TTO – Ở thời điểm này, do thị trường phim ảnh vào vụ làm ăn cuối năm, nên tin vui một vài đạo diễn trẻ Việt Nam nhận giải thưởng phát triển dự án tại các Liên hoan phim quốc tế cũng ít được quan tâm.

Phim độc lập: Đủ hơi thì bơi ra biển
Thành phố khác của Phạm Ngọc Lân 

Nhưng nếu ta còn nhìn điện ảnh như một cơ hội để định hình vị thế Việt Nam trong đời sống văn hóa thế giới, thì những niềm vui tưởng nhỏ hôm nay có thể là hi vọng lớn cho nền điện ảnh đang từng bước thoát khỏi vô danh của chúng ta. Ở đó, nỗ lực của các nhà làm phim độc lập trẻ đang thật sự tạo được dấu ấn.

Đã đến, đã thấy và đã thắng

Việc các nhà làm phim Việt mang dự án đổ bộ vào các Liên hoan phim quốc tế gần đây đã không còn là điều lạ lẫm. Chúng ta xuất hiện thường xuyên tại các chợ dự án quan trọng nhất từ Á (Hong Kong, Busan) sang Âu (Berlin, Cannes) nhưng không phải với “thân phận” đi để học hỏi kinh nghiệm, mà để làm nên chuyện khi liên tục mang về những giải thưởng lớn.

Đầu năm 2016, Người vợ ba (Third Wife) của Nguyễn Phương Anh tiếp nối đàn anh Bùi Thạc Chuyên (dự án phim Ngủ mơ – Dream State – năm 2011) giành giải thưởng lớn trị giá 20.000 USD từ Diễn đàn tài chính điện ảnh châu Á (HAF) của LHPQT Hong Kong.

Tại LHP Busan 2014, Tiệc Trăng tròn (Full-moon Party) thắng giải dự án hay nhất, mang về cho Phan Đăng Di 20.000 USD. Cũng LHP này vừa trao cho Bùi Kim Quy 10.000 USD để phát triển kịch bản.

Phim độc lập: Đủ hơi thì bơi ra biển
Mùi của Lê Bảo

Như vậy, giải thưởng mới nhất mà Đào Thanh Hưng, Phạm Phương Thảo nhận được tại Chợ dự án phim tài liệu châu Á ở Incheon (Hàn Quốc) cho Tiếng hót sau những chấn song (Singing from behind the bars); giải dự án phim truyện xuất sắc nhất tại Chợ dự án LHPQT Singapore cho Vị (Taste) của Lê Bảo cùng hai giải thưởng quốc tế mà Thành phố khác (Another City) của Phạm Ngọc Lân nhận được gần đây đã kéo dài chuỗi thành công mà các nhà làm phim độc lập Việt Nam đạt được chỉ trong vòng mấy năm qua.

Nhưng những thành tích này không bỗng dưng mà có, cũng chẳng hề có sự ưu tiên nào cho Việt Nam khi góp mặt tại những chợ dự án này luôn là những nhà làm phim hàng đầu khu vực. Vậy làm thế nào các nhà làm phim trẻ như Lê Bảo, Phạm Ngọc Lân, Nguyễn Phương Anh…, thậm chí chưa ai trong số họ làm được phim dài đầu tay, có thể liên tục ôm giải về nhà?

Bắt đầu bằng phim ngắn tốt

Tập trung vào phim ngắn vốn là con đường “ngắn” nhưng không dễ dàng trong bước khởi nghiệp của giới làm phim. Với Thành phố khác, Phạm Ngọc Lân mất gần 3 năm từ phác thảo dự án đến khi hoàn thành được phim.

Tham gia diễn xuất trong bộ phim dài vỏn vẹn 25 phút này, NSND Minh Châu từng tâm sự Lân giúp bà sống lại cảm giác về lối làm phim trau chuốt bà từng trải qua trong quá khứ. Nhưng hơn cả sự cẩn trọng trong lối làm, sự cẩn trọng đầy mạo hiểm trong tư duy sáng tạo mới là điều tạo ra sức thuyết phục trong sáng tạo của đạo diễn trẻ này.

Bằng những hiểu biết sâu về ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, Lân nhất quyết bỏ đi thói quen trần thuật an toàn nhưng đã cũ, vốn khiến khát khao tự làm mới của nhiều đạo diễn Việt trở nên bất khả, để hướng đến một thứ ngôn ngữ đầy ngẫu hứng và thông minh, xứng đáng được đón nhận tại các Liên hoan phim quốc tế hàng đầu.

Bởi thế mà Thành phố khác đã trở thành phim ngắn đầu tiên của Việt Nam lọt vào vòng dự thi chính thức tại Berlin, một trong 3 Liên hoan phim quốc tế lớn nhất thế giới, nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và giải “Tưởng niệm Ingmar Berman” – bậc thầy điện ảnh thế kỷ 20 – tại LHP Uppsala Thụy Điển kèm 5.000 euro tiền mặt cùng dòng ghi nhận đáng tự hào:

“Giải thưởng này được trao cho người sở hữu tầm nhìn điện ảnh đầy năng động. Vượt ra khỏi những trông đợi của chúng ta, bộ phim kéo ta vào thế giới phim độc đáo và đẩy ta ra khỏi sự tự mãn. Đây là một bộ phim sẽ còn ám ảnh ta rất lâu sau khi ta xem nó”.

