Vì bị tắc trên đường cao tốc đoạn gần Leizig và vì toà lâu đài nơi diễn ra cuộc thì “Duyên dáng áo dài Việt Nam tại châu Âu 2017” nằm đúng trên đoạn đường bị cấm để sửa chữa nên chúng tôi đến với cuộc thi hơi trễ. Nghe nói các thí sinh đã trình diễn xong phần thi áo dài tự chọn ở trên gác. Một phần thi không có sự phụ trợ của âm nhạc nên cũng kém phần hứng thú. Có thí sinh phàn nàn với nhóm nhà báo chúng tôi như thế.

Thời tiết như ủng hộ những người tổ chức sự kiện này. Trời hơi se se đủ để ngồi trong hội trường không thấy nóng và ra ngoài sân dạo không thấy lạnh. Còn nắng, đúng là nắng châu Âu. Vàng óng và ngọt lịm. Bên hành lang và trong khuôn viên của toà lâu đài cổ kính các thí sinh đang từ hội trường tỏa ra với trang phục áo dài truyền thống – được thiết kế bởi nhà tạo mẫu Bích Hà Sarah – với đủ các màu sắc tạo nên vườn hoa đậm sắc hương của áo dài Việt, của vóc dáng phụ nữ Việt giữa trời châu Âu. Theo sự hướng dẫn của Tổng đạo diễn Hoà Yên – Một đạo diễn chuyên nghiệp của VTV – các thí sinh đứng xếp thành hình chữ S, hình Tổ quốc. Dù chỉ mang tính tượng trưng nhưng vẫn có 2 nhóm thí sinh đứng bên cạnh hình chữ S biểu trưng cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Một cuộc thi nhan sắc thông thường, các thí sinh chỉ trong độ tuổi từ 18 đến 25 thì sự chênh lệch tuổi tác coi như không đáng kể. Nhưng trong cuộc thi này, với ý đồ của BTC là vừa để gìn giữ, bảo tồn tà áo dài truyền thống vừa để tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Việt – những thí sinh tuổi từ 40 đến 65, những người đã là mẹ, là bà, những người đã tảo tần, bươn chải kiếm sống mấy chục năm nơi xứ người – thì sự chênh lệch tuổi tác là rất đáng kể. Trong 113 thí sinh đến từ các quốc gia châu Âu có những em vẫn còn giữ được nét xuân phơi phới trong dáng vóc, nơi khuôn mặt, nhưng cũng nhiều chị tuổi đã cao, năm tháng và nỗi vất vả đời thường ùn đọng trên cơ thể, hằn sâu trên nét mặt.

Foto : Thắng Phượng

Thí sinh Phan Thị Thuận đến từ thành phố điện ảnh Karlovy Vary là một thí sinh như thế. Khi tôi bước vào hội trường cũng là lúc chị vừa bước xuống từ sân khấu sau vòng thi áo dài truyền thống. Biết là cuộc thi này là sân chơi dành cho thế hệ thứ nhất những người hình thể không còn thon gọn, nhan sắc không còn mặn mòi, nhưng tôi vẫn giật mình khi nhìn thấy chị. Một người phụ nữ luống tuổi to béo, xúng xính trong bộ áo dài như buông xuôi màu xanh nhạt, chỉ có nét mặt là tươi rói với dáng đi khuỳnh khoảng đầy tự tin. Tôi nhìn chị bối rối tới mức có một phóng viên của báo khác phát hiện và đề nghị tôi đứng chụp ảnh cùng với chị.

Foto : Thắng Phượng

Chị vui vẻ ghé sát tôi, bóng chị trùm lên bóng tôi. Chị cười. Tôi như bẽn lẽn. Khi chị đi rồi người ta mới nói về chị. Có người khen chị dũng cảm. Cũng có người chê chị hơi lố. Tôi bỗng bật ra ý định phỏng vấn chị và lao đi tìm. Tôi tìm thấy chị khi chị đang tẩy trang và chuẩn bị thay đồ. Chắc chị nghĩ là mình đã bị loại khỏi cuộc chơi dù lúc đó BGK chưa công bố danh sách thí sinh lọt vào vòng sau. Khi tôi nói muốn phỏng vấn chị, chị đồng ý ngay, không nghĩ ngợi. Chỉ hỏi:
– Anh định hỏi gì?
– Chỉ hỏi, chị đến với cuộc thi này vì mục đích gì thôi? Tôi trả lời.
Chị nói ngay:
– Để quảng bá, tôn vinh áo dài Việt Nam. Tôi già rồi, sáu mươi rồi, lại hình thể to béo thế này, đi thi đâu phải vì nhan sắc, vì đoạt giải. Tôi muốn những người to béo như tôi, cả bạn bè quốc tế, những người phụ nữ châu Âu đều có thể mặc áo dài Việt Nam. Anh thấy đấy, tôi mặc đâu có tệ.

Foto : Thắng Phượng

Và chị cười. Tôi khoái ra mặt. Vì phỏng vấn nhân vật, chẳng phải mớm lời họ đã nói trôi chảy những điều tận trong gan ruột. Tôi mời chị xuống sân phỏng vấn cùng máy quay và đề nghị chị nói đúng những gì chị vừa nói. Quả nhiên, trước ống kính, chị vẫn nói những gì chị đã thật lòng chia sẻ. Và lại cười. Không phải nụ cười tỏa nắng. Mà nắng mùa thu của nước Đức soi vào mặt chị làm khuôn mặt chị rạng rỡ hơn, trẻ trung hơn và ánh mắt chị thêm nâu – một màu nâu hóm hỉnh, tự tin.

Chị không nghĩ mình đoạt giải. Tôi và nhiều người cũng nghĩ thế dù rất quý và ngưỡng mộ chị. Thật bất ngờ chị vượt qua 113 thí sinh để lọt vào vòng 50. Càng bất ngờ hơn khi chị vượt qua vòng 50 để lọt vào vòng chung kết cùng 32 thí sinh khác. Nhưng chẳng một ai bất ngờ khi chị đoạt giải “Thí sinh năng động nhất” cuộc thi. Vì quả thật, chị đã rất năng động với thân hình to béo của mình trên sân khấu khiến mọi người từ cười cợt đến yêu mến, rồi ngưỡng mộ. Vậy là chị đã đi thi không phải vì nhan sắc. Và đoạt giải càng không phải vì nhan sắc chị tỏa sáng.

Đến cuối cuộc thi, khi trao xong vương miện cho người thắng cuộc, BTC mời những người đoạt giải cùng bước lên sân khấu, chị tự tin đứng sánh vai cùng những nhan sắc nổi bật. Và lại cười. Nụ cười rạng ngời hạnh phúc.

Video Chị Phan Thị Thuận, đoạt giải ” Thí sinh năng động” tại cuộc thi ” Duyên dáng Áo Dài Việt Nam tại châu Âu năm 2017″

Khắc Hùng & Mạnh Cường thực hiện

Fotos: Thắng Phượng, Hương Radeberg

CHIA SẺ
Bài viết trướcCuộc thi “Duyên dáng áo dài Việt Nam tại châu Âu 2017”. Phần thi sơ khảo.
Bài kếCuộc thi “Duyên dáng áo dài Việt Nam tại châu Âu 2017”- Phần Chung kết
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.