Những vụ tàn sát, cướp bóc vì xung đột sắc tộc xảy ra như cơm bữa, có thời điểm phái bộ gìn giữ hoà bình ở Trung Phi phải “ẩn mình” một tháng, tiết kiệm từng gói mì tôm quý hiếm.

Ngày cuối tháng 12/2015, đường phố thủ đô Bangui (Cộng hòa Trung Phi) sôi động hơn hẳn khi chuẩn bị bầu cử Tổng thống. Hướng về trung tâm thành phố, nhiều người đứng ngồi lố nhố kín thùng xe bán tải, thò nửa người ra cửa kính giương biểu ngữ, ảnh ứng viên. Phía sau là đoàn xe gắn máy kẹp 3-4 người, bấm còi inh ỏi. Thi thoảng tiếng súng bắn chỉ thiên của lực lượng tuần tra thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc vang lên cảnh cáo những kẻ quá khích.

bao-ve-bau-cu-o-dat-nuoc-bat-on-chau-phi-2

Vận động bầu cử ở Trung Phi, tháng 12/2015. Ảnh: Vũ Văn Hiệp.

“Ảnh của 30 ứng viên treo trên gốc cây, cột đèn, đóng khung rồi đặt quanh bùng binh ngã tư, trên lối dành cho người đi bộ hay dán trên tường nham nhở vết đạn”, thiếu tá Vũ Văn Hiệp (Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam) nhớ lại.

Thiếu tá Hiệp cùng trung tá Nguyễn Xuân Thành, thiếu tá Hoàng Trung Kiên khi đó làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Cộng hòa Trung Phi được huy động bảo vệ cho bầu cử.

Cuộc bầu cử mang ý nghĩa quyết định hoà bình của Trung Phi, tạm chấm dứt thời kỳ nước này chìm trong vòng xoáy bạo lực từ năm 2013, khi liên minh Hồi giáo Selekha lật đổ Tổng thống Francois Bozize và đưa ông Michel Diotodia lên làm Tổng thống lâm thời. Tàn sát, cướp bóc, xung đột sắc tộc vẫn diễn ra khiến ông này phải từ chức.

Chính phủ lâm thời được lập nên sau đó nhưng lực lượng quân đội và cảnh sát gần như tê liệt. An ninh của Trung Phi cơ bản do lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ đảm bảo.

Ban đầu thời điểm bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 27/12 nhưng phải lùi đến 30/12 vì bạo lực bùng phát. Trong hai ngày trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới đã có 5 người chết và 20 người bị thương. Cuộc bầu cử phải trì hoãn tới 5 lần vì an ninh chưa đảm bảo. Hai Phái bộ gìn giữ hoà bình ở Tây Phi “chi viện” khoảng 1.000 quân cho Phái bộ Trung Phi, nâng tổng số 12.000 người bảo vệ cho cuộc bầu cử.

Nhưng kết quả cuộc bầu cử cuối tháng 12/2015 được cho là “sai quy định” và đã bị Toà án hiến pháp nước này tuyên bố hủy bỏ. Tháng 2/2016, bầu cử vòng hai diễn ra, ông Faustin Archange Touadera trở thành Tổng thống.

“Sau bầu cử, xung đột nhỏ lẻ vẫn xảy ra nhưng người dân đã có một chính quyền chính thức bảo vệ dưới sự hỗ trợ của phái bộ LHQ”, anh Hiệp kể.

bao-ve-bau-cu-o-dat-nuoc-bat-on-chau-phi-2-1

Công việc hàng ngày của trung tá Nguyễn Xuân Thành (ngoài cùng bên phải) là kết nối tình hình giữa lực lượng ở các phân khu và Phái bộ. Ảnh: VNPKC.

Có mặt tại đây từ tháng 4/2015, trung tá Thành và thiếu tá Hiệp làm sĩ quan tham mưu đào tạo của Phái bộ ở thủ đô Bangui. Anh Thành làm việc tại Trung tâm tác chiến quân sự, phụ trách phân khu Tây – một trong ba phân khu của Phái bộ. Anh Hiệp về Phòng huấn luyện của Sở chỉ huy, tổ chức các khóa huấn luyện ngắn cho lực lượng mới đến quen với công việc.

Hàng ngày, anh Thành phải theo dõi hoạt động quân sự của các đơn vị tham gia gìn giữ hòa bình, làm cầu nối liên lạc giữa sở chỉ huy Phái bộ với chỉ huy ở từng phân khu; soạn thảo các lệnh, chỉ đạo của Tư lệnh truyền đạt xuống dưới. Được đánh giá cao về năng lực, một thời gian sau anh chuyển sang nhóm sĩ quan báo cáo tình hình của Phái bộ Cộng hòa Trung Phi gửi về trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).

“Công việc vất vả hơn khi mình cần thẩm định thông tin và kỹ năng viết lách ngắn gọn, trực tiếp trả lời tình hình dưới phân khu cho sĩ quan ở  New York”, anh nói. Phân khu có sĩ quan của 12 nước, mỗi người đảm nhiệm khối lượng việc rất lớn nên luôn cần sự chủ động.

