VOV.VN – Cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng. Ai có thể ngờ, sau một cuộc vui, nhiều người lại mãi mãi không trở về.

Từ đầu năm 2016 đến nay, theo Cục Phòng cháy chữa cháy, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, vào ngày 1/11/2016 xảy cháy tại Quán karaoke 68 (số 68 đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) và cháy lan sang 3 ngôi nhà liền kề, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Vụ cháy quán karaoke 68 trên phố Trần Thái Tông đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông về an toàn cháy nổ trong các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke. Đến hôm nay dư luận vẫn băn khoăn, một vụ cháy xảy ra ở một con phố lớn, thuận lợi cho công tác cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, nhưng vì sao phải sau gần 10 tiếng mới dập tắt được ngọn lửa? Và một câu hỏi lớn được đặt ra nữa là thiết kế căn nhà này đã được phê duyệt như thế nào, hệ thống báo cháy được lắp đặt ra sao mà khi xảy ra sự cố lại có quá nhiều người mắc kẹt dẫn đến hậu quả quá đau lòng như vậy?

chay quan karaoke 13 nguoi chet o tran thai tong chay nha moi ra trach nhiem hinh 1

Thông tin ban đầu, theo ông Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy, cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra quán karaoke 68 và lập biên bản yêu cầu không được kinh doanh khi chưa có đủ các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, chủ cơ sở này vẫn phớt lờ các quy định và để xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm 13 người thiệt mạng. Làm việc với cơ quan chức năng chiều 1/11, chủ  cơ sở kinh doanh này chưa có đầy đủ các giấy tờ, giấy phép theo điều kiện kinh doanh của pháp luật như yêu cầu thẩm định về phòng cháy chữa cháy, chưa đủ điều kiện về an ninh trật tự cũng như chưa có giấy phép kinh doanh karaoke.

Rõ ràng, khi xảy ra chuyện lớn mới “lòi” các vấn đề về quản lý và thực thi pháp luật. Một quán karaoke hoành tráng, tọa lạc trên một con phố lớn chứ đâu phải là cái kim mà dễ dàng chui lọt qua lưới của các cơ quan quản lý như vậy? Sau vụ cháy quán karaoke trên phố Nguyễn Khang, người ta đã nhắc nhiều đến an toàn cháy nổ, phòng cháy chữa cháy tại các nhà hàng kinh doanh loại hình này nhưng dường như câu chuyện chỉ “nóng” lên sau mỗi đám cháy rồi sau đó lại “nguội lạnh” và chẳng được mấy người quan tâm. Chỉ có những gia đình, người thân của những người xấu số là sẽ mãi ám ảnh về cái chết của người thân họ.

 

Trở lại vụ cháy ngày 1/11, theo cơ quan chức năng, cơ sở kinh doanh karaoke 68 Trần Thái Tông chưa có giấy phép nhưng vẫn hoạt động. Vậy tại sao nhiều lần đến kiểm tra phát hiện sai phạm mà lực lượng chức năng không đình chỉ ngay hoạt động của quán mà để xảy ra tai họa khủng khiếp mới rà soát, kiểm điểm, lục vấn trách nhiệm?

Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại cách kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh nói chung của cơ quan quản lý với các cá nhân, doanh nghiệp. Bởi, có khi cán bộ đến kiểm tra không phải vì thực thi nhiệm vụ mà để vòi vĩnh, hạch sách doanh nghiệp. Cho nên, trong suy nghĩ của nhiều người, khi gặp mấy ông cán bộ đến kiểm tra thì “dúi” cái phong bì là lại hoạt động như thường.

Cứ sau mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng lại “giật mình”, lại ra quân kiểm tra toàn diện… nhưng nếu vẫn với cách làm xuê xoa, “chín bỏ làm mười” thì những vụ việc như vụ cháy tòa nhà ITC (TP HCM xảy ra từ năm 2002), hay mới đây nhất là vụ cháy quán karoke trên phố Trần Thái Tông sẽ không phải là chuyện khó gặp. Vụ cháy đã xảy ra, hậu quả đau lòng cũng đã hiện hữu, dư luận mong rằng pháp luật sẽ phân định và xử lý rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, cá nhân liên quan./.

Theo VOV.vn

 

CHIA SẺ
Bài viết trước“Lũ chồng lũ”, nhiều nơi ở Quảng Bình trở lại thảm cảnh bị cô lập
Bài kếTiếng „Bắt cô trói cột“ vang lên giữa không gian Berlin
Ông Phạm Mạnh Cường là cử nhân điện ảnh được đào tạo tại trường Điện ảnh Việt Nam và trường đại học Điện ảnh "Konrad Wolf“ Potsdam Babelsberg CHLB Đức. Hiện ông là Phó TBT báo điện tử tuoitreonline.de, Giám Đốc công ty MC- Multimedia Services (Công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện) tại Berlin CHLB Đức. Ông đã có thời gian công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê Hà nội, 3 năm làm việc cho các đài Truyền hình RTL. ZDF, ORB, ARD... 22 năm liên tục làm việc cho công ty Kinoton GmbH của Đức với chuyên môn: Kỹ sư Service, kiểm định chất lượng âm thanh, hình ảnh (Analog, Digital 3 D) cho Studio hòa âm, lồng tiếng, Grading và rạp chiếu phim trên toàn CHLB Đức và các nước châu Âu. Nhiều lần làm chuyên gia cho Vietnam Studios. 22 năm liên tục là kỹ sư Services cho các liên hoan phim nổi tiếng như Berlinale và Ost Europäische Film festspiele in Cotbus . Hiện ông cũng là cộng tác viên của VOV, VTC10 và BHD tại Việt Nam.