Trước Vị, Lê Bảo – đạo diễn sinh năm 1991 – đã đạo diễn một phim ngắn rất chắc tay là Mùi, vẽ nên một thế giới thu nhỏ gần như giả tưởng về những cô gái trẻ mang thai chờ sinh, để rồi những đứa con vừa chào đời đã bị bắt đi.

Phim của Bảo luôn là “một thế giới khác” trộn lẫn giữa thực và mơ. Như Vị – dự án phim dài đầu tay của Bảo – với một đoạn demo được quay bằng tiền lạc quyên từ bạn bè và những nhà hảo tâm, được gửi đến LHPQT Singapore 2016 ban đầu với mục đích như một teaser giới thiệu tới các nhà đầu tư để tìm tiền sản xuất cho toàn bộ dự án, đã thuyết phục ban tổ chức LHP này đến mức họ xem teaser này là một phim ngắn hoàn chỉnh và chọn luôn vào vòng dự thi dành cho phim ngắn.

Đây là một trường hợp hi hữu ở LHP Singapore năm nay, đoạn teaser – phim ngắn ấn tượng này còn giúp Bảo giành được 5.000 USD cho dự án phim xuất sắc nhất.

Phạm Ngọc Lân (miền Bắc) và Lê Bảo (miền Nam) có thể là những đại diện làm nên sức hấp dẫn của những nhà làm phim trẻ Việt Nam thế hệ này, một thế hệ mà bản sắc và cái tôi nghệ sĩ của từng người, dù mới chỉ qua những tác phẩm phim ngắn, đã bộc lộ tự tin và bản lĩnh…

Cần một quỹ điện ảnh

Trong thành công bước đầu này, một điều đáng ghi nhận là không ai trong số các nhà làm phim trẻ trông chờ hay đổ lỗi cho cơ chế, họ lặng lẽ làm phim bằng tinh thần tự thân vận động.

Kinh phí cho các phim ngắn vừa nêu không phim nào vượt quá 7.000 USD – một con số không lớn, nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào các quỹ nước ngoài và vài mạnh thường quân trong nước. Trong khi một quỹ hỗ trợ điện ảnh của Chính phủ, vốn xem những nhà làm phim trẻ là đối tượng được ưu tiên, dự kiến mở ra từ 10 năm trước nay vẫn nằm trên giấy.

Kết quả là các nhà làm phim trẻ tài năng đã được thừa nhận của chúng ta vẫn phải nhặt nhạnh từng đồng, kể cả bằng gây quỹ cộng đồng (crowdfunding), trừ Nhà nước, để tự xây cho mình giấc mơ điện ảnh.

Phim độc lập: Đủ hơi thì bơi ra biển
Người vợ ba của Phương Anh

Tám năm trước, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng chúng ta chưa đủ sức để làm Liên hoan phim quốc tế. Nay thì liên hoan đã bước qua mùa thứ 4, với một bộ sưu tập phim chất lượng và cách thức tổ chức dần đi vào chuyên nghiệp.

Ở vị trí một Liên hoan phim quốc tế khu vực, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã làm tốt hơn nhiều so với các Liên hoan phim quốc tế cùng quy mô tại châu Á trong việc giới thiệu, quảng bá điện ảnh đương đại thế giới đến với công chúng Việt Nam.

Một quỹ điện ảnh, nếu áp dụng tinh thần học hỏi cái hay của quốc tế trong lúc không ngừng điều chỉnh mô hình hoạt động của mình cho hợp với thực tiễn như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã làm, sẽ mang lại thay đổi cho nền điện ảnh, nhất là trong bối cảnh phim của chúng ta đã đến được các Liên hoan phim quốc tế quan trọng nhất của thế giới và các tài năng trẻ đã có ở đấy rồi.

Bằng không, các tài năng ấy, với năng lượng đang dồi dào cùng khát khao chinh phục, vẫn sẽ mạo hiểm bơi ra biển nhưng vào những khi đuối sức, họ sẽ chỉ có thể trông chờ những cái phao bơi nước ngoài mà thôi…

Trông chờ vào Nhà nước hẳn không phải là việc nên làm, nó cũng từng là nguyên nhân khiến một vài thế hệ điện ảnh Việt rơi vào thế thụ động và mất đi cơ hội vươn ra thế giới.

Nhưng sẽ là mâu thuẫn nếu chúng ta đặt mục tiêu xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến và hội nhập, khi suốt thời gian dài Nhà nước đang phó thác các tài năng trẻ điện ảnh cho các quỹ hỗ trợ nước ngoài.

PHAN ĐĂNG DI

Theo tuoitre.vn

CHIA SẺ
Bài viết trướcLộ loạt ảnh hiếm hoi Đàm Vĩnh Hưng thân mật bên mẹ
Bài kế12 hồ thủy điện đồng loạt xả lũ, miền Trung chìm trong nước
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.