Thời gian trôi đi thật nhanh! Mới ngày nào những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi háo hứng sang CHDC Đức hợp tác lao động trong khuôn khổ hiệp định giữa hai nhà nước Việt Nam và CHDC Đức mà bây giờ đã ba mươi năm! Đại trà nhất là hai năm 1987/ 1988. CHDC Đức hồi đó rất thiếu nhân công lao động, trong khi nước Việt Nam sau chiến tranh không bố trí được việc làm cho giới trẻ và những người lính mới xuất ngũ sau khi giải phóng miền Nam.
Đó cũng là một nghĩa cử để cám ơn CHDC Đức đã giúp Việt Nam rất nhiều trong những năm chiến tranh. Tuần nào cũng có vài chuyến bay chở đội quân HTLĐ hạ cánh xuống sân bay Schönefeld. Ahrensfelde thuộc quận Marzahn ở Berlin là một trong những nơi đầu tiên đón tiếp người lao động Việt Nam năm 1987. Khối Hợp tác lao động này đã chứng kiến những sự kiện lịch sử thật hiếm hoi của nước Đức và thế giới: Bức tường Berlin sụp đổ dẫn đến kết thúc chiến tranh lạnh giữa hai phe đối đầu, nước Đức tái thống nhất sau hơn 40 năm chia cắt mà không một tiếng súng, không đổ một giọt máu, quá trình toàn cầu hóa diễn ra đến mức chóng mặt sau chiến tranh lạnh…
Thế mà đã 30 năm! Những con người trẻ tuổi năm nào bây giờ đã lên chức ông, bà, mái tóc không còn xanh nữa. Sự kiện HTLĐ là một chương trong lịch sử của cả hai nước Việt và Đức. Ba mươi năm là cái mốc chẵn nên dù bận vội đến đâu những con người ngày ấy cũng dành thời gian cho sự kiện này.
Chị Tamara Hentschel là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ chăm sóc công nhân Việt Nam ở Ahrensfelde. Chị có rất nhiều chuyện để kể, vui có, buồn có, may mắn có, rủi ro có. Hơn nửa đời người chị gắn bó và làm việc với người Việt, hiện là người điều hành cơ sở đào tạo có cái tên Việt Nam rất gần gũi: Hội Trống Cơm (Reistrommel). Được sự giúp đỡ của quận Marzahn – Hellersdorf, cơ quan của chị đã tổ chức lễ kỷ niệm này ngày 23. 9. 2017 vừa qua.
Đến dự có rất nhiều khách Đức, trong đó có bà Dagmar Pohle, chủ tịch quận Marzahn – Hellersdorf, bà Almuth Berger, cựu Bộ trưởng bộ lao động CHDC Đức, người chịu trách nhiệm về Hợp tác lao động giữa hai nước và rất nhiều quan khách đại diện cho các cơ quan công quyền của quận. Dù hôm đó là ngày làm việc nhưng nhiều công nhân Việt Nam vẫn đóng cửa hàng sớm, bồi hồi đến dự để nhớ lại những kỷ niệm xưa. Hội trường bỗng nhiên chật hẹp không đủ sức chứa hơn 150 người tham dự, nhưng họ vẫn đứng trật tự theo dõi câu chuyện tọa đàm của các vị khách mời với những người tham dự. Các câu chuyện xoay quanh chủ đề cuộc sống người lao động hồi đó, ngộ nghĩnh và cảm động.
Người Việt Nam ở Đức lao động chăm chỉ ít được dư luận Đức để ý, nên người ta dùng khái niệm „vô hình“. Buổi liên hoan cũng tổ chức chiếu phim tài liệu về HTLĐ và triển lãm ảnh để giới thiệu với người Đức hiểu hơn về chúng ta, để hình ảnh người Việt dần dần không „vô hình“ nữa. Những bức ảnh trắng đen có, màu có phản ánh khá đầy đủ về cuộc sống của người Việt trước và sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Những bức tranh này chứa những thông điệp rất rõ nên không cần chú thích gì thêm. Còn chiếc bàn lớn bên ngoài là nơi để giới thiệu sách về nước Đức bằng hai thứ tiếng Đức – Việt, do chính Hội Trống Cơm soạn thảo nhằm giúp người Việt hiểu hơn về quê hương thứ hai của mình, giúp các cháu củng cố thêm tiếng Việt. Với hơn 400 trang, cuốn sách đã truyền tải được cho độc giả những nét chính lịch sử bi hùng của nước Đức từ ngày lập quốc đến nay và cơ cấu xã hội của họ. Qua đó người đọc có thể có được câu trả lời: Tại sao nước Đức từ đống tro tàn của hai lần đại chiến mà hiện giờ họ hùng cường như vậy!
Phần biểu diễn văn hóa của các thế hệ người Việt rất ấn tượng với nhạc cụ dân tộc, múa, ca hát làm sống lại thời HTLĐ trước đây vài thập kỷ. Thế hệ sinh ra ở Đức sau năm 1990 đến rất đông để hiểu thêm vì sao bố mẹ chúng lại sống ở đất này. Nét mặt ai cũng hân hoan vừa thưởng thức món thịt nướng vừa kể chuyện cho nhau nghe, dù trời đổ mưa đầu thu. Buổi liên hoan đọng lại nhiều cảm xúc cho người tham dự và làm đầm ấm hơn tình hữu nghị Việt Đức, hai dân tộc có nhiều nét lịch sử tương đồng.
Nguyễn Thế Tuyền