sẽ mang lại sự phát triển cho tất cả các hoạt động kinh doanh quan trọng của tổ chức đó, từ đó dẫn tới thành công.
Thực trạng đạo đức kinh doanh ở Việt Nam
Đạo đức kinh doanh là một vấn đề mới ở Việt Nam. Các vấn đề như đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… mới chỉ nổi lên kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa vào năm 1991. Trước đó, trong thời kinh tế kế hoạch tập trung, những vấn đề này chưa bao giờ được nhắc tới. Trong thời kỳ bao cấp, mọi hoạt động kinh doanh đều do Nhà nước chỉ đạo, vì thế những hành vi có đạo đức được coi là những hành vi tuân thủ lệnh cấp trên. Do khan hiếm hầu hết hàng hóa tiêu dùng, để mua được đã là rất khó, nên không ai có thể phàn nàn về chất lượng hàng hóa. Vì cầu vượt quá cung, chất lượng phục vụ trong mạng lưới cung cấp vô cùng thấp nhưng ít người dám than phiền. Vào thời gian đó, các ngành công nghiệp của Việt Nam chưa phát triển, có rất ít nhà sản xuất và hầu hết đều thuộc sở hữu nhà nước, nên không cần quan tâm đến vấn đề thương hiệu, chất lượng hay sở hữu trí tuệ. Hầu hết lao động đều làm việc cho nhà nước, nơi mà kỷ luật và chế độ lương thưởng đều thống nhất và đơn giản. Tìm được việc làm trong cơ quan Nhà nước là rất khó khăn nên không có chuyện đình công hay mâu thuẫn lao động. Mọi hoạt động trong xã hội đều phải tuân thủ quy định của Nhà nước nên những phạm trù liên quan đến đạo đức kinh doanh là không cần thiết.
Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam tham gia hoà nhập quốc tế, có nhiều phạm trù mới được xuất hiện như: quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, đình công, thị trường chứng khoán… và vì thế khái niệm đạo đức kinh doanh trở nên phổ biến hơn trong xã hội. Qua kết quả phân tích các số liệu điều và những tài liệu thu thập qua sách báo, chúng ta có thể rút ra được những kết luận sau về thực trạng đạo đức kinh doanh ở Việt Nam:
- Nhận thức của người Việt Nam về đạo đức kinh doanh là mơ hồ. Các trường dạy về kinh doanh chưa chính thức có môn học về đạo đức kinh doanh mà lại coi đạo đức kinh doanh là „tuân thủ các qui định pháp luật trong kinh doanh“ trong khi đúng ra là „bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng“. Những nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước chưa đánh giá hết tầm quan trọng của khái niệm này thì chưa thể thực sự hoà mình vào „tiến trình toàn cầu hoá“ được, chưa nói đến kỳ vọng „đi tắt đón đầu“.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Đây là trách nhiệm đối với chất lượng hàng hoá và vấn đề bảo vệ môi trường. Việc đánh tráo hàng kém chất lượng, dùng hoá chất tạo màu, kích phọt, tạo nạc…cho đến thuốc trị ung thư giả là những thí dụ nói lên sự vô trách nhiệm với chất lượng sản phẩm, sự vô lương tâm kiếm lời bằng mọi cách trên sinh mạng con người. Rất nhiều cơ sở sản xuất xả thải độc như Vedan xả ra sông Thị Vải, Formosa xả ra biển…gây ô nhiễm môi sinh trầm trọng, chứng tỏ các nhà máy không có ý thức trách nhiệm với môi trường. Vai trò quản lý nhà nước trong khâu kiểm tra giám sát…ở đây là dấu hỏi lớn.
- Sở hữu trí tuệ
- Quan hệ giữa người quản lý và người lao động
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư(vốn)
(3 mục cuối này không phân tích đến vì dài quá).
Xây dựng nên thương hiệu đã khó, bảo vệ bền vững thương hiệu đó còn gian truân hơn nhiều. Và không có nền tảng đạo đức đúng đắn để giữ vững cái tâm Thiện con người, thì những người quản lý nhà nước cũng đừng nghĩ đến thương hiệu “Made in Vietnam” làm chuông đem đánh nước người. Mọi lý luận đều vô nghĩa khi đã bị mất lòng tin!
Lê Hoàng