Thiếu tá Hoàng Trung Kiên trong một lần kiểm tra trang thiết bị, vũ khí

Đi sau hai đồng đội một tháng, thiếu tá Hoàng Trung Kiên là sĩ quan tham mưu quân sự về trang bị. Hàng ngày, anh đi kiểm tra tình trạng trang thiết bị, vũ khí của nước cử quân gìn giữ hòa bình, rồi gửi báo cáo về New York để họ đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của nước đó.

Vài tháng đầu, anh theo những người có kinh nghiệm học việc, phân biệt trang thiết bị còn hoạt động tốt hoặc hư hỏng, ghi chép rồi lại truyền kinh nghiệm cho người đến sau.

“Công việc khá thú vị, mình biết thêm về tiềm lực quân sự của các nước. Việc di chuyển thì chủ yếu bằng trực thăng vì đường sá xấu, tai nạn hàng hải có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, anh chia sẻ.

bao-ve-bau-cu-o-dat-nuoc-bat-on-chau-phi-2-2

Vườn rau tự trồng của các sĩ quan Việt Nam cung cấp thực phẩm quý ở Trung Phi. Ảnh: VNPKC.

Lúc mới sang, các sĩ quan Việt Nam phải đi thuê nhà ở ngoài, chi phí tự túc vì Phái bộ ở Trung Phi mới thành lập, chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng cho nhân viên. Họ ở cùng khu nhà với nhiều sĩ quan nước khác, có bảo vệ người địa phương, tường bao bằng dây thép gai, cổng sắt chống được đạn súng tiểu liên.

Khí hậu khắc nghiệt nên rau ở châu Phi khá khan hiếm. Thủ đô Bangui có 4 siêu thị bán một ít rau nhập khẩu, giá một kg cải bắp là 3.000 XAF (khoảng 130.000 đồng). Biết chủ có mảnh vườn bỏ hoang, các anh thuyết phục nhiều lần và hứa chia sẻ rau khi thu hoạch họ mới cho mượn.

Mất một tuần để dọn cỏ, cuốc đất, phơi đất diệt côn trùng, họ xới được 8 luống đất trên mảnh vườn rộng gần 30 m2. Sĩ quan các nước tỏ ý nghi ngờ, cho rằng rau không thể mọc trên đất cằn cỗi ấy. Buổi chiều đi làm về, ba người lính lại dùng nước vo gạo ngâm qua đêm tưới rau, bón đất. Hàng rào dây thép anh Kiên mang từ Việt Nam sang để quây vườn, ngăn đàn gà của bà chủ. Khoảng hai tháng, một vườn rau muống, cải ngọt, ớt, gừng và rau thơm mọc lên xanh tốt. Rau ăn được, các anh đem chia cho chủ nhà và đồng nghiệp sống cùng khu.

Vườn rau xanh cùng đồ khô mang từ Việt Nam sang giúp họ duy trì cuộc sống qua thời kỳ xung đột triền miên, lệnh giới nghiêm kéo dài. Trước khi đi, các sĩ quan mang theo cả mỳ tôm, rau khô, đỗ xanh để làm giá, hạt rau giống để trồng, đồ nấu ăn, khoảng 60 kg gạo… Trung tá Thành cho hay, dù giá trị vận chuyển một gói mì tôm rất đắt đỏ và mất công nhưng đó là nhu yếu phẩm. So giá trị tiền bạc và sinh tồn thì phải chấp nhận.

“Tháng 9/2015, một trận đấu súng giữa hai phe diễn ra điểm hỏa cho xung đột kéo dài gần một tháng. Anh em hầu như không được ra ngoài. Có buổi sáng thức dậy thấy vỏ đạn vương vãi đầy sân”, anh kể.

bao-ve-bau-cu-o-dat-nuoc-bat-on-chau-phi-2-3

Tổ chức Quốc khánh ở Trung Phi, các sĩ quan Việt Nam tặng áo cho đồng nghiệp. Ảnh: VNPKC.

Ở cách quê hương gần 10.000 km, các sĩ quan còn tự tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam “hoành tráng nhất phân khu Tây của Phái bộ”. Từ những đồ mang đi và vườn rau trồng được, ba người tự nấu các món ăn Việt như nem, cơm rang, lạc rang húng lìu. Họ thuê hội trường, chuẩn bị bảng trình chiếu giới thiệu về đất nước, con người, quân đội Việt Nam, tặng áo phông cờ đỏ sao vàng cho đồng nghiệp.

Gần 200 quân nhân đại diện 43 nước làm nhiệm vụ tại Phái bộ tới dự, ngồi kín hội trường. Khoảnh khắc xúc động nhất là khi ba người hát Quốc ca, nhìn lá cờ đỏ sao vàng kéo lên bên cạnh cờ Liên Hợp Quốc.

Tháng 5/2014, Trung tâm gìn giữ hòa bình thành lập, đánh dấu Việt Nam chính thức tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Đến nay, có 12 lượt sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Nhân dịp này, VnExpress đăng tải các bài viết về lực lượng gìn giữ hòa bình để độc giả biết rõ hơn nhiệm vụ, cuộc sống của những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang mũ nồi xanh.

Hoàng Phương/VNExpress

CHIA SẺ
Bài viết trướcĐề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn bên Hồ Gươm
Bài kếCô giáo mầm non nhốt trẻ trong nhà vệ sinh rồi bỏ quên
